Đạo diễn Phan Đăng Di: Thư gửi người trẻ

Thứ Năm, 30/01/2020, 14:06
Lại một năm nữa sắp tới, năm nay là Tết thứ 4 tôi ở Sài Gòn, cả năm bận rộn với công việc thi thoảng tôi mới có dịp trở về thủ đô. Mỗi lần ra Hà Nội, tôi vẫn thường đi về cuối thành phố, nơi có trường đại học gắn liền với ước mơ và kỉ niệm thuở đầu đời.

Năm tôi 17, học hết cấp III ở Vinh, lần đầu tiên tôi rời xa nhà, ra Hà Nội thi đại học. Tôi là con một, cha mẹ tôi là nhà giáo, cả hai cho tôi quyền tự do của một "công dân độc lập" là tự chọn ngành học yêu thích. Từ nhỏ, tôi đã yêu thích môn nghệ thuật thứ 7, nhưng cả gia đình  không ai trong ngành nghệ thuật nên tôi tự mày mò tìm hiểu, và cuối cùng, tôi ấp ủ hi vọng trở thành sinh viên Khoa Đạo diễn - Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội.

Kì thi tuyển sinh năm ấy, tôi đỗ cả 4 trường đại học, và đương nhiên bằng tất cả tình yêu với điện ảnh, tôi quyết định trở thành một sinh viên của trường Nghệ thuật, lòng tôi đầy phấp phới về hình ảnh một đạo diễn trẻ trong tương lai.

Năm 1994, tôi trở thành sinh viên năm nhất của trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội. Khi còn là cậu học sinh cấp III, tôi thường mơ tưởng học ở một ngôi trường điện ảnh chắc hẳn sẽ lộng lẫy, tráng lê,å nhưng sự thực đó là một dãy nhà hai tầng mảng vôi vàng bong tróc, rêu phong cũ kĩ. Ngôi trường nằm giữa cánh đồng cỏ lau ngút ngàn và vào những ngày mưa, con đường lầy lội, trơn trượt không sao tả xiết. Lớp học cũng không thể khá hơn, phòng chiếu phim luôn trong tình trạng âm thanh với những tiếng rẹt rẹt nhiễu loạn, trắng xóa cả màn hình do băng đĩa không được bảo quản... Điện ảnh trong tôi lúc ấy quả là một nỗi thất vọng lớn. Nó không giống như những gì tôi hình dung, tưởng tượng khi còn là một cậu bé ở quê nhà.

Khi không thể xem được những bộ phim hay bằng đĩa ở phòng chiếu phim thì thư viện lại là nơi để tôi có thể nghiền ngẫm mải mê hàng giờ đồng hồ. Hồi đó, hàng tháng Đại sứ quán Pháp có tặng cho thư viện nhà trường một cuốn tạp chí điện ảnh. Nội dung của cuốn tạp chí là bình luận và phân tích hàng loạt bộ phim kinh điển bằng hình ảnh, và cả các bài dài phân tích. Tôi đọc say mê, ngốn ngấu. Tôi nhận ra rằng những gì mình đọc thật khác xa những cái mình đang được học.

Hết năm học thứ hai là kì thi chuyển giai đoạn phân loại vào hai lớp đạo diễn và quay phim. Đây quả là kì thi sinh tử. Nếu đỗ tôi tiếp tục học, nếu trượt tôi buộc phải dừng việc học. Những năm giữa thập niên 90 của thế kỉ trước là thời kì cực thịnh dòng phim truyền hình như: "12A và 4H"  Bùi Thạc Chuyên, "Mùa hoa cải bên sông" của Khải Hưng, " Hồi ức binh nhì",... Cả lớp tôi có 14 người mà lớp đạo diễn chỉ lấy có 5 người. Ai cũng muốn học lớp đạo diễn, tôi bị trượt ở kì thi này và buộc phải dừng việc học. Không đỗ vào lớp đạo diễn điện ảnh khiến cho tôi buồn một thời gian nhưng điều đó không ảnh hưởng đến sự quyết tâm của tôi. Tôi cũng giấu nhẹm chuyện này với gia đình vì sợ cha mẹ  buồn và lo lắng cho tương lai của tôi.

Tôi lặng lẽ gói ghém đồ đạc buộc vào chiếc xe đạp dọn ra khỏi khu kí túc xá. Những ánh mắt thương cảm của những sinh viên khác từ trên gác nhìn xuống. Anh bảo vệ khu kí túc xá hằng ngày bông đùa nhưng có lẽ thấy bộ dạng thất thểu của tôi, anh nhìn tôi ái ngại.! Hôm đó quả là một ngày buồn bã và tôi tự hỏi mình sẽ còn quay lại ngôi trường này không? Liệu có thể tiếp tục ước mơ hay từ bỏ? 

Tôi cùng với cậu bạn trượt kì thi chuyển gia đoạn nhưng không muốn về quê, vẫn mang hi vọng được học lại, thuê nhà không cách xa trường là bao. Để có cơ hội tiếp tục thực hiện ước mơ ấp ủ của thuở thiếu thời, tôi quyết tâm năm sau thi vào lớp biên kịch điện ảnh. Trong thời gian một năm này tôi lao vào việc tự học. Ban ngày tôi đều đặn lên thư viện nhà trường để đọc những cuốn tạp chí điện ảnh yêu thích, và mỗi tối đạp xe 8 cây số từ khu trọ đến CLB Điện ảnh Quân đội Fansland 84 Lý Thường Kiệt xem phim. Vào những năm đó, đây là nơi duy nhất chiếu những bộ phim kinh điển thế giới mà không hề bị kiểm duyệt. Tôi thường được xem bản full (đầy đủ) của các bộ phim hay và thật là tuyệt, điện ảnh quả là một giấc mơ kì bí, khiến cho tôi mê mẩn. Quãng đường ban đêm đạp xe từ phòng chiếu phim về nhà lắm lúc bị tuột xích, không làm tôi nao núng bởi lòng tôi phơi phới khi nghĩ đến những cảm xúc hay ho của bộ phim vừa xem mang lại.

Năm sau, tôi đỗ vào lớp biên kịch điện ảnh và học cùng với các bạn sinh viên trẻ khác. Năm 2000 kết thúc kì thi tốt nghiệp ra trường, tôi nộp kịch bản "Chơi vơi". Kịch bản mà đúng 10 năm sau, năm 2010, Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chọn để làm phim và công chiếu ở các rạp.

Tốt nghiệp đại học, thầy giáo dạy ở trong trường thấy tôi chưa có chỗ nào, bảo tôi về chỗ thầy làm vì ở đó đang thiếu người. Đang cần một công việc ổn định, nên ngay ngày hôm sau tôi liền đến chỗ thầy. Sau một năm thử việc tôi thi công chức và chính thức trở thành nhân viên phòng nghệ thuật, Cục Điện ảnh. Trong suốt 4 năm làm ở Cục Điện ảnh, tôi an phận làm anh công chức "mẫn cán" từ bỏ ước mơ được đi làm phim vì không có cơ hội.

Năm 2005, theo lời mời của quỹ Fone tôi vào giảng dạy cho lớp tìm hiểu điện ảnh - Trường Đại học Khoa học, Xã hội & Nhân văn với hai bộ môn Lịch sử điện ảnh và Biên kịch. Cũng tại đây, ước mơ làm phim sống dậy trong tôi. Năm đó, Quỹ có một cuộc thi dự án "Mồng 10 tháng 10 phim", chọn ra 3 kịch bản hay nhất đầu tư làm phim. Kịch bản của tôi là một trong ba kịch bản may mắn được chọn. Số tiền quỹ tài trợ 12.000 USA/phim. Vào thời điểm ấy, số tiền đó quả là một số tiền lớn. Tôi háo hức làm bộ phim ngắn "Tuổi hai mươi". Sau khi ra trường được 5 năm, đây là lần đầu tiên, tôi mới được làm phim. Hoàn thành xong bộ phim, tôi hồi hộp đón chờ nhận xét của khán giả và các nhà chuyên môn. Họ sẽ có cảm xúc như thế nào về bộ phim?... Những câu hỏi luôn đặt ra trong tôi. Nhưng, thật không may, tôi bị vỡ mộng. Bộ phim được công chiếu đúng một lần hôm duyệt rồi bị cất vào kho, không được nhắc đến một lời nào.

Số là năm 2005 thời điểm cả xã hội đang chú ý vào hai cuốn nhật kí của hai liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm với "Mãi mãi tuổi 20" và Nguyễn Văn Thạc... tôn vinh tuổi trẻ, còn bộ phim "Tuổi 20" của tôi, hội đồng duyệt đánh giá là có nhiều đoạn nói về tuổi trẻ đen tối quá. Sau chuyện ấy, tôi bị cú sốc lớn. Tôi bị sốc không phải vì phim của mình không được chiếu mà do lúc buồn  và "tủi thân", tôi ngồi một mình xem lại bộ phim, tôi thực sự bị sốc khi phát hiện thấy âm thanh phim của mình tệ quá. Tôi thất vọng ghê gớm, nghĩ mình đã được trao cơ hội nhưng lại làm một sản phẩm không thể hoàn hảo. Tôi nhận ra điện ảnh là khi các khâu phải đạt đến sự toàn mỹ thì sản phẩm mới đạt chất lượng. Vì vậy, tôi cũng quên luôn việc phim không được chiếu.

Đạo diễn Phan Đăng Di và các thành viên của lớp học “Gặp gỡ mùa thu”.

Sau dự án phim "Tuổi 20" tôi yên phận làm anh nhân viên công chức ở phòng nghệ thuật của Cục Điện ảnh, nhưng việc đấy cũng chỉ kéo dài thêm được một năm. Việc dạy học ở dự án Fone được tiếp xúc với các nhà làm phim quốc tế khiến tình yêu điện ảnh trong tôi lại trỗi dậy mạnh mẽ. Năm 2006 tôi quyết định nộp đơn xin thôi việc tại Cục Điện ảnh. Tôi nghĩ mình không thể vừa làm một anh quản lý nghệ thuật và một người nghệ sĩ làm phim...

Tôi vẫn tiếp tục dự án dạy học của quỹ Fone, cũng tại môi trường này tôi được gặp gỡ giao lưu với những tên tuổi lớn của điện ảnh trong đó có đạo diễn Trần Anh Hùng, và ông Kim  Ji-seok   người đã có công đưa điện ảnh Hàn Quốc vươn tầm ra thế giới, đồng thời ông cũng là giám đốc Hội chợ phim Busan. Đây là hai người có ảnh hưởng lớn đến tôi. Vào một ngày buồn bã, tôi mời ông  đi uống rượu và chẳng hiểu sao tự nhiên tôi lại cởi mở khi tâm sự rằng tôi có một kịch bản ấp ủ mãi nhưng không có kinh phí để làm phim. Việt Nam từ năm 2002 nhà nước đã mở cửa cho thành lập các hãng phim tư nhân. Chính thời gian này dòng phim thị trường đang chiếm lĩnh các rạp như: "Gái nhảy", "Trai nhảy", "Những cô gái chân dài"...Tôi biết với kịch bản "Bi, đừng sợ" các hãng phim tư nhân không bao giờ mạo hiểm bỏ tiền ra và tôi đã từng làm quản lý điện ảnh Nhà nước được 6 năm nên tôi càng thấm thía khâu duyệt kịch bản như thế nào. Với "Bi, đừng sợ" khó mà được nhà nước đầu tư tiền.

Tôi tâm sự với ông trong men rượu, có thể lúc ấy tôi nói rất thật lòng, rằng tôi rất mong chờ, rất hi vọng, rất tự tin về kịch bản của mình, nhưng tôi chẳng thể làm được gì cả. "Ông biết đấy, một bộ phim quay quá tốn kém, còn tôi thì chẳng thể làm gì khi không có tiền...". Ông Kim Ji- seok yên lặng ngồi nghe,  đột nhiên ông nhìn thẳng vào mặt tôi, cất giọng rành rọt nói: "Tại sao cậu không làm một dự án  để gửi tới LHP Pusan, cậu cũng nên đến đó để gặp các nhà đầu tư và các nhà điện ảnh quốc tế để xem như thế nào?". Sau đó là những buổi thuyết trình thành công ở một số các tổ chức hỗ trợ làm phim trên thế giới. "Bi, đừng sợ" là sản phẩm khiến cho tôi thấy được thoả mãn, sau bộ phim tôi muốn trọn đời theo điện ảnh.

Tôi nghĩ, mình có được thành công như ngày hôm nay là do may mắn gặp được những người tốt giúp đỡ, tạo điều kiện, để mình có cơ hội thể hiện khả năng. Tôi cũng muốn bằng kinh nghiệm của mình giúp ích cho các bạn trẻ đam mê làm phim. Năm 2013 tôi cùng người bạn Trần Thị Bích Ngọc thành lập dự án "Gặp gỡ mùa thu" với mục đích là nơi gặp gỡ của các nhà làm phim trẻ được học hỏi, nghe kinh nghiệm, truyền cảm hứng từ những người thầy, người cô. Lớp học là nơi cùng nhau chia sẻ về những dự án, những bộ phim, những câu chuyện của chính mình và hi vọng bộ phim được hình thành. Đây là cái nôi cho những dự án phim của các bạn trẻ được ra đời như: “Người vợ ba", "Ròm"....

Tôi nghĩ hành trình nào cũng có những gian khổ, thậm chí là những bước cản, nhưng nó không ngăn được nhiệt huyết của những nhà làm phim trẻ. Nếu bạn có ước mơ, niềm tin vào khả năng của chính mình, bạn sẽ vượt qua mọi sóng gió để đến vùng trời yêu thích.

Điều quan trọng là bạn hãy để ngọn lửa tình yêu luôn cháy trong mình, và đừng bao giờ đánh mất chúng vì bất cứ lí do gì. 

Trần Mỹ Hiền (Ghi theo lời kể của Phan Đăng Di)
.
.