Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn: 30 năm, 3 phim, 3 mùi vị

Thứ Năm, 20/11/2008, 13:30
Nguyễn Vinh Sơn, người anh cả của một đại gia đình điện ảnh, với gần chục đứa em và các con, cháu... làm đủ các thành phần, đủ thành lập một hãng phim. Cũng Nguyễn Vinh Sơn, với chu kỳ 10 năm một phim, nhưng mỗi phim đều là một nỗi ám ảnh, mỗi phim đều làm dậy lên hương vị của một miền đất.

Kỹ lưỡng, cực đoan, không bao giờ nhượng bộ trong phim ảnh, Nguyễn Vinh Sơn mang đến nhiều tiền lệ cho những người làm điện ảnh Việt Nam vốn hay quyết liệt trong chuyện cãi vã trên báo chí, nhưng lại rất dễ thỏa hiệp trong ý tưởng làm phim. Như Ozu, làm phim giống một cái đạo, không chiều lòng ai, chỉ chiều lòng chính cái đạo của mình, để tìm một đích đến, Nguyễn Vinh Sơn đã chọn con đường gian khó nhất. Để có được "Tuổi thơ dữ dội", có "Đất Phương Nam" và có "Trăng nơi đáy giếng". Và năm sau, có thể đó sẽ là "Tuổi 20 yêu dấu", một hương vị Hà Nội đặc biệt, bắt đầu từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Huy Thiệp...

1. Có một người đàn ông tóc bạc, cốt cách như một nhà khoa học, năm 2005 về Huế thuê một thửa đất rộng 2.000m2. Trên thửa đất ấy, ông tìm và phục dựng một nếp nhà đúng nếp của người Huế. Bờ rào là hàng chè tàu được xén tỉa gọn gàng. Trong khu vườn có chiếc ao nhỏ, trồng sen, có những cây cau mướt lá và những bụi chuối nõn xanh. Ông thuê một người chăm sóc ngôi nhà và thửa vườn. Không ai biết ông sẽ làm gì với căn nhà đẹp như trong truyện "Trăng nơi đáy giếng" của nhà văn Trần Thùy Mai. Hai năm sau, khi thửa đất ấy đã thành ngôi nhà liền lạc như biết bao mái nhà của người Huế thuần hậu, ông mới bắt đầu thực hiện công việc của mình. Đó chính là bối cảnh chính của "Trăng nơi đáy giếng". Và người đàn ông ấy sau này đã trở nên quá quen thuộc với người dân xứ này. Ông là người gốc Huế, yêu Huế và hiểu Huế như hiểu chính con người mình. Trên phần giới thiệu phim, người ta ghi tên ông là đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn.

Để có được "Trăng nơi đáy giếng", Nguyễn Vinh Sơn đã mất 5 năm. 5 năm cho việc đọc, ngấm, hiểu, viết kịch bản phân cảnh, đi chọn cảnh, chọn người, chọn cả những chi tiết mà khán giả bình thường cũng khó nhận ra. 5 năm đó là cả một quá trình đấu tranh với chính mình, đấu tranh với việc ta sẽ làm thế nào với bộ phim mà kinh phí hạn hẹp nhường vậy, mà câu chuyện lại cầu kỳ tinh tế nhường vậy. Rồi trả lại cho Hãng phim Giải phóng kịch bản vì kinh phí thấp. Rồi hì hụi làm hồ sơ xin tài trợ từ các quỹ văn hóa nước ngoài. Và mất gần một năm trời, lục tung thành phố Huế để tìm vai lớn vai bé cho đúng chuẩn là người Huế.

"Vì phim quay tiếng trực tiếp nên tôi cần các diễn viên phải nói giọng Huế. Tôi tìm hoài các diễn viên của hai đoàn nghệ thuật ở Huế, nhưng hầu hết là giọng Quảng Bình. Hóa ra người Huế ít cho con em đi theo nghiệp đàn ca. Người Huế kỹ tính lắm", anh nói. Nhưng tìm gần năm trời mà không ra nữ diễn viên chính. Và buộc lòng anh phải nhờ tới Hồng Ánh. Nhưng mời rồi vẫn giao hẹn, rằng từ khi ấy tới ngày bấm máy, nếu anh tìm được diễn viên nói giọng Huế chuẩn thì Hồng Ánh cũng đừng buồn. Anh muốn một bộ phim hoàn toàn chất Huế. Tất nhiên là không tìm được cô gái nào xứng đáng để thay Hồng Ánh, nên chị mới có một vai điện ảnh đáng giá trong bộ phim này. Nhiều người xem lại khen giọng Hồng Ánh nhẹ hơn, kéo cái nhịp phim nhẹ hơn một chút, bên dàn diễn viên toàn giọng Huế trầm nặng. Người nước ngoài xem thì chẳng biết. Khán giả Việt Nam thì thấy hay hay. Nhưng Vinh Sơn thì tiếc. Tiếc cho mình, tiếc cho phim và tiếc cho Huế. Vì đã không tìm được cô gái ấy, mà không thể lồng giọng Huế cho Hồng Ánh khi quay đồng bộ và tiếng được thu trực tiếp.

Có thể coi Vinh Sơn là một người cầu toàn. Và cầu kỳ nữa. Nhưng đó là con đường mà anh đã chọn. Bởi mất hai năm để tạo ra một không gian thuần chất Huế, thì anh cũng có quyền cầu kỳ trong việc chọn một giọng Huế cho phim của mình.

Tìm được "trăng" ở "đáy giếng" quả là một con đường vất vả. Bộ phim quay xong, dựng xong, đã thừa ra tới 15 phút so với tiêu chuẩn phát hành của hệ thống rạp châu Âu. Đơn vị tài trợ yêu cầu anh cắt bớt. Nhưng xem đi xem lại hoài mà không biết phải cắt đoạn nào. Anh gửi bản DVD cho đối tác xem phim và rồi chính câu chuyện phim đã khuyên phía đối tác không nên cắt, bởi cắt một phân cảnh là cắt mất sự liền lạc trong mạch phim. Còn tại Hội đồng duyệt phim quốc gia, đã có ý kiến cho rằng, tiết tấu bộ phim quá chậm. Nhưng bộ phim đã không phải chỉnh sửa lại.

Vinh Sơn nói, tiết tấu phim chậm thật. Nhưng nó là cái nhịp điệu của người Huế. Một Huế rất hiện đại nhưng cũng rất thâm trầm, dịu dàng, từ tốn. Anh không nhuộm màu cho Huế, mà tự nó phả ra một mùi vị riêng biệt, dù anh đã cố gắng tiết chế trong từng góc máy, từng khuôn hình. "Trăng nơi đáy giếng" có thể sẽ không hút người xem, như rất nhiều người từng tiên liệu. Và Nguyễn Vinh Sơn không lấy đó làm buồn. Bởi anh đã chọn cái "đạo" của mình.

2.Phong cách của "Trăng nơi đáy giếng" mang hơi hướng phong cách làm phim của đạo diễn gạo cội Nhật Bản Yasujizo Ozu. Vinh Sơn nói, trong hồ sơ xin tài trợ, anh có nói, nếu làm phim anh sẽ làm theo phong cách của Ozu. Và nhà tài trợ đồng ý cũng một phần nhờ điều ấy. Và quả thực, phong cách chậm rãi, bối cảnh hẹp, phim xoay quanh cách ứng xử của những con người trong một ngôi nhà. Có thể gọi là sự "lừ đừ", bức bối, khó chịu. Nó là sự không thoả mãn trong tâm lý người xem, không đi theo những logic thông thường. Có lẽ, đó là sự ngược lại công thức làm phim bom tấn của Hollywood. Nhưng nó là một cách để găm vào tâm trí người xem nhiều dư vị nhất. Ozu đã làm như thế và Vinh Sơn đã âm thầm đi theo con đường này.

3. Thực chất, Nguyễn Vinh Sơn mới làm hai phim nhựa, "Đất Phương Nam" là bộ phim truyền hình dài tập, và anh còn một bộ phim nhựa dở dang trong quá khứ mà anh không làm lại được. Hai bộ phim nhựa anh làm (Tuổi thơ dữ dội và Trăng nơi đáy giếng) đều về mảnh đất của anh: Huế. Huế trong "Tuổi thơ dữ dội" của Phùng Quán là một Huế nhiều biến động với những biến cố của lịch sử. Còn Huế của "Trăng nơi đáy giếng" là một Huế của ngày hòa bình, với những số phận chậm rãi nhưng không bình thản, nhiều nếp gấp ẩn sau sự phẳng lặng bình thường. Là Huế nhưng ở hai thời đoạn khác nhau, cảm giác Huế cũng khác nhau, cái vị tình cũng khác nhau. Còn "Đất Phương Nam" như một bản tráng ca về đất và người Nam Bộ, mạch lạc, nghĩa tình.

Đồng đất Nam Bộ trong phim Vinh Sơn như một vạt rạ chiều, buồn da diết đến cay lòng mắt. Một bộ phim gói được cả nghĩa tình, cả khí thế quật cường và cả biết bao phong tục, lối sống của người Nam Bộ. "Đất Phương Nam" có nhiều trường đoạn đậm chất điện ảnh và có thể coi đó là một trong những bộ phim truyền hình nhiều tập thành công nhất của Hãng TFS. Tôi hỏi anh có dự định làm tiếp một bộ phim nữa không? Anh nói anh đang ấp ủ làm một bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết "Tuổi hai mươi yêu dấu" của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Cách nay 20 năm, anh đã đi xục xạo khắp Hà Nội, chọn cảnh để bấm máy cho một bộ phim do nước ngoài đầu tư, chuyển thể từ truyện ngắn nổi tiếng. Nhưng bộ phim đã phải dừng lại vì nhiều lý do. Đến giờ, anh đã đi qua miền Nam, đã yêu Huế tới... hai bộ phim, anh muốn trở lại với Hà Nội bằng "Tuổi hai mươi yêu dấu". Vinh Sơn nói, có thể tiểu thuyết không được như bạn đọc mong đợi. Nhưng đây sẽ là một bộ phim hay. Bởi quá trình sống của nhân vật Khuê chính là quá trình để người xem nhìn rõ đời sống Hà Nội thời hiện tại. Một Hà Nội chân thực. Và tất nhiên, Vinh Sơn sẽ đi tìm cho mình một "vị" riêng của Hà Nội, như cách anh vẫn tìm kiếm trong những bộ phim của mình.

4. Vinh Sơn hẹn tôi ở cổng Hãng phim Giải Phóng, đường Lý Chính Thắng ngày nắng bụi tràn mà ngày mưa thì đi hun hút như trôi khỏi thành phố. Vinh Sơn rất đúng hẹn. Chúng tôi ngồi trên những chiếc ghế xếp ngoài vỉa hè của quán cà phê cóc. Anh thích uống Coca Cola. Và hút thuốc.

Nói chuyện từ tốn, giản dị. Anh nói anh không giàu, chẳng có nhà làm phim nào giàu cả. Anh cũng làm nhiều việc, để sống và yêu nghề. Em trai anh, nhà quay phim Trinh Hoan, người được anh thay ba mẹ lo cho ăn học và trở thành một trong những nhà quay phim hàng đầu của TP Hồ Chí Minh giờ đã có hãng phim riêng. Mà anh gọi đó là hãng phim gia đình. Dường như cả gia đình anh sau thời gian đi làm cho các đơn vị điện ảnh đã quần tụ về, cùng nhau hợp sức làm một hãng phim tư nhân năng động. Con gái lớn của Vinh Sơn đang du học tại Mỹ, và anh đang hướng con vào ngành kinh doanh phim. Còn cậu con trai thứ hai đang học quay phim của Trường Điện ảnh TP Hồ Chí Minh. Họ đã sống được bằng điện ảnh và đủ tiền để nuôi nấng tình yêu ấy không lụi tắt.

Vinh Sơn có niềm vui bất tận về những bộ phim anh từng xem, từng trải nghiệm. Anh có nhiều mối quen để tìm cho anh những bộ phim hay, mỗi khi tìm được bộ phim mới của những nền điện ảnh độc lập, anh lại mang về và hỉ hả gọi bạn bè đến uống rượu quý và xem phim quý. Thời gian đầu anh có máy tính và nối mạng Internet, Vinh Sơn lục tìm trên các trang web điện ảnh và down phim về xem. Và ổ cứng máy tính của anh lúc nào cũng nhóc nhách những bộ phim mới tải về. Và mỗi khi nó báo đã quá đầy, anh lại gọi bạn bè thân tới xem lần cuối trước khi anh xóa chúng.

Có lẽ trong căn nhà chung cư sau Hãng phim Giải Phóng, Vinh Sơn không có tài sản nào quý giá bằng những bộ sưu tập phim. Anh không sưu tập phim để chơi mà để nghiên cứu và làm việc. Vinh Sơn có lẽ là một trong những nhà làm phim chịu khó xem phim nhất và ít nói về phim của mình nhất.

5. Tôi đã có ý nghĩ sẽ gác bỏ mọi công việc kiếm sống để theo đuổi niềm đam mê của mình sau khi trò chuyện với Vinh Sơn trở về. Anh, bằng những câu chuyện phim ảnh, và trên hết bằng chính cuộc đời làm nghệ thuật không chiều lòng ai của mình, đã khiến người khác tin rằng, nếu chúng ta hết lòng với niềm đam mê của mình, chúng ta sẽ tìm được lối đi rất hẹp và không có khó khăn nào làm chúng ta lãng quên.

Điện ảnh đã không còn là câu chuyện kinh doanh chật hẹp, mà nó là một thứ đạo mà chúng ta theo đuổi. Như khi chúng ta đã tập thiền và nhập được vào thế giới huyền bí và tĩnh tại ấy, mọi lo âu dồn dập của đời sống đã gần như vơi tan, chỉ còn lại sự hướng thượng.

Tôi không hàm hồ cho rằng Vinh Sơn đã làm nên những kiệt tác. Nhưng xem những bộ phim của anh, tôi đều nhận lấy về mình những điều lấp lánh, trong ngôn ngữ thể hiện, trong màu sắc, trong những triết lý nhân sinh. Vinh Sơn đã không chiều lòng một đám đông nào. Nhưng phim của anh cũng không chối bỏ bất cứ ai. Miễn là họ thật lòng yêu mến chúng...

Toàn Nguyễn
.
.