Đạo diễn, NSƯT Anh Tú: Chàng kỵ sĩ trên thánh đường
Từ lâu lắm, cứ mỗi lần thấy anh là như thấy người giảng đạo. Chẳng phải quần áo thầy tu, hay thầy chùa gì đâu nhưng anh truyền lửa cho người đối diện niềm đam mê vô bờ với tên gọi: sân khấu thánh đường. Mỗi lần nói đến sân khấu thì mặt tươi, mắt sáng, miệng cười, đôi khi lại nhíu mày suy tư, rồi lại hồ hởi, ào ạt. Vòng tròn cảm xúc lung linh đầy sắc màu biến hóa đa dạng của chàng trai lãng tử hào hoa đất Hà thành. Nghiệp diễn ngấm vào máu từ thuở còn ấu thơ, tố chất hừng hực đầy say mê từ thuở còn là cậu học sinh ở lứa tuổi trăng tròn đến nay vẫn sôi sục một tình yêu sâu đậm, khắc cốt ghi tâm với sân khấu. Đó chính là đạo diễn, NSƯT Anh Tú-Phó giám đốc Nghệ thuật Nhà hát kịch Việt Nam.
Mặc kệ thời gian, mặc kệ dòng đời trôi nổi ngược xuôi với những cú va đập liên hồi, mặc kệ bao thị phi bon chen nghề nghiệp, mặc kệ cả miếng cơm manh áo chật vật của đời sống… tất cả những khó khăn, cơ cực không làm cho anh nản chí với tình yêu nghề mà Tổ nghề ưu đãi. Sẵn có thực lực, lại lòng đam mê nhiệt huyệt, máu trong con người anh lúc nào cũng như núi lửa chỉ trực sôi sục phun trào, lại là người hấp thụ tinh hoa của các bậc tiền bối đi trước, chả trách bây giờ trong tay anh là cả một gia tài vai diễn có một không hai. Những vai diễn mà bất cứ diễn viên nào cũng đầy thèm khát, ham muốn có được đều rơi vào tay anh. Cũng bởi tài năng, bởi phong cách đẳng cấp riêng, bất di bất dịch đóng mác Anh Tú, nên được các đạo diễn chọn mặt gửi vàng.
Và, may mắn, anh không làm mếch lòng người hâm mộ. Nào Trần Cảnh trong Rừng Trúc của Nguyễn Đình Thi. Nào Macbet trong vở kịch cùng tên của Shakespeare. Nào Tể tướng trong vở Âm mưu và tình yêu của Sile…, nào Vũ Như Tô trong vở kịch cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, và hàng trăm vai diễn ấn tượng khác. Ở vai diễn nào của anh cũng có xung đột nội tâm, giằng xé mâu thuẫn dữ dội. Những vai diễn ấy được ví như một con sông sâu không thấy đáy của tầng tầng cảm xúc, nếu là rừng thì đấy quả là những ngọn núi trùng trùng, điệp điệp ý nghĩ và ý nghĩa của những nhân vật lịch sử anh hùng thời đại, nếu là mây thì nó bồng bềnh biến ảo, kì diệu khôn lường.
Thế đấy, người ta nhớ đến anh bởi các vai diễn đã ăn sâu, nằm lòng trong công chúng, mà không chỉ ở địa hạt sân khấu, ngay ở trên phim trường điện ảnh, anh cũng có đóng góp không nhỏ. Lối diễn chân thật và dung dị cuốn hút người xem từ cái thời cách đây đã hơn 20 năm về trước. Khi ấy phim truyền hình là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhiều gia đình, anh điềm nhiên bước vào màn ảnh với cách thể hiện hào hoa trong các vai diễn gây nhiều thiện cảm, anh được đông đảo công chúng yêu mến là vì thế.
Thời gian thấm thoắt trôi, mới đấy, quay đầu nhìn lại giờ đã gần 4 thập kỉ anh gắn bó với nghệ thuật, với ánh đèn sân khấu, với chuyến đi phim trường. Sinh năm 1962, Nhâm Dần, ra nhập đội ngũ dàn diễn viên thế hệ đầu tiên của Nhà hát Tuổi Trẻ, cùng với các bạn diễn mà nay ai cũng đã thành danh, nhữäng Lê Khanh, Lan Hương, Chí Trung, Ngọc Huyền, Minh Hằng, Đức Hải… Giờ mỗi người có chỗ đứng riêng, sân chơi riêng. Và anh, một Anh Tú khi xưa sau những thăng trầm của đời sống sân khấu và đời sống xã hội đã tạo lập vị thế là đạo diễn có tiếng, một nhà quản lý với chức Phó giám đốc Nghệ thuật Nhà hát kịch Việt Nam. Xem ra, sau cơn mưa trời lại sáng, và nó cũng là một cái kết có hậu cả cho anh và cho Nhà hát kịch Việt Nam.
Còn nhớ cách đây 5 năm, trước lúc đó khỏi phải nói Nhà hát kịch Việt Nam bê bối đến thế nào. Người ta bảo động vào đấy là động vào tổ kiến lửa, nơi đầy rẫy các thị phi, đơn từ kiện cáo thư gửi… Còn thời điểm đấy anh là Trưởng đoàn kịch I, Nhà hát Tuổi Trẻ, anh ôm tâm trạng đầy bất ổn, nó tựa như cơn giông và man mác buồn với tâm sự sâu kín: Tre đã già, măng mọc nhưng chưa có chỗ để phát triển. Đạo diễn, NSND Lê Hùng ôm đồm một lúc làm lãnh đạo hai nhà hát, Nhà hát Tuổi Trẻ và Nhà hát kịch Việt Nam. Ông cũng khỏe sức và dẻo dai nên đánh đông dẹp bắc, đạo diễn hàng loạt các vở diễn. Đất chật, người đông, kẻ thắng thế, hò reo, cờ quạt, đi khắp nơi nơi thi thố, người ở ẩn chỉ lủi thủi trong giang san với địa hạt nhỏ hẹp.
Đến khi NSND Lê Hùng về hưu sau những ồn ào thị phi thì nhà hát hai bên dần đi vào ổn định. Cả dàn diễn viên ngày đó cũng lục tục chức sắc ở lứa tuổi 50. NSƯT Chí Trung lên Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ. NSND Lê Khanh lên Phó giám đốc nhà hát Tuổi Trẻ. Còn riêng Anh Tú được lãnh đạo điều động đến một chỗ mới toanh, làm Phó giám đốc nghệ thuật Nhà hát kịch Việt Nam. Thế là sau hơn 30 năm gắn bó với Nhà hát Tuổi Trẻ bao kỉ niệm, khắc khoải nhớ nhung. Sang chỗ mới ư?! Vừa phấn chấn, khấp khởi, lại hồi hộp, nhưng chí nam nhi tang bồng mây gió, đầu đội trời chân đạp đất có hề chi. Anh quyết chí lên đường.
Từ ngày anh sang chỗ mới, lịch diễn của nhà hát này được cải thiện dày đặc hơn. Giờ thì Anh Tú không còn cái dáng vẻ thư sinh nhưng lại có dáng vẻ phong trần của một đạo diễn. Những lúc bận, cả ngày anh đóng đinh ở nhà hát, quần quật từ sáng cho tới tối khuya. Tôi bước vào phòng anh, căn phòng nhỏ vừa đủ rộng để làm nơi riêng tư làm việc, nghỉ ngơi và để kí các giấy tờ quan trọng. Trên bàn một lọ kẹo lạc, anh mời ăn. Anh nói: Anh nhiều bệnh lắm, lục phủ ngũ tạng đủ các loại bệnh, mà bệnh nào cũng nặng như nhau cả, mỡ trong máu, tiểu đường, dạ dày, viêm gan…
Ngày nào cũng như ngày nào, cố định một vốc thuốc vào người. Vậy nhưng con người này phải có nội lực phi thường để dẹp bỏ tất cả các vấn đề về sức khỏe, anh cứ hùng hục như trâu cày, cặm cụi cho ra những thửa ruộng ưng ý nhất. Sang Nhà hát kịch Việt Nam, địa bàn mới toanh, anh hồ hởi đạo diễn vở Tai biến, Lâu đài cát, Trong mưa giông thấy nắng… Anh khuấy động lòng say mê nghề của thế hệ diễn viên trẻ, phả vào trong họ một suối nguồn huyết mạch của Tổ nghề trao anh.
NSƯT Anh Tú - đạo diễn tài năng của Nhà hát kịch Việt Nam. |
Có một điều không thể phủ nhận, anh rất mát tay, nếu diễn viên nào có chút năng lực, may mắn qua tay anh, được anh chăm chút đào tạo thì kiểu gì cũng sẽ thành “sao”. Ngày còn là Trưởng Đoàn kịch I Nhà hát Tuổi Trẻ, anh ra sức dìu dắt lứa Quách Thu Phương, Mai Huê, Kim Oanh, Như Lai… Lứa diễn viên ấy cách đây cũng đã mười mấy năm có lẻ, mỗi kì Hội diễn Liên hoan Sân khấu trẻ, anh kì công uốn nắn, dàn dựng rồi kéo học trò của mình thi thố, ai cũng có giải thưởng cao. Nhiều người vẫn kiêng dè cách đạo diễn thị phạm của anh, vốn có con mắt xanh ngắm là trúng. Thế rồi đám học trò ấy như những con chim non đủ lông đủ cánh rời tổ bay đi, mỗi đứa mỗi phương. Chúng bỏ nghề diễn đi kiếm ăn ở nơi khác, hoặc chỉ nhìn nhận nghề này như làm để thêm thắt gia vị cho cuộc sống. Âu cũng tại làm diễn viên nổi tiếng thì là “sao” thực đấy, lấp lánh hào quang, nhưng kì thực đời sống vất vả mưu sinh, nghèo vẫn hoàn nghèo, “đói rách”, khó khăn. Mấy ai trụ lại với nghề?!!! Anh lại đào tạo, chăm chút lứa diễn viên trẻ khác. Nhiều bạn nghề, đồng nghiệp rỉ tai, nếu là diễn viên có thực tài, lại được đạo diễn Anh Tú “ân sủng” kiểu gì cũng sẽ thành “sao”. Anh sẽ mang hết bầu nhiệt huyết của mình như cái lò bát quát nhốt Ngộ Không để phả vào học trò của mình, rồi bằng cách này hay cách khác, tỉ mẩn gọt rũa, cho ra một lứa diễn viên chất lượng khá hoàn hảo.
Người như anh cũng biết bao tâm sự. Là con cả trong gia đình ba anh em trai, hai cậu em đều đã lấy vợ sinh con đề huề, anh ngoài 40 tuổi mới lấy vợ, rồi hai vợ chồng cũng mãi mới có con. Con anh giờ 9 tuổi, đang còn ở lứa tuổi ô mai, nhi đồng. Giờ nhìn lại chặng đường đã đi qua, đúng là sau cơn mưa trời lại sáng. Đã có lúc, anh định bỏ nghề, nhưng rồi như cái nghiệp, càng muốn rời xa lại càng lưu luyến không nỡ rời. Muốn chân bước mau nhưng một sợi dây vô hình thít chặt thêm. Thời giữa thập niên 90 của thế kỉ trước, anh mở nhà hàng định bụng từ giờ sẽ kinh doanh, nào ngờ cái khí chất của anh là khí chất lãng đãng du ca của một nghệ sĩ không phù hợp với đầu óc thực tế của nhà quản lý kinh tế, thế rồi nhà hàng đổ bể, nợ nần khốn đốn. Mẹ anh đã già lại phải cùng anh gánh vác trả nợ cho con. Bài học kinh nghiệm xương máu ấy khiến anh từ bỏ ý định kinh doanh để chuyên tâm vào nghiệp Tổ.
Cả từ hơn chục năm trước, khi đang là gương mặt diễn viên được ưa thích và bước vào địa hạt đạo diễn, anh may mắn được Tổ nghề ưu đãi. Ngày anh dựng Kiều Loan, hôm tổng duyệt vở, nhà thơ Hoàng Cầm ngồi trên xe lăn, nước mắt nhỏ dài trên má vì xúc động với bản viết của mình qua bàn tay nhào nặn ma thuật của Anh Tú đã làm sáng rực thánh đường sân khấu hôm ấy. Anh dựng nhiều vở tâm lý xã hội, nhưng có một lần nghe từ chính anh nói: “Kịch nào cứ lãng mạn là thích”. Câu nói của anh ám ảnh đến độ tôi nghĩ, lãng mạn là nguyên do của nguồn cơn: Người ta sống đẹp, sống hay, thăng hoa hay thành công cũng đều ở sự lãng mạn mà ra. Lãng mạn khiến cỏ cây xanh mướt mát và cả vườn hoa rực rỡ sắc hồng. Lãng mạn khiến cho sỏi đá cũng trở nên bồng bềnh, thi vị. Cuộc sống sinh sôi không thể thiếu đi sự lãng mạn. Ở các vở do anh đạo diễn vẫn thấy ở đó một tình yêu, một niềm tin, một hi vọng, một sự lấp lánh dịu dàng khiến người ta cứ muốn sống để tận hưởng dư vị ngọt ngào. Ngay cả khi, cho dù đường đời có gập ghềnh, đầy chông gai, trắc trở, vẫn le lói nhựa sống như ánh sáng ban mai, như tên một vở kịch mới nhất của anh: Trong mưa dông thấy nắng