Đạo diễn Bằng Thái – NSND Hồng Vân: Chuyện nghề không dứt
Có lẽ không cần phải nói thì những người yêu sân khấu và khán giả cả nước đã quá quen thuộc và yêu quý Hồng Vân cùng kịch Phú Nhuận. Một lộ trình của họ không dài và thời gian thì cũng không lâu nhưng cũng đã đủ làm nên một thương hiệu để lại một ấn tượng tốt đẹp. Đó là năm 2009, Liên hoan Kịch toàn quốc tổ chức tại TP HCM thì Hồng Vân và các bạn đồng nghiệp của mình đã gặt hái, đã lập một “kỳ tích” khi “rinh” về những Huy chương vàng bạc và giải thưởng cao nhất của hội diễn. Lần đó, khi dự bữa cơm thân mật giữa Đoàn kịch Quảng Ninh tại chính nhà hàng thơ mộng bên sông Sài Gòn với Hồng Vân và gia đình, tôi đã hỏi về bí quyết thành công của Vân. Vân đăm chiêu một lát và nhìn thẳng vào tôi nói: “Thành công ư anh? Chính chúng em học anh ở ngòai Bắc đó”.
Tôi giật mình: “Học bọn anh?”. Vân cúi đầu đỏ mặt: “Trai Bắc gớm lắm. Làm được rồi mà còn khiêm tốn giả bộ. Này, em là con gái Bắc Ninh đấy, đừng nạt em”. Nói xong, Vân say sưa kể bằng giọng Bắc về những điều “học được” các anh nghệ sĩ, “sỹ phu Bắc hà”: “Em nhớ lại, tụi em lúc ấy còn rất trẻ. Một số người mới vào nghề, một số mới ra trường đó là Hồng Vân, Thành Lộc, Việt Anh, Kim Chi, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Cát Phượng… Chúng em mê mải và hớp hồn khi xem cuộc “đổ bộ” của kịch miền Bắc, đó là các vở: Tôi và chúng ta, Nhân danh công lý, Đôi mắt, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Người không thể chết, Dòng sông ám ảnh, Mùa hè ở biển, Người đàn bà uống rượu và một số kịch bản nước ngoài… Có thể nói sân khấu Sài Gòn thật sự rung chuyển bởi tính nhân văn, tính hàn lâm, tính hoành tráng của các anh sân khấu phía Bắc. Chúng em tự hỏi: “Liệu chúng mình có làm được như thế không?”. Và thế là gần 20 năm chúng em lặng lẽ âm thầm chuẩn bị để vừa học hỏi vừa sáng tạo. Và đón thầy Giang (NSND Doãn Hoàng Giang) để 2009 chúng em có câu trả lời.
Tôi tròn mắt: “Chà chà, 20 năm trời (không hiểu sao tôi lại cất giọng anh hai Sài Gòn).
Vân rơm rớm: “Đúng thế”. Tôi tiếp: Thảo nào Nỏ thần và Người tình của mẹ cùng nhiều vở khác phía
Vân ngạc nhiên: “Chúng em có điều gì đâu mà các anh học”.
Tôi trả lời: Có đấy, trước mắt là học cái “xã hội hóa” của bọn em, học sự năng động chuyển mình, học cách lôi kéo khán giả về phía mình.
Sân khấu 2 miền có khác nhau đấy. Phía Bắc đa phần là công lập tức là dựa vào “hầu bao” của nhà nước. Diễn hay, diễn dở, có khách hay không có khách, mưa hay nắng không phải lo lắng vì đã có nhà nước bao cấp. Trong khi đó ở TP HCM các em đã dần dần “xã hội hóa”. Diễn phải thật hay, khách phải thật đông, mưa cũng diễn, nắng cũng diễn, diễn ban đêm chưa đủ thì diễn ban ngày, có ngày 3-4 suất, anh em no đủ, thậm chí là dư dả, làm được nhà, mua được ô tô, gặp ai cũng thấy tươi hơn hớn, tay bắt mặt mừng rủ nhau đi “xả láng”, chỉ ngong ngóng có bạn đến chơi rồi “phú quý sinh lễ nghĩa”: Làm từ thiện, gây quỹ về người nghèo, chất độc da cam, chăm sóc các nghệ sĩ có tuổi, có nghĩa trang cho nghệ sĩ khi khuất bóng… Thế thì quá hay còn gì?”.
Tôi hỏi tiếp Vân: “Anh ước ao sân khấu phía Bắc học các em sự năng động, ngược lại cũng muốn các em càng ngày càng có những vở diễn kinh điển. Liệu có thể có một mẫu số chung cho 2 miền được không? Đó là hướng tới chân thiện mỹ, hướng tới tính nhân văn sâu sắc và cao cả? Hồng Vân trả lời: “Được chứ anh nhưng phải kiên trì anh ạ, hai miền sẽ bổ sung cho nhau những điều hay, những bài học quý nhưng theo riêng em gì thì gì phải nghĩ tới tính giải trí cho khán giả vì khán giả là thượng đế cơ mà? Sau 1 ngày lao động cật lực đầy vất vả và lo toan, tối khán giả đến sân khấu, đến với thánh đường, ngoài chuyện học hỏi, cảm nhận thì cũng còn phải có cái để thư giãn chứ?”. Tôi gật đầu. Vân nói tiếp: “Sở trường của Vân là hài, vì thế sân khấu Phú Nhuận của Vân diễn hài rất giỏi thế nhưng những khi cần chuyển sang bi kịch (vở Mẹ và Người tình) thì Vân và anh em lại một lần “lột xác”.
Tôi cắt lời: “Con người ta có hai cảm xúc “buồn và vui” tức là “cười và khóc. Làm sao cho khán giả cười rồi khán giả khóc”. Đó là câu hỏi không phải ai cũng giải đáp nổi”.
Vân bảo: “Còn một cảm xúc nữa. Đố anh biết?”. Tôi trả lời tỉnh queo: “Tức là hồi hộp, tò mò, sờ sợ, đúng không?”.
Vân cười lớn: “Anh nói đúng”.
Tôi bảo: “Em đang làm chứ gì?”.
Tôi hỏi: “Đó là kịch kinh dị?”.
Vân: “Sợ anh rồi đấy”.
Tôi nói: “Xem một số kịch kinh dị của kịch Phú Nhuận, Thái biết và rất thích điều đó”.
Cuộc trò chuyện năm 2009 cứ thế kéo dài và tôi nhớ như in.
Hôm nay ta bàn một chút về vở Làm đĩ.
Chỉ cần nói một câu thôi: đạo diễn Hồng Vân hiểu cụ, hiểu tác giả Chu Thơm, hiểu diễn viên, hiểu khán giả nên đã giữ chân được người xem 3 tiếng đồng hồ. Bằng Thái khi đi xem vở này đã chuẩn bị một tâm thế về sức khỏe về tinh thần để “chịu trận” 180 phút nên đã mang đồ ăn nước uống và một viên sâm Cao Ly vào khán phòng. Nhưng may quá mọi thứ vẫn còn nguyên, vì mải xem cho đến lúc bước lên tặng hoa.
Ảnh trong bài: Cảnh trong vở kịch Làm đĩ. |
Theo Thái nghĩ: Kịch có hay bằng “giời” đạo diễn có giỏi đến đâu mà không có diễn viên giỏi thì cũng như không! Vở diễn này làm được điều thứ ba: Đó là diễn viên.
Chỉ cần xem trong bản phân vai đã thấy Hồng Vân tung ra những diễn viên gạo cội.
Và một lực lượng diễn viên trẻ.
Chị Kim Chi trong vai Đào Xuân tạo một dấu ấn riêng biệt. Ngoài vẻ đẹp của Á khôi là một lối diễn tinh tế, là môt sự từng trải trong nghề nghiệp. Kim Chi thuyết phục người xem từ đầu cho đến khi kết thúc vở diễn. Đúng là một Đào Xuân làm “nghiêng nước nghiêng thành” các ngài tham, ngài phán. Tôi trộm nghĩ thế là còn ít đấy giá cụ Phụng “bạo tay” hơn nữa để viết đến các bậc công quyền trong cung trong phủ thì có lẽ cũng bị Đào Xuân cho vào “mê hồn trận”. Sắc đẹp của Kim Chi là một điều hiếm quý không phải chỉ cho kịch Phú Nhuận! Có lẽ Hồng Vân hãnh diện khi có trong tay mình một con chim mồi, một con vàng anh để có thể hót, để có thể nhảy múa để cho người khán giả chiêm ngưỡng và thán phục.
Nhân vật thứ hai là vai Huyền do Thanh Vân đóng cô con gái “lá ngọc cành vàng” của cụ Phán. Tôi cho biết nhiều về cô nghệ sĩ trẻ này, nhưng chỉ cần vai Huyền thôi, tôi đảm bảo cô ấy sẽ có một chỗ đứng sang trọng trong làng sân khấu. Ở những lớp diễn không lời chỉ bằng những giọt nước mắt, ánh mắt nhìn, những ngón tay run rẩy và cơ mặt biểu cảm (tôi ngồi hàng ghế đầu tiên nên quan sát rất rõ). Khi những giọt nước mắt ấy lăn xuống, (và cả nước mũi nữa) tôi chạnh nghĩ hình như mình đã bắt gặp những ngôi sao Hollywood và cả Củng Lợi, Chương Tử Di đã từng thể hiện như thế rất thật và rất người. Có câu: “Nước mắt dễ làm cho con người mủi lòng” cũng không sai đâu. Nhưng những giọt nước mắt của vai Huyền lại là những giọt nước mắt thánh thiện, nó có sự tẩy rửa, thanh lọc chân thật. Nếu được phép nếm những giọt nước mắt ấy tôi nghĩ nó sẽ có sự mặn chát của biển cả, đó là những giọt nước mắt được chắt ra từ con tim, từ gan ruột, từ tâm hồn đến thể xác để tạo ra những giọt nước mắt “vàng”.
Nhân vật thứ ba là Xuân Trang trong vai Tham Kim người mà tôi lên tặng hoa trong đêm diễn. Trước khi xem anh ta đóng vở này tôi có dịp xem anh thể hiện trong một seri phim truyền hình gần đây cũng của nhà hát kịch Phú Nhuận. Hôm nay khi xem Xuân Trang đóng, tôi thầm nghĩ “đã có người nối tiếp rồi đây” ít tuổi thôi, mà diễn rất kinh nghiệm, diễn tưng tửng, diễn mà như không diễn những khi vào những lớp kết bạo liệt thì “thôi rồi”. Từ tiếng nói sân khấu đến thể hình, và tâm trạng thật dữ dội. Lớp diễn này tôi liên tưởng tới bộ phim của Nga Othelo mấy chục năm trước chàng nghệ sĩ của Nga với một lớp độc thoại và cảnh bóp cổ Desdemona làm tôi bị ám ảnh và đeo đẳng mãi. Vai Tham Kim ở cảnh kết cũng tương tự.
Với ba vai diễn này nếu ban giám khảo không cho họ Huy chương vàng thì tôi và khán giả sẽ trao cho họ.
Các anh chị em diễn viên khác trong các vai Sen, Bùn, ông Phán, bà Phán, Tân, U bếp, Choắt tài xế… Họ là những “bè trầm” trong một bản giao hưởng để cho các nhân vật chính vút cao.
Trong nghề diễn, nhất là khi đi thi, đôi lúc phải tính đến chuyện may rủi, xui hên. Có khi đúng đến lúc hội diễn mình lại không có vai hoặc vai phụ hoặc giả hôm đó mất giọng khan tiếng, bệnh ốm… nhưng theo tôi nghĩ đẳng cấp của diễn viên là mãi mãi, còn phong độ thi đấu là nhất thời (hình như câu này trong bóng đá đã từng nói).
Việc kịch Phú Nhuận có mặt tại Liên hoan Huế khi mà phải bỏ những suất diễn, phải bỏ tiền vé máy bay ăn ở đi lại tốn kém nhưng đóng góp cho hội diễn một vở kịch có chiều sâu của tâm lý xã hội, có chất lượng của đạo diễn, có sự diễn hết mình của các nghệ sĩ, diễn viên và được công chúng Huế cùng các bạn đồng nghiệp ba miền tán thưởng thì không có giải thưởng nào cao hơn đâu