Đạo diễn - NSND Trần Phương: Chàng "A Phủ" cô đơn

Thứ Năm, 25/11/2010, 14:45
Nửa thế kỷ bộ phim Vợ chồng A Phủ, một bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam ra đời, cuộc đời của diễn viên Trần Phương, trải qua nhiều vinh quang và khổ ải, cay đắng lẫn ngọt ngào...Bây giờ chàng A Phủ ngày ấy đương cô đơn giữa hoàng hôn cuộc đời...

Một đời nghệ sĩ

Căn nhà trong ngõ sâu ở dốc chợ Tam Đa kẹp giữa Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê vắng lặng quá chừng. Mấy lần cất tiếng gọi: Bác Trần Phương ơi, vẫn im lìm. Gọi mãi không được, tôi bèn đổi kiểu: A Phủ ơi! A Phủ có nhà không? - theo cách của người Mông.

Bỗng đâu từ tầng hai ngôi nhà, ông ngó ra:

- Ai đấy, ai gọi A Phủ đấy?…

Vậy là ông đã ra. Không có "mẹo" ấy, có lẽ chẳng thể nào gặp được ông. Đạo diễn thanh minh: "Cứ tưởng ai. Mãi khi nghe nhắc đến A Phủ, thôi chết rồi, có lẽ người quen. Cảm ơn vì đã nhớ đến A Phủ….". Tôi ôm vai ông: Anh vẫn cường tráng quá! Nhưng hình như đang trong tâm trạng trống trải cô đơn?

Nghệ sĩ cười: "Cường" cái nỗi gì, tám chục mất rồi. Còn cô đơn ư! Đại cô đơn… Không cô đơn thì chỉ có gỗ đá. Bạn đời, bà ấy đi năm ngoái. Bạn diễn bạn nghề lần lượt đi. Trịnh viết: Những người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Trịnh quý tôi lắm, nhưng Trịnh cũng đi rồi… Đạo diễn Trần Vũ hay lại chơi với mình, anh ấy cũng đã đi. Rồi thì Mỵ của Vợ chồng A Phủ, nghệ sĩ Đức Hoàn đi từ rất lâu rồi. Nhiều người nữa cũng đã xa. Đến như Phương Thanh của "Hiền cá sấu" gắn bó với mình từ dạo ấy cũng đã bỏ ra đi…

Lần này căn nhà có vẻ vắng hơn. Hình như ông biết ý nói: Bà nhà tôi mất hơn năm nay rồi. Giờ lủi thủi một mình thôi. Các con ở riêng…

Chiều đầu đông, câu chuyện của ông dẫn tôi vào những tháng ngày xa lắm, những tháng ngày của A Phủ, của anh Khoa trong Chị Tư Hậu bên cạnh Trà Giang, hay Tiệp trong phim Ngày lễ Thánh, và Khiêm của phim Tiền tuyến gọi... Cuốn phim cuộc đời ông bây giờ "tua" lại, bỗng thấy hấp dẫn quá chừng. Cũng đầy vinh quang và cay đắng, đủ cả hỷ nộ ái ố...

Nhưng có những "trường đoạn" hay nhất, ông bảo "chẳng nên công bố làm gì, chỉ tổn thương bạn bè hay làm buồn vong linh người khuất mặt"... Trước mặt tôi là một Trần Phương vạm vỡ, chân thành và cởi mở… Không học hành gì bài bản, vào đời bằng chút năng khiếu bẩm sinh nghệ sĩ. Hình như ông bẩm sinh đã là nghệ sĩ.

Ông tâm sự: "Lao động nghệ thuật nghiệt ngã và truân chuyên lắm. Bây giờ ngẫm lại thấy mình đi qua con đường dài của nghệ thuật điện ảnh thật kinh ngạc cả với mình. Làm sao mà một anh chàng chả học hành gì cứ thế hồn nhiên vào nghề, hết làm diễn viên rồi đến đạo diễn. Thì ra đam mê, với cả cái thời máu lửa nhiệt tình cứ thế cuốn người ta vào, lao động hết mình và từ đó có được những thành công…".

Gặp ông lần nào cũng vậy. Thể nào rồi cũng quay về chuyện bộ phim kinh điển Vợ chồng A Phủ. Nhắc đến A Phủ, hình như Trần Phương sôi nổi hẳn lên. Phải rồi. Năm mươi năm rồi đấy. Bắt đầu làm phim ấy từ năm 1959, nhưng mãi đến năm 1960 mới xong. "Mà cậu biết không, hồi đó bọn tớ làm phim kỹ vô cùng. Nửa năm cho việc chuẩn bị. Chưa nói lại phải đưa diễn viên đi thực tế  để họ làm quen với đời sống thật. Tôi nhớ dạo ấy đạo diễn Mai Lộc đưa tôi và nữ diễn viên Đức Hoàn, người sẽ vào vai Mỵ trong phim, lên tận Tà Sùa, Hồng Ngài trên Phù Yên nơi chuyện phim xảy ra. Sống cùng với A Phủ, A Sử mấy tháng liền.

Đức Hoàn hồi ấy là gái Hà Nội trẻ đẹp thế mà cả tháng trời lên Bắc Yên tận Sơn La "ba cùng" với người Mông. Cũng lên nương làm lụng, cũng đi xuống suối  gùi nước hàng mấy cây số đường rừng về bản… Cô ấy hăm hở đi, hăm hở vào cuộc đến nỗi khi chưa đóng vai đã thấy một cô gái Mông ở nơi Đức Hoàn rờ rỡ, từ cái cách đi, điệu bộ ngoáy mông... y như thật. Thế cho nên chúng tôi vào vai tốt.

Ở nhà Anh hùng quân đội  Sùng Phai Sình trên núi cao mấy tháng, tập leo những con dốc đứng ngang mặt nhiều khi mệt đến lả cả người. Thế mà ông Sình cho tý mật gấu uống vào lại khỏe ngay. Vất vả nhất là cái đoạn cưỡi ngựa chăn bò, phi như thật, ngã mấy lần suýt què phải bóp thuốc…

Nhớ nhất là hôm tôi đang ở trên ngã ba Tuần Giáo - Điện Biên thì gặp nhà văn Nguyễn Tuân. Ông bảo tôi: "Thế lên đấy học được cái gì của A Phủ?". Tôi thưa: "A Phủ là một thanh niên Mông vì bị áp bức mà phải trốn cùng Mỵ theo cách mạng...". Ông bảo: "Đó là việc của ông Tô Hoài". Việc của anh là xem A Phủ nó đi đứng ra sao, nó uống rượu thế nào, nó chơi pa pao ra sao, nó ngủ với gái thế nào...".

Tôi nhận thêm bài học từ cụ Nguyễn, nhờ thế mà rút được bao nhiêu điều cho đời diễn của mình... Ăn ở với đồng bào Mông đến thạo luôn cả tiếng họ. Trai ba mươi, hăm hở và sung sức lắm. Lứa ấy bây giờ vắng Đức Hoàn, Trịnh Thịnh cũng đã già yếu. Nhiều người đã thành ra thiên cổ…

Bộ phim ấy sau thành một phim có tính kinh điển là vì nó được làm rất kỹ. Khi quay ở cốt 400 trên Ba Vì, người ta đã công phu dựng hẳn một cái bản người Mông có nhà cửa vườn tược, bò ngựa hàng đàn. Làm phim từ khi bê mới đẻ đến khi con bê ấy đem làm thịt được, phim mới xong cơ mà...

Nhắc đến Trần Phương, sẽ thiếu sót nếu không nói đến mảng phim đề tài an ninh. Hình như ông là đạo diễn có duyên với những phim như vậy. Sau Tội lỗi cuối cùng là Đằng sau Vụ án hồ Con Rùa, rồi thì Mưa rơi trên thành phố, SBC, Dòng sông hoa trắng, Vệt sáng ngược…

Nhiều phim một thời sốt vé đến nỗi ông và các diễn viên chính của phim không tài nào kiếm nổi vé vào rạp. Bây giờ, khi hoàng hôn cuộc đời, ông lui về ẩn dật, chưa "lão" lắm nhưng hình như cô đơn hơn, lẻ loi hơn và mỏi mệt hơn. Biết làm sao được. Ngựa khỏe đường xa rồi cũng đến lúc chồn chân nữa là…

Và những niềm riêng cay đắng lẫn ngọt ngào    

Trong câu chuyện về đời nghệ sĩ của ông, hình như bao nhiêu buồn vui đủ cả. "Kỷ niệm à? Đấy là phần đáng kể nhất trong cuộc đời mỗi người thì phải. Nhưng cái chuyện tôi chết đi sống lại khi làm phim Vụ án hồ Con Rùa thì không thể quên. Nhờ bộ phim về đề tài an ninh ấy mà tôi đã được phục sinh. Lúc đang quay ở Đà Lạt bỗng nhiên bị ngất, rồi không hiểu sao "miệng nôn trôn tháo"…

May nhờ đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp không thì chết vì mất máu. Rồi ông Bộ trưởng Bộ Công an lúc ấy điện vào bảo: "Phải cứu Trần Phương bằng mọi cách". Cấp cứu tích cực vài ngày thì hồi phục, lại ra trường quay. Nói dại, nếu bình thường không được cấp cứu tích cực nhờ... đi làm phim ấy, có khi đã "đi" rồi. Anh em trong đoàn đã tính đến chuyện đưa xác tôi ra Bắc rồi đấy…

Nhưng ấn tượng nhất trong đời tôi là khi làm phim Tội lỗi cuối cùng.  Với nghề diễn viên trưởng thành từ thực tế, tôi đã viết kịch bản và đưa diễn viên đi vào trại giam mấy tháng ròng để có một Hiền cá sấu và bộ phim Tội lỗi cuối cùng gây sốt vé một thời...

Cái kịch bản thì viết về một nữ tù nhân ngoài Bắc. Có một chuyện tình cảm động và nhân văn giữa cô gái điếm với anh Công an. Về sau hai nhân vật ngoài đời ấy lấy nhau có ông Bộ trưởng rất nổi tiếng đến dự cưới. Nhưng khi làm phim, lấy bối cảnh Sài Gòn, tôi lại xin vào thực tế ở Trại Long Khánh...

Trong cái trại giam ấy, tôi đã gặp một nhân vật gây ấn tượng mạnh. Đó là một nữ tù nhân từng là dân anh chị trong giới giang hồ khét tiếng đất Sài Gòn. Ngay lần gặp đầu tiên, BV - tên của nữ tù nhân - đã làm tôi ấn tượng bởi vẻ mặt lạnh lùng, kiểu ăn nói và dáng vẻ hung dữ của kẻ bất cần đời. Ông trại trưởng khuyên tôi: "Chớ có dây vào với nó. Nó vừa giết người như ngóe đấy!".

Tôi đưa Phương Thanh đến, cô ấy run bần bật khi nhìn thấy BV. Mỗi lần gặp, tôi cũng mang cho cô ấy thuốc lá Mai, lúc thì nửa cái bánh mỳ... Cuối cùng thì BV có vẻ bớt... lạnh lùng hơn. Phương Thanh vào trại đóng vai nữ tù là cô gái đi tìm người chị, nhưng người ấy đã vượt biên, rồi lúc đang lang thang bị Công an bắt nhốt. Nhờ thế mà cô quen được các tù nữ ở đây.

Tham gia phim có NS Trịnh Công Sơn. Trịnh đã hát và trò chuyện với BV làm cho cô ấy cởi mở hơn. Nhiều lần cô ta thốt lên: "Nhớ đời quá anh Sơn ạ!". Và từ câu chuyện trong trại giam với nhân vật nữ tù lạ lùng ấy, Sơn đã viết ca khúc "Đời gọi em biết bao lần" gây xúc động cho phim và cả ngoài đời... Thế rồi bẵng đi sáu năm, một hôm khi đang ngồi uống café trong quán giữa Sài thành dịp làm phim Đứng trước biển, tôi thấy có cô gái đứng nhìn mình trân trân. Trí nhớ nhắc tôi đây là BV.

- Anh vào bao giờ?

- Anh mới vào...

- Anh có nhận được thư em không?

Thực ra có mấy lần BV gửi thư từ trong trại ra cho tôi nhưng vì nhiều lý do không thể liên lạc với cô ấy. Tôi đành bảo không nhận được. BV bảo: "Anh vào đây có cần tiền không? Có đứa nào ác với anh không?...". Tôi bảo anh không cần tiền của em. Chỉ cần thấy em hoàn lương là mừng. Còn anh sống thế này, làm sao có kẻ thù... BV bảo: "Em ra tù, rất nhớ anh mà không biết tìm anh ở đâu". Thế đấy. Trong đời người đàn ông của mình, tôi đã có nhiều chuyện như thế".

Bây giờ giữa chiều đông, ông ngồi đó trên chiếc giường đơn trong căn gác buồn nhắc về những ngày sôi nổi và những câu chuyện cũ bên những người bạn diễn, bạn nghề. Hai người bạn gắn bó từ phim Tội lỗi cuối cùng là Trịnh Công Sơn và Phương Thanh cũng đã bỏ về miền cát bụi.

Ông lặng người khi tôi khe khẽ hát chiều đông nay: "Em về đâu hỡi em/ Có nghe tình yêu lên tiếng/ Hãy chôn vào quên lãng/ Nỗi đau hay niềm cay đắng/ Hãy lau khô dòng nước mắt/ Đời gọi em biết bao lần... Khi tôi chợt hỏi:

- Tôi nhớ một nhà thơ tài hoa trong một bài thơ ở tập Sống như là không thể chết có ví người tình "như cơn gió"... Vậy với anh, đã có bao nhiêu cơn gió đi qua đời nghệ sĩ hào hoa và cả đào hoa? Trần Phương có vẻ ngậm ngùi:

- "Bà xã đối xử với mình quá tốt, nên mình cũng giữ gìn, không sa đà bao giờ. Cậu bảo đàn ông nghệ sĩ lại hơi bị đẹp giai, hào hoa phong độ thì có bao nhiêu đàn bà si mê làm sao kể hết”…

Hôm đám tang vợ nghệ sĩ, chính đạo diễn Trần Văn Thủy kể: "Có lần đang ở TP HCM, lúc bà vợ ông ngồi với tôi ở sảnh thì bỗng có cô gái trẻ đẹp bước vào khách sạn hỏi: "Cô cho cháu hỏi anh Trần Phương có đây không?". Bà ấy bảo: "Cô là gì với ông ấy?". “Cháu là người yêu anh ấy...". "Cô biết rằng ông ấy vợ con đề huề rồi..." . "Nhưng… cháu yêu anh ấy...".

Nhiều những chuyện đại loại thế. Ông kể: "Có lần vị cán bộ nọ bảo bà ấy rằng, nghe nói Trần Phương nhiều tình nhân lắm. Nếu cô làm đơn, tôi sẽ cho anh ta nghỉ khỏe. Bà ấy về kể với tôi, tôi hỏi: "Thế em nghĩ thế nào?". Bà ấy hỏi lại tôi: "Nếu em không làm thì sao?". "Thì anh cảm ơn em!"...

Hôm sau chính bà ấy lên bảo thẳng: "Tôi không thể bỏ anh ấy. Lấy nhau từ lúc tôi mới học có lớp bốn, nhờ anh ấy mà tôi nuôi con cái và học hành tiến bộ. Anh ấy đâu có tội tình gì!". Nghệ sĩ, quanh mình bao nhiêu hào quang bấy nhiêu fans hâm mộ... Tránh sao nổi những xao xuyến thường tình...". Ông kể lại chuyện khi vào viện thăm người nữ nghệ sĩ ấy trước khi chị mất, lần đầu tiên sau nhiều ngày hôn mê, chị đã mở mắt và những giọt lệ đã lăn dài từ khóe mắt khi nhìn thấy ông... Và đó là lần cuối cùng họ nhìn thấy nhau...

Quả đúng là khi "tua" lại cuốn phim đời riêng nghệ sĩ, có quá nhiều cơn gió đẹp thoảng qua đời ông, mà vì như ông dặn, tôi không thể kể ra. Nhưng tôi khâm phục sự chân thành nơi ông. Sự chân thành ấy có mặt cả trong nghệ thuật và trong cuộc đời… Tiễn tôi giữa chiều đông Hà Nội, ông bảo: "Cảm ơn còn nhớ đến thăm A Phủ". Nói vậy, tôi hiểu A Phủ - Trần Phương sau bao nhiêu hào quang và những ngọt ngào, giờ đây đang cô đơn lắm giữa hoàng hôn cuộc đời.

Hà Nội chớm Đông năm 2010

Tân Linh
.
.