Danh tướng một thời

Thứ Hai, 26/01/2009, 16:00
Ông là một danh tướng an ninh, không phải chỉ trong lực lượng Công an, mà nhiều người ở ngoài ngành biết tới. Sinh ra ở một miền quê trù phú. Trời bao la, biển mênh mông và đồng ruộng cũng mênh mông (vựa lúa của miền Bắc). Một miền quê giàu truyền thống cách mạng - "nghe tiếng trống năm ba mươi còn vọng lại tới bây giờ". Tên đầy đủ của ông là Nguyễn Quang Phong. Thường gọi Quang Phòng và trở thành bút danh luôn.

Lẽ ra bài viết này phải đến với bạn đọc sớm hơn từ nhiều năm trước. Khổ nỗi, người viết lại nhuốm cái "bệnh" văn nghệ sĩ thường gặp - "e dè, sợ xì xèo, điều tiếng…), bởi viết về một vị tướng giữa thời vang bóng mà ông lại là thủ trưởng trực tiếp của mình. Còn bây giờ, chẳng ai nỡ "phong" cho mình cái "danh" cơ hàn, cơ hội gì nữa mà ngại. Thế là viết. Có sao viết vậy. Hay dở là chuyện thường tình. Ngại gì!

Tôi và ông quen biết nhau tới nay, dễ đến gần 3 con giáp. Trong đó có tới trên 20 năm được làm cấp dưới của ông, được gắn bó với ông theo đúng nghĩa thầy trò. Về tuổi tác, ông thuộc bậc cha chú; về kinh nghiệm công tác an ninh, quan hệ xã hội, đối nhân xử thế… ông thuộc bậc sư phụ.

Tuy nhiên, tôi và ông lại có đôi nét về hoàn cảnh giống nhau - cả hai đều đã từng là lính của cụ Võ Nguyên Giáp, công tác ở Cục II Bộ Tổng tham mưu - chuyển sang làm quân của cụ Trần Quốc Hoàn, công tác ở cơ quan an ninh, lĩnh vực Bảo vệ An ninh nội bộ và văn hóa - tư tưởng. Có khác chăng, ông luôn luôn là cấp trên trực tiếp của tôi. Rồi nữa, cả hai đều có quá trình công tác ở chiến trường miền Nam trước 30 tháng 4 năm 1975; cùng mê cái món văn chương, thơ phú và mỗi người đều là hội viên của một hội văn chương. Nhưng ông oách hơn tôi, bởi đã từng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ dịch thuộc Hội Nhà văn Hà Nội. Còn tôi, chỉ là hội viên "trơn" của Hội Nhà văn Việt Nam.

Những chặng đường binh nghiệp và tình yêu thuở ấy

Ông là một danh tướng an ninh, không phải chỉ trong lực lượng Công an, mà nhiều người ở ngoài ngành biết tới. Sinh ra ở một miền quê trù phú. Trời bao la, biển mênh mông và đồng ruộng cũng mênh mông (vựa lúa của miền Bắc). Một miền quê giàu truyền thống cách mạng - "nghe tiếng trống năm ba mươi còn vọng lại tới bây giờ". Tên đầy đủ của ông là Nguyễn Quang Phong. Thường gọi Quang Phòng và trở thành bút danh luôn.

Ông sinh năm Đinh Mão (1927). Mùa xuân Kỷ Sửu này "cụ bát" Quang Phòng đã qua 2 mùa khao thượng thọ. Trời phú cho ông một sức khỏe tuyệt vời. Lớp chúng tôi cứ gọi là còn khuya mới theo kịp. Anh em đơn vị vẫn thường đùa vui: "Ai cũng như thủ trưởng mình thì thầy thuốc có mà thất nghiệp". Chừng ấy năm được làm việc cùng ông, chưa bao giờ thấy ông đi viện, không nghỉ phép, không nghỉ mát, không nghỉ dưỡng. Anh em gọi "cụ tứ không" là vậy.

Ông có phom người rất "Tây". Thuộc loại "của hiếm" xứ á Đông. Cao trên 1,7m, sống mũi cao, da dẻ lúc nào cũng hồng hào, nói tiếng Tây, tiếng Tàu như người ngoại quốc. Nghe mấy vị đồng hương của ông nói, thời trai trẻ Quang Phòng vào loại có học, bảnh trai có tiếng ở đất Quỳnh Phụ. Đất nước chiến tranh phải xếp bút nghiên lên đường kháng chiến, khiến bao mỹ nữ phải ngậm ngùi rơi lệ.

Truyền thống cách mạng của quê hương, gia đình đã hun đúc tâm hồn cậu thiếu niên Nguyễn Quang Phòng tình yêu quê hương, đất nước, lòng căm thù quân xâm lược. 16 tuổi tham gia Đội Xích vệ. 17 tuổi tham gia cướp đồn Bến Hiệp của Pháp. Tháng 8/1945, được chuyển lên làm công tác dân quân ở tỉnh. Năm 1946, trở thành vệ quốc đoàn - bộ đội tỉnh Thái Bình. Rồi được chuyển lên vùng kháng chiến Phú Thọ.

Được kết nạp Đảng, rồi được đề bạt chính trị viên huyện đội huyện Thanh Sơn khi mới ngoài 20 tuổi. Hồi đó căn cứ huyện đội đóng tại xã Vũ Cao. Thi thoảng tỉnh lại triệu tập cán bộ đầu ngành các huyện về họp. Những cuộc họp đã trở thành "cầu ô thước" để anh chính trị viên huyện đội bảnh trai đến với cô gái hiền thục công tác ở Hội Phụ nữ huyện Phù Ninh.

Tình yêu của họ được tạo nên từ tình đồng đội, đồng chí và cả tình đồng hương. Cô gái quê ở Thái Thụy. Tên là Bích Thuận (phu nhân của ông bây giờ). Đó là một mái ấm hạnh phúc gia đình hoàn hảo. Đã ngót nghét 60 năm họ gắn bó, sẻ chia, thông cảm với áp lực công việc của nhau, cũng như những gian nan vất vả trong cuộc sống, bởi cả hai cùng làm việc trong khối nội chính.

Sau giải phóng miền Bắc (1954) bà về nhận công tác ở Viện Kiểm sát nhân dân Hà Nội. Sau này được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Kiểm sát quận Hoàn Kiếm. Còn ông, thời gian công tác ở huyện đội Thanh Sơn, đã lọt vào "mắt xanh" của các nhà tổ chức tình báo, nên cấp trên đã quyết định cử ông đi học một khóa huấn luyện đặc biệt rồi trở về nhận nhiệm vụ ở cơ quan tình báo quân sự, ít lâu sau lại có quyết định điều chuyển sang cơ quan an ninh.

Từ phải qua: Ông Lê Kim Phùng - nguyên Cục trưởng A25, Tướng Quang Phòng, ông Nguyễn Sĩ Huynh- nguyên Phó TCT TCAN và tác giả bài viết trong Lễ Kỷ niệm 45 năm truyền thống Lực lượng bảo vệ an ninh nội bộ và VHTT (tháng 5/2003).

Công tác ở Cục 72 (C72). Sau này thêm chức năng nhiệm vụ nên đổi tên thành Cục 78 (C78). Mấy năm sau nó được tách ra. Một thời gian sau, do yêu cầu tinh giản đầu mối, nó lại được nhập vào. Chẳng bao lâu, do yêu cầu chuyên sâu, nó lại được tách ra… Dù tách ra, nhập vào biết bao lần thì ông vẫn "cố thủ" trên lĩnh vực Bảo vệ An ninh nội bộ và văn hóa - tư tưởng (A25). Bến đỗ lâu nhất của ông là ở đây.

Chỉ tính từ khi ông được đề bạt lãnh đạo cấp phòng, rồi lên Cục phó, Cục trưởng, sơ sơ cũng tới ba mươi mấy năm. Ấy là chưa kể từ năm 1988, ông được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh; năm 1989 được phong quân hàm Thiếu tướng, cho tới khi nghỉ chế độ hưu trí, ông được phân công phụ trách một số Cục, trong đó có đơn vị cũ của mình.

Cầm tấm giấy quyết định chuyển ngành (tháng 11/1975), tôi khoác chiếc balô "con cóc" còn vương bụi chiến trường về nhận công tác ở Cục này (hồi đó có tên gọi công khai là Cục Bảo vệ cơ quan và văn hóa. Mật danh là KE3) do ông Dương Thông là Cục trưởng (sau này được bổ nhiệm Phó Tổng cục trưởng với quân hàm Thiếu tướng rồi lên Trung tướng).

Trong "cái buổi ban đầu ngơ ngác ấy" ở cơ quan mới, người tôi gặp (thực ra là trông thấy) đầu tiên có chức vụ cao nhất, chính là ông. Đồng chí cán bộ tổ chức nói nhỏ với tôi: "Thủ trưởng Quang Phòng của chúng ta đấy. Oách không!". Cái phom "đặc sệt" trí thức của ông đã gây ấn tượng cho tôi ngay từ hôm ấy.

Thời kỳ là Cục phó, ông được phân công phụ trách công tác bảo vệ an ninh nội bộ khối các cơ quan phần đông là trí thức, văn nghệ sĩ. Tới khi lên Cục trưởng, chịu trách nhiệm chung, nhưng ông vẫn rất quan tâm tới lĩnh vực này.

Ông thường tâm sự với anh em chúng tôi: "Đây là tài sản, là nguyên khí quốc gia đấy. Công tác bảo vệ an ninh nội bộ phải coi việc bảo vệ an toàn đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm…".

Do chức năng, nhiệm vụ được giao nên tôi thường xuyên được làm việc gần ông. Tự phong cho mình cái chân "phó thư ký" cho lãnh đạo. Bởi "cái thường xuyên" ấy mà trong mấy chục năm qua ông đã để lại trong tôi bao kỷ niệm sâu sắc, bao kinh nghiệm công tác, bao bài học về đối nhân xử thế cùng với tác phong chỉ huy chỉ đạo và bản lĩnh của một vị tướng tài danh.

Những người tạo nên "thương hiệu"

Nhiều thế hệ cán bộ trinh sát bảo vệ an ninh địa bàn A25 thường nói vui với nhau: "Trinh sát mới về đơn vị, cần phải nhớ tới ba "thương hiệu" để ứng phó khi cần. Đó là "C78", "anh Dương Thông", "anh Quang Phòng".

 Theo quy định, cán bộ lãnh đạo cấp phòng khi được giao công tác bảo vệ địa bàn, thường do lãnh đạo cấp Cục đưa tới giới thiệu. Ngày đó tôi được giao lãnh đạo một phòng trinh sát, làm tham mưu trong công tác bảo vệ an ninh nội bộ các cơ quan khối văn hóa, văn học nghệ thuật, thông tin, thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình và ngành bưu điện. Khối địa bàn to đùng. Hốt quá! Làm sao mà đi cho xuể. Cán bộ ít, địa bàn nhiều, nên thành phần cơ cấu có dắt đi thì cũng chỉ ở cơ quan cấp Bộ và tương đương thôi. Còn các đơn vị cơ sở - của người ta thì phải tự mày mò mà đi.

Tôi nhớ cái hôm "đơn thân độc mã" tới trụ sở "Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật" (nay gọi là ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật). Địa chỉ tại 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Có gần 10 cơ quan cấp hội làm việc ở đó, cùng với lãnh đạo Liên hiệp và văn phòng. --PageBreak--

Nơi đầu tiên tôi "xông" vào, đó là phòng làm việc của ông Hoàng Tư Trai - Tổng Thư ký Hội Nhiếp ảnh. Gặp bậc "đại lão gia", thực tình hơi ngại. Cũng may, vị chủ nhà xởi lởi, vui tính nên tôi trấn tĩnh được mình. Ông rót nước mời khách và vào đề ngay: "Nghe anh em nói có khách bên Bộ Nội vụ (Bộ Công an bây giờ). Xin lỗi, đồng chí ở Cục nào vậy?" - "Báo cáo thủ trưởng, tôi ở KE3…". Ông khẽ "à…" một tiếng. Cặp chân mày hơi nhíu lại, rồi nhịp nhịp bàn tay trái lên trán, chắc là để cố nhớ xem khách ở KE3 là đơn vị nào.

Đoán được tâm lý chủ nhà, tôi đỡ lời ông: "Báo cáo thủ trưởng, tôi mới được giao trách nhiệm tham mưu giúp Hội ta trong công tác đảm bảo an ninh Đại hội sắp tới…". Ông khẽ reo lên: "A… Tôi nhớ ra rồi. Vậy là đồng chí ở Cục 78. Thế thì tốt quá. Tuần tới sẽ họp bàn thống nhất chương trình. Mời đồng chí tham dự…".

Tạm biệt ông Hoàng Tư Trai, tôi tạt sang phòng làm việc của nhà thơ Cù Huy Cận (Chủ tịch Liên hiệp…). Sau màn tự giới thiệu về bản thân và đơn vị (vì hôm sang làm việc với lãnh đạo Liên hiệp… ông đi họp vắng), ông khẽ reo lên: "A… Hôm nay thật may mắn cho Huy Cận lại được tiếp "hậu duệ của Khổng Minh". Vậy ra, "ông Khổng Minh" là quân của Dương Thông, Quang Phòng, những người bạn thân thiết của văn nghệ sĩ". Thật mát mày, mát mặt. Hôm ấy ra về lòng tôi cứ lâng lâng.

Tuần sau đó, tôi sang địa bàn Bộ Thông tin. Trước hết, ghé phòng Thứ trưởng Lê Thành Công. Sau cái "bài ca muôn thuở" tôi "tấu" với ông. Ông cũng à lên một tiếng rồi đáp từ luôn:

- "Vậy ra… cậu ở C78, chỗ anh Dương Thông, anh Quang Phòng… Tôi cũng có hai đứa con ở đó, một gái, một rể, cậu có biết không?" - "Dạ biết, cô Nguyễn Lê Minh và Trần Việt Dũng" - "Hai đứa nó yêu nhau hồi học Đại học An ninh. Ra trường đều được bố trí về đó. Sau này mới chuyển bớt một đứa sang Cục khác. Hai vợ chồng ở một nơi e không tiện…".

Thế là từ đó, những đơn vị còn lại, tôi cứ "bài cũ mà diễn" và tất cả đều thông đồng bén giọt. Tôi thầm cảm ơn các thế hệ lãnh đạo đơn vị họ đã gắn bó mật thiết và tạo được uy tín với địa bàn, họ trở thành "thương hiệu" tạo cầu nối cho thế hệ trẻ sau này tiếp cận địa bàn thuận lợi hơn.

Thiên biến vạn hóa

Giai đoạn Đại tá Nguyễn Quang Phòng làm Cục trưởng A25 và tới khi ông được bổ nhiệm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh với quân hàm Thiếu tướng, tôi có may mắn được cắp cặp theo ông đi nhiều cơ quan, đơn vị và địa phương dự hội nghị, hội thảo, trao đổi công tác phối hợp nhằm đảm bảo an ninh trên các lĩnh vực, nói chuyện cảnh giác, thông báo tình hình an ninh chính trị… với tinh thần minh họa cho các đợt triển khai nghị quyết của Đảng, phần nói về công tác an ninh trật tự.

Tôi học được ở ông rất nhiều qua các buổi như thế - từ đề cương bài nói, phương pháp trình bày, những dẫn chứng nêu ra cho từng buổi… tới vấn đề giải đáp thắc mắc của người nghe. Cố nhiên tài liệu do cơ quan tham mưu hoặc đơn vị trinh sát địa bàn chuẩn bị. Song, qua theo dõi hầu như buổi nào cũng thấy ông lúi húi chuẩn bị đề cương riêng.

Vì thân tình, nên có lần tôi buột miệng nói ra: "Hôm nay hình như thủ trưởng nói theo đề cương riêng. Sao vẫn bắt anh em chuẩn bị cả chục trang như vậy". Ông khẽ cười, giải thích: "Việc anh em chuẩn bị sẽ không thừa. Không dùng hôm nay thì dùng hôm khác. Đó cũng là công việc cần thiết để anh em nâng cao trình độ sưu tầm tư liệu và khả năng tổng hợp. Còn một lý do nữa, hội nghị hôm nay đa phần là trí thức, nên nội dung trình bày phải phù hợp với đối tượng nghe...".

Một lần khác, ông đi thông báo tình hình An ninh tư tưởng - văn hóa ở một số cơ quan, vì rơi đúng chuyên đề của đơn vị tôi - Phòng "Chống địch hoạt động phá hoại tư tưởng" - gọi theo bí số là Phòng 2. Tôi theo dõi, ghi chép rất kỹ. Khi về so sánh lại, thì ra các ví dụ ông nêu ra để chứng minh về âm mưu, thủ đoạn hoạt động của địch trong các buổi trình bày đều khác nhau. Chỉ có một buổi đúng như đơn vị tôi chuẩn bị.

Ông giải thích việc này cho tôi rằng: "Trong thành phần tham dự, có người họ nghe mình trình bày tới lần thứ 2. Vì đầu tuần nghe ở hội nghị toàn Ban, cuối tuần lại nghe ở hội nghị cơ quan. Nếu không có gì mới sẽ nhàm chán. Sẽ không ít người bỏ giữa chừng. Vì vậy, người chuẩn bị tài liệu cũng như diễn giả phải "thiên biến vạn hóa". Tùy theo đặc thù từng buổi mà chuẩn bị và nêu dẫn chứng cho phù hợp".

Ngẫm lại thực tế tình hình quả là như vậy. Đã có thời gian "chủ nghĩa hình thức" quá rõ trong việc triển khai nghị quyết cũng như tổ chức nghe thời sự. Không ít buổi thành phần tham dự theo triệu tập đã thiếu nghiêm trọng. Nhưng sau giờ nghỉ giải lao vào thì hội trường bỗng "bốc hơi" tới mấy chục phần trăm. Không phải "mẹ hát con khen hay", mà thực tế qua tập hợp dư luận người nghe, với tinh thần chung rằng: "Tướng Quang Phòng là "một cây" hùng biện. Trình bày rất có duyên, khúc triết, đầy ắp tư liệu. Quả là danh bất hư truyền"... uyên bác lắm!".

Bản lĩnh

Có lẽ đây là yếu tố rất quan trọng đối với tất cả các cấp lãnh đạo, chỉ huy - từ thượng đỉnh tới cơ sở (cấp phòng). Nếu không có bản lĩnh "quan tám cũng ừ, quan tư cũng gật" thì làm sao thu phục được cấp dưới". Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ xin nêu một vài chi tiết để nói lên điều đó. Cái điều tạo nên "bản lĩnh Quang Phòng" mà anh em chúng tôi vẫn nói về ông như thế.

Trước hết, xin nêu một sự việc liên quan tới bản thân tôi. Chuyện xảy ra cách đây trên 20 năm. Một hôm, tôi vừa đi công tác từ phía Nam ra, anh em ghé tai cho hay một việc cực kỳ nghiêm trọng: "Nghe tin một số người vừa gửi đơn kiện anh. Đơn gửi nhiều cơ quan chức năng ở Trung ương, lãnh đạo Bộ và Tổng cục. Nghe nói đã có ý kiến của cấp trên dội về. Nội dung có vẻ căng thẳng lắm. Liệu vừa qua anh... có chuyện gì không?".

Suốt đêm hôm đó tôi không sao ngủ được. Cố lục lọi trong trí nhớ xem vừa qua mình có làm điều gì khuất tất không? Có gây ra chuyện gì để tạo nên thù oán không? Không! Không thể có với một người lính từ chiến trường trở về và đang đảm nhiệm một chức vụ con con ở cơ quan An ninh văn hóa - tư tưởng. Phải chăng là có sự nhầm lẫn nào đó(?). Không! Với cái họ tên của tôi thì không thể có chuyện nhẫm lẫn. Mặc dù đã loại bỏ tất cả mọi giả thuyết nêu ra, nhưng lòng tôi vẫn trĩu nặng suy tư.

Sáng hôm sau, vừa tới cơ quan đã nghe Phòng Tham mưu thông báo:  "Cụ QP đang chờ anh ở phòng. Nói anh sang ngay". "QP" là tên ký tắt của Cục trưởng Quang Phòng. Chữ viết và chữ ký của ông thuộc diện "phượng múa, rồng bay". Chẳng phải chỉ thế hệ ông mà tất cả lớp trẻ chúng tôi đều bái nể. Song, chữ ký hoàn chỉnh ông chỉ sử dụng trong ký công văn, báo cáo. Còn phê duyệt tài liệu, đề xuất của cấp dưới... ông chỉ ký tắt 2 chữ "QP". Và, nó đã trở thành tên gọi thân thương anh em chúng tôi dùng với nhau là vậy - "Cụ QP nhắc..., Anh QP đã duyệt. Chuẩn bị xe đón bác QP ở sân bay...". --PageBreak--

Ông rót nước mời tôi. Giọng điệu vẫn bình thản như mọi ngày - "Này! Mấy tuần nay cậu có đi nói chuyện hoặc thông báo tình hình ở địa bàn nào không?" - "Dạ có. Đi mấy nơi theo chỉ đạo của Cục trưởng" -  "Có chỉ trích, nhắc tới tên ai không?" - "Dạ có. Nhắc tới tên một số đối tượng phản động hải ngoại lợi dụng PEN CLUP (Trung tâm Văn bút) và IM INTERNATIONAL (ân xá quốc tế) để tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo Việt Nam. Không nhắc tới tên ai ở trong nước..."

- "ờ... thế thì được rồi. Vì vừa qua có mấy người cùng ký đơn kiện cậu. Họ nói rằng trong một buổi thông báo tình hình ở cơ quan N, cậu đã vu cáo, xúc phạm họ. Tôi nghĩ chắc cậu không đến nỗi sơ hở như vậy. Có lẽ đây là sự nhầm lẫn, tam sao thất bản. Cứ yên tâm làm việc. Tôi sẽ giao bộ phận tổ chức cán bộ xác minh rồi tập hợp báo cáo cấp trên". "Bản lĩnh QP" đã khắc sâu trong tôi từ ấy.

Sau khi cơ quan tổ chức đi xác minh về, đúng như nhận xét của ông, quả là một sự nhầm lẫn tệ hại. Tới lúc đó tôi mới biết tên những người ký đơn kiện mình. Có anh em vì quá bức xúc, bảo tôi "phải có thái độ với họ". Nhưng thôi, chuyện đã qua rồi, phê lại họ làm chi cho mất việc.

Chuyện thứ 2, có liên quan tới người khác mà tôi được chứng kiến. Năm đó, cơ quan bạn tổ chức một cuộc gặp gỡ tất niên trong phạm vi hẹp với anh em cán bộ An ninh. Lãnh đạo Tổng cục có Tướng Quang Phòng, Cục trưởng A25 (Đại tá Lê Kim Phùng), tôi và Trưởng phòng Bùi Cơ (nay là Cục trưởng A25).

Ngoài mấy vị chủ nhà, tôi thấy còn có một ông khách "cỡ nhớn" thuộc cơ quan khác. Về địa vị xã hội ông khách này là người to nhất hôm đó. Dường như mọi người đều tới sớm hơn so với giờ mời. Có lẽ đó là thời gian để người đã biết nhau thì hàn huyên, người chưa biết thì làm quen. Tất cả đều quây quần tại khu vực bàn nước.

Tướng Quang Phòng dường như cũng muốn tranh thủ ý kiến ông khách "cỡ nhớn" kia, hy vọng ông sẽ góp thêm tiếng nói với cấp trên và các cơ quan chức năng (mà trong đó có cơ quan do ông là "thủ lĩnh" quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đối với lực lượng Công an nhân dân sao cho tương xứng với Quân đội nhân dân Việt Nam, tạo điều kiện để anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng phức tạp).

Vị khách "cỡ nhớn" tỏ ra rất thông cảm với những khó khăn, gian khổ, vất vả của anh em Công an. Tuy nhiên, phần cuối ông nêu ra một chi tiết khiến 4 cán bộ An ninh đều "nổi da gà": "... ý anh Quang Phòng kể ra rất có tình nhưng chưa hợp lý. Các anh về giải thích cho anh em không nên so bì với bên Quân đội, vì họ là lực lượng vũ trang, còn Công an có phải là lực lượng vũ trang đâu...".

Tôi bấm tay Bùi Cơ, ghé tai nói nhỏ: "Gay to rồi! Sao cỡ ông này mà lại lơ mơ như vậy. Coi chừng "cụ QP" sẽ "nổ" để đáp từ". Quả là như vậy, tôi liếc qua tướng Quang Phòng, gương mặt ông lạnh tanh, khẽ hắng giọng rồi ông "nổ" thật: "Thế này thì chết rồi! Đánh cờ mà không sạch nước cản! Đảng và Nhà nước đã xác định bằng văn bản rõ ràng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng vũ trang của Đảng. Vậy mà... Thôi được, tôi sẽ về nói với anh em, từ nay nếu ban đêm có bọn tội phạm vào cướp nhà các ông hoặc hỏa hoạn, cháy nhà, cháy cơ quan, nếu báo cho Công an, anh em sẽ trả lời thẳng: "Các ông tự lo đi. Hẹn đúng giờ làm việc, 8h sáng mai Công an sẽ tới giải quyết".

Tất cả cười rộ lên (tất nhiên trừ ông khách kia). Rất may, vị thủ trưởng chủ nhà là người rất khôn khéo, ông đã lái sang chủ đề khác rồi mời mọi người vào bàn tiệc. Ly cốc đụng nhau chan chát. Bao nhiêu lời tốt đẹp chúc tụng nhau. Không còn vương vấn tý gì về chuyện vừa xảy ra.

Vị tướng và tâm hồn thi sỹ

Ngày mới về cơ quan, chủ nhật thấy tôi hay vào phòng làm việc hý hoáy viết, rồi ít lâu sau có bài in trên Báo Công an nhân dân nên anh em thường gọi vui là văn sỹ. Có anh đã đọc cho tôi 2 câu thơ về lãnh đạo của mình như sau "Văn chương là bác Dương Thông/ Còn thơ phú - Bác Quang Phòng tài danh".

Ông Dương Thông thì tôi đã đọc một số bài trên báo và ít lâu sau thì nghe nói ông đang viết tiểu thuyết "Những bóng đen sau Thánh đường". Ông viết về thời kỳ kháng Pháp hoạt động ở vùng giáo Hà Nam Ninh. Còn ông Quang Phòng thì tôi chưa "mục sở thị". Tuy nhiên, với một chút năng khiếu cảm nhận thi ca, tôi vẫn nhận ra trong vị quan võ ấy là một tâm hồn thi sỹ.

Số là Ngày Phụ nữ quốc tế năm đó, chị em cơ quan vây quanh thủ trưởng để phỏng vấn: "Nhân ngày mùng tám tháng ba, thủ trưởng đã mua quà tặng phu nhân chưa?". "Có chứ! Tớ đã tặng 2 thứ", rồi ông hắng giọng đọc 4 câu thơ lục bát: "Hôm nay mùng tám tháng ba/ Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi/ Tôi mua phần bà đĩa xôi/ Sợ bà yếu dạ tôi xơi hộ bà". Tất cả chị em đều lăn ra cười.

Mấy tháng sau, có lớp tập huấn tổ chức tại trường T44 ở thị xã Hưng Yên. Ông tham gia giảng dạy cụm bài: "Công tác bảo vệ An ninh Văn học - Nghệ thuật và bài chống hoạt động phá hoại tư tưởng của địch". Tôi lại được cắp cặp đi theo. Tôi mê phương pháp trình bày của ông. Nhất là phần phân tích, phê phán những bài thơ có nội dung xấu của bọn phản động bên ngoài tán phát vào trong nước.

Quả là ông có trí nhớ tuyệt vời. Từ nội dung bài giảng tới những bài thơ dẫn chứng không khi nào thấy ông phải mở tài liệu. Đặc biệt là những tài liệu trong vụ án có bí số là NC82 do bọn phản động lợi dụng tổ chức văn bút Việt Nam hải ngoại móc nối với một số văn nghệ sỹ của chế độ Sài Gòn cũ. Nếu không phải là một tâm hồn thi sỹ thì khó có thể trình bày hấp dẫn như vậy.

Có lẽ hồn thơ Quang Phòng được tỏa hương rõ nhất kể từ khi ông thôi làm công tác quản lý. Thơ ông xuất hiện trên nhiều báo chí, trong nhiều tập in chung do Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Nhà xuất bản Hà Nội, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc... Mỗi tập ông đều gửi cho tôi với lời đề tặng hết sức trang trọng.

Nó đã tạo nên nỗi bất ngờ trong tôi, bởi ngoài sáng tác, thi sỹ Quang Phòng còn là một dịch giả nổi danh thuộc Câu lạc bộ Thơ dịch Hà Nội. Có thời gian làm chủ nhiệm câu lạc bộ này. Hán thi, ông dịch Lý Bạch, Vương Duy, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị (Trung Quốc), Trần Thánh Tông (Việt Nam).

Tôi thích nhất bản dịch bài "Tạp thi" của Vương Duy (nhà thơ Trung Quốc, đời nhà Đường, sinh năm 701, mất năm 761). Với phần phiên âm: "Dĩ kiến hàn mai phát/ Phục văn đề điểu thanh/ Sầu tâm thị Xuân Thảo/ úy hương ngọc giai sinh" và ông đã dịch như sau: "Đã thấy hoa mai nở đẹp rồi/ Lại nghe chim hót ở xa xôi/ Buồn lòng đám cỏ mùa xuân mọc/ Thềm ngọc nhà quan, sợ lắm thôi";

Về thơ tiếng Pháp, ông dịch Victor Hugo, Pierre Favre... Trong đó tôi mê nhất bản dịch bài De Ce Pont (Trên cầu năm xưa) của Pierre Favre. Thật tài hoa. Ông đã dịch và chuyển sang thể thơ lục bát rất quen thuộc của Việt Nam: "Cầu xưa em vẫn lại qua/ Nghiêng mình soi bóng cùng tà áo bay/ Xa nhau... buông lưới chiều nay/ Anh tìm hình ảnh em ngày tuổi xanh". Nếu chỉ đơn thuần là một dịch giả thì tôi tin chắc Quang Phòng không thể có bản dịch bài thơ tình hay đến như thế.

Ngoài sinh hoạt thường xuyên trong Hội Nhà văn Hà Nội, ông còn hăng hái tham gia và trở thành nòng cốt trong Hội thơ quận Đống Đa, Hội thơ phường Trung Tự, phường Ô Chợ Dừa... Rồi Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sỹ quan An ninh hưu trí, thành ra vẫn cứ thấy ông tất bật tối ngày. Có những thời điểm tôi cảm thấy gặp ông còn khó hơn thời ông đương chức.

Nhân dịp năm mới, tôi viết bài này thay cho bó hoa xuân chúc mừng lão tướng quân thêm tuổi mới, thêm nhiều áng thơ hay tô thêm vẻ đẹp cho đời.

             Hà Nội, Xuân Kỷ Sửu – 2009

Khổng Minh Dụ
.
.