Danh sĩ Đặng Trần Thường và nỗi oan thế sự

Thứ Tư, 09/01/2008, 10:00
Trong những tư liệu lịch sử ít ỏi và nhiều phần một chiều còn lưu giữ lại tới ngày hôm nay, ông Đặng Trần Thường, một nhân vật rất được dòng họ Đặng ở Việt Nam tôn kính, hiện lên với những "bia miệng" chua cay. Mặc dù mới chỉ trên dưới hai trăm năm trôi qua nhưng hậu thế biết tới ông chủ yếu qua câu chuyện về câu đối "Gặp thời thế thế thời phải thế" liên quan tới Ngô Thì Nhậm.

Thực ra, Đặng Trần Thường hoàn toàn không phải là một "tiểu nhân" như một số người muốn tô vẽ. Trái lại, nếu ta chịu khó đi sâu tìm hiểu các nguồn sử liệu mới được công bố gần đây, đặc biệt là cuốn "Đặng gia phả hệ toàn chính thực lục và Đặng gia phả ký tục biên" do Ngô Thế Long dịch và chú thích (NXB Thế giới ấn hành năm 2006), ta có thể thấy rõ, Đặng Trần Thường cũng là một trong những danh sĩ Bắc Hà nổi bật hàng đầu của thế kỷ XVIII, phải dấn thân vào quá nhiều oái oăm của thời cuộc và phải chết thảm trong ngục tù bởi những trái nết của các quân vương và lệ tục làng quan, nhưng vẫn kịp có những đóng góp không nhỏ vào việc làm sáng lên sĩ khí Bắc Hà.

Võ ích hơn văn

Đặng Trần Thường là con cháu của nhà Trần từng ba lần oanh liệt thắng quân Nguyên, phải cải sang họ Đặng do những biến đổi lịch sử khôn lường trước khi tới định cư tại thôn Lương Xá xưa (nay thuộc xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây). Tới đời nhà Lê, dòng họ Đặng này lập được nhiều công tích lớn nên rất được trọng dụng (từng có câu ca: "Làm quan họ Đặng..."). Cụ tổ chín đời trước của ông là một đại công thần của thời Lê Trung hưng.

Cha ông là Xuyền Thái Bá, Đặng Thông Mẫn. Mẹ họ Phạm, là con gái thứ hai của Tiến sĩ Công bộ Thượng thư tước Quận công Phạm Quang Dung. Tương truyền, cha Đặng Trần Thường đã tới cầu tự tại chùa Viễn Sơn, nằm mộng thấy thiên sứ cầm cờ đeo chuông từ trên trời xuống mang theo một người và nói: "Đây là Văn khúc Tinh quân, vâng mệnh Thượng đế ban xuống làm con ông"...

Chín tháng mười ngày sau giấc mơ đó của chồng, Phạm phu nhân đã sinh hạ người con trai cả vào ngày 18 tháng giêng năm Kỷ Mão (1759; cũng có sách chép là năm 1758). Thông minh, dĩnh ngộ, Đặng Trần Thường được cha cho học văn từ năm lên 9 tuổi.

Tuy nhiên, vốn tính hiếu động, Đặng Trần Thường lại thích luyện tập võ nghệ, trận giả cùng chúng bạn và... nghịch những trò không giống ai. Tương truyền, hồi nhỏ, có lần cậu bé Thường vào nghịch trong một đền thờ thổ địa.

Làng ấy năm đó bỗng nhiên có động, nhờ thầy bói xem. Thầy bói nói rằng, có một người đã vào đuổi thần thổ địa đi nên phải làm lễ mời thần về lại. Hỏi ra, mới biết tên người đã cả gan đuổi thần đi là Đặng Trần Thường. Vì chuyện này, cụ thân sinh đã trách cứ ông rất nhiều, còn dân làng cứ thì thào với nhau rằng, có lẽ lớn lên, Đặng Trần Thường sẽ rất hiển đạt, vì nào có phải bất kỳ ai cũng làm quỷ thần kinh hãi được đâu.

Không quá chăm chỉ đèn sách nhưng do sáng dạ nên năm 16 tuổi, Đặng Trần Thường đã thi Hương trúng cách vào đệ Tam trường. Tuy nhiên, đúng lúc đó thân phụ lại lâm bệnh nặng nên Đặng Trần Thường đã không đi theo nghiệp lều chõng nữa mà về nhà chăm sóc cha.

Rồi ông phải chịu liên tiếp hai tang lớn: Cha ông qua đời và hai năm sau, mẹ ông vì quá đau buồn cũng đi theo chồng về nơi suối vàng. Gia cảnh của Đặng Trần Thường lúc ấy thực khó khăn, tiền của sa sút dần nên ông hay phải nhờ vả bạn bè. Tương truyền, ông có bài thơ xin vay tiền bạn bè như sau:

"Ngất ngưởng Đồ Thường đã đến đây,

Có tiền xin mượn lấy năm chầy.

Năm chầy không được ba chầy vậy,

Phiếu mẫu đền ân cũng có ngày"…

Mãi tới năm 1782, Đặng Trần Thường mới lại tới kinh sư làm học trò của vị Tiến sĩ họ Nguyễn, người làng An Vĩ. Ông học rất sáng dạ nên được vị Tiến sĩ họ Nguyễn kỳ vọng sẽ đỗ cao trong kỳ thi năm 1783. Tuy nhiên, giai đoạn đó triều đại vua Lê chúa Trịnh đang dần bước vào suy vi, kỷ cương lỏng lẻo, quan lại đồi bại, sĩ tốt kiêu loạn.

Nhận rõ thời cuộc và biết rằng chẳng thể làm gì có ích cho đời theo nghiệp bút nghiên, Đặng Trần Thường đã quyết định sẽ lập thân bằng nghề võ và đi khắp thiên hạ kết giao cùng các bậc hào kiệt và trí giả để cùng chờ thời. Trong thâm tâm ông chỉ mong ngóng có một minh quân để theo làm nghiệp lớn, ích nước lợi nhà.

Tuy nhiên, sau rất nhiều lận đận và bôn ba, phải dấn thân vào không chỉ một trận chiến ác liệt để "Cần Vương", Đặng Trần Thường đã sớm hiểu ra rằng, cách hành xử dựa vào ngoại bang để khôi phục lại vương triều như của Lê Chiêu Thống sẽ không thể dẫn tới một kết cục tốt đẹp. Là con cháu một dòng họ chịu ơn sâu nặng của nhà Lê và họ Trịnh, Đặng Trần Thường dĩ nhiên là không thể dễ dàng lìa bỏ những tín điều trung quân truyền thống, nhưng ông cũng đã biết xa rời con đường vọng ngoại của Lê Chiêu Thống, ẩn dật không cộng tác với ông vua này...

Thế thời nào cũng thế

Nhìn từ một góc độ, có thể nói, những hạn chế thời đại đã khiến Đặng Trần Thường không thể tỉnh táo và khôn ngoan như Ngô Thì Nhậm, nhận đúng chân giá trị của người anh hùng áo vải Quang Trung mà kịp thời hòa mình vào dòng chảy Tây Sơn.

Tuy nhiên, nếu nhìn từ một góc độ khác thì cũng có thể nói rằng, có thể Đặng Trần Thường ngay từ lúc triều đình Tây Sơn đang ở thế thượng phong đã nhìn thấy những sự hữu hạn và đoản mệnh của con đường lập quốc đó nên nén mình lại cho một tương lai chắc chắn hơn?

Sự thật là sau khi vua Quang Trung qua đời, những tinh hoa trị quốc của ông đã không được những người nối nghiệp kế thừa và rốt cục là, Nguyễn Ánh đã dần dà làm chủ được quốc gia theo đúng nguyên tắc "được làm vua, thua làm giặc". Là người rất muốn thi thố với đời, lại rất tinh anh, Đặng Trần Thường dĩ nhiên là đã nhìn ra triển vọng mới cho mình trong việc đi theo phò tá cho lực lượng của Nguyễn Ánh. --PageBreak--

Và ông đã chứng minh được tài cầm quân của mình trong nhiều trận chiến đấu với các đối thủ của Nguyễn Ánh. Và vua Gia Long cũng đã có đủ độ mắt xanh để coi Đặng Trần Thường là "nhân vật anh kiệt ở đất Bắc Hà" và rất trọng dụng ông trong các đợt hành binh giành lấy quyền lực. Thường là ông lập công xuất sắc, ngay cả trong những trận đánh gian nguy và hóc hiểm...

Tới năm 1808, Đặng Trần Thường đã được giữ Tổng lý đê chính Bắc Thành. Một năm sau, tháng 8/1809,  Đặng Trần Thường được triệu về Phú Xuân để nhận chức Thượng thư rồi mới lại quay ra Bắc Thành thực thi công vụ. Tới năm 1810,  có chiếu triệu ông về kinh đô Phú Xuân làm việc tại Bộ Binh. Đặng Trần Thường được giao làm sổ sắc phong cho bách thần.

"Gần lửa rát mặt", chính khi ở đỉnh cao danh vọng mà Đặng Trần Thường đã bị sa cơ bởi những lời xúc xiểm. Tin theo lời Lê Chất là kẻ vốn có nhiều hiềm khích với ông, triều đình nhà Nguyễn đã xử treo cổ ông. Trong đại lao, Đặng Trần Thường không những không nhụt chí, mà vẫn uống rượu say túy lúy và làm cả một chùm "Ngục trung bát vịnh". Ông cũng làm "Hàn vương Tôn phú", ví mình như Hàn Tín lập nhiều công tích trong chiến trận nhưng khi vinh hoa phú quý rồi thì bị Bái Công phụ giãy... Dĩ nhiên, hay tin này, vua Gia Long lại càng tức giận. 

Đặng Trần Thường bị xử giảo năm 1816. Con cháu về sau làm giỗ ông vào ngày 25/10.

Lãng tử lạc thời

Ngay từ trẻ, Đặng Trần Thường đã bộc lộ một tính cách không bằng phẳng. Ông có cách hành xử ngạo nghễ, cương cường, bạo ăn, bạo nói của một hiệp sĩ tự nhận thức được năng lực và sứ mệnh khác thường của mình. Với ông, những của cải vật chất thường ngày là phù du, quan trọng là cái đích trị quốc bình thiên hạ cần theo đuổi. Có lẽ cũng vì cách nghĩ như thế nên trong mắt không ít người đương thời, Đặng Trần Thường đã hiện ra như một nhân vật không thực tế, thậm chí "ăn chơi ngông nghênh" như lời nhận xét của Ngô Thì Nhậm  trong những giai thoại thực hư không rõ nhưng vẫn được lưu truyền cho tới hôm nay.

Đồn rằng chính vì tự ái bởi những lời nhận xét mang tính dạy đời của Ngô Thì Nhậm nên Đặng Trần Thường mới quyết chí lập thân theo Nguyễn Ánh và khi đã ở trên thế thượng phong rồi, đã cho lôi Ngô Thì Nhậm ra đánh ở sân Văn Miếu để hả giận sau khi cùng Ngô Thì Nhậm so câu đối với nhau: "Ai công hầu, ai khanh tướng, trên trần ai ai dễ biết ai - Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế".

Cũng theo giai thoại được truyền tụng, trước khi chết vì trận đòn đau ở Văn Miếu, Ngô Thì Nhậm đã làm 4 câu tuyệt bút bảo người nhà chuyển lại cho Đặng Trần Thường:

"Ai tai Đặng Trần Thường,

Chân như yến xử đường.

Vị Ương cung cố sự,

Diệc thị nhĩ thu trường"

(Đại ý: Thương thay Đặng Trần Thường, quyền thế đang ngang dọc thế nhưng cũng chỉ như con chim yến làm tổ trong ngôi nhà sắp cháy, sớm muộn cũng nguy khốn. Hàn Tín xưa giúp Hán Cao Tổ công tích đầy mình nhưng rồi cũng bị Hán Cao Tổ giết ở cung Vị Ương. Kết cục của người rồi cũng như của Hàn Tín xưa thôi).

Có lẽ nhớ lại những lời cuối cùng của Ngô Thì Nhậm nên khi đã sa cơ, Đặng Trần Thường có viết bài phú Hán vương tôn. Thực ra mà nói, những tráng sĩ dọc ngang ít biết trên đầu có ai như Đặng Trần Thường chỉ cần thiết cho các thủ lĩnh khi họ còn lận đận trong chiến trận và rất dễ bị xử tệ khi sự nghiệp đã thành, cần triều chính quy củ, nghiêm ngắn.

Một ông quan, có tài, có trí, nhìn nhận mọi vấn đề nhanh và đúng, quen nói thẳng ruột ngựa tất cả những điều phải quấy rất dễ khiến các bạn đồng liêu tức giận và việc Đặng Trần Thường bị xử giảo chỉ vì những lời xúc xiểm như thế âu cũng chẳng có gì lạ trong thời đại phong kiến. Ông quan Lê Chất hiển nhiên là bầm gan tím ruột khi nghe nói lại lời Đặng Trần Thường thốt lên lúc hay tin Lê Chất được phong tước quận công: "Chất mà là quận công thì bọn ta phải đáng đến mười lần quận công!". Chính Lê Chất về sau đã xúc xiểm để Gia Long buộc cho Đặng Trần Thường tội "dối người, lừa thần, dám làm những việc không ai dám làm cả".

Thực ra những vụ việc mà Đặng Trần Thường bị buộc là có tội chỉ là những sơ sẩy hành chính nhỏ, quá nhỏ nếu so với những võ công mà ông đã lập nên cho triều Nguyễn.

Dù thế nào thì với dòng họ Đặng ở Việt Nam, Đặng Trần Thường vẫn là một danh nhân rất xứng đáng được tôn kính. Chính ông năm 1802 đã rước bài vị của tiên tổ về Lương Xá và chọn đất làm từ đường ở xã Chúc Sơn để làm cơ sở thờ phụng gia tiên lâu dài.

Hiện nay, phủ thờ họ Đặng ở Chương Mỹ, Hà Tây vẫn là nơi họp mặt thân thuộc với con cháu họ Đặng ở khắp cả nước và từ nước ngoài về nữa

Đặng Đình Nguyên
.
.