Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm: Một thế giới tuệ Mỹ, bí ẩn
Nhận tin Nguyễn Tư Nghiêm từ trần lúc chiều muộn của ngày bận rộn (15/6/2016), tôi sững mình trong bồi hồi, thương nhớ. Lại thêm một nhân chứng tiêu biểu, đại diện xuất sắc của thế hệ ông nội tôi ra đi. Tôi đã mất ông khi mới vừa tuổi rưỡi. Họa sĩ (HS) Vi Kiến Minh truyền lại cho đứa cháu nội đầu tiên nhận thức và tình yêu nghệ thuật.
Không được trao chìa khóa để vào thế giới hội họa rộng lớn qua vai trò HS, nhưng tôi có "vân tay" truyền đời để mở được cánh cửa nghệ thuật liên thông, kì diệu. Tôi đã may mắn được vào thế giới Nguyễn Tư Nghiêm.
Bởi lòng yêu cái đẹp và mộ tài thành kính dẫn dắt tôi. Tôi tìm đến Nguyễn Tư Nghiêm và một số HS lão thành hiếm hoi còn lại như Phan Kế An, Mai Long... những người đã gặp quý mến ông nội tôi, mong tìm chút bóng dáng ông tôi khi nhìn họ bên giá vẽ.
Mùa Đông 2013, tháng cuối cùng thời tự do, tôi đến thăm danh họa trong buổi chiều lạnh. Tôi hẹn kỹ nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán đến chụp ảnh tại tư gia HS. Cuối đời, HS gần như không gặp ai, cực ít tiếp xúc. Thế nên khi ông qua đời, loạt ảnh cung cấp cho báo chí do ông Toán chụp chính là nhờ lần đi với tôi. Ông Toán là bạn học của vợ danh họa , HS Thu Giang - ở trường cấp 2 Ba Đình, Hà Nội.
Ngôi nhà trong ngõ phố Phan Bội Châu, quận Hoàn Kiếm hàng rào bằng những chậu cây lớn nhỏ ken dày, những ô cửa sổ sơn xanh, tường sơn màu vàng nhạt. Thật yên tĩnh, phố nhà ông nổi tiếng nhiều cửa hiệu bán giày dép đủ các nhãn mác.
Trái ngược với nhạc phụ ưa chủ nghĩa xê dịch, Nguyễn Tư Nghiêm không bị thúc giục bởi hàng vạn đôi giày mời gọi, trưng diện và lên đường. HS ẩn cư trong sự lặng lẽ, ít ra ngoài, tránh đám đông, trốn các hội nghị hội thảo, không đua chen, tranh giành, không màng chức tước, quyền lực.
Quyền lực của ông là tài năng. Quyền năng của người làm chủ chất liệu với sự hiểu biết và tâm hồn phức cảm chứa năng lượng dồi dào. Màu sắc ông dùng gần với màu tranh dân gian, ưa dùng màu nguyên bản. Chiều mùa Đông ấy như có lửa khi ông nhúng bút vào palette (bảng màu). Nhật kí của Nguyễn Tư Nghiêm từng ngày sống là từng ngày vẽ.
...Ông cụ tóc bạc trắng giọng Nghệ An vương vất âm sắc, mắng yêu con chó vàng mắt lồi, đanh đá, sủa liên hồi với bất cứ khách nào nói chuyện với ông chủ. Mỗi ngày, ông thường bước trên cầu thang gỗ nâu 20 bậc nhẵn bóng, xuống ăn ở tầng 1 rồi tự leo lên phòng vẽ tầng 2.
Mỗi sáng, sau khi chuẩn bị bữa ăn cho chồng, bà Thu Giang sang ngôi nhà 4 tầng kiến trúc Pháp ở 90 B2 Trần Hưng Đạo, nơi gia đình nhà văn Nguyễn Tuân từng sống, được giữ làm nhà lưu niệm. Nguyễn Tuân biệt tài, kiêu bạc, khái tính, tinh sành, chết đi vẫn được nhắc nhớ bằng tác phẩm tinh hoa để lại. Ông "oách" cả khi "về cõi", bởi con rể là Nguyễn Tư Nghiêm.
Họ cùng được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt 1 (1996), cùng đến với công chúng tại ngôi nhà này khi nó là trụ sở của Bảo tàng (BT) nhà văn Nguyễn Tuân ra đời ngày 29/12/2011, BT tranh Nguyễn Tư Nghiêm từ 18/1/2012 và họa sĩ Nguyễn Thu Giang là người phụ nữ duy nhất ở VN hiện nay làm giám đốc 2 BT tư nhân.
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. |
Nguyễn Tư Nghiêm bộc lộ năng khiếu từ nhỏ và nổi trội ngay từ khi là sinh viên, song ông không bị hào quang, danh lợi ảnh hưởng. Ông luôn sống tĩnh, bình dị chỉ bận tâm đến vẽ.
Ông nói với tôi, thực chất ông tuổi Bính Ngọ 1918, song mọi giấy tờ đều ghi 1922, năm sinh này công bố khi ông mất. Nghiêm thọ nhất trong bộ tứ danh họa Nghiêm - Liên - Sáng - Phái, ba HS đều mất năm 1988 và chỉ Bùi Xuân Phái có đầy đủ vợ con; ba người còn lại không cốt nhục truyền nhân.
Nguyễn Tư Nghiêm là con người của sáng tạo bằng hành động. Mọi tầng tư duy, sinh lực của ông dồn vào tranh, ông không ngồi café, ăn uống, không cao đàm khoát luận, tuyên bố tuyên ngôn tranh luận ồn ào.
Ông sống độc thân cho đến sau khi về hưu, tới 1991 mới chung sống với Thu Giang, con gái út của nhà văn Nguyễn Tuân, người bạn của ông. Thu Giang đã qua một cuộc hôn nhân và có một con trai, là HS của Hãng phim Hoạt hình VN.
Sau vài năm sống ở TP HCM, Thu Giang ra Hà Nội. Bà muốn nhờ chú Nghiêm vẽ chân dung. Đấy là nguyên cớ cho bước chuyển quan trọng, người chủ trương sống độc thân, thường trực có hũ lạc rang, gạo nếp để tự nấu nướng một mình nhâm nhi, lại quyết định chung sống với một phụ nữ kém gần 30 tuổi, điều chỉnh mình theo nhịp sống gia đình.
Những lần ông lên tiếng cực ít, ở tình thế cực chẳng đã. Một mình ông Nghiêm quyết liệt cũng chẳng thay đổi được lối "đồng phục" tư duy. Ông thể hiện thái độ vào tác phẩm. Con mèo sáu chân tuyệt đẹp khiến ông bị lên án và gặp khó khăn nhiều trong đời sống và sáng tác.
Có lúc ông đã từng giả điên trốn lên Đồi Cháy, Nhã Nam, Bắc Giang (thời chống Pháp), bởi trái tim nghệ sĩ nhạy cảm và yếu mình không chịu được những nghịch lý của thời thế, người an ủi ông ngày ấy trên đồi, là nhà văn Kim Lân. Danh họa vẫn lại tiếp tục con đường phi hiện thực.
Không rời xa sự thật, song theo nhà nghiên cứu triết học Nguyễn Hào Hải: "Nguyễn Tư Nghiêm theo trường phái modernist, ông đả phá, chống lại lối vẽ mô tả, bê nguyên hiện thực. Có giai đoạn ông vẽ hình, xóa mặt, méo mó. Ông vẽ không nệ thực, không vẽ như hiện thực nó vốn có mà vẽ như nó phải có.
Với hiểu biết sâu về văn hóa truyền thống, Nguyễn Tư Nghiêm đã diễn tả văn hóa VN và phương Đông bằng cấu trúc hình nét lạ lẫm, hiện đại. Những con giống, con giáp được thể hiện theo quan niệm âm dương ngũ hành. Kỹ thuật tạo hình mang nhịp điệu, họa tiết của hoa văn đồ gốm Lý - Trần rõ nét. Sự tiếp biến văn hóa trong tranh ông mang tính động và tỏa trường phái mới, hình thái mới”.
Thái Bá Vân đã xác tín: “Nếu Nguyễn Tư Nghiêm là mệnh đề đứng riêng trong nghệ thuật hiện đại Việt Nam, thì đó là, bởi ông đã tự chối bỏ cả chính mình, để mặc cho sự cám dỗ bí mật và tôn thiêng của cái Đẹp luôn cuốn đi”. Cái Đẹp cuốn ông đi trong tư tưởng sáng tác đồng nghĩa với khám phá.
HS Vi Kiến Thành khái quát: "Cái đẹp trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm bền vững với thời gian bởi ông không vẽ tuyên truyền thời vụ, mỗi bức tranh đều gửi tư tưởng, tâm trạng cá nhân mang tính điển hình của thời cuộc, lịch sử nên nó là tác phẩm, dấu mốc của nền hội họa mà mặc nhiên là đỉnh cao không chỉ của tác giả. Ví dụ, các tranh sơn mài trong loạt tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, như Con nghé quả thực (1957), Nông dân đấu tranh chống thuế (1958),… Tranh nào của Nguyễn Tư Nghiêm cũng gửi tâm thế thời cuộc, không vẽ phản ánh thuần túy am hiểu Triết học, Nho học, tranh Nghiêm tiếp thu tinh hoa chạm khắc đình chùa thời hưng thịnh của Phật giáo.
Những chạm khắc tâm linh phương Đông được đẩy lên đỉnh rất hiện đại đậm chất truyền thống nhưng không phải sao chép, mô phỏng mà được chuyển hóa với tạo hình hiện đại.
Chỉ một lần ông nói về tư tưởng sáng tác của mình: Khi đến tận cùng truyền thống, sẽ gặp hiện đại. Ông đã đến được tận cùng, lên được đỉnh cao. Hệ thống nét trong tranh Nghiêm hoàn toàn riêng. Cá tính độc đáo ở cấu trúc hình và độ rung cảm, chính rung cảm này khiến ông tạo nên cấu trúc tác phẩm biểu hiện và lập thể khác thường mà rất khó nhái, bắt chước. Suốt đời, ông đã triển khai khuynh hướng sáng tác trên và gây ảnh hưởng sâu rộng vài thế hệ. Ông là một nhân cách đáng kính, không "thể hiện" mình bằng ngoại hình kiêu, chảnh mà bình dị, khiêm nhường".
Đồng quan điểm với HS Vi Kiến Thành, HS Đặng Xuân Hòa nhận định: "Chủ nghĩa biểu hiện trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm gây độc đáo hiếm biệt. Ông đã thầm lặng làm việc trong nhiều bối cảnh, với sức vẽ đáng khâm phục. Chỉ nghệ sĩ lớn mới có thái độ làm việc như vậy. Ông tìm được phong cách nghệ thuật sớm, có công khai thác nghệ thuật cổ thành nghệ thuật hiện đại".
Rất sớm, ông tham gia thành lập Hội Mỹ thuật VN (MTVN). Rất sớm, ông được giải cao, triển lãm (TL) ở nước ngoài (như TL ở Moskva (1958-1959) và TL tại các nước Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu (1959 -1960). Ông còn trình bày bìa tập sách Tranh dân gian Việt Nam 1 (NXB Văn hoá, giải Nhất tại Hội chợ sách quốc tế tại Moskva năm 1971); Tranh Dân gian Việt Nam 2 được Huy chương Vàng IBA tại Leipzig, Đức…).
Những điều này bổ trợ cho tư duy và tâm linh của ông, càng thêm sâu sắc và cuốn hút khi sáng tạo bởi đã hòa quyện khi đẩy được tận cùng chất phương Đông trong lối biểu hiện phương Tây. Nhân vật, chất liệu rất VN mà lại làm nên cái mới tiên phong tầm quốc tế. Nguyễn Tư Nghiêm là một cá biệt mà tầm vóc của sự độc đáo làm nên vị thế của bậc thầy. Ông và Nguyễn Sáng đã cách tân ngôn ngữ tạo hình VN. Ông được Hội MTVN bầu vào Ban Chấp hành khoá I (1957 - 1983).
Tranh sơn mài Đêm giao thừa ở hồ Gươm (1958). |
Số lượng tác phẩm đồ sộ, nhưng ông lại rất ít làm TL riêng. TL cá nhân lần đầu tiên của Nguyễn Tư Nghiêm được Hội Nghệ sĩ Tạo hình Việt Nam tổ chức tại Nhà TL Mỹ thuật - 16 Ngô Quyền, Hà Nội năm 1985. TL cá nhân Bộ tranh con giống năm 1988 và TL tại Bảo tàng Mỹ thuật Phương Đông và Phương Tây tại Odessa do Hội Mỹ thuật Liên Xô và Hội Nghệ sĩ Tạo hình Việt Nam tổ chức.
Ông là một thế giới hội tụ đa dạng, không theo hẳn một chủ nghĩa, trường phái nào mà đã đạt tầm cao để đạt được con đường nghệ thuật riêng của mình. Vẽ là sự sống và sứ mệnh nghệ sĩ, dồn hết tâm sức vào sáng tạo miệt mài - tình yêu lớn nhất của ông. Người tài trong nghệ thuật không hiếm, tài độc đáo với mỗi chuyển động, dấu ấn cá nhân thành dấu mốc của nền nghệ thuật thì cực hiếm.
Ông đã làm nên sự khác biệt trong những hoàn cảnh khó khăn nhất khi nền văn nghệ đặt mục tiêu tuyên truyền làm chính yếu. Nếu bậc đại thụ đầu tiên Nguyễn Gia Trí là ông tổ của tranh sơn mài, một chất liệu riêng có khởi từ VN, thì Nguyễn Tư Nghiêm đã làm nó thăng hoa khiến thế giới kính nể.
Ngày từ năm 1952, Nguyễn Tư Nghiêm được phân công phụ trách Xưởng họa của Hội Văn nghệ VN. Tại đây, ông cùng một số HS thể nghiệm, tìm tòi chất liệu sơn mài, đặc biệt đưa được màu xanh lục vào tranh sơn mài tạo nên một thay đổi quan trọng cho sự phát triển sơn mài truyền thống VN.
Nghiêm tránh thế giới hiện thực ồn ào, mà không sống ảo, ngược lại ông giữ mình trong yên tĩnh để thầm lặng cảm nhận thế giới hiện thực và tạo ra thế giới khác trong thế giới của ông.
Ông sáng tạo nhiều chất liệu: bột màu, khắc gỗ màu, sơn dầu... giai đoạn sáng tác bùng rộ, rực rỡ nhất là sơn mài. Ông đã làm sang cho chất liệu VN này và thủy chung đến cuối đời bằng nặng lòng với dân tộc khi chọn dó - giấy thủ công truyền thống. Tình yêu lớn cho hội họa không bị san sẻ, còn được bổ trợ bởi người bạn đời thấu hiểu, trân trọng, nâng đỡ ông bằng sự chăm sóc ân cần. HS Thu Giang tự tay nấu từng bữa ăn, mua họa phẩm, chuẩn bị phòng vẽ cho chồng. Bà quản lí, sắp xếp tranh, làm bảo tàng cho ông.
Nguyễn Tư Nghiêm là đại diện tiêu biểu của thế hệ được đào tạo tại Trường Mỹ thuật Đông Dương - Mỹ thuật Yết Kiêu (1925) là sự biểu trưng của sự sáng tạo phi thường mà ông thuộc top vàng son ưu tú của nền nghệ thuật nước nhà.
Tranh ông được xếp vào hàng đắt giá nhất VN, đây không phải là lí do hứng khởi sự thúc đẩy tâm thế vẽ. Mỗi ngày sống, ông đều đi trên con đường mình đã đi. Những con ngựa vó vuông của ông chưa hề ngừng bước.
Suốt cuộc đời, Nguyễn Tư Nghiêm không ngừng vẽ cho đến lúc không còn chút sinh lực nào cầm bút. Thế giới được đưa vào những khổ tranh với kích thước tính bằng cm.
Là thế giới của những khuôn hình thầm lắng và tỏa sáng của một tâm hồn, của khối óc thông thái làm nên chuỗi tác phẩm mãi xuân thì, những khuôn hình chứa màu sắc, hương thơm, có mùi sen loài hoa ông yêu chớm nở, nơi ấy linh hồn dân tộc tỏa ra quốc tế thứ ánh sáng tuệ mỹ tưởng chạm thấy được trong ám tượng, hoan ca, choáng ngợp lại nồng nàn sóng tình, một tình tự dân tộc hiện đại mãi còn bí ẩn, còn quyến rũ.