Danh hoạ Hà Lan Vincent Van Gogh: Nỗi buồn vĩnh cửu

Thứ Tư, 16/11/2011, 16:09
Theo những gì vẫn được ghi nhận, ngày 27/7/1890, tại Auvers-sur Oise (gần Paris, thủ đô Pháp), trong tình trạng bệnh lý rất nghiêm trọng do những khủng hoảng tinh thần, danh họa người Hà Lan Vincent van Gogh đã mang theo đồ nghề vẽ đi ra ngoài đồng dạo chơi rồi tự bắn súng vào ngực. Và không tự biết mình đã bị thương nặng, ông quay vào nhà để hoàn thành nốt bức chân dung Adeline Ravoux.

Hai ngày sau, ông trút hơi thở cuối cùng trên giường sau khi thốt lên câu: “Nỗi buồn sẽ kéo dài mãi mãi”… Thế nhưng, theo công bố mới đây nhất của hai nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật người Mỹ Steven Naifeh và Gregory White Smith, Van Gogh qua đời không phải do ông tự vẫn mà chỉ vì một sự cố bất ngờ.

Không may trúng đạn

Steven Naifeh và Gregory White Smith đã bỏ ra mười năm để nghiên cứu về tiểu sử của Van Gogh. Và họ đã cho xuất bản cuốn sách Van Gogh: Cuộc đời tại London ngày 17/10/2011.

Trong cuốn sách này, dựa trên những tài liệu chưa từng được công bố cùng những lá thư của những người có quyền thừa kế và các tâm sự đã được ghi thành văn bản của một số nhân vật sống đồng thời với danh họa Hà Lan, các tác giả của cuốn sách đã đưa ra giả thuyết mới về nguyên nhân dẫn tới cái chết của Van Gogh.

Theo đó, không phải Van Gogh tự bắn vào mình mà ông đã bị ngộ sát bởi một thiếu niên 16 tuổi tên là Rene Secretan, lúc đó cũng về nghỉ hè trong một biệt thự ở thành phố và đang đi chơi cùng một người bạn đồng trang lứa. Một trong hai cậu bé này lúc đi chơi đã diện bộ đồ cao bồi và mang theo một khẩu súng hỏng.

Hai nhà nghiên cứu đã tìm được bằng chứng về việc danh họa đã có giao du với hai cậu bé ấy. Chúng đã mời Van Gogh uống rượu cùng và muốn trêu tức để ông nổi cáu bằng cách chĩa súng vào ông để dọa. Có lẽ khi vô tình để súng cướp cò trúng vào danh họa, hai cậu bé đều ở trong tình trạng quá chén…

Lúc Van Gogh hấp hối, người ta đã hỏi ông rằng, liệu ông có bao giờ có ý định tự sát hay không thì ông đã trả lời rằng: “Tôi nghĩ là có”. Theo phỏng đoán của hai nhà nghiên cứu nghệ thuật người Mỹ, danh họa dường như đã không muốn làm liên lụy tới cậu thiếu niên đã vô tình làm ông trọng thương, vì nếu ông nói ra nguyên nhân, chắc chắn cậu ta đã bị bắt... Do luôn có cảm giác mình là gánh nặng cho em trai Theo nên danh họa dường như cũng muốn chết sớm đi cho em mình “rảnh nợ”. Ông không chủ động tìm tới cái chết nhưng được tình cờ ra đi là điều mà có lẽ ông cũng đã thầm mong muốn.

Theo báo Anh The Independent số ra ngày 16/10/2011, giả thuyết mà Steven Naifeh và Gregory White Smith vừa đưa ra trong cuốn sách của mình có thêm tính thuyết phục  vì ngay lúc đó cũng như cho tới bây giờ không hề có ai tìm thấy những đồ nghề vẽ và khẩu súng lục mà dường như Van Gogh đã mang theo lúc ra ngoài đồng dạo chơi.

Ngoài ra, nhiều người cũng hoài nghi rằng, nếu Van Gogh thực sự bị trọng thương vào ngực thì ông đã khó có thể một mình tự vượt qua đoạn đường dài hơn một cây số rưỡi từ chỗ xảy ra sự cố về quán trọ Ravoux Auberge, nơi ông tá túc khi đó ở Auvers – sur – Oise. Tài liệu pháp y cho thấy, viên đạn xiên vào bụng của Van Gogh là từ một góc xiên chứ không vào thẳng như trong các trường hợp tự tử khác…

Steven Naifeh và Gregory White Smith trong suốt 10 năm đã nghiên cứu gần 28 nghìn tài liệu cùng với các dịch giả và các nhà nghiên cứu khác để viết nên cuốn sách mới của mình. Hai học giả này cũng là những người đã viết tiểu sử của họa sĩ Jackson Pollock mà nhờ đó, họ được trao giải thưởng Pulitzer…

Sáng tạo từ nỗi đau

Van Gogh dù chỉ sống có 37 năm trên cõi thế (ông sinh năm 1853 tại một làng nhỏ ở miền nam Hà Lan) nhưng đã tạo nên được những kiệt tác mà hiện nay vẫn nằm trong danh sách được yêu thích nhất và đắt giá nhất trên thế giới. Một điều đặc biệt là Van Gogh chỉ thực sự trở thành họa sĩ khi ông đã 27 tuổi. Bắt đầu từ cuối năm 1880, theo lời đề nghị của người em trai Theo mà ông rất thân thiết và yêu quý, Van Gogh đã cầm cọ để ghi lại những ấn tượng quanh mình.

Ông đã đến Bruxelles để theo học họa sĩ Hà Lan nổi tiếng Willem Roelofs. Và chính Roelofs đã thuyết phục được Van Gogh thi vào Trường Mỹ thuật Hoàng gia. Tại đây, danh họa tương lai đã không chỉ được học về môn giải phẫu, mà còn biết thêm những quy tắc chuẩn trong việc dựng hình và phối cảnh…

Trước khi dấn thân vào nghiệp vẽ, Van Gogh đã chỉ đơn giản là một nhân viên trong một công ty bán tranh (vì gia đình ông có truyền thống làm nghề này) rồi đi làm giáo viên và thậm chí nối nghiệp cha làm cả nhà truyền giáo tại một vùng mỏ nghèo ở miền nam nước Bỉ. Trái tim đa cảm và nhiều ưu tư của một nghệ sĩ bẩm sinh đã khiến Van Gogh cực kỳ cảm thông với những con chiên cực nhọc của ông.

Và ông bộc lộ sự đồng cam cộng khổ với họ bằng cách chỉ ngủ trên chiếc nệm rơm trong một túp lều nhỏ phía sau căn nhà của người làm bánh mỳ đã cho ông tá túc. Và ông đã làm mếch lòng những người quản lý giáo phận vì những nhân vật này cho rằng, một giáo sĩ thì không nên sống một cách bần hàn như thế. Rốt cuộc là ông đã bị sa thải…

Không ngẫu nhiên mà khi được ánh sáng của hội họa giác ngộ, Van Gogh đã chọn những nhân vật chính cho các tác phẩm đầu tay là những con người cần lao đầu tắt mặt tối mà ông rất quen thân: những người thợ mỏ, những nông dân và những thợ thủ công…

Và cũng không ngẫu nhiên mà những gam màu mà ông hay sử dụng trong giai đoạn này chỉ là những gam màu tối. Mãi tới khi bắt đầu được tiếp xúc với trường phái  Ấn tượng và Tân Ấn tượng cũng như các bức  tranh khắc Nhật Bản ở “kinh đô ánh sáng” Paris những năm từ 1886 tới 1888, Van Gogh mới bắt đầu thay đổi phong cách vẽ. Và các gam màu của ông trong giai đoạn này đã trở nên tươi sáng hơn.

Đa đoan là nợ

Cuộc sống tình cảm của Van Gogh rất nhiều trắc trở. Năm 1881, sống tại vùng đồng quê Etten cùng với gia đình, ông đã phải lòng người chị họ tên là Kee  Vos-Stricker, một phụ nữ lúc đó đã  có một cậu con trai lên 7 tuổi. Và ông đã ngỏ lời cầu hôn tha thiết nhưng đã bị Kee từ chối thẳng thừng. Và trong cơn tuyệt vọng, Van Gogh đã hơ bàn tay trái lên ngọn lửa đèn và gào thét: “Hãy cho tôi nhìn thấy cô ấy chỉ trong thời gian tôi có thể để tay trên ngọn lửa này…”.

Mối tình si trớ trêu của danh họa gần như không được  ai trong gia đình đồng tình. Thậm chí người cha còn cắt mọi nguồn trợ giúp tài chính đối với Van Gogh với hy vọng là vì quá túng bấn, ông sẽ quên đi tình yêu dành cho Kee. Rốt cuộc là trước Lễ Giáng sinh năm 1881, Van Gogh đã rời nhà đi Den Haag…

Tại Den Haag, Van Gogh đã sống chung với một người họ hàng, cũng là họa sĩ. Và ở đó, người họa sĩ trẻ đã dan díu với một phụ nữ bán hoa nát rượu tên là Clasina Maria Hoornik, hay còn gọi là Sien. Nàng cũng đã có một cô con gái nhỏ lên 5 và mang thai trong thời gian làm quen Van Gogh.

Khi cha của Van Gogh biết chuyện này, ông cụ đã tìm mọi cách để phá đám nhưng người họa sĩ trẻ vẫn nhất quyết sống với Sien, khi đó đã có thêm một cậu con trai Willem… Cảnh đời túng bấn đã buộc Sien phải trở lại với nghề bán hoa ngay cả khi đã sống cùng với Van Gogh. Và có lẽ cũng vì Sien mà Van Gogh tới tháng 6-1883 đã phải vào viện để chữa bệnh lậu…

Chỉ tới mùa thu năm 1883, danh họa mới dứt bỏ được Sien và hai đứa con của cô. Willem được mẹ gửi cho người anh ruột nuôi… Sau này, năm 1904, tuyệt vọng về kiếp “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”, Sien đã tự vẫn dưới sông Scheld…

Rời Den Haag, Van Gogh lại về ở với cha mẹ tại Nuenen và đã lao mình vào vẽ. Tới mùa thu năm 1884, danh họa bị Margot Begemann, một phụ nữ hơn ông 10 tuổi phải lòng và ông cũng đáp lại tình yêu ấy. Tuy nhiên, cả hai gia đình đều kịch liệt phản đối mối quan hệ đó. Rốt cuộc là người đàn bà bạc mệnh đã uống thuốc định tự tử…

Cuối năm 1885, Van Gogh chuyển tới Antwerp và thuê một căn buồng nhỏ phía trên một cửa hiệu bán tranh ở phố Rue des Images. Lúc này, cha ông đã qua đời. Và danh họa đã phải sống rất tùng tiệm, thậm chí là túng thiếu nặng nề vì ông phải dành phần lớn số tiền mà người em trai Theo gửi cho để mua vật liệu sáng tác và trả tiền cho người mẫu.

Những thứ mà ông được dùng thường xuyên nhất chỉ là bánh mỳ, cà phê và thuốc lá. Cuộc sống phóng túng của một họa sĩ tự do đã khiến ông còn nghiện thêm thứ rượu absinthe. Đồng thời, ông cũng phải  tiếp tục chạy chữa căn bệnh giang mai. Sức khỏe của ông vì thế rất tồi tệ.

Tới tháng 3/1886, Van Gogh chuyển tới Paris. Cũng ở đây, ông đã làm quen và kết bạn với họa sĩ Paul Gauguin vào tháng 11/1887. Và tháng 2/1888, ông rời bỏ Paris đi Arles vì cảm thấy chán ngán không khí sống ở đây. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, trong hai năm ở Paris, Van Gogh đã vẽ được tới hơn 200 bức tranh… Tới tháng 10 cùng năm, Gauguin tới Arles theo lời mời của Van Gogh và hai người đã cùng làm việc với nhau trong suốt tháng 11. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai danh họa đột nhiên trở nên xấu đi vì những khác nhau trong quan niệm nghệ thuật và cũng có thể là vì những cảm xúc mà một số nguồn tư liệu cho là đồng tính giữa hai ông.

Mọi sự trở nên xấu đến mức ngày 23/12/1888, Van Gogh đã đuổi theo Gauguin với một lưỡi dao cạo trong tay và sau đó lại tự cắt dái tai trái của chính mình, gói nó vào một tờ báo, đưa cho cô gái điếm Rachel ở nhà chứa địa phương và yêu cầu cô này giữ nó cẩn thận.

Thế nhưng, ngay cả một hành động mang tính tuyệt vọng như vậy cũng không giúp Van Gogh ghìm chân Gauguin ở lại Arles. Từ đó, hai người không bao giờ gặp lại nhau. Thất tình, Van Gogh đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Ở ông xuất hiện những dấu hiệu gay gắt của chứng hoang tưởng và ông luôn nghĩ mình có nguy cơ bị đầu độc.

Tháng 5/1890, rời bệnh viện tâm thần, Van Gogh đến tĩnh dưỡng ở Auvers – sur – Oise, gần Paris. Và chính tại đây ông đã ra đi như chúng ta đã biết.

Chỉ trong 10 năm cuối đời, Van Gogh sáng tác hơn 2.000 tác phẩm, trong đó có khoảng 900 bức họa hoàn chỉnh và 1.100 bức vẽ hoặc phác thảo… Cho đến khi chết, ông vẫn ở trong tình trạng không được vinh danh như ông xứng đáng

Khánh Hoàng
.
.