Danh hài Minh Vượng: Quên lòng mình đang đắng

Thứ Ba, 05/06/2012, 13:10
Bó chặt hai đầu gối cho khỏi đau, Minh Vượng ào ra sân khấu, xúng xính hát ca nhảy múa. Thấy chị, hàng trăm đứa bé con phấn khích hò reo liên hồi. Cả đống bệnh đeo đẳng trong người 15 năm đằng đẵng, Minh Vượng điềm nhiên: “Thôi thì sống chung với lũ”. “Trời kêu ai nấy dạ”, nếu dừng mọi công việc, dừng đi diễn, dừng để cái quầng sáng ma quái của ánh đèn sân khấu ám ảnh mình, chị sẽ khụy ngã.

Sân khấu không hẳn là niềm vui, mà như sự sinh tồn, bọn trẻ con khán giả đã là một phần trong chuỗi ngày thường của Minh Vượng, “người đàn bà cười” âm thầm giấu nỗi cô đơn quặn thắt vào tận đáy sâu lớp vỏ bọc kềnh càng… 

1. Áo phông thùng thình,  quần ka ki thụng, mặt mộc bết bát mồ hôi không son không phấn, Minh Vượng bên ngoài sàn tập tiều tụy hơn hình dung và tuềnh toàng bụi bặm như một bà nội trợ ưa chuyện, ham “buôn dưa lê dưa cà”. Hai tay hai điện thoại, chị khó nhọc rít thuốc, rồi thoăn thoắt nghe máy, hồi đáp hầu hết là những lời mời biểu diễn của các “bầu sô” tứ xứ.

Càng gần ngày 1-6, Minh Vượng càng bận rộn. Chị cùng lúc tập 3 kịch mục dành riêng cho tuổi thơ với Nhà hát Chèo Hà Nội, để kịp ra mắt vào dịp Tết Thiếu nhi. Ngồi bàn soạn kịch bản cùng Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, đào thương nhan sắc sở hữu giọng hát đắm đuối Thúy Mùi, chị hoạt náo minh họa luôn bằng những động tác vui nhộn. Lứa Minh Vượng, Thúy Mùi mới ngày nào tinh khôi son trẻ, tung tăng trên các sân khấu của Hà Nội một thời người chưa đông, phố xá chưa bụi bặm, thời gian vèo trôi, giờ đều đã vào tuổi bà nội bà ngoại.

Làm kịch cho thiếu nhi trước hết cần cuốn hút, nếu không đừng hòng giữ được cái lũ hiếu động ấy ngồi yên một chỗ, nên rap, rock, hip hop gì diễn viên phải thành thạo hết. Minh Vượng cười cười lần này chị tình nguyện thay đổi hình ảnh, quyết làm lão phú ông và bà chị dâu tham lam độc ác trong các vở diễn Quả táo thần, Khắc nhập khắc xuất và vở Ăn khế trả vàng mong sao bọn trẻ thích thú. Hết giả trai phú ông, chị lại hùng hục làm vai con chó, tỉnh queo “vì đấy là người bạn thân thiết của trẻ con”, chẳng từ nan hay nề hà e ngại gì. Danh chị đã có đủ, tình cảm của người hâm mộ chị cũng sưu tầm được nhiều, tiền chỉ dùng cho thuốc men, nên Minh Vượng giai đoạn này hừng hực lao vào làm sân khấu thiếu nhi như để tranh thủ chiu chắt từng chút xíu một vốn thời gian quý giá.

Sáng tập vở, chiều đi dạy, tối chạy “sô”, Minh Vượng miệt mài làm việc như một người công nhân thực thụ từ tinh mơ tới nửa đêm về sáng. 6 giờ chiều bon bon trên ô tô diễn tỉnh, 1 giờ đêm ngày hôm sau mới mò về tới nhà, sáng vẫn đều đặn tới nhà hát luyện vai như bình thường, lao động chính là bài thể dục, phương thuốc bổ giúp chị quên đi nỗi nhọc mệt kinh niên do bệnh tật hành.

Đi diễn quanh thành phố, chị chuyên vẫy xe ôm. Xe ôm cũng một kiểu không giống ai, bắt chủ xe ngồi đằng sau chị tự chở, đến nơi trả xe trả tiền đàng hoàng vì “ngoài mình ra, chả tin được vào tay lái của ai”. Hỏi sao không mua ô tô cho khỏi mưa nắng dãi dầu, Minh Vượng lắc đầu bảo không xính món đó. Vả lại, như đồng nghiệp của chị, diễn viên hài Quang Thắng từng ngậm ngùi thốt lên: “Bà này làm được bao nhiêu tiền lại đổ vào thuốc men hết”. Chị đúng là quanh năm sống nhờ thuốc, kiên gan được đến bây giờ cũng là tốt thuốc tốt chăm nom. Mỗi ngày bốn lần tự tay tiêm insulin vào rốn để khống chế bệnh tiểu đường, thêm hàng vốc thuốc huyết áp, khớp… nhưng chưa ai thấy chị than vãn nhăn nhó hay lí do lí trấu để bỏ sô ngưng diễn bao giờ.

Ba năm trước, Minh Vượng chẳng may tiếp đất theo cách thức chả ai mong muốn vì giẫm phải bông tuyết đạo cụ khi tập vở do NSND Lê Hùng bên Nhà hát Tuổi trẻ đạo diễn. “Họa vô đơn chí”, cái cột sống lại chịu hệ lụy của cú sẩy chân đen đủi ấy đến tận giờ, nên mỗi lần ra sân khấu diễn cho trẻ em, di chuyển nhiều, hoạt động nhiều, múa may quay cuồng nhiều, Minh Vượng phải cố định đầu gối bằng hai miếng gen theo kiểu mà các cầu thủ bóng đá hay dùng để hạn chế nỗi đau.

Nghệ sĩ Minh Vượng trong vở “Quả táo thần”.

Là diễn viên chính kịch, bén duyên hài và tự nguyện biến mình thành người làm trò, người mua vui cho công chúng bấy nay. Cái hài riết róng trong Minh Vượng đến độ, chị vào vai bi đàng hoàng trong một vở chính kịch đàng hoàng, nhưng ra sân khấu, nhân vật thì khóc còn khán giả lại nghiêng ngả cười. Chị chưa diễn người ta đã cười, nghe cái giọng lanh lảnh hấp tấp của chị cất lên, tiếng cười đã không ngừng lan tỏa.

Biết phận sự của mình chỉ là làm trò, làm vui trong mỗi thường ngày, Minh Vượng hùng hục đi, hùng hục làm như lao động khổ sai. Bạn bè đồng nghiệp thường trêu đùa, Minh Vượng phải xứng đáng anh hùng lao động về vấn đề đi. Chân đau, lưng đau huyết áp không ổn định, Minh Vượng vẫn mải miết trên từng cây số, rong ruổi khắp chốn cùng quê mỗi ngày. Chị thuộc về số những nghệ sỹ hài đắt sô ăn khách nhất miền Bắc, dù lâu nay ít xuất hiện trên truyền hình trong vai trò diễn viên, thay vào đó lại làm MC cho các chương trình mà phần nhiều cũng dành cho trẻ em. Trẻ em giờ là mối bận tâm lớn nhất của chị, chị miệt mài với những dự án sân khấu học đường, dựng chương trình cùng Nhà hát Chèo Hà Nội, cùng Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nhẫn nại tung chiêu bày trò kéo bọn trẻ con đến với sân khấu để chúng có thêm niềm vui và những háo hức ngày hè. Minh Vượng từ lâu, rất lâu đã được coi như danh hài của con trẻ, người không tiếc công sức chăm lo, nâng giấc cho sân khấu học đường.

Dịp 1-6, Minh Vượng có thể liên miên diễn 8 suất một ngày không nghỉ, ra sân khấu hét hò làm trò hoạt náo, chỉ đến đêm về nhà mới tưởng như lết không nổi hai bàn chân. Minh Vượng đinh ninh rằng, những đứa trẻ từ tấm bé thường xuyên được làm quen tiếp xúc với nghệ thuật, được vui được cười với những câu chuyện sinh động sắc màu và ấm áp tình người trong các vở diễn, sẽ bớt đi nhiều nỗi đau bạo lực học đường, hay tội phạm vị thành niên khiến người lớn cũng rùng mình vì mức độ manh động. Ngoài đời thường ở sân khấu ầm ào ồn ã, chị về nhà đơn lẻ một mình, lặng lụi giữa đám thú nhồi bông nhiều vô kể và một người bạn tri kỷ cùng chị nương vai tựa bóng bên nhau đã nhiều năm qua.

2. Xa lắm rồi thời Minh Vượng 43 cân 17 tuổi, chị giờ đã đến tuổi về hưu bên Nhà hát Kịch Hà Nội, người đã phốp pháp xồ xề thô nháp hơn rất nhiều. Thôi chính danh công việc nhà nước, chứ Minh Vượng không thể thôi làm nghệ sỹ. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã ba mấy năm kể từ dấu ấn 1978, Minh Vượng tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Hà Nội, về đầu quân cho Nhà hát Kịch của Thủ đô. Quen Minh Vượng vì những vai hài, ít ai nhớ Minh Vượng từng có mặt trong hầu hết các vở diễn đình đám nổi trội của nhà hát một thời, những vở diễn gắn với tên tuổi nhà viết kịch Lưu Quang Vũ: Cô gái đội mũ nồi xám, Tôi và chúng ta, Khoảng khắc và vô tận

Chị hồi ức, chơi thân với anh Lưu Quang Vũ, chị Xuân Quỳnh từ ngày ấy, vẫn thường ngồi uống chè chén vỉa hè cùng anh Vũ ở quán nước gần hồ Ha le (hồ Thiền Quang), đắm đuối với những ước mơ ảo mộng một thời con gái. Anh Vũ từng khuyên Minh Vượng viết đi, viết đi, và giờ chị xắn tay tự mình đạo diễn biên kịch một bộ phim truyền hình theo đơn đặt hàng của một nhà sản xuất. Học được nhiều từ các đàn anh đàn chị, tích lũy được nhiều trong ròng rã nhiều năm, Minh Vượng tha thiết muốn truyền thụ những kinh nghiệm diễn xuất cho học trò. Bởi vậy, chị tham gia giảng dạy ở Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, ngôi trường xưa của chị, lại chắt chiu thêm niềm vui với đám thanh niên đang chập chững bước vào đời. Ham dạy ham học trò đến độ, vì bất khả kháng có thể bỏ những “sô” diễn nhiều cát sê chứ chưa khi nào bỏ dạy, bỏ giờ lên lớp…

Cuộc đời Minh Vượng như ứng với câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật, thi sĩ vừa được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh danh giá:  “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay”. Nhìn Minh Vượng trên sân khấu, bất chợt gặp Minh Vượng ngoài đời, không ai mường tượng ra nổi những éo le mà số phận đã giáng lên đầu chị. Thây kệ, chị chưa một giây phút nào bận tâm, mà chỉ luôn hài lòng vì mình có đông anh đông em, đông cháu chắt bạn bè, ốm đau hết cháu giai cháu gái chăm sóc phục vụ, nằm một chỗ cũng người này người khác tất tả lo toan.

Làm đủ vai mẹ vai vợ trên phim trên sân khấu, ngoài đời Minh Vượng lẻ loi đơn chiếc. Tổ ấm của chị ngập tràn lũ thú nhồi bông mà chị tha lôi về từ khắp thế giới. Chị coi chúng như bạn như em như con như người chia ngọt sẻ bùi từng giây phút sống.

Chị người thẳng tính, có trước có sau, mặc dư luận râm ran ồn ã, vẫn nhất mực bênh vực đạo diễn Lê Hùng, coi NSND Lê Hùng như một người anh, người bạn tài hoa đáng kính, người lắm tài và cũng nhiều tật, công lao không ít với Nhà hát Tuổi trẻ. Minh Vượng có cho mình danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú từ hơn mười năm trước; Nghệ sỹ nhân dân, chị cũng chạnh lòng nghĩ tới, nhưng lại kiêu hãnh, xét tặng thì nhận, xin thì không, không làm hồ sơ không liệt kê huy chương cống hiến. Điều đó, tình thực cũng không cần lắm, bởi nếu quan niệm Nghệ sỹ nhân dân đương nhiên là người được nhân dân quen tên biết tiếng, được nhân dân yêu mến và nhận về mình, Minh Vượng đã xứng đáng từ rất lâu rồi. Chị tiết lộ, ngay giới nghệ sỹ nhìn về nhau, nghĩ về nhau cũng đã tự xưng tụng tôn vinh những Nghệ sỹ nhân dân theo cách của mình, những Bảo Quốc danh hài, Thành Lộc Idecaf hay Xuân Hinh hề chèo, dù họ chưa một lần được chính danh công nhận bằng văn bản chính danh mực thước

Ngô Hương Sen
.
.