Danh hài Lê Quốc Nam: Trượng phu nghiệp diễn

Thứ Tư, 16/07/2014, 11:16
Hầm hố và hơi bặm trợn, vẻ ngoài của Lê Quốc Nam dễ làm người ta e dè nếu chưa tiếp xúc. Nhưng bắt chuyện rồi thì thấy quý lạ lùng. Lê Quốc Nam khiến người đối diện có cảm giác đang ngồi trước một tay “giang hồ”. Trượng nghĩa, bộc trực, hào sảng mà cũng cực kỳ tình cảm.

1. Lê Quốc Nam sống bản năng, kiểu bản năng nghệ sĩ. Thích thì chơi, mê thì làm, không màng được, mất. Một khi đã không thích thì nói kiểu nào cũng chẳng ăn thua. Lâu trước, tôi tìm xin số điện thoại của anh vất vả vô cùng. Nhấc máy gọi thì ò í e. Bữa hỏi chuyện mới biết, Lê Quốc Nam bỏ số điện thoại đẹp mát mắt đó hơn một năm rồi. Đơn giản do không làm hài kịch nữa! Quyết tâm như người ta đoạn tuyệt một mối tình đắm say suốt gần hai mươi năm. Nhưng không dứt không được vì có níu, có kéo cũng bế tắc, vô vọng.

Viết về Lê Quốc Nam đồng nghĩa với việc viết về giai đoạn sân khấu hài hưng thịnh cho đến lúc èo uột như hiện nay. Vì Lê Quốc Nam đắm đuối cả tuổi trẻ, năng lượng và tận hiến cho tình yêu lớn ấy. Và cũng vì, sức ảnh hưởng cũng như đóng góp của anh đối với sân khấu hài trong nước và hải ngoại cho đến bây giờ vẫn hết sức giá trị. Lê Quốc Nam được xem là người tiên phong của loại hình hài kịch theo dạng tiểu phẩm có nội dung trong cái hài có cái bi đã trở nên quen thuộc như hiện nay. Cũng chính anh là người nghĩ ra cách phối hợp nhịp nhàng âm nhạc, hiệu ứng ánh sáng với hành động và thoại của diễn viên nhằm tăng tính tương tác cho tiểu phẩm thay vì tấu hài đơn điệu với ban nhạc ra đánh vài tiếng tằng tằng tằng trước và sau mỗi tiểu phẩm. Và nhóm hài Đen Trắng do Lê Quốc Nam lập cùng với Hoàng Tùng, Vân Anh là nơi biến những ấp ủ đó thành hiện thực.

Người tiên phong bao giờ chẳng phải hứng những mũi tên cho dù thành quả hiển hiện mồn một ra đó. Có những đêm đang diễn, Đen Trắng bị rút dây âm thanh, bị dồn đẩy xuống cuối buổi, thậm chí không cho diễn bởi kiểu hài bi khiến nhóm diễn sau mất không khí! Nhưng, Lê Quốc Nam nói riêng và Đen Trắng nói chung đã vượt qua được tất cả những tỵ hiềm để tỏa sáng và quan trọng hơn là đưa hài phát triển lên một tầm cao mới. Một cái tên mới toanh và lạ hoắc như Đen Trắng mà sức hút không kém gì các nhóm hài danh tiếng bấy giờ như Thanh Bạch – Xuân Hương, Tuổi đôi mươi (với 3 danh hài gạo cội là Phước Sang, Nhật Cường và Hoàng Sơn),...

Hiếm có cá nhân nào như Lê Quốc Nam, vừa diễn hài nhóm của mình, lại vừa đảm nhận luôn khâu viết dùm kịch bản và “truyền nghề” dàn dựng cho các nhóm hài khác! Đơn giản vì “hài muốn mạnh thì phải đoàn kết. Anh đưa ra phương hướng đó mà không giúp mọi người cùng đi thì làm sao có hiệu quả?” Một điều ít người biết, không ít kịch bản hài tại hải ngoại đều do một tay Lê Quốc Nam viết trong thời gian bị ép tới mức không cho diễn. “Nghe khán giả khen hài hải ngoại hay lắm, diễn hài mà cuối cùng khóc được vậy mới là hài sâu sắc, đau lắm em. Người ta đâu có biết nó vốn dĩ ở ngay đây nè mà bầu show không cho diễn…”.

2. Nghiệp diễn hài đến với Lê Quốc Nam tự nhiên như câu ông bà ta đúc kết “nghề chọn người”. Thuở nhỏ, Lê Quốc Nam có khiếu vẽ. 13, 14 tuổi đã có thể theo thầy vẽ chân dung cho khách. Cộng thêm tư chất thông minh, nhanh nhẹn, anh được ba anh hướng theo con đường kiến trúc hoặc kinh doanh nối nghiệp gia đình. Lê Quốc Nam ham học, ham việc, ít khi chịu học, chịu làm cái gì đó đơn phương. 16 tuổi, song song với việc học vẽ và học phổ thông, Lê Quốc Nam thi một phát đậu luôn vào Khoa Lý luận phê bình âm nhạc của Nhạc việc Thành phố, trở thành niềm tự hào của cả xóm. Tốt nghiệp phổ thông cũng là lúc Lê Quốc Nam chơi thạo các loại nhạc cụ. Vậy là vừa học, vừa xin về Nhà văn hóa quận Tân Bình mở lớp dạy nhạc và hăng hái tham gia các phong trào của quận. Tương lai đang rộng mở. Đùng cái, Lê Quốc Nam tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự. Xui khiến thế nào anh lại “lọt” vào Quân đoàn 4 - quân đội chủ lực của Bộ Quốc phòng. Vậy là cầm súng ra chiến trường. Hay tin, ba anh giận sôi còn má anh khóc ngất vì anh là con duy nhất trong gia đình. Song ông bà đành thở dài “bất lực” trước “ông con” tính khí ngang tàng.

Trở về sau thời gian hoàn thành nhiệm vụ, Lê Quốc Nam rơi vào tình trạng mất phương hướng khi hòa nhập với đời sống. Mất một thời gian lấy lại thăng bằng, Lê Quốc Nam thi vào Đại học Kinh tế. Một bữa, đang trên đường xin học nhạc trở lại, thấy người ta bu đông nghẹt ở Trường Nghệ thuật sân khấu 2, anh hiếu kỳ nhảy vô coi chơi, thấy vui vui nên đăng ký thi luôn. Định bụng học Kinh tế nên vừa hay tin thi đỗ, Lê Quốc Nam đi đóng tiền học liền. Trời xui đất khiến thế nào, anh tạt qua Trường Sân khấu, thấy có tên trong danh sách thi đậu, tự dưng quyết theo học, thôi đả động tới kinh tế và âm nhạc. “Anh cũng không biết lúc đó tại sao anh chọn như vậy nữa. Tự dưng bị cuốn theo dù biết quyết định của anh là sai lầm. Gia đình anh làm kinh doanh mà, nếu anh theo kinh tế sẽ có một nền móng vững chắc hơn”. Lần này, cơn giận của ba anh lên tới đỉnh điểm. Tới mức ông tuyên bố từ anh. 7, 8 năm trời hai cha con không ai chịu ai, không thèm nhìn mặt. Giờ thì vai nào, vở nào của anh, ba anh cũng coi nhưng ông vẫn giữ quan điểm: “Con chọn nghề này nhưng rõ ràng cuộc sống của con có đảm bảo đâu!”.

Học ở Trường Sân khấu được ít lâu thì trường mở khóa Đạo diễn hệ đại học đầu tiên, Lê Quốc Nam đăng ký học song song với lớp diễn viên. Vậy mà vẫn tranh thủ học ké được lớp dự thính cải lương của nghệ sĩ Mạnh Dung! Khiếp nhất là cái nào Lê Quốc Nam cũng thạo mới tài. Vở diễn của anh lúc nào cũng ngồn ngộn sức sống là vì vậy.

Đến với nghề nhẹ tênh nhưng theo nghề thì trầy trật. Cái trầy trật đầu tiên và lớn nhất bắt từ vẻ ngoài bặm trợn của anh. Biết thân biết phận, để kiếm tiền trang trải, Lê Quốc Nam không dám xin đi diễn mà chỉ xin nghệ sĩ Phước Sang cho đi… xếp ghế ở sân khấu. Gặp là xin, tới lần thứ 7 thứ 8 gì đó, Phước Sang thương quá, tình thiệt nói: “Không phải tao không muốn giúp nhưng cái mặt mày nhìn “du côn” quá, khán giả người ta sợ Nam ơi…”. Lủi thủi đi về, Lê Quốc Nam buồn thúi ruột và tự nhủ biến điểm yếu thành điểm mạnh, quyết tâm “một ngày nào đó sẽ được mời đi diễn hẳn hoi như người ta”. Lê Quốc Nam diễn tỉnh rụi mà khán giả cười nghiêng ngả. “Ngày anh được anh Phước Sang mời tới sân khấu diễn, đường đường chính chính đi vào cổng trước của sân khấu chứ không còn phải đi cổng sau nữa, bước qua cổng, nước mắt anh rớt ngon lành”.

3. Lê Quốc Nam có nhiều bạn bè làm báo, từ thân đến sơ. Không ít người ngỏ ý viết về anh nhưng anh đều từ chối. Bạn đọc có thể kiểm chứng điều tôi nói bằng cách tra Google. Hiếm hoi một bài viết có dung lượng vừa phải đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng, Lê Quốc Nam nói về thực trạng sân khấu hài. Còn lại đều là những mẩu tin nho nhỏ mà báo chí “chộp” được hình anh trong vài vở diễn rồi viết đôi dòng giới thiệu vở anh đảm nhận. Mỗi lần sân khấu kịch Hồng Vân – “ngôi nhà” mới và cũng là đầu tiên của Lê Quốc Nam – công diễn vở do anh “chủ xị”, anh đều tìm cách “chuyền tay” cho đồng nghiệp trả lời báo chí. Mấy lúc, báo chí nổi cáu: “Ông chảnh vừa vừa thôi, nghen!”. Lê Quốc Nam cười hề hề: “Thôi, để cho anh em lên, tui biết gì đâu mà nói”. Mà, cáu là cáu vậy thôi chứ chẳng ai nỡ giận Lê Quốc Nam.

Nhóm hài Đen Trắng một thời.

Bạn bè quý anh vì cái tài đã đành, mà còn vì cách sống vô cùng tình cảm. Khi danh hài Hoàng Tùng – người chung vai sát cánh với anh tạo nên Đen Trắng đình đám một thời – phát bệnh bướu tủy, chân bắt đầu co cứng không đi được, Lê Quốc Nam nghỉ diễn chẳng đắn đo, bơi qua làm kinh doanh. Vừa để có tiền giúp bạn, vừa mong manh hy vọng bạn hồi phục. Thời điểm đó, Đen Trắng đang ở đỉnh cao danh vọng, tiếng tăm lan tỏa khắp trong Nam ngoài Bắc. Các giải thưởng quan trọng của Liên hoan Sân khấu hài toàn quốc lần 1 rồi lần 2, Đen Trắng đều lần lượt ẵm trọn. Danh tiếng Lê Quốc Nam đủ sức hút bất cứ một cái tên nào thế chỗ Hoàng Tùng và cũng là để tận dụng độ “hot” của cái tên Đen Trắng. Người ta vẫn bảo, nghệ sĩ có thời. Tuy nhiên, Lê Quốc Nam đã không làm vậy. Anh sợ khoảng trống mà bạn để lại.

Hai năm sau, biết bạn không thể hồi phục, Lê Quốc Nam ngậm ngùi trở lại sân khấu hài. Người thay vị trí anh Hoàng Tùng là nghệ sĩ Anh Vũ – lúc đó vẫn chưa nổi danh. Nhưng, cái tên Đen Trắng thì mãi mãi khép lại. Lê Quốc Nam chấp nhận bước lại những bước đi từ đầu với cái tên “nhóm hài Quốc Nam”. Đồng nghiệp, báo chí trách Lê Quốc Nam “dại”. Anh lắc đầu, cười buồn: “Đó là kỷ niệm em muốn dành tặng riêng cho bạn”. Ngót mười năm bạn chống chọi với bệnh tật, Lê Quốc Nam vẫn thường xuyên tới lui thăm nom và giúp đỡ. Bạn ra đi cách đây 3 năm sau nhiều chịu đựng đớn đau, vật vã. Nhắc đến bạn, Lê Quốc Nam mắt đỏ hoe, chực khóc.

4. Gần gũi, gắn bó với sân khấu hài như hơi thở là vậy nhưng cuối cùng Lê Quốc Nam cũng rệu rã quay đi. Một câu chuyện dài, có lẽ để dành cho một bài viết khác. Ở đây chỉ xin kể một mẩu chuyện nhỏ.

Lê Quốc Nam đa tài nhưng cái tài lớn nhất của anh là làm cho đồng nghiệp tỏa sáng. Các nghệ sĩ gắn bó với anh từ chặng đường Đen Trắng sang nhóm Quốc Nam, rồi Lê Quốc Nam và nhiều nghệ sĩ khác cộng tác với anh đều trở thành những tên tuổi được khán giả yêu mến. Còn Lê Quốc Nam lặng lẽ ở phía sau. Người nặng lòng và sống tình cảm, bao giờ cũng chịu thiệt thòi. Có ai làm tổng đạo diễn chương trình cho một danh hài nổi tiếng, tất tả xuôi ngược sắp xếp đủ thứ mà thù lao muốn trả bao nhiêu thì trả, không hề đòi hỏi như Lê Quốc Nam? Có ai ngậm ngùi hơn Lê Quốc Nam khi vừa viết kịch bản, vừa dàn dựng chương trình mà băng rôn lại ghi tên người khác? Hỏi: “Sao anh không lên tiếng?”, Lê Quốc Nam xua tay: “Toàn anh em cả mà…”

Hoàng Dung
.
.