Nhà văn Mỹ Mario Puzo, tác giả “Bố già”:

Đánh đu với… Hollywood

Thứ Tư, 24/07/2013, 14:52
Cách đây 14 năm, ngày 2/7/1999, nhà văn Mỹ gốc Italia, Mario Puzo, đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Loong Ai-len, thọ 79 tuổi. Ông là tác giả của bộ tiểu thuyết “Bố già” lừng danh thế giới, từng được đạo diễn vĩ đại Francis Ford Coppola chuyển thể thành phim. Dù rất được Hollywood cưng chiều nhưng Puzo cho tới cuối đời vẫn nuôi trong mình những thất vọng lớn lao về “kinh đô điện ảnh”. Một trong những câu nói nổi tiếng của ông là: “Điều làm mê hoặc tôi ở Hollywood là người ta bịp bợm một cách hoàn toàn hợp pháp. Những bản hợp đồng hết sức khôn khéo. Những con người cực kỳ hấp dẫn, nhưng họ không có lấy một lời, một ý nghĩ danh dự nào...”.

Bố già từng  là cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất hành tinh (21 triệu bản), chỉ đứng sau Cuốn theo chiều gió. Đây là bộ sách mà theo chính thú nhận của nhà văn, đã được viết  từ những chất liệu ông thu thập được từ các tác phẩm văn học khác bởi lẽ, “cả đời tôi chưa bao giờ gặp trực tiếp một tên gangster tử tế nào”…

Mafia đã trở thành chủ đề ám ảnh Mario Puzo  gần như suốt đời. Những cố gắng nghệ thuật của ông nhằm cứu ngòi bút thoát khỏi thế giới bị “giam hãm” ở đảo Sicilia đều đã thất bại. Phần lớn những cuốn sách mà ông viết về những chủ đề khác mafia đều “không một tiếng vang”, mặc dù theo lời Puzo, chính cuốn The Fortunate Pilgrim mà ông đã cho ra mắt độc giả  trước Bố già mới chắc chắn là tác phẩm văn học hay nhất của ông.

Năm 1996, Puzo trở lại văn đàn Mỹ với tiểu thuyết Bố già cuối cùng viết về một gia đình Mỹ gốc Italia có tham vọng thâu tóm Hollywood. Thế nhưng, những âm mưu xấu xa lại bị chôn vùi dưới những thứ còn xấu xa hơn nữa. Trước lúc qua đời, ông đã kịp hoàn thành tập sách nữa về mafia, đó là tiểu thuyết Luật Omerta. Tác phẩm này đã được xuất bản sau khi ông qua đời. Năm 2001, người vợ góa của ông đã thay chồng hoàn thành tập bản thảo dang dở Gia đình và cho xuất bản cuốn sách này. 

Mario Puzo từng sống rất nghèo khổ trước khi Bố già xuất hiện. Ông sinh ngày 15/10/1920 trong một gia đình người Italia nhập cư vào Mỹ từ xứ Napoli. Bố mẹ ông hoàn toàn mù chữ. Tuổi thơ của cậu bé Mario trôi qua giữa những tầng lớp sống dưới đáy xã hội ở khu Hell’s Kitchen của thành phố New York (về sau, ông đã viết nhiều cuốn sách về khu phố này).

Chỉ lòng say mê văn học mới có thể giúp cho Mario Puzo vượt lên trên hoàn cảnh của mình. Ông đọc rất nhiều sách. Về sau, ông kể lại: “Tôi đã đọc Bà Bovary bốn lần. Tôi đã thuộc làu tác phẩm của Simone de Beauvoir, còn Dostoiyevsky thì đã làm đảo lộn đời tôi...”.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Puzo đã gia nhập quân đội và phục vụ trong lực lượng không quân, tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai. Do thị lực kém nên Puzo không được phái đi chiến đấu trực tiếp mà chỉ là nhân viên quan hệ công chúng trong nhóm quân Mỹ đồn trú trên lãnh thổ Đức.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, xuất ngũ,  Puzo bắt đầu tham gia làm báo. Sinh thời, Puzo đã rất tự hào là từng viết cho mục phê bình văn học trên tờ Thời báo New York trước khi trở thành nhà văn. Truyện ngắn đầu tay của ông được in ở ấn phẩm American Vanguard năm 1950. Cuốn sách đầu tiên của ông Đấu trường đen tối được xuất bản năm 1955…     

Tuy nhiên, chỉ tới khi Bố già được xuất bản năm 1969, Puzo mới thực sự trở thành một người giàu có. Puzo có lần thổ lộ rằng, sở dĩ ông bắt tay vào viết Bố già chỉ hoàn toàn do nhu cầu kiếm tiền thôi thúc: “Lúc đó tôi 45 tuổi và tôi cảm thấy mệt khi phải làm nhà văn. Hơn nữa, ở thời điểm ấy tôi đang mắc nợ họ hàng và các công ty tài chính 20 nghìn USD…”.

Và ông đã hoàn thành tác phẩm để đời này trong ba năm và kết thúc vào tháng 7/1968. Đích thân ông cũng đã viết kịch bản cho cả ba tập phim Bố già và từng được nhận giải Oscar. Khi trả lời những câu hỏi tò mò về bí quyết làm giàu của mình, Puzo tươi cười đáp như không: “Làm thế nào để tôi kiếm được hàng triệu USD ư? Tôi nằm dài trên ghế sôpha và nhìn lên mái nhà. Cảnh này có thể tiếp diễn hàng tháng ròng. Rồi, một ngày nào đó, tôi bật dậy và đánh máy liền một mạch 700 trang liền”.

Quan điểm hành xử của ông nghe như đơn giản: “Tôi là một nông dân Italia. Tôi làm theo nguyên tắc, nếu một cái gì không làm ra tiền thì nó không có giá trị! Tôi biết tôi là một người kể chuyện rất giỏi... Thế thì tại sao tôi lại phải từ chối khả năng đó? Biết kể một câu chuyện còn quan trọng hơn là có một phong cách... Các nhà phê bình đã từng nói, Ba chàng ngự lâm pháo thủ không có một chút giá trị văn học nào cả. Từ cuốn sách đó, người ta đã làm ra 20 bộ phim, nó đã được dịch trên khắp thế giới và đã 150 năm nay người ta nói về nó! Dù sao thì đó cũng là một trong những cuốn sách tôi thích nhất.Tôi thích kể những câu chuyện, những khúc hát thiên nga. Trái những điều mà người ta tưởng, tôi không phải là một chuyên gia của mafia”.

Cả công chúng lẫn các nhà phê bình văn học đều phải công nhận rằng, Puzo đã miêu tả thế giới mafia tuyệt vời đến nỗi, thậm chí có người nghi ngờ rằng, ông là “tay trong” của thế giới ngầm này. Sau thắng lợi vang dội của Bố già năm 1971, ông phần nào bị cô lập. Thật sai lầm! Nhưng những lời đồn đại bao giờ cũng có lớp da dày.

Bản thân Puzo thì hiểu ra một điều, ông chỉ giỏi viết khi nói về gangster Mỹ gốc Italia. Trong Bố già cuối cùng, ông kể cho chúng ta nghe về những mối liên hệ của gia đình Clericuzio giữa Hollywood  và Las Vegas, hai địa điểm mà ông biết rất rõ. Tại thủ phủ của cờ bạc, ông từng nhiều lần mất cả gia sản và một bận suýt bỏ mạng vì tai biến mạch máu não năm 1992…Trong những năm cuối đời, Mario Puzo  hầu như chỉ bó mình lại tại ngôi nhà riêng ở Long Island. Có cảm giác như ông không còn mấy thích thú thế giới kinh doanh nghệ thuật nặng mùi kim tiền từng đưa ông lên giàu sang và danh tiếng. Ông đặc biệt ác cảm với “kinh đô điện ảnh Mỹ”.

Có lần, Puzo thổ lộ: “Điều làm mê hoặc tôi ở Hollywood là, người ta bịp bợm một cách hoàn toàn hợp pháp. Những bản hợp đồng hết sức khôn khéo. Những con người cực kỳ hấp dẫn, đôi khi còn hết sức hóm hỉnh, nhưng họ không có lấy một lời, một ý nghĩ danh dự nào. Sau Bố già, tôi đã viết Động đất. Bộ phim thành công rực rỡ. Nhưng tôi đã phải hao tâm tổn trí nặng nề mới đòi lại được tỉ lệ phần trăm của mình. Chuyện tương tự đã xảy ra với tất cả các bộ phim của tôi, trừ Bố già. Tôi bảo đảm với bạn rằng, nếu tôi thuộc băng đảng mafia, hẳn tôi đã hạ sát một nửa Hollywood. Tại đó, cách duy nhất để giành lấy phần của mình là đến với một khẩu súng!”.

Puzo cũng cho rằng, người viết kịch bản phim không thể là một nhà văn đích thực: “Khi họ là nhà biên kịch, họ viết đi viết lại tác phẩm của anh đến 10 lần, hoặc là họ yêu cầu anh phải làm việc này việc khác. Hãng truyền hình CBS vừa mới mua bản quyền cuốn Bố già cuối cùng của tôi với giá 2 triệu USD. Họ có thể dùng nó thế nào tuỳ thích, một tập phim, một bộ phim nhiều tập, hay vứt nó đi - đối với tôi cũng như nhau. Tôi đã có 2 triệu USD trong ngân hàng rồi. Chỉ có điều đó mới đáng kể. Họ đã tới đề nghị tôi viết kịch bản Cotton club. Tôi không muốn làm, nên tôi đòi họ 1 triệu USD với ý định làm cho họ nản. Thế nhưng, họ lại chấp nhận ngay. Thế là tôi viết trong ba tháng. Khi xem phim, tôi thấy kịch bản của mình không được giữ lại lấy dù chỉ một dòng…”.

Lý giải về thời gian cộng tác lâu dài của mình với “kinh đô điện ảnh”, Puzo đã nói với giọng hài hước mà chua chát: “Đơn giản chỉ vì họ hứa hẹn dành cho tôi vô khối tiền, nhiều đến mức tôi không còn đủ can đảm để từ chối. Còn có một lý do nào nữa để viết, nếu không phải vì tiền? Tôi không phải là kẻ tự phụ đến mức cho mình là thiên tài và cuốn sách nào của tôi cũng đáng quý như Anh em nhà Karamazov. Viết văn là một công việc nặng nhọc. Cho dù là viết một cuốn sách dở đi chăng nữa…”.

Ông nhận xét: “Nói chung, thương nhân ở Las Vegas hay New York còn có đạo đức và biết điều hơn hầu hết những ông chủ bà chủ của các hãng phim. Một người duy nhất tôi coi trọng trong nghề này là Coppola. Ông ấy không bao giờ chỉ trích những gì tôi làm... Nói thế thôi chứ nếu tôi được bắt đầu lại cuộc đời, tôi sẽ làm người viết kịch bản ở Hollywood. Bầu không khí trang nhã, cuộc sống thì dễ dàng, phụ nữ thì xinh đẹp và người ta trả một tấn tiền cho anh vì những việc lặt vặt…”

Phạm Hạnh
.
.