Danh của vua, công của chúa: Vua Lê Dụ Tông và chúa Trịnh Cương

Thứ Năm, 08/10/2009, 08:09

Ngày 26/11/2009 tới, tức là ngày 10/10 năm Kỷ Sửu (song thập), sau 45 năm được khai quật và lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, thi hài của vua Lê Dụ Tông sẽ chính thức được rước về hoàn táng tại cố hương, trên mảnh đất của xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá, cách khu lăng mộ của nhiều đời vua trước trong dòng họ Lê Lam Kinh 20km.

Vua Lê Dụ Tông, tên huý là Duy Đường, sinh năm Canh Thân 1680, đã ngồi trên ngôi báu từ năm Ất Dậu 1705 tới năm Kỷ Dậu 1729 rồi nhường ngôi cho con trai là Duy Phường, để làm Thái thượng Hoàng. Ông qua đời năm Tân Hợi 1731.

Khi thái tử Lê Duy Đường lên ngôi vào tháng 4/1705 lấy niên hiệu là Dụ Tông, đã tha hai phần mười thuế vụ hạ năm nay cho dân, những thuế bỏ thiếu từ năm Quý Mùi (1703) trở về trước đều được ân xá; những dân phiêu lưu ở Thanh, Nghệ và tứ trấn được phép đến cửa khuyết tâu bày tình trạng, sẽ liệu lượng cho giảm phú thuế giao dịch. Ông cũng tôn vua cha lên làm Thái thượng hoàng. Thái Thượng hoàng qua đời vào tháng tư năm Bính Thân 1716 sau gần 12 năm ở trong điện Kiến Thọ, hưởng thọ 54 tuổi…

Trong suốt thời gian ở trên ngôi, vua Lê Dụ Tông thực ra đã không được nắm nhiều quyền bính bởi lẽ, lúc này, cũng như ở một hai đời vua tiền bối, thực lực quốc gia đã nằm trong tay các chúa Trịnh. Song hành với vua Lê Dụ Tông đã là chúa Trịnh Cương, một nhân vật vào hàng lỗi lạc của dòng họ chúa Trịnh.

Chúa Trịnh Cương vốn là chắt của chúa Trịnh Căn. Người con cả chúa Trịnh Căn tên là Trịnh Vĩnh mất sớm nên đành phải dùng người con thứ là Trịnh Bách làm thừa tự. Khi Trịnh Bách mất thì Trịnh Căn dùng người con của Trịnh Vĩnh tên là Trịnh Bính làm thừa tự. Trịnh Cương là con của Trịnh Bính, sinh năm Ất Sửu 1685. Tới năm 1703, Trịnh Bính cũng đã mất, chúa Trịnh Căn lúc này đã ở tuổi "cổ lai hy" (ông sinh năm Quý Dậu 1633), cảm thấy lo lắng vì chưa ổn định được người thừa kế nên đã triệu bồi tụng Nguyễn Quý Đức và bồi tụng Đặng Đình Tướng lần lượt vào hỏi ý kiến. Cả hai người đều tâu lên rằng, người chắt trưởng phải là người được giao giữ trọng trách trông coi việc nước, vỗ về quân lính… Và chúa Trịnh Căn đã lập tức phong Trịnh Cương lên làm tiết chế, An quốc công. Cũng vì việc này mà hai người cháu của Trịnh Căn là Trịnh Luân và Trịnh Phát (con vị tiết chế đã quá cố Trịnh Bách) đã âm mưu cướp ngôi của Trịnh Cương nên rốt cuộc đã bị ông nội của mình là chúa Trịnh Căn ra lệnh giết năm 1704…

Tháng 5 năm Kỷ Sửu 1709, chúa Trịnh Căn qua đời sau 28 năm chuyên giữ trọng trách, củng cố rất đáng kể quyền bính của nhà chúa. Sau đó 4 tháng, tiết chế Trịnh Cương tự gia phong làm nguyên soái tổng quốc chính, An Đô vương. Theo truyền thống, ông cũng ra tay "hỉ xả" tha cho dân một nửa thuế tô năm ấy và các thuế còn thiếu lại đã lâu. Rồi ông cũng vỗ về các quan bằng cách thăng chức thêm cho họ.

Phải nói rằng, tiếp nối truyền thống của các tiền nhân như chúa Trịnh Tạc, chúa Trịnh Căn, chúa Trịnh Cương đã có nhiều đóng góp vào công cuộc xây dựng quốc gia đương thời. Ông rất chú trọng tới việc đắp bồi phong hóa. Ngay từ tháng Giêng năm Canh Dần 1719, chúa Trịnh Cương đã cho nhấn lại 6 giáo điều từng được ban từ đầu năm Vĩnh Trị (1676-1689): 1. Người đại thần không được cậy quyền thế. 2. Bầy tôi về hàng võ phải siêng năng thao luyện, các viên phủ huyện không được hà khắc bạo ngược. 3. Bầy tôi về hàng văn phải thanh liêm, cần mẫn. 4. Bầy tôi trong nội điện phải giữ lòng trung thành lương thiện. 5. Quân sĩ phải tuân theo pháp lệnh. 6. Nhân dân phải dốc lòng phân biệt điều liêm, điều sỉ…

Cũng chính Trịnh Cương đã bắt đầu cho chỉnh đốn lại văn bài trong thi hương. Số là, trước đó, các quan trường thi hương, nghĩ soạn đầu bài: về thể văn tứ lục chẳng qua chỉ soạn độ mươi đầu bài; về thể phú chẳng qua chỉ độ bốn, năm đầu bài, không thay đổi gì, gọi là bản mẫu mực (sáo bản). Những người học giỏi phần nhiều làm sẵn thành văn, học trò đi thi đều thuộc lòng từ trước, khi vào trường thi cứ chép theo nguyên văn ấy. Quan trường tuỳ ý phê duyệt lấy đỗ, không câu nệ gì về sự trùng kiến, cho nên những người trúng tuyển phần nhiều không phải người thực học. Nhận ra điều đó, chúa Trịnh Cương từ tháng 10/1711 đã hạ lệnh cho các quan chấm thi tuỳ ý ra đầu đề theo sự sáng tạo của mình chứ không rập khuôn nếp cũ nữa. Và nhờ  "tập tục hủ lậu về lối văn khoa cứ dần dần thay đổi"…

Minh hoạ: Hữu Khoa

Tháng 8 năm 1720, Trịnh Cương cho ban bố 10 giáo điều: "Học trò siêng năng về nghề nghiệp, học hành, trước hết giảng giải cho sáng tỏ những điều về lễ, nghĩa, trung, tín. Làm người phải giữ vững luân thường, người đồng tông một họ và người tình thân bên họ ngoại không được kết hôn lẫn lộn với nhau. Quan và dân lễ nghi cách biệt không được ngạo mạn khinh nhờn. Đồ mặc, đồ dùng ở dân gian không nên lấn vượt. Chớ quen tập tục xấu mà đua nhau phao phí về cỗ bàn. Chớ mê hoặc dị đoan mà theo nhau chơi bời trễ biếng. Việc lễ bái cầu đảo phải có tiết độ theo mức trung bình, để tỏ phong tục sẻn nhặt. Gặp nhà có tang phải thương xót lẫn nhau, làm cho phong hóa của dân ngày một thuần hậu". Chúa Trịnh Cương cũng định rõ nghi thức về ăn mặc cho đúng phép, "không ai được dùng vượt quá cấp bậc"…

Chúa Trịnh Cương cũng có nhiều đóng góp vào việc giúp cho dân chúng đỡ khốn khó hơn. Tháng 11 năm Kỷ Hợi 1719, khi hạ lệnh đo đạc ruộng đất trong dân gian, chúa Trịnh Cương nhấn mạnh: "Thương dân thì cần phải thi hành nhân chính, muốn thi hành nhân chính thì cần phải chia đều thuế khoá và lao dịch. Chế độ cũ làm phiền nhiễu dân đinh về duyệt tuyển, triều trước rất chán ghét nên mới lập ra phép "bình lệ": Số người đến tuổi ghi tên vào sổ cũng không tính, số người hao hụt đi cũng không miễn trừ. Phép ấy thi hành đến nay đã hơn 50 năm rồi. Trong thời gian ấy, số hộ khẩu ở dân hoặc thêm ra hoặc hụt đi không nhất định, mà nguyên ngạch vẫn theo như cũ, vì thế mà dân đinh phải gánh vác quá nặng, rồi dần dà đi đến lưu tán.

Nhân đây, đã họp bầy tôi trong triều bàn luận, tính kỹ phương pháp cứu vớt lấy dân. Mọi người đều nói: nay ruộng trong nước, không kể ruộng công hay tư, đều thi hành việc khám xét đo đạc, rồi liệu lượng chia bổ ngạch thuế, để cho người giàu người nghèo giúp đỡ lẫn nhau, nặng nhẹ gánh vác đều với nhau, định làm phép tắc thường hành mãi mãi. Đấy đều là theo thời mà cứu chữa sự tệ hại, không phải là sinh ý thay đổi đâu".

Ở ngôi chúa chưa được bao lâu, chúa Trịnh Cương năm 1711 đã rất chăm lo cho việc đắp đê, dẫu rằng những cố gắng đó cũng không giúp làm giảm được nhiều các thiệt hại do lũ lụt gây ra. Ông cũng cho định rõ lại thể lệ quân cấp ruộng công; cấm quan viên tự ý lập trang trại để mưu lợi riêng và làm hại người dân sở tại; đổi chức quan tham trấn làm lưu thủ…

Tháng 6 năm 1716, chúa Trịnh Cương bắt đầu định phép chia đều thuế khoá và tạp dịch. Tháng Giêng năm Tân Sửu 1721, bãi bỏ hình luật chặt ngón tay. Tháng 8, định phép học võ và thi võ vì "khí ấy, thái bình đã lâu, việc binh bị có phần biếng nhác". Cũng trong tháng 8, định rõ quy chế học và phép thi khảo. Tháng 10, bàn định phép thuế khoá và lục dịch, giảm bớt các quan lại trong hai ty Thừa chính, Hiến sát và phủ huyện ở các trấn ngoài biên giới. Tháng 12, định rõ lại ngạch lính, "những lính được dẫn tuyển phải kén người khoẻ mạnh và là nhà vật lực". Cũng trong tháng 12, bắt đầu thi hành phép đánh thuế muối… Quá nhiều việc đã làm được trong năm Tân Sửu ấy!

Song song với việc trị quốc, chúa Trịnh Cương cũng rất biết cách để củng cố uy quyền của nhà chúa. Tháng 9 năm Giáp Ngọ 1714, chúa Trịnh Cương đã tự tiến phóng đại nguyên soái tổng quốc chính, thượng sư, An vương. Tự tấn phong xong, ông vào bái yết nhà Thái miếu rồi vào chầu vua Lê Dụ Tông ở điện Vạn Thọ. Và ông làm việc này cũng chỉ độc một lần ấy. Tháng 9 năm Mậu Tuất 1718, chúa Trịnh Cương cũng đã tự ý đặt ra lục phiên cho phủ chúa, lại xếp các hiệu trưng thu chia làm lục công, nắm hết về mình quyền quản lý quốc gia, biến lục bộ và lục tự của triều đình thành hữu danh vô thực. Tháng 5 năm Canh Tý 1720, chúa Trịnh Cương đã tự gia phong là đại nguyên soái, tổng quốc chính thượng sư thượng phụ. Uy nhân minh công thánh đức An vương. Ông cũng phong con trai Trịnh Giang làm thế tử. Cũng trong năm này, ông hạ lệnh khôi phục việc cất nhắc trao chức cho các quan theo đúng luật quan chế đời Hồng Đức, cho mọi sự rõ ràng, minh bạch lại. Duy chỉ chức trọng yếu trong hàng đại thần thì không cần câu nệ…

Tháng 10 năm Nhâm Dần 1722, Trịnh Cương bắt đầu đặt sáu quân doanh, mỗi doanh 80 người. Tháng Giêng năm Giáp Thìn 1724, Trịnh Cương tạm thời thay vua cử hành lễ tế nam giao.

Tháng 7 năm Đinh Mùi 1727, chúa Trịnh Cương đã lập Duy Phường, con thứ của Lê Dụ Tông làm thái tử, bất chấp việc con trưởng Duy Tường đã ở ngôi Đông cung tới 10 năm. Lý do thực ra đơn giản, Duy Phường do Trịnh Thị, con gái của Trịnh Cương sinh ra.

Tháng tư năm Kỷ Dậu 1729, chúa Trịnh Cương đã ép vua Lê Dụ Tông phải nhường ngôi cho thái tử Duy Phường (đây cũng là cháu ngoại của chúa). Lê Dụ Tông lui về làm Thái thượng hoàng ở điện Kiến Thọ như cha mình trước đây. Ông qua đời vào tháng Giêng năm Tân Hợi 1731 trong tâm trạng rất không vui. Trước đó, tháng 10-1729, chúa Trịnh Cương cũng đã mất sau 22 năm nắm quyền bính quốc gia. Con trai là Trịnh Giang lên nối ngôi.

Về giai đoạn vua Lê Dụ Tông ở trên ngôi, sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục" có nhận xét, "Bấy giờ thừa hưởng cơ nghiệp thái bình, không xảy binh đao vì chiến tranh Trịnh - Nguyễn tạm dừng. Trong nước vô sự, triều đình có làm được nhiều việc. Pháp độ được đầy đủ, kỷ cương thi hành được hết. Xứ xa lạ thì dâng lễ vật tỏ lòng thành, Trung Quốc thì trả lại đất. Nhà vua rũ tay áo, ngồi ở trên, không phải khó nhọc mà mọi việc đâu ra đấy. Khi nói đến cuộc thịnh trị lúc bấy giờ người phải kể đến công lao giúp chính của chúa Trịnh Cương...". Nói danh của vua và công của chúa là như vậy

Khánh Hạ
.
.