Danh cầm guitar Trần Văn Phú: Tài hoa và cô độc
Đã rất lâu rồi cha đẻ của cuốn Trémolo (Nghệ thuật reo dây) không còn chơi guitar nữa. Đến bây giờ ông cũng không nhớ nổi mình đã từ chối bao nhiêu show diễn. Mới rồi, Nhà văn hóa Phú Nhuận có nhã ý mời “đệ nhất danh cầm” độc tấu guitar trong chương trình giao lưu giữa các thế hệ nghệ sĩ guitar tên tuổi. Dù chỉ đánh một bản flamenco nhưng ông cũng nhất quyết khước từ.
Danh cầm nay đã 66 tuổi. Đôi bàn tay từng đánh thức những nốt nhạc làm xao xuyến hàng triệu trái tim giờ không còn phong độ như thời trai trẻ. Ông bảo dù đánh sai một nốt, cả bản nhạc tuyệt vời đã bị vẩn đục mất rồi. Khán giả bình thường nghe không nhận ra nhưng làm sao qua nổi đôi tai của người trong nghề, qua nổi tâm hồn nhạy cảm của nghệ sĩ. Lúc đó, Trần Văn Phú thấy thẹn với lòng, thẹn với flamenco. Lòng tự trọng của một người yêu cái đẹp muốn giữ điệu flamenco của mình trinh nguyên như thuở vàng son. “Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt…” để trong lòng khán giả sống mãi một Trần Văn Phú: chàng hoàng tử của những nốt flamenco thần diệu. Vì lẽ đó, gạt bỏ những xô bồ, toan tính danh vọng, ông lui về ẩn dật trong sự tiếc nuối của người đời.
Rượu say cùng guitar
Trần Văn Phú là một trong những thế hệ tiên phong đem dòng nhạc guitar flamenco vào Việt
Danh cầm Trần Văn Phú thời trẻ. |
Quả như lời anh nói, năm 1969, Phú tốt nghiệp thủ khoa Trường Quốc gia Âm nhạc Huế, Khoa Guitar. Tạm biệt quê hương, Trần Văn Phú vào Sài Gòn lập nghiệp. Anh bắt đầu đi biểu diễn ở các tụ điểm, nhà văn hóa, trường đại học. Những buổi biểu diễn của Trần Văn Phú luôn thu hút đông đảo khán giả. Ngày đó, chương trình độc tấu guitar rất khác với các chương trình văn nghệ cùng thời. Khán giả đến xem luôn trật tự và yên ắng đến giây phút cuối. Không gian, thời gian và con người khi ấy đều dành cho những nốt nhạc quyến rũ. Người nghệ sĩ mời gọi khán giả cùng phiêu bồng với mình trong dòng âm thanh tuyệt vời trên cung đàn.
Khi ôm guitar, lướt ngón trên dây, Trần Văn Phú trở thành con người của âm nhạc. Phút chốc, anh là chàng hoàng tử đến và đánh thức những nốt nhạc đang ngủ yên, đánh thức từng cung bậc cảm xúc của người nghe bằng nụ hôn của tâm hồn đa cảm. Nhìn Trần Văn Phú chơi đàn, người ta thấy anh hay nhắm mắt, say sưa thả ngón trên dây. Tôi rất thích một câu nói của ai đó, đại ý rằng: những gì đẹp đẽ nhất không thể nhìn thấy bằng mắt mà phải nhắm mắt lại để tâm hồn cảm nhận. Những dạo khúc lãng mạn, trữ tình của các nhà soạn nhạc Nam Mỹ: Galas, F.Sor, F.Tarrega… qua ngón đàn của Trần Văn Phú chạm vào cõi lòng người nghe.
Buổi biểu diễn độc tấu của anh luôn hài hòa giữa dòng nhạc guitar classic trữ tình và khúc flamenco cháy bỏng, hoang dã pha chút u uẩn đậm chất dân gian Tây Ban Nha. Trần Văn Phú si mê flamenco như si mê một cô gái. Si mê rồi tìm cách chinh phục “nàng”. Anh đọc sách, giáo trình, tìm tòi đĩa của những soạn giả nổi tiếng rồi tự học. Flamenco rất khó chơi, đòi hỏi nghệ sĩ phải tập luyện công phu và đam mê mãnh liệt.
Trong giới guitar bấy giờ, người chơi dòng nhạc này rất ít ỏi. Trong đó, Trần Văn Phú là danh cầm có ngón đàn điêu luyện nhất, trở thành một trong những bậc thầy của flamenco guitar đầu thập niên 70. Không chỉ biểu diễn, ông còn sáng tác các tấu khúc theo nhạc điệu Malaguena, Soleares… cho guitar flamenco như: Alegrias, Granadinas, Danza Oriental; chuyển soạn một số tác phẩm Việt
Trần Văn Phú cho biết cuốn sách được hoàn thành trong vòng 3 tháng, bán cho nhà sách Khai Trí với nhuận bút tương đương 6 cây vàng. Một thời gian ngắn, 1 vạn quyển bán hết sạch. Đây là cuốn sách gối đầu giường của người chơi guitar chuyên nghiệp, trong số đó có “hoàng tử guitar” Dương Kim Dũng.
Mê guitar, Trần Văn Phú cũng mê rượu. Đến nhạc sĩ Dương Kim Dũng cũng phải kêu: “Ảnh uống rượu dữ lắm”. Trần Văn Phú cười, bảo mình mắc tật ham vui. Bạn bè toàn văn nhân, nghệ sĩ, gọi một tiếng là vác guitar đi liền. Hồi ấy, ông uống nhiều, nhưng chỉ say ngà ngà để còn tỉnh táo dạy học trò.
“Thầy bói nói đời tôi sẽ cô độc”
- Một dạo, người ta tưởng tôi đã đi Mỹ vì không nghe tin tức gì. Vậy nên lâu lâu đi tiệc, hễ ai nhận ra tôi thì coi như xong. Mọi người từ ngạc nhiên rồi xúm lại hỏi thăm, mời rượu, xin chữ ký… đến nỗi về nhà bụng tôi vẫn đói meo vì đã ăn được gì đâu.
Ẩn dật, ông vẫn uống rượu mỗi khi buồn. Cây guitar nằm im một góc. Ngón đàn quyến rũ năm nào không còn ngân lên nữa. Nhìn lại cuộc đời mình, người nghệ sĩ ngồi đối diện tôi khi khóc, khi cười. Khuôn mặt ông rúm ró, đớn đau trong men rượu. Bao ẩn ức của cuộc sống riêng tư khiến ông như con nhím xù lông trước dư luận. Nhiều nhà báo muốn gặp gỡ tìm hiểu về guitar, ông đều sẵn lòng. Nhưng muốn viết về đời tư thì ông nằng nặc không chịu. Có lẽ ám ảnh từ bài báo cách đây không lâu mà theo Trần Văn Phú là viết không đúng sự thật, bôi bác đời tư của ông khiến ông dè chừng, cảnh báo tôi như thế. Tôi hứa với ông, tôi sẽ viết với lòng tôn trọng và thiện chí của mình. Ông lặng lẽ gật đầu.
Buông đàn năm 1985, dành dụm ít vốn, ông mở tiệm vàng gần ngã tư An Sương. Vợ ông chuyên cho vay ăn lời, cái việc mà ông cho là thất đức. Khuyên răn mãi nhưng bà không nghe. Trong ông, phấp phỏng những mối lo. Rồi số nợ gần 700 triệu đồng đổ ập xuống người nghệ sĩ tài hoa ấy. Người ta giật nợ, số tiền quá lớn vào thời điểm năm 1995 buộc Trần Văn Phú phải bán tiệm vàng, nhà cửa để cứu vợ mình khỏi vòng tù tội. Sóng gió vừa lắng, người đàn bà ấy nỡ phụ bạc chạy theo người đàn ông khác. Hôn nhân đổ vỡ. Ông trắng tay, chua xót, đau đớn ê chề.
Giận thế nhân bạc bẽo, ông dìm đời mình ngất ngư trong men rượu. Trần Văn Phú uống rượu như nước, ngày nào cũng uống. Uống từ 7 giờ sáng đến tối mịt. Ai kêu đi nhậu ông cũng đi. Bốn năm trời là kẻ nát rượu. Uống rồi quên, tỉnh lại khóc, khóc lại cầm chai rượu mà dốc ừng ực để tìm quên. “Tôi muốn uống đến chết, chết quách đi cho rảnh nợ, sao trời không cho?” – lúc tỉnh, ông lại gào lên như thế.
Bạn bè vực ông dậy. Thuê tạm căn nhà trọ, ông gắng gượng đi dạy. 17 năm từ giã guitar nhưng kiến thức cũ vẫn nhớ để truyền đạt cho học trò. Ai ngạc nhiên thì ông cười hiền: “Có lẽ âm nhạc nó ngấm vào máu tôi rồi. Đụng đến là nó bung ra”. Thương ông đi dạy bằng xe buýt vất vả, học trò tặng ông chiếc xe máy. Bây giờ, ngày ngày ông chạy xe từ Nhà Bè lên nội thành, dạy guitar tại nhà cho bọn trẻ. Guitar trở về với ông, là cần câu cơm để ông sống qua ngày. Ngôi nhà cấp 4 hiện nay cũng là nhờ những người bạn: Cường Luthier, nhạc sĩ Trần Hoài Phương, nhạc sĩ Võ Tá Hân, Dương Kim Dũng… gom góp kẻ ít người nhiều. Nhà đang xây dang dở lại sắp giải tỏa do quy hoạch. Ông không biết đi đâu, về đâu? Kết hôn với người phụ nữ thua mình 2 giáp, nhưng hạnh phúc với ông sao quá mong manh…Hai đứa con trai ông hết lòng yêu thương lần lượt qua đời càng làm vết thương trong tâm hồn thêm sâu hoắm.
Gặp Trần Văn Phú, người ta không tin danh cầm từng mê hoặc con tim bằng ngón đàn quyến rũ lại có một cuộc đời sóng gió, đầy bất hạnh như thế. Ai bảo đời ông lận đận là do flamenco, ông giận người đó lắm. Bởi như ông nói thì đời mình do biến cố, không liên quan đến flamenco.
Ông đau xót chiêm nghiệm: “Theo Phật giáo thì hình như đời tôi vướng phải nghiệp chướng. Một lần, tôi coi bói thầy phán: “Cuộc đời con rất cô độc, cô độc đến cuối đời”. Nghe vậy, tôi sửng sốt. Nhưng có điều gì đó khiến tôi không thể không tin lời thầy”.
Có lẽ ông cô độc ngay từ đỉnh cao đời mình. Trong các chương trình độc tấu guitar, ông thường chơi một mình 15 bản nhạc xuyên suốt đêm diễn chứ không bao giờ biểu diễn cùng nghệ sĩ khác. Bây giờ, ông vẫn ham vui, vẫn sẵn sàng ngồi nhậu cùng bạn bè khi rảnh. Vẫn cười nói, bông đùa huyên thuyên, nhưng tuyệt nhiên không chơi guitar cho ai nghe nữa. Cuộc vui tàn chỉ còn lại ông với chính mình. Mấy ai hiểu được nỗi cô đơn và ẩn ức của người nghệ sĩ. Say với men nồng, đôi khi một mình ông trong đêm ôm đàn thả ngón trên dây, nghe lòng mình bần bật khóc…
Gạt bỏ những hỉ, nộ, ái, ố ở đời, người nghệ sĩ tài hoa một thuở vẫn độc hành trên con đường vạn dặm. Trong men say, Trần Văn Phú tặng tôi bản Alegrias, bản flamenco làm nên tên tuổi ông. Điệu nhạc rộn ràng, tươi vui nhảy múa trong căn nhà cấp 4 xập xệ chưa kịp quét vôi, sơn tường. Ông bảo, có lẽ đây là bản flamenco cuối ông chơi cho người khác nghe. Mai này, ông trở về cố hương, vĩnh biệt Sài Gòn với bao u uẩn khuất lấp