Đàn bà như Y Ban

Thứ Tư, 30/05/2012, 15:21
Tôi biết Y Ban tính đến giờ cũng gần 15 năm. Lúc đầu gặp Y Ban, tôi sợ chị đúng như cảm giác của một đứa bạn học báo chí vừa thực tập ở tờ báo chị làm việc, để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp đại học. Nó bảo: Chị ấy gay gắt, đốp chát vô cùng. Thì vẫn là gay gắt, đốp chát ngay buổi đầu tiên chị nhìn thấy mặt tôi. Nhưng đến lần thứ hai, thứ ba gặp Y Ban thì cảm giác sợ của tôi biến mất. Chị thấy tôi viết lách thì bảo: “Chui vào cái nghề này làm gì, nó hành cho thì khổ. Tao cố tí nữa là đẻ được ra mày đấy. Thôi, từ nay gọi tao bằng mẹ đi”.

Suốt cả thời tuổi trẻ, tôi lang bang từ tòa soạn này đến tòa soạn kia, làm báo sinh nhai. Y Ban nhìn tôi giống như chị nhìn thấy thời trẻ của mình, cũng tất tả đủ chuyện trên trời dưới biển, bởi nặng lòng với người thân xung quanh, dù chưa có gia đình riêng. Mỗi lần gặp Y Ban, ôi thôi là biết bao nhiêu chuyện. Một mẩu chuyện bé tí trên báo, chị đọc, nó mắc vào đầu chị, cũng có thể trở thành một nỗi bức xúc không hề nhỏ. Và khi đã trở thành nỗi bức xúc của chị rồi, nó chắc chắn sẽ là một chi tiết trong tác phẩm nào đó của chị ở tương lai gần.

Y Ban là một người chịu đọc và có khả năng quan sát cực kỳ nhạy. Đáng ngại hơn là chị có khả năng diễn đạt những thứ chị cảm nhận, trong lời nói và trên cả ngòi bút một cách gai góc, trần trụi, bộc trực, khiến những người yếu bóng vía dễ có cảm giác “sợ” chị. Có người bảo với tôi, họ sợ nhất là trở thành nhân vật trong truyện của Y Ban. Vì Y Ban vẽ chân dung ai cũng rốt ráo, đáo để, tỉnh queo và có phần cay nghiệt nữa. Chị không mấy khi khoan nhượng, ngay cả với mình, trong lúc viết. Chị thường gọi tên đúng sự vật sự việc, ít khi vòng vo, cũng chẳng cần mất nhiều thời gian để ướm thái độ người đối diện, hay chủ tâm tinh tế một chút để họ khỏi phật lòng. Bản tính cố hữu trời sinh ấy, bản tính mà chính Y Ban đã từng thừa nhận, “độc đoán và ghê gớm”, khiến chị từng phải gánh chịu không ít phiền lụy. Chị bảo, “quen bị người ta băm vào mặt rồi”, nhưng không sửa được. Và hình như chị cũng không định sửa.

Nhưng, những “xù lông xù cánh” của Y Ban thực ra không đáng ngại ở chỗ, nó chỉ xuất hiện khi chị bị ai đó chọc tức thôi. Với một đứa em mà chị không ngần ngại gọi bằng “con” như tôi, lại chân ướt chân ráo tập tọng văn chương, chị nói chung là không thèm chấp, ngay cả lúc tôi có trót “dại mồm dại miệng” câu gì. Và thực sự là từng ấy năm “chơi” với Y Ban, tôi không chia sẻ với chị được nhiều ở góc độ văn chương, vì trong mắt chị, tôi là hạng “con nít”. Song tôi lại chia sẻ được với chị ở góc độ đàn bà, với rất nhiều câu chuyện hàng ngày, thường nhật liên quan đến gia đình, bè bạn. Và tôi cũng thích được ngắm nhìn Y Ban ở góc độ này hơn.

Thông thường với một người giao tiếp nhẹ nhàng, khéo léo thì cánh cửa họ mở ra cho người khác hiểu mình cũng dễ dàng hơn. Còn Y Ban, với không ít người, chị đã “sập” cánh cửa này ngay từ phút đầu, không cho họ cơ hội hiểu mình, bởi tính cách và bề ngoài gai góc của chị. Nhất là những người Y Ban không có cảm tình, chị “mạnh tay” không thương tiếc, không cần quan tâm sau đó người ta nghĩ về mình thế nào. Nhưng một khi ai đó đã thực sự bước vào cuộc sống của Y Ban, thì đều có chung một cảm nhận, rằng chị cũng không kém phần nữ tính. Và cái góc đàn bà của chị, còn “đàn bà” hơn nhiều lần những phụ nữ bề ngoài thì ăn nói mềm mỏng, khéo léo, nhưng ứng xử cuộc đời thì nhạt thếch, vô tâm.

Trước tiên, tôi chắc chắn rằng, Y Ban là người đàn bà chịu thương chịu khó bậc nhất. Xuất thân trong một gia đình nông thôn nghèo, không có ai dính dáng đến chuyện văn chương nghệ thuật, Y Ban đi học để trở thành cô giáo ngành Y, rồi bỏ công việc êm đềm ấy mà đuổi theo chữ nghĩa. Và như định mệnh, đời sống của một người đàn bà viết văn luôn có nhiều trắc trở đợi sẵn chị ở phía trước. Cái nghèo, cái lo toan đeo bám chị từ tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành, đã về thủ đô, đã có gia đình, đã viết văn và có tên tuổi, có vị trí trong làng văn. Y Ban làm tất cả mọi việc để nuôi sống gia đình, mà trong nhiều năm tháng chị là trụ cột. Chị bán gà tần, đi làm báo, nhặt nhạnh từng đồng tiền lẻ để nuôi con. Tôi cứ ám ảnh mãi một chi tiết chị kể, chị đã khóc như mưa như gió vì trên đường về nhà đã làm rơi mất hộp sữa mua cho con bằng số tiền ít ỏi mà mình có. Chị sợ nhất câu nói của con, mẹ ơi, con đói. Chị lo lắng từng bữa ăn cho chồng, không phàn nàn, trách cứ về việc chồng không kiếm ra tiền.

Y Ban cực kỳ giỏi thu vén, chị chẳng bao giờ tiêu hoang, xài tiền vào những việc vô ích. Lúc ít tiền, chị căn cơ từng đồng để làm sao các con không bị đói, bị rách. Lúc nhiều tiền rồi chị vẫn giữ thói quen dè xẻn như vậy, để dành đầu tư vào những việc sinh lợi khác như đất đai. Thực tế, xốc vác và nhạy cảm nên chị đã biến không thành có, từ chạy ăn từng bữa đến có cơ ngơi, đất đai nhà cửa, chả kém cạnh ai trên đời. Nhưng hay ở chỗ, bên cạnh việc lo toan kinh tế, vốn là gánh nặng chẳng hề dễ vượt qua với bất cứ một người đàn bà nào, Y Ban vẫn chung thủy với văn chương. Chị vẫn đều đều ra sách, là một trong những nhà văn nữ cần mẫn viết bậc nhất, mà cái nào ra mắt độc giả cũng ít nhiều để lại dư âm. Y Ban dường như không đánh giá việc viết văn và việc kiếm tiền, chăm sóc gia đình, cái nào thì cao hơn. Chị không bỏ qua cơ hội để kiếm tiền, nhưng khi trong đầu “chật ních” chữ, chị cũng biết cách bỏ qua nhiều thứ khác, để ngồi vào bàn.

Có lần một phụ nữ nào đó kể chuyện, rằng chị ta bỏ chồng vì “thằng cha” vô tích sự quá, cả đời chả kiếm ra đồng tiền nào đưa cho vợ, Y Ban nghe thì “bật” luôn, rất quyết liệt. Chị không thích kiểu “bỏ chồng” ấy. Theo Y Ban, người đàn bà khi đã lấy chồng, có con, thì cần phải biết đi đến tận cùng những gì mình đã lựa chọn. Và hy sinh là một thuộc tính phải có. Thành quả chỉ thực sự đến khi mình đã hết lòng, đã tận tụy, kiên nhẫn đến nấc cuối cùng.

Y Ban ghét kiểu đàn bà “đứng núi này trông núi nọ”, chỉ thích được chiều chuộng, hưởng thụ mà không chịu hy sinh. Dù phê phán vậy, nhưng chị vẫn không quên thừa nhận là đàn bà mà phải lo tiền bạc, kinh tế  thì đúng là khổ sở thật. Đây có lẽ là một trải nghiệm từ chính cuộc sống của chị. Một vài lần, khi gặp những biến cố, hệ lụy trong đời sống phải giải quyết một mình, Y Ban than phiền số phận thử thách mình quá nhiều. Đôi khi, trong thẳm sâu, tôi nhìn thấy một điều ước của Y Ban, giá mà có một bờ vai đủ mạnh, đủ vững chãi, cho chị tựa vào, để gánh bớt muộn phiền, để chị được nhẹ nhõm hơn, bớt nặng nề, chao chát hơn…Thì cứ nghe chị trải lòng trong một bài trả lời phỏng vấn: “Phụ nữ viết văn tưởng là mạnh mẽ nhưng về bản chất là vô cùng yếu đuối, dễ tổn thương. Chẳng qua họ phải cố gắng gồng mình lên để che đậy sự yếu đuối trong tâm hồn đó thôi”.

Y Ban bây giờ đã ở tuổi ngoài 50. Vẫn quần bò, áo đủ màu sặc sỡ. Vẫn thích thói quen trang điểm sắc màu hơi “chói”. Năm ngoái Y Ban còn đi học múa bụng. Nhìn chị múa thử mấy động tác, thấy cũng “nhà nghề” ra phết. Về hình thức, chưa già. Nhưng có hôm ngồi cà phê, chị bảo, nhìn lại cũng giật mình, vì mình đã đi qua chặng đường đời dài đến vậy. Tự hỏi, đã hết lòng với văn chương, gia đình, người thân chưa? Hết lòng. Nhưng đã hết lòng với chính mình chưa, thì câu hỏi này Y Ban không trả lời được. Những lo toan gia đình, những đêm thức trắng ngồi viết, những chuyến đi làm báo lấy hết thời gian và tuổi trẻ của chị. Những khát khao thầm kín, làm sao không có trong tâm hồn một người đàn bà, lại là đàn bà viết văn, dường như đã được gói ghém lại đâu đó, không được phép bung tỏa, vì những hàng rào do chính mình dựng lên.

Y Ban bàn về những chuyện đương đại chả kém ai, nhưng chị lại là kiểu phụ nữ truyền thống. Chị hiểu những bổn phận mình cần phải làm, và chị hoàn thành nó một cách hoàn hảo, nhưng đồng thời chị cũng không ngừng “dằn vặt” về nó. Không ít lần, ngay cả khi chị nói cười mạnh mẽ, mắt trang điểm đậm, tôi vẫn nhìn thấy dường như có những giọt nước đang lặn vào bên trong. Tôi đã nghĩ, Y Ban ơi, chị đã “náu mình” trong một cái vỏ xù xì để không ai có thể bắt nạt chị. Nhưng kỳ thực thì chị đầy mâu thuẫn, và cũng yếu đuối như bất kỳ người đàn bà nào trên đời. Chỉ tiếc rằng chị đã không để cho nhiều người, nhất là đàn ông nhìn thấy điều đó ở chị. Phải chăng vì thế mà chị đánh mất đi cơ hội được yêu thương nhiều hơn, thay vào đó, chị phải gồng mình chở che người khác?

Nhưng Y Ban là người biết hài lòng với cuộc sống của mình. Chị bảo, trời không cho ai tất cả. Chị vẫn “bảo toàn” được một gia đình trong cơn lốc xoáy thị trường hôm nay, làm chỗ dựa, chỗ nương náu sau những “tai biến” thời cuộc, đó cũng là một thành quả rồi. Con gái đi du học ở Pháp ngành Kiến trúc, đã có thể tự nuôi sống mình. Con trai bé bỏng đang là học sinh cấp hai. Hai vợ chồng chị có đất, có nhà cho thuê, ở nhà rộng 200m, có sân vườn đầy đủ như ở nhà quê. Lúc nào gặp cảm giác chán viết văn, chán cả sự ồn ào phố phường thì ở nhà, lên “chòi văn” ở tầng 3 nhìn sông Hồng trôi, chăm con gà ngoài sân, ngắm quả bầu, quả bí từ lúc nó trổ hoa cho đến lúc nó lớn thành quả, lòng thanh thản. Sau những giây phút bình yên ấy, lại tất bật lo lắng, vì cuộc sống của Y Ban dường như vẫn còn nhiều chằng bíu, mà chị không thể không tiếp tục phải gồng mình lên. Việc gia đình riêng thì ổn rồi, không còn phải chật vật gì nữa, nhưng còn việc họ hàng, cha mẹ, anh em, không thể thiếu chị. Chị phải xắn vào, từ việc xây mồ mả ông bà ở quê, đến việc chăm mẹ ốm. Mẹ chị đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư, phải điều trị hóa chất. Trong nhà có các em trai, nhưng chị quen xốc vác, lại thường phải làm trụ cột, nên mọi việc lớn nhỏ vẫn phải cần sự có mặt, đỡ đần, chăm nom của chị.

Có hôm ngồi buồn, Y Ban bảo, thầy bói nói chị sau này về già sẽ ở ẩn. Thôi thì cuộc sống cứ cuốn mình đi, mình phải theo. Như con sông phải đi hết dòng chảy của mình. Nhưng sau này khi tất cả mọi phận sự với cha mẹ, gia đình, con cái đã tạm ổn, có thể chị sẽ bán nhà, chuyển đến một thành phố khác, sống tĩnh lặng với thiên nhiên, trồng cây nuôi gà, và viết. Cuộc sống ồn ào lúc nào cũng phải đối mặt với căng thẳng, hiểm họa, lo toan, giả dối, chán quá rồi…

Bình Nguyên Trang
.
.