Đại thi hào Anh G. Byron: Tình yêu và tranh đấu

Thứ Bảy, 28/06/2014, 08:00

Trong lịch sử văn học Anh, George Noel Gordon Byron (1788-1824) là một trong những danh nhân được đánh giá là hào hoa và lãng mạn bậc nhất. Nam tước thi sĩ này sinh ra ở London với tâm hồn thơ thiên phú nhiều sầu muộn và phóng túng. Và trong suốt cuộc đời, anh đã hành xử theo đúng phương châm mã thượng của một trang nam nhi chỉ yêu tự do và phụ nữ. Byron là tác giả của nhiều thi phẩm bất hủ như “Chuyến hành hương của Childe Harold”, “Tên cướp biển”, “Người tù của Chillon”, “Don Juan, thơ châm biếm sử thi”...

Thời thanh xuân, như mọi thi sĩ đích thực, George Byron đã sống hết mình với những đam mê lắm khi quá cuồng nhiệt, tới mức mù quáng. Không có thú vui nào anh không trải qua. Không có nỗi đau khổ tình yêu nào mà anh không nếm trải. Tới tuổi tam thập, Byron dường như đã thấm mệt sự đời. Anh không muốn con tim mình chỉ đau đớn vì tình yêu mà muốn hướng nó tới những cảm xúc to lớn và kỳ vĩ hơn. Anh muốn có những hành động phi thường không phải vì phụ nữ, mà vì những người bị  áp bức và đô hộ. Rời khỏi nước Anh năm 1816, Byron dấn thân vào hành trình bất tận của mình ở những xứ lạ. Và tại Italia, anh đã gặp Teresa Guiccioli.

Đấy cũng chính là người đàn bà cuối cùng mà Byron dâng hiến trái tim trong cuộc đời nhiều sóng gió của mình. Hai người làm quen với nhau ở Venice 4 năm trước chuyến lãng du cuối cùng của nhà thơ tới bến bờ Hy Lạp. Khi đó nàng - đã là thiếu phụ!- mới 16 tuổi, còn nhà thơ đã hơn ba mươi. Gần nửa thế kỷ sau đó, khi đại thi hào nước Anh đã trở thành huyền thoại lớn của cả thế giới, bà cụ Teresa Gambas (sau khi li dị với bá tước Guiccioli, mỹ nhân thuở nào đã lấy lại cái họ của cha mình) đã cho in một tập hồi ức dày về Byron. Với bà, Byron đã là biểu tượng của mọi sự tốt lành nhất: trong con mắt người thiếu nữ đang yêu, nhà thơ đẹp cả người lẫn nết, như một thiên thần!

Trong hồi ức của mình, bà Teresa đã khẳng định rằng, Byron không hề đi khập khiễng và chuyện nhà thơ bị thọt một chân chỉ là điều bịa đặt của kẻ thù - để chứng minh điều này, bà đã dẫn ra cả lời của người thợ giày từng đóng giày cho Byron (thực ra, sách cũ còn ghi, khi Byron còn nhỏ, nhà thơ tương lai rất hay bị bà mẹ dữ tính của mình diễu cợt công khai về cái chân vẹo). Teresa đã viết những dòng tràn trề tình cảm về giọng nói tuyệt vời, về đôi mắt, về mọi đức hạnh tinh thần của nhà thơ... ở tuổi 65, Teresa vẫn ngưỡng mộ nhà thơ như ở tuổi 16, khi mà vì Byron, nữ bá tước phu nhân trẻ trung này đã phải chịu hy sinh không ít: li dị với chồng rồi, Teresa chút nữa thì bị đưa vào nhà tu. Vì tình yêu với nhà thơ, Teresa đã bị mất cả vị trí xã hội lẫn của cải (dòng họ Guiccioli đã vô cùng giàu có), thậm chí còn bị trục xuất khỏi Italia... Thực ra hậu thế không nên trách móc Teresa: Không ai có lỗi cả khi thời gian trôi qua, những cặp tình nhân cũ chỉ nhớ về nhau ở những điều tốt lành và hoàn thiện nhất!

Byron đã làm thay đổi hẳn cuộc đời của  thiếu phụ Teresa - cả trong đời thường lẫn tâm tưởng. Nàng đã viết điều này với tất cả sự cởi mở rất thơ ngây cho nhà thơ ngay trong lá thư đầu tiên gửi anh và bộc lộ nỗi đau đớn khôn tả của mình vì phải rời Venice về Ravenna cùng chồng ngay sau khi vừa làm quen với nhà thơ.

“Nếu trước đây em lúc nào cũng chỉ nghĩ tới hội hè, thì giờ em lảng tránh mọi sự ồn ào, sống trong cô đơn để học nhạc, cưỡi ngựa và làm các việc nhà”- nàng viết.

Còn Byron viết cho nàng từ Venice:

Báu vật của anh... Nếu em  biết được tình yêu của anh đối với em lớn như thế nào thì hẳn em không bao giờ dám nghĩ là anh lại có thể quên lãng em dù chỉ trong khoảnh khắc. Em cần phải biết về anh rõ hơn - có lẽ, chỉ khi ấy em mới hiểu ra rằng, dẫu anh không xứng được có em nhưng anh yêu em thực sự.

Em hỏi, anh thích gặp những ai sau khi em đã rời đi, ai khiến anh xao xuyến, dẫu không được như em nhưng cũng gần gần như thế... Được rồi, anh sẽ nói: đó là ông già gác cổng mà bạn em đã sai mang tới cho anh những lá thư của em, khi em ở Venice - ông ấy giờ cũng vẫn mang tới cho anh thư em - những lá thư vẫn thân quý như cũ, dẫu không còn cho anh hy vọng được gặp em nữa ngay trong ngày, ở chỗ cũ. Em đang ở chỗ nào, Teresa của anh ơi! Mọi sự ở đây đều gợi nhớ về em - tất cả vẫn y nguyên, chỉ em là khuất bóng. Anh cũng vẫn ở đây. Trong cách trở, người rời đi ít khổ đau hơn người ở lại...

Báu vật của anh ơi! Cuộc đời anh luôn buồn rầu và đơn điệu; không có sách, không có âm nhạc, không có ngựa... Đám phụ nữ không lôi cuốn được anh... Trong những năm gần đây, anh đã cố tình lảng tránh những cảm xúc mạnh vì đã quá đau khổ vì tai ách của tình yêu...  Anh đã không muốn yêu ai và không còn hy vọng được ai yêu nữa. Nhưng giờ em đã phá hủy tất cả những cố gắng tĩnh tâm của anh; giờ anh đã nằm trong quyền lực của em rồi, anh sẵn sàng trở thành cái gì mà em muốn - có lẽ anh chỉ có thể hạnh phúc bởi tình yêu của em thôi, nhưng anh sẽ không còn bao giờ được biết tới sự bình an nữa. Lẽ ra em không nên làm trái tim anh thức dậy - bởi lẽ, cho tới hiện giờ (ít ra là ở tổ quốc của anh), tình yêu của anh luôn là sự bất hạnh đối với những người mà anh yêu và với cả bản thân anh nữa. Thế nhưng lần này, sự tỉnh trí đã tới muộn màng. Anh đã có em và dù kết cục thế nào thì anh cũng sẽ luôn là của em trọn vẹn.

Anh hôn em hàng nghìn, hàng nghìn lần...

Hãy yêu anh, người luôn dịu dàng và chung thuỷ của em. B.”.

Lá thư này viết bằng tiếng Italia.

Byron có lẽ không biết rằng, chính Teresa cũng đang héo hắt vì anh. Đến mức nàng đổ bệnh. Khi Byron đánh liều tìm tới Ravenna, anh bắt gặp nàng đang trong tình trạng liệt giường.

“Mình thực sự sợ rằng nàng mắc bệnh lao - Byron viết cho một người bạn - Chuyện như thế đã xảy ra với tất cả những ai mà tôi có cảm tình thực sự. Nhưng nếu điều bất hạnh xảy ra với nàng thì vĩnh biệt, trái tim của tôi ơi, đây sẽ là tình yêu cuối cùng của đời tôi. Những thú vui  mà trước kia tôi đã ham hố và giờ đang chán ngán, ít ra cũng mang lại cho tôi một điều có lợi là, cuối cùng thì tôi cũng cảm thấy được tình yêu theo cái nghĩa cao thượng nhất của từ này”.

Sau đó một thời gian, khi Teresa hồi phục và lại phải cùng chồng trở về điền trang của ông ta, Byron ngày nào cũng tới nhà nàng, buộc nàng phải mở hết các cửa sổ ra, đọc cho nàng nghe những cuốn sách yêu thích và còn viết cả bên lề sách nữa... Hiện nay vẫn còn lưu lại một cuốn sách trong thư viện của Teresa với những lời nhà thơ ghi:

“Teresa thân yêu của anh! Anh đọc cuốn sách này ở trong vườn nhà em. Em quý báu! Em đi vắng, vì khác đi thì anh chẳng có tâm trí đâu mà đọc. Đây là một trong những cuốn sách em ưa thích nhất, mà tác giả của nó lại là bạn anh. Em không hiểu những câu tiếng Anh này, những người khác cũng không hiểu chúng - đó là lý do khiến anh không viết chúng bằng tiếng Italia. Nhưng em sẽ nhận ra được nét chữ của người đang yêu em say đắm, và sẽ đoán được rằng, người ấy, ngồi cùng với một trong những cuốn sách của em, chỉ có thể nghĩ được về tình yêu. Trong cái từ này, tuyệt với ở mọi thứ tiếng nhưng tuyệt vời nhất ở trong tiếng Italia của em -amor mio- quy tụ toàn bộ sự tồn tại hiện nay và cả tương lai của anh nữa... Thỉnh thoảng hãy nghĩ tới anh, khi mà dãy Alpơ và biển cả chia rẽ đôi ta, nhưng không thể nào chia rẽ nổi một khi em không muốn điều đó”.

Tuy nhiên, bi kịch là ở chỗ, yêu Teresa, Byron vẫn không thể quên được khát vọng tham gia vào các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhà thơ  vẫn nuôi trong lòng mình mơ ước được tham gia vào công cuộc giải phóng Hy Lạp, quê hương của các thi nhân tiền bối khỏi ách thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ. Byron đã viết cho một người bạn: “Tôi đang có chuyện với một thiếu phụ trẻ, hoàn toàn vô tư, xinh đẹp và tốt tính... Thế nhưng, tôi cảm thấy - và cảm thấy một cách cay đắng rằng, con người ta không nên tiêu tốn đời trong vòng ôm và ở bên cạnh một phụ nữ, hơn thế nữa, một phụ nữ ngoại quốc; và phần thưởng nhận được từ nàng - dù không nhỏ - cũng không thể nào là đủ với anh ta...”.

Thế là, mặc dù lửa tình đang đượm, Byron vẫn rời Italia sang Hy Lạp chiến đấu. Ngày 30/12/1823, anh cập bến cảng Missolonghi. Dũng cảm, cao thượng và nhân văn, Byron rất được lòng người dân địa phương. Nhà thơ được bầu vào Ủy ban Giải phóng Hy Lạp và đã tham gia đấu tranh giải phóng đất nước này khỏi ách đô hộ của Thổ Nhĩ Kỳ. Và anh đã qua đời tại thành phố cảng nhỏ bé Missolonghi vì sốt rét và sự ngốc nghếch của những viên bác sĩ vườn. Hôm đó là ngày 19/4/1824. Bên cạnh Byron lúc đó chỉ có cô bé người Thổ Nhĩ Kỳ mà nhà thơ đã nhận làm con nuôi trước đó không lâu.

Còn Teresa ở lại Italia, dẫu không chết ngay vì thất vọng và thương nhớ nhưng cho tới phút cuối trong cuộc đời dài lâu của mình, vẫn không thể nào quên được những cảm xúc mạnh mẽ mà tình yêu với Byron đã gợi lên được trong lòng mình. Phải, dù kết cục cuộc tình với các thi sĩ có như thế nào thì những mỹ nhân cũng không phải ân hận, ngay cả những người không được nhà thơ ghi tên khắc hình vào những vần thơ bất hủ

Hoàng My
.
.