Đại tá Vũ Hiển – Quyền Đại đoàn trưởng Đại đoàn Công pháo đầu tiên

Chủ Nhật, 27/09/2020, 08:54
Trong sách "Lịch sử Pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam (1946-2016)" đã viết về sự kiện thành lập Đại đoàn Công pháo (f351) ngày 27/3/1951: "Đồng chí Vũ Hiển, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng được bổ nhiệm làm Đại đoàn phó, quyền Đại đoàn trưởng".

Tuy nhiên, ngày nay ít người biết đến sự nghiệp của ông. Cuộc đời binh nghiệp của Đại tá Vũ Hiển gần như gắn bó với đơn vị tinh nhuệ hiện đại: Pháo binh.

Những roi nắng thấp thoáng bên khung cửa, bà Vũ Thu Hòa trầm giọng kể cho tôi nghe về cuộc đời cha mình: Đại tá Vũ Hiển (1914 - 2008). Hơn nửa thế kỷ ông gắn bó với phố nhà binh song bình lặng như một bậc ẩn sĩ, chỉ lớp người khai quốc mới tỏ tường về ông.

Tên thật của ông là Phùng Văn Liễn, từ ông đội thoát ly đi theo cách mạng, tham gia Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (4/1945). Nhớ lại thuở ban đầu, ông viết trong hồi ký văn vần: "Được xung vào Đội tuyên truyền/ Mới đầu còn có mươi người thoát ly/ Tôi là đội trưởng chỉ huy/ Anh Tuệ chính trị, anh Kim phó đoàn/ Lại còn ké Lạc đứng đầu/ Lo toan mọi thứ đi đâu cũng cần".

Những ngày đầu cách mạng, rất hiếm cán bộ có trình độ về quân sự. Năm 1946, Vũ Hiển về làm Phó tư lệnh Khu 3. "Dưới quyền Chính ủy Quang Hòa rất hay". Chính ủy Quang Hòa sau này là Thượng tướng Lê Quang Hòa, có thời gian làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chính ủy Binh chủng Pháo binh, Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân… 

Năm sau, ông Vũ Hiển làm Tham mưu trưởng Liên khu 10. Chính từ đây, ông đã trực tiếp chỉ huy mặt trận sông Lô, góp phần chỉ đạo pháo binh làm thành bản hùng ca Lô giang khiến thủy binh của Pháp khiếp đảm.

Sông Lô nổi sóng vùi thây giặc Pháp

Đại tá - Nhà văn Siêu Hải (1924-2012), cây bút của pháo binh, một trong những cán bộ chỉ huy pháo binh tại mặt trận sông Lô (1947) đã viết: Đồng chí Vũ Hiển là người có công đầu trong tác chiến bẻ gãy gọng kìm Sông Lô.

Đại tá Vũ Hiển (bên trái) và Đại tướng Hoàng Văn Thái. Ảnh: Tư liệu gia đình.

Mờ sáng ngày 7/10/1947, Pháp cho không quân nhảy dù xuống Bắc Kạn, mở màn chiến dịch Thu đông 1947 đánh úp hòng bắt gọn toàn bộ Trung ương Đảng và Chính phủ kháng chiến, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 11/10, gọng kìm thứ hai, với đoàn tàu chiến 7 chiếc của Pháp tiến qua Bạch Hạc ngược sông Lô. Các đơn vị pháo binh kháng chiến bố trí chặn tàu chiến tại Phan Dư, Đoan Hùng, Bình Ca đều không đạt kết quả. 

Đại tá Siêu Hải kể lại: "Ngày 11/10, tàu địch ngược sông Lô, trung đội sơn pháo 1 của tôi bố trí trên một mỏm đồi cao ở Phan Dư bị bất ngờ, chỉ bắn được một phát ở cự ly trên 2.000 mét, không kết quả".

Còn khẩu dã pháo ở Đoan Hùng mới bắn được một phát thì nòng pháo tụt về phía sau, không trở lại chỗ cũ. Hôm sau, tàu chiến Pháp lại qua Bình Ca, đến lượt khẩu dã pháo ở đây bắn được một phát thì hai bánh pháo do quân giới ta chế tạo chắp vá không chịu nổi lực giật của pháo nên đã gục hai bánh vào nhau. Cả 5 lần pháo binh ta vẫn chưa gây được sóng gió cho đoàn tàu giặc. Tàu chiến nghênh ngang đánh lên đầu Thủ đô kháng chiến. Một không khí lo lắng, hốt hoảng bao trùm khắp mặt trận sông Lô.

Chỉ có pháo binh với hỏa lực mạnh mới phá vỡ được vỏ thép tàu chiến. Vậy mà 2 khẩu pháo ở Đoan Hùng và Bình Ca đều hỏng, đang được tích cực sửa chữa. Chỉ còn khẩu sơn pháo 75 ly của trung đội Siêu Hải - Nông Văn Cờ hoạt động. Nhưng tất cả những đợt pháo bắn đều hụt mục tiêu. Sau những trận đầu không thắng lợi, một số cán bộ, chiến sĩ pháo binh tỏ vẻ hoài nghi chiến thuật đánh du kích của pháo. Họ bàn tán, tranh luận sôi nổi và có phần tỏ ra thiếu tin tưởng vào trình độ kỹ thuật. Họ lo lắng trước tình hình vũ khí cũ kỹ của ta.

Tham mưu trưởng Vũ Hiển đã chỉ đạo đưa pháo ra mặt sông, "đặt gần, bắn thẳng, ngắm qua nòng". Chủ trương này có hiệu quả ngay tức khắc. Vào chiều ngày 23/10/1947, tại ghềnh Khoan Bộ, pháo binh ta đã bắn chìm tại chỗ 2 tàu chiến LCT đầu tiên của thủy quân Pháp, mở màn cho chiến thắng sông Lô lừng lẫy. Chủ trương "đặt gần, bắn thẳng, ngắm qua nòng" được Tham mưu trưởng Vũ Hiển cho phổ biến tới chỉ huy pháo binh toàn mặt trận đã đem tới chiến thắng giòn giã ở Đoan Hùng ngày hôm sau.

Tài liệu lưu trữ tại Phòng truyền thống Binh chủng Pháo binh cho biết, được sự chỉ đạo của Tổng quân ủy, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến khu 10 tổ chức lễ mừng chiến thắng sông Lô tại xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Ông Vũ Hiển chỉ huy mặt trận được Khu ủy, Bộ Tư lệnh Chiến khu ủy quyền đọc huấn thị cổ vũ quân và dân Tây Bắc:

"Sông Lô đã nổi sóng, chắc chắn còn nổi sóng vùi thây giặc Pháp xâm lược. Chúng ta thắng không kiêu, kiên trì vượt qua gian khổ khó khăn, vâng lệnh Hồ Chủ tịch, chấp hành nghiêm mọi chính sách của Đảng, đoàn kết chặt chẽ giữa quân đội và nhân dân, giữa bộ đội chủ lực với dân quân du kích, lực lượng công an, kiên quyết tiêu diệt nhiều địch hơn nữa".

Đồng thời, Tham mưu trưởng Vũ Hiển cũng công bố quyết định của Tổng quân ủy đề nghị Chủ tịch Chính phủ tặng Lực lượng pháo binh Chiến khu 10 Huân chương Quân công hạng Ba. Toàn bộ chiến lợi phẩm bộ đội ta thu được của quân Pháp được Phòng Chính trị Chiến khu đem trưng bày để khích lệ, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương.

Đánh bại cuộc hành binh Lo-ren

Ngày 19/2/1948, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 15/NĐ-CB thụ phong cấp hàm Đại tá hạng Nhất cho các cán bộ chủ chốt, chưa thực hiện với toàn quân. Đứng đầu danh sách những cán bộ được thụ phong cấp hàm Đại tá hạng Nhất đợt đầu tiên là ông Vũ Hiển - Trưởng phòng Tác chiến kiêm quyền Tổng tham mưu phó. Theo Sắc lệnh của Chính phủ ngày đó, về phân hạng quân hàm trong quân đội gồm có hạng Nhất và hạng Nhì.

Đại tá Vũ Hiển (1914 - 2008). Ảnh: Tư liệu gia đình.

Giữa năm 1949, ông chuyển công tác và đến ngày 27/3/1951, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập Đại đoàn 351 - Đại đoàn công pháo đầu tiên của quân đội ta… Trong đội hình Đại đoàn có Trung đoàn sơn pháo 675, Trung đoàn lựu pháo 45, Trung đoàn công binh 151, Tiểu đoàn 960 sơn pháo,… 

Đại tá Vũ Hiển được bổ nhiệm làm Đại đoàn phó, quyền Đại đoàn trưởng. Bộ Tư lệnh Đại đoàn gồm có: Chính ủy Phạm Ngọc Mậu; Tham mưu trưởng Phan Phác; Chủ nhiệm Chính trị Lê Ngọc Quang và Chủ nhiệm Hậu cần Đặng Văn Thức. Đảng ủy Đại đoàn được chỉ định gồm 6 người: Chính ủy Phạm Ngọc Mậu, quyền Đại đoàn trưởng Vũ Hiển, Chủ nhiệm Chính trị Lê Ngọc Quang, Chính ủy trung đoàn Công binh 151 Lê Khắc, Chính ủy trung đoàn 45 Hùng Thanh và Chính ủy trung đoàn 675 Hoàng Phương. 

Đại đoàn Công pháo vừa thành lập đã bước ngay vào những cuộc thử lửa với thực dân Pháp. Trong đó có chiến dịch Tây Bắc thu đông năm 1952. Lịch sử Quân khu 2 thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp ghi nhận, trong lúc tích cực chuẩn bị cho đợt 2 chiến dịch Tây Bắc thì cơ quan Tác chiến nhận được tin: ngày 5/11, Pháp mở cuộc hành quân Lo-ren đánh phá hậu phương của ta ở Phú Thọ. 

Ý đồ cuộc hành quân này hòng kéo chủ lực ta về, đỡ đòn cho phía Tây Bắc. Đến ngày 17/11 với lực lượng của Pháp tiến về Phú Thọ đã có khoảng 3 vạn tên gồm 13 tiểu đoàn bộ binh của các GM1, 2, 3, 4, 5 và 2 tiểu đoàn cơ giới, 7 đại đội công binh, 4 tiểu đoàn pháo binh, 3 tiểu đoàn dù, 2 hải đoàn xung kích.

Đối phó lại, Bộ Tổng tư lệnh thành lập Ban chỉ huy Mặt trận do quyền Tư lệnh Đại đoàn Công pháo 351 Vũ Hiển làm Chỉ huy trưởng; Cục trưởng Cục Dân quân Trần Mạnh Quỳ làm Chính ủy. 

Ban chỉ huy mặt trận Phú Thọ đã sử dụng Trung đoàn 176, một tiểu đoàn của Trung đoàn 246, cùng với bộ đội địa phương chặn địch. Đồng thời, Bộ chỉ huy chiến dịch Tây Bắc điều thêm Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) về Phú Thọ do Trung đoàn trưởng Phạm Hồng Sơn đi trước, Phó Chính ủy Hồng Cư đi sau cùng đơn vị.

Trung đoàn 36 đã đánh thắng giòn giã trên đường số 2 liên tiếp từ Đoan Hùng đến Chân Mộng - Năng Yên - Trạm Thản, phá hủy 44 xe tăng thiết giáp, diệt và bắt 400 tên, đa số là Âu Phi thuộc Binh đoàn cơ động số 4 (GM4), làm bị thương 250 tên khác. Ta truy kích đến tận núi Vóc, ga Tiên Kiên, làm phá sản âm mưu "cứu nguy cho Tây Bắc".

Vinh quang là lính Cụ Hồ

Từ năm 1954 - 1959, Đại tá Vũ Hiển công tác tại Tổng cục Chính trị, giữ chức vụ Cục phó Cục Văn hóa. Năm 1959, ông chuyển ngành, ra công tác tại Bộ Thủy lợi (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Xây dựng Công trình cho đến khi nghỉ hưu (1971).

Lui về quá khứ thanh bình, Đại tá Vũ Hiển sống bình dị như một lão nông. Với một mảnh đất bên kia cầu Long Biên, gần với cống Xuân Quan - công trình thủy lợi đầu tiên ông tham gia xây dựng, người cựu chiến binh từng làm sông Lô dậy sóng nhấn chìm tàu chiến Pháp nay cần mẫn với việc nhà nông. Có lẽ nhờ lao động chăm chỉ, ông vượt qua tuổi cổ lai hy thêm ¼ thế kỷ. 

Tự họa về mình qua những câu văn vần, ông phấn khởi: "Đã gần chín chục mùa xuân/ Lòng vui vì thấy dân mình hơn xưa/ Vinh quang là lính Cụ Hồ"…

"Các đồng chí thủ trưởng Cục như đồng chí Hà Văn Lâu, Vũ Hiển, Trần Văn Quang, Đỗ Đức Kiên… đều được cán bộ, chiến sĩ rất tôn trọng và khâm phục về đức độ, tài năng" (Lịch sử Cục Tác chiến (1945-2015) - NXB Quân đội Nhân dân, 2016). 
Kiều Mai Sơn
.
.