Đại tá - phi công Trần Ngọc Bích: Người lái trực thăng chuyên cơ của Bác Hồ

Thứ Hai, 28/06/2010, 10:34
Sau cần lái trực thăng, ông đã có hơn 32 năm "đi mây về gió". Với số lượng giờ bay kỉ lục hơn 8.000 giờ, ông được đồng đội gọi với cái tên trìu mến "Anh cả của làng trực thăng Việt Nam". Hạnh phúc nhất của đời ông là khoảng thời gian đặc biệt 9 năm chuyên bay phục vụ Bác Hồ.  Tên tuổi đại tá phi công Trần Ngọc Bích được nhắc đến như một huyền thoại.

 "Học Cụ Hồ rất khó…"

Ông Trần Ngọc Bích sinh năm 1934 tại xã Đức Trường (nay là Trường Sơn), Đức Thọ, Hà Tĩnh. Năm 19 tuổi, chàng trai trẻ Trần Ngọc Bích tòng quân, gia nhập Trung đoàn 53 (Quân khu IV). Năm 1956, từ Trường Văn hoá Kiến An, Hải Phòng, Trần Ngọc Bích được cử đi học lái máy bay tại Trường Không quân số 2 tại thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc.

Đoàn học viên không quân Việt Nam lúc ấy có 18 người, trong đó có Đào Đình Luyện, sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Năm 1960, tốt nghiệp lớp phi công loại xuất sắc, Trần Ngọc Bích về nước, cùng với Hoàng Trọng Khai được biên chế vào Trung đoàn Không quân vận tải 919. Thiếu uý Trần Ngọc Bích được phân công phụ trách lái máy bay trực thăng Mi-4. Đây là loại trực thăng do Liên Xô sản xuất, tốc độ bay tối đa 220km/giờ, tải trọng 1,4 tấn. Năm 1972, Trần Ngọc Bích được cử sang Nga học 1 năm để chuyển sang loại trực thăng Mi-8, tải trọng 10 tấn, vận tốc 320km/giờ.

Năm 1958, Liên Xô tặng Việt Nam một chiếc máy bay Mi-4 và cử ba chuyên gia phụ trách. Năm 1960, tổ lái của Trần Ngọc Bích, Hoàng Trọng Khai đã tiếp nhận nhiệm vụ thay chuyên gia nước bạn, đảm nhận các phi vụ chuyên chở lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các chuyến công vụ ngoại giao trong nước.

Khi tôi hỏi về những kỉ niệm trong 9 năm (1960-1969) được chở Bác Hồ đi công tác, Đại tá Bích đang sôi nổi trở nên sâu lắng: "Học Cụ Hồ khó lắm. Vì cụ quá giản dị trong cương vị của một bậc lãnh tụ. Trí tuệ cụ cao siêu, tài giỏi, song lại gần gũi, chân tình như một người thân của mỗi người. Tôi đã rất cố gắng, song chỉ học được ở Cụ vài phần. Hình ảnh Bác Hồ luôn nằm trong sâu thẳm trái tim những người lính bay".

Khi Trần Ngọc Bích được gặp Bác lần đầu, Người ân cần hỏi thăm quê quán, hoàn cảnh gia đình và dặn dò cố gắng công tác cho tốt. Thỉnh thoảng, cứ sáng chủ nhật là tốp bay của Trần Ngọc Bích nhận nhiệm vụ chở Bác Hồ đến khu vực Đá Chông thuộc Ba Vì, Hà Nội. Khu vực này rộng 234 ha, có hai hồ nước rộng, nhiều ngọn đá nhọn chĩa lên trời, là địa điểm bí mật do chính Bác Hồ chọn, được đặt biệt danh là K9. Sau này thi hài của Người cũng được bảo quản tại đây trong thời gian xây lăng.

Đi cùng trên các chuyến bay có anh Vũ Kỳ, thư kí của Bác và anh Hoàng Đăng Ninh võ nghệ cao cường bảo vệ trực tiếp. Đến bữa trưa, Bác nghỉ làm việc, rửa tay rồi cùng ăn cơm với mọi người. Bác ngồi phía đầu bàn, mọi người ngồi hai bên, Người không bao giờ ăn riêng. Bác ăn rất chậm rãi và rất ít. Bác thích ăn rau cải vừa mới lên mầm, gọi là rau cải "rút". Vừa ăn, Người vừa nhâm nhi một li rượu nhỏ. Nếu hôm nào có nhiều thức ăn do anh em cải thiện được, Bác bảo san sang các đĩa để người khác không phải ăn thừa. Bác thường  ăn xong trước, dậy rửa tay, hút thuốc. Anh Vũ Kỳ nháy mắt: Nào anh em, ta "chiến đấu tiếp".

Đại tá - phi công Trần Ngọc Bích.

Có lần Trần Ngọc Bích nói vui với anh Vũ Kỳ: "Cho phi công ăn riêng, chứ ăn với Bác, hôm nào cũng ngồi lại sau, xấu hổ lắm, ăn không no". Tưởng nói cho vui, ai ngờ trong bữa ăn, anh Vũ Kỳ thưa lại với Bác, Trần Ngọc Bích "chết đứng như Từ Hải". Bác cười: "Đúng rồi. Các cháu phi công phải ăn cho no mới có sức khoẻ để làm việc". Rồi Người bảo mang thêm một đĩa cơm to đến cho anh em.

Ngoài nhiều lần được ăn cơm cùng Bác khi đi công tác, trong thời gian phục vụ Bác, Trần Ngọc Bích cùng tổ bay được Bác mời đến nơi ở và làm việc của Người ở Hà Nội dùng cơm hai lần. Một lần Bác mời riêng tổ bay của Trần Ngọc Bích, và một lần khác mời trong buổi chia tay ba chuyên gia Liên Xô hoàn thành nhiệm vụ về nước. Sau bữa cơm, Trần Ngọc Bích và tốp bay được chiêu đãi bộ phim tài liệu "Đoàn cán bộ miền Nam ra thăm miền Bắc". "Trong khi chưa đến giờ ăn, chúng tôi tha hồ đi lại xem những vườn cây, cảnh trí trong khu nhà sàn Bác Hồ" - Đại tá Bích nhớ lại.  

Trần Ngọc Bích nhớ như in chuyến chở Bác Hồ về thăm chiến khu Tân Trào vào tháng 3/1961. Lúc ấy ngồi cùng máy bay có Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch. Đến trưa, mấy Bác cháu cùng đi bộ vào thăm lại đình Hồng Thái, gốc đa Tân Trào. Người xuống con suối nhỏ rửa mặt, rồi mấy Bác cháu trải nilon ra cùng ăn trưa dưới gốc cây. Bữa ăn chỉ có cơm nắm đã chuẩn bị sẵn, cắt ra từng khoanh chấm với chút thức ăn khô. Ăn xong, Bác dặn: Bây giờ các chú nghỉ ở đây chờ Bác, Bác ra nói chuyện với đồng bào rồi ta cùng về. Lúc ấy đồng bào đã tập trung chờ nghe Bác Hồ nói chuyện. Trời nắng, các cán bộ đành chặt một cành lá cọ che đầu cho Bác.

Tháng 5/1961, lần đầu tiên Bác Hồ thăm đảo Cô Tô. Người đi bằng máy bay trực thăng do Trần Ngọc Bích lái chính. Ông kể: "Sau lần Bác đến đảo, Cô Tô được mùa ngọc trai rất lớn. Sau này người dân đã dựng tượng đài Bác trên đảo".

Năm 1962, anh hùng vũ trụ Ghécman Titốp sang thăm Việt Nam, Trần Ngọc Bích nhận nhiệm vụ chở Bác Hồ và Ghécman Titốp đi thăm vịnh Hạ Long. Thấy bãi tắm quá đẹp, Titốp nhảy ùm xuống tắm. Sau này người dân gọi đó là "Bãi tắm Titốp".

Phi công Trần Ngọc Bích còn nhớ mãi chuyến bay vào tháng 3/1969, nhận nhiệm vụ chở Bác từ sân bay Nội Bài về Bạch Mai. Ông có ngờ đâu đó là chuyến bay cuối cùng được phục vụ Bác Hồ. Trong nhà, Đại tá Trần Ngọc Bích dành một nơi trang trọng nhất để thờ Bác Hồ. Phía dưới chân dung Bác là một bức ảnh đặc biệt do đồng đội tặng: 5 chiếc máy bay trực thăng Mi-8 mang theo cờ Tổ quốc diễu hành trên lăng Bác. Trần Ngọc Bích là một  trong 5 phi công lái chính của tốp bay đặc biệt đó.

Bố ơi, sao bố bay giỏi thế

Trong lần về thăm lại Trường Chỉ huy Kỹ thuật Không quân Nha Trang, nơi ông đã từng làm Phó Hiệu trưởng, cánh lính trẻ xúm quanh để xem mặt mũi ông. Một anh lính trẻ hỏi: "Bố ơi, sao bố bay giỏi thế?". Đại tá Trần Ngọc Bích trả lời: "Kinh nghiệm của tôi là thế này: Khi thầy dạy một thì biết một, nhưng trong thực tế bay thì phải chủ động, sáng tạo. Phải hết sức nghiêm túc, cẩn thận bao nhiêu cũng không thừa. Vì chỉ một sơ suất dù rất nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường, không thể khắc phục được".

Ông cầm cần lái trực thăng hơn ba mươi năm. Các vị lãnh đạo đều rất thích ngồi máy bay do Trần Ngọc Bích làm phi công chính, vì cảm thấy hết sức yên tâm. 

Trần Ngọc Bích có nhiều chuyến bay chuyên chở các lãnh đạo Đảng và Chính phủ Lào. Ngoài ra, ông còn tham gia chuyên chở thương binh về hậu phương, tải vũ khí, lương thực, thậm chí đã từng lái một máy bay địch do hàng binh lấy được đưa từ Lào về Tương Dương (Nghệ An).

Trong những lần tham gia phục vụ chiến trường, không ít lần Trần Ngọc Bích thoát chết nhờ trình độ kĩ thuật siêu việt của mình. Đó là lần ông chở một cán bộ trinh sát của ta, bay giữa vùng giới tuyến. Địch phát hiện, cho hai máy bay tiêm kích hạng nhẹ lên truy kích. Phát hiện địch, Trần Ngọc Bích không hề nao núng. Khi thấy hai máy bay địch chuẩn bị lao vào để bắn, Trần Ngọc Bích cho máy bay quay 900, tránh được hoả lực. Hụt mục tiêu, máy bay địch lại lượn vòng quay lại để tấn công tiếp, Trần Ngọc Bích lại chờ chúng đến gần rồi chuyển hướng máy bay, chạy về giới tuyến của ta. Máy bay địch tiếp tục truy kích, nhưng có lực lượng của ta dưới đất bắn lên nên chúng sợ, quay mình tháo chạy. Tình huống nguy cấp đến mức người cán bộ ngồi trên máy bay của Trần Ngọc Bích hoảng lên, cứ chạy quanh trong máy bay để tìm nơi… ẩn nấp.     

Năm 1977, Trần Ngọc Bích được Chính phủ cử sang Pháp cùng ba chuyên gia khác kiểm tra, chuẩn bị kí hợp đồng mua máy bay trực thăng, trong đó có Trương Khánh Châu, sau là Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Hãng sản xuất máy bay dẫn đoàn đi tham quan, cho phi công của họ lái biểu diễn rồi mời phi công ta lái thử. Khi ngồi cùng máy bay, Trần Ngọc Bích mải ngắm cảnh nước Pháp từ trên cao nên không xem được thao tác của phi công của hãng nên có phần bỡ ngỡ. Nhưng chỉ sau mấy giây máy bay chao đảo, Trần Ngọc Bích đã làm chủ "con chim sắt", điều khiển nó lướt êm như ru. Ba bốn lần thử máy bay như vậy, rồi lại cho máy bay bay đêm lượn vòng qua thành phố Mácxây hoa lệ.

Đến khi làm hồ sơ, phía hãng Pháp ghi thời gian bay thử là 100 giờ, Trần Ngọc Bích phản đối, không kí bởi vì ông chỉ bay thử trong một vài giờ là đã hoàn toàn nắm vững kĩ thuật, tính năng của máy bay. Phía hãng giải thích là do Trần Ngọc Bích là trường hợp đặc biệt, còn những trường hợp khác phải bay đủ 100 giờ mới làm chủ được máy bay của họ. Một phi công của hãng, vốn là cựu phi công từng tham gia trận Điện Biên Phủ hỏi Trần Ngọc Bích: "Ông có phải phi công quân đội không?". Nghe Trần Ngọc Bích xác nhận, người phi công kia thở dài: “Biết  ngay  mà!''.  "May mình làm chủ được kĩ thuật chứ không tính giờ bay thử như thế thì tốn tiền lắm, đắt như vàng chứ chẳng chơi" - Đại tá Bích nói.

Năm 1984, Đại tá Trần Ngọc Bích được điều ra Hà Nội, làm Cục phó Cục Quân huấn cho đến khi về hưu. Khi được hỏi về những kỉ vật của một thời hào hùng, Đại tá Bích nói: "Không còn gì cả. Nhật kí bay thì nộp lại cho cơ quan, có gì còn lại thì mấy anh em ở Bảo tàng Hàng không về "vét" sạch. Hôm trước có anh Dần ở Bảo tàng Hà Tĩnh vào xin luôn cái cặp bay. Có lần một lãnh đạo Nhà nước CHDC Đức tặng riêng tôi một chiếc dao găm rất đẹp, cán bằng ngà voi, tôi cũng nộp cho cơ quan".

Về chuyện chụp ảnh, ông nói: "Có mấy tấm ảnh anh em phi công chụp chung với Bác Hồ và các vị lãnh đạo thì do anh Đinh Đăng Định chụp, chỉ lưu ở các bảo tàng và kho tư liệu. Có lần anh Phùng Thế Tài giơ máy ảnh bảo tôi đứng bên máy bay rồi chụp mấy cái tách tách, hôm sau hỏi ảnh đâu thì anh ấy bảo "lọt sáng hết rồi. Cuối cùng tôi cũng chẳng giữ lại được thứ gì".

Rồi ông cười, giọng sảng khoái

Trần Quang Đại
.
.