Cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf: Tự đến tự đi

Thứ Sáu, 12/09/2008, 07:25
Đôi khi để khỏi bị đẩy xuống, ta nên chủ động ra đi khi hiểu rằng thời gian dành cho mình đã hết. Đấy chính là suy nghĩ của tướng Pervez Musharraf khi ông tuyên bố từ chức Tổng thống Pakistan ngày 18/8 vừa qua.

Bằng quyết định này, ông Musharraf đã thoát khỏi nguy cơ phải trải qua cơn ác mộng bị truất quyền bằng những thủ tục dằng dai và ê chề mà đảng Nhân dân Pakistan (PPP) dự định khởi xướng và chắc chắn sẽ thành công theo ý họ vì họ đang chiếm đa số ghế trong Quốc hội.

Ngày 11/8, ông Musharraf đã bước vào tuổi 65 (ông sinh năm 1943 tại khu phố cổ của thành phố Ấn Độ Delhi, khi đó vẫn là thuộc địa của Vương quốc Anh). Vị Tổng thống tương lai là đứa con thứ hai trong ba anh em. Người cha là một viên chức thu nhập thường thường bậc trung nhưng cũng đủ tiền để nuôi cậu con trai Pervez học hết đại học.

Sau khi người Anh rời khỏi khu vực Nam Á này năm 1947, nhiều cuộc đụng độ tơi bời giữa các cộng đồng tôn giáo ở đây, gia đình Musharraf, theo đạo Hồi nhưng lại sống theo những quy tắc thế tục, đã chuyển về ở tại thành phố Karachi thuộc quốc gia vừa được phục hồi Pakistan. Người cha đã vào làm một chân kế toán trong Bộ Ngoại giao Pakistan rồi được chuyển tới Đại sứ quán Pakistan mới được mở ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ).

Từ năm 1949 tới năm 1956, cậu bé Pervez đã sống cùng cha ở đó và đã học nói cực kỳ thông thạo tiếng Thổ, thậm chí còn hiểu thứ ngôn ngữ này sâu sắc hơn tiếng mẹ đẻ Urdu (Urdu là thứ tiếng Ấn pha Âu xuất hiện từ thế kỷ XIII, là một trong 23 ngôn ngữ chính thức của Ấn Độ, có khoảng 23 triệu người sử dụng. Tại Pakistan, Urdu là ngôn ngữ quốc gia mặc dù số người sử dụng ngôn ngữ này chỉ là thiểu số).

Sau khi trở về Pakistan, người cha tiếp tục làm việc ở Bộ Ngoại giao (theo dòng thời gian ông đã lên được tới chức Trưởng phòng Quan hệ quốc tế), còn cậu con trai đã tốt nghiệp Trường Saint Patrick vào năm 1958. Sau đó, ông Musharraf đã vào học tại Trường Đại học Thiên chúa giáo Forman ở Lahore. Sự lựa chọn này hoàn toàn thuần tuý thực tế: chất lượng giảng dạy ở các trường Thiên chúa giáo của Pakistan thời ấy tốt hơn ở các trường Hồi giáo.

Năm 1961, vị Tổng thống tương lai đã thi vào Học viện Quân sự Pakistan ở thành phố Kakul. Tốt nghiệp năm 1964, chàng sĩ quan trẻ và giàu năng lực đã được điều động về trung đoàn pháo binh con cưng của quân đội Pakistan. Chính trong trung đoàn pháo tự hành này, trung uý Musharraf đã được thử lửa trong cuộc chiến tranh thứ hai bùng nổ giữa Pakistan và Ấn Độ năm 1965 và đã tỏ rõ được bản lĩnh của một chiến binh không tầm thường nên được nhận khá nhiều huân chương.

Tiếp theo, sĩ quan Musharraf đã tình nguyện gia nhập lực lượng đặc nhiệm Pakistan> và phục vụ ở đó 7 năm liền. Trong cuộc chiến tranh thứ ba với nước láng giềng Ấn Độ, sĩ quan Musharraf đã chỉ huy một đại đội lính đặc nhiệm Pakistan khá thành công. Hiển nhiên là với những chiến tích không nhỏ, mặc dầu ông Musharraf không mấy ủng hộ đường lối Hồi giáo hóa đất nước, nhưng ông vẫn mau chóng được lên lon trong giai đoạn mà Pakistan đang nằm dưới quyền lãnh đạo của viên tướng khét tiếng Muhammad Zia-ul-Haq (từ năm 1978  tới năm 1988).

Thực ra, xung quanh hành tung của ông Musharraf trong giai đoạn này cũng có không ít những thông tin trái ngược nhau: một số bình luận viên Ấn Độ cho rằng, ông là người rất "máu" việc khôi phục tinh thần Hồi giáo ở nước Pakistan hiện đại và vì thế tướng Zia-ul-Haq đã ra sức nâng đỡ ông.

Cũng có một số nguồn tin cho rằng, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, theo lệnh của tướng Zia-ul-Haq, ông Musharraf đã từng làm quen với cự phú người Arab Saudi có cái tên là Osama bin Laden, lúc đó đang tham gia các hoạt động quân sự chống lại quân đội Xôviết ở Afghanistan.

Có nguồn tin khác cho rằng, tháng 5-1988, dường như Bin Laden theo yêu cầu của ông Musharraf đã tham gia vào chiến dịch trấn áp cuộc nổi dậy của người Shi'a theo xu hướng li khai ở Gilgit. Thực hư thế nào có trời mới biết!

Ngày 15/1/1991, ông Musharraf được phong hàm thiếu tướng, chỉ huy sư đoàn bộ binh… Tướng Musharraf từng tốt nghiệp Học viện Nghiên cứu Quân sự Hoàng gia ở Anh. Và ông cũng đã trải qua hầu hết các chức vụ quan trọng trong lực lượng vũ trang Pakistan. Sau khi được phong Trung tướng, ngày 21/10/1995, ông Musharraf đã trở thành chỉ huy trưởng lực lượng tấn công chủ đạo trong quân đội Pakistan.

Tới ngày 7/10/1998, ông Musharraf được phong Đại tướng và giữ chức Tham mưu trưởng Lục quân, khi người tiền nhiệm là tướng Jehangir Karamat từ chức hai ngày sau khi lên tiếng kêu gọi ban lãnh đạo chính trị của đất nước cho phép giới quân sự Pakistan tham gia vào việc hoạch định quốc gia đại sự.

Tướng Karamat là Tham mưu trưởng Lục quân đầu tiên ở Pakistan từ chức vì bất đồng với chính quyền dân sự và các nhà quan sát nhìn thấy trong sự kiện này vai trò gia tăng của Thủ tướng Pakistan lúc đó là ông Nawar Sharif, người có vẻ như đã hoá giải được ảnh hưởng thường là to lớn của các quân nhân trong nền chính trị Pakistan.

Chính ông Sharif thoạt đầu cũng đã tỏ ra ưu ái tướng Musharraf nên mới đưa ông vào chức vụ vừa được giải phóng với hy vọng rằng, vị Tham mưu trưởng Lục quân mới sẽ không táo gan "khỏi vòng cong đuôi" như người tiền nhiệm. Thêm vào đó, vốn thông thạo tiếng Urdu, tướng Musharraf rất dễ được lòng giới thượng lưu chính trị Pakistan mà đại đa số đều xuất thân từ tỉnh Punjab, nơi sử dụng chủ yếu là tiếng Urdu…

Nhìn chung, ông Musharraf rất chủ động trong việc tìm kiếm cho mình những vai trò ngày một lớn hơn trong hệ thống quyền lực Pakistan. Tới ngày 9/4/1999, tướng Musharraf đã trở thành Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Pakistan. --PageBreak--

Một số nguồn tin cho rằng, vị Tổng thống tương lai đã tìm đủ mọi cách vận động để chen ngang vào vị trí quan trọng này vì theo luật bất thành văn, khi đó, người đến lượt trở thành Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Pakistan phải là Đô đốc Fasih Bokhari, Tham mưu trưởng Hải quân. Và không chỉ thỏa mãn với cương vị đó, tướng Musharraf còn tự phong cho mình chức Tư lệnh lực lượng hạt nhân Pakistan.

Tới cuối năm 1998 đầu năm 1999, quan hệ giữa Pakistan với nước láng giềng Ấn Độ có vẻ như được giảm bớt nhiệt nhờ những nỗ lực của Thủ tướng Pakistan Sharif và bạn đồng nghiệp Atal Bihari Vajpayee từ phía Ấn Độ. Tuy nhiên, mọi cố gắng hòa dịu đều trở nên công dã tràng vào tháng 5/1999 bởi những sự căng thẳng gia tăng nhanh và mạnh chưa từng có kể từ năm 1971.

Tháng 5/1999, đã có tới cả nghìn phần tử vũ trang từ lãnh thổ Pakistan tràn vào khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của Ấn Độ ở Kashmir. Chiến sự đã diễn ra rất ác liệt, mặc dầu thông qua người nghiễm nhiên trở thành phát ngôn chính thức cho chính quyền Pakistan, thường xuyên xuất hiện trên truyền hình với những tuyên bố quan trọng, là tướng Musharraf, Islamabad không hề dính líu gì đến vụ việc này (?!).

Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, Pakistan không chỉ ủng hộ về mặt tinh thần cho lực lượng cực đoan mà còn che giấu chúng, thậm chí cho cả các đơn vị chính quy tham chiến chống lại phía Ấn Độ. Thậm chí có nguồn tin còn cho rằng, chiến sự đã được các phần tử cực đoan Pakistan gây nên theo đúng chiến lược do đích thân tướng Musharraf chỉ đạo soạn thảo. Đó dường như là một cuộc tập rượt chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh toàn diện chống lại Ấn Độ.

Bản thân Thủ tướng Sharif đã không hề hay biết gì về sự tham gia của các đơn vị chính quy Pakistan vào các trận đánh. Tướng Musharraf chỉ báo cho Thủ tướng biết việc này sau khi quân đội Ấn Độ đã đánh bật được các phần tử cực đoan Pakistan ra khỏi nhiều vị trí quan trọng tháng 6/1999.

Tuy nhiên, chiến sự chỉ thực sự chấm dứt sau khi Thủ tướng Pakistan Sharif thừa nhận là một số đơn vị chính quy của nước này đã tham chiến và công khai ra lệnh cho các đơn vị đó rút lui. Về sau, trong tập hồi ký "Trên tuyến lửa", tướng Musharraf đã thừa nhận rằng, chiến dịch trên có mục đích ngăn chặn những đợt lẻn vào phá hoại từ phía đối phương và cho rằng, chiến dịch đã thành công đối với Pakistan!...

Sau sự kiện trên, quan hệ giữa Thủ tướng Sharif với tướng Musharraf trở nên rất khó chịu vì thái độ bắt buộc phải nhún nhường của người đứng đầu nội các Pakistan đã bị những chiến hữu của ông Musharraf đánh giá như sự đầu hàng đối phương. Hơn nữa, ông Sharif đã không cố gắng giữ thể diện chính trị cho giới quân sự khi tuyên bố rằng, các ông tướng trong quân đội Pakistan đã tự tung tự tác khi quyết định tham chiến ở Kashmir.

Cuộc tháo lui của Pakistan ở Kashmir đã bị nhuốm máu đầm đìa nên càng làm xấu quan hệ giữa Thủ tướng Sharif với tướng Musharraf. Một thời gian sau, Thủ tướng Sharif bỗng trở nên nghi hoặc lòng trung thành của tướng Musharraf đối với mình, thậm chí còn cho rằng, ông tướng khôn ngoan và đa mưu túc trí này đang âm mưu đảo chính nên quyết định "thà ta phụ người chứ không để người phụ ta".

Khi tướng Musharraf đang trên đường trở về Pakistan từ một chuyến công du nước ngoài, Thủ tướng Sharif đã tuyên bố cách chức Tư lệnh của ông và cấm không cho máy bay hạ cánh trên lãnh thổ Pakistan. Tuy nhiên, giới quân sự Pakistan đã tỏ ra trung thành với thượng cấp trực tiếp của mình hơn là với Thủ tướng nên máy bay chở tướng Musharraf đã hạ cánh an toàn xuống Pakistan và ngày 12/10/1999, sau cuộc đảo chính không đổ máu, ông Musharraf đã nghiễm nhiên trở thành người lãnh đạo đất nước…

9 năm qua, ông Musharraf đã phải trải qua đủ mọi thử thách trên cương vị cầm lái con thuyền Pakistan đầy bất trắc. Ông đã muốn xây dựng Pakistan theo những nguyên tắc khắc khổ của nhà binh và không bị chìm đắm bởi những tệ nạn tham nhũng như dưới sự cầm quyền của các thủ lĩnh dân sự. Tuy nhiên, đây quả thực là một công việc rất đỗi khó khăn, nói dễ hơn làm.

Thêm vào đó, vị trí địa lý ở cạnh Afghanistan cũng đã làm cho tình cảnh của Pakistan trở nên rắc rối hơn nhiều. Và càng ngày ông Musharraf càng mất dần đồng minh, cả ở trong nước lẫn trên trường quốc tế. Hàng loạt các cuộc mưu sát nhằm vào ông đã xảy ra. Phe đối lập tới cuối năm 2007 đã buộc được ông Musharraf phải rời khỏi chức vụ trong quân đội nếu muốn tiếp tục được làm nguyên thủ quốc gia. Và đấy là cái bẫy được sắp xếp rất khéo mà ông Musharraf đã mắc phải.

Không còn là người trực tiếp điều hành các lực lượng vũ trang, Tổng thống Musharraf đã ngày một để chính trường Pakistan lọt ra ngoài tầm kiểm soát của ông. Và thế là phe đối lập đã giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 2 vừa qua. Và tiến trình chuẩn bị ép ông Musharraf đã được khởi động.

Tình thế của ông tướng vốn oai phong lẫm liệt một thời ngày càng trở nên chông chênh. Đến mức một chiến hữu tin cậy của ông như Washington cũng phải mượn lời của Ngoại trưởng Condoleezza Rice tuyên bố rằng, dù ông Musharraf là "một đồng minh tốt", nhưng tương lai của ông là "vấn đề nội bộ của Pakistan" và việc ông có phải từ chức hay không sẽ do người Pakistan tự quyết định… Hiểu rõ điều này, ông Musharraf đã ngộ ra: "tẩu vi" là thượng sách!

Tuấn Hùng
.
.