Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroder ra mắt tập sách mới: Không biết mệt mỏi
Trung tuần tháng 2 này ở Berlin, trước ngưỡng cửa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của mình, cựu Thủ tướng Gerhard Schroder, thủ lĩnh những người Xã hội - Dân chủ Đức, đã cho ra mắt tập sách mới của mình “Những lời rành rẽ” (Klare Worte). Tác phẩm này có 12 chương, được viết dưới dạng trả lời phỏng vấn của ông cho nhà báo nổi tiếng Georg Meck của tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung theo khuynh hướng bảo thủ.
Luôn luôn trăn trở
Trong buổi ra mắt sách, được tổ chức ngày 14/2 vừa qua, ông Gerhard Schroder, người từng đứng đầu nội các Đức trong giai đoạn từ năm 1998 tới 2005, cũng đã nhấn mạnh: “Đây chính là món quà mà tôi muốn tặng cho bản thân mình vào ngày sinh nhật...” (ông sinh ngày 7/7/1944).
Những cuộc trò chuyện của cựu Thủ tướng với nhà báo đã diễn ra trong một không khí đầy kịch tính: Nhà báo Georg Meck đã đặt ra những câu hỏi gay cấn và thẳng thắn, không cho phép người được phỏng vấn đánh trống lảng và luôn chỉ ra những điểm mâu thuẫn trong các câu trả lời của ông Schroder. Cuốn sách mới cho thấy, mặc dù đang ở trong cảnh “về vườn” nhưng cựu Thủ tướng Đức vẫn hết sức quan tâm đến đời sống chính trị trong nước và trên thế giới. Trong 238 trang sách, ông Schroder đã trình bày quan điểm của mình về hàng loạt vấn đề nóng bỏng của chính trường quốc gia và quốc tế. Ông cũng kể về đủ các khía cạnh trong hoạt động chính trị của mình cũng như cả trong đời tư, chia sẻ những kỷ niệm về các nhà cựu lãnh đạo các quốc gia trên thế giới mà ông từng có dịp được biết và đối thoại...
Trong sách, ông đã nhận xét về vị Tổng thống Mỹ thứ 42 Bill Clinton: “Ông ấy luôn luôn tới chậm...”. Cựu Thủ tướng Đức cũng đưa ra nhận định của mình đối với các nhà lãnh đạo quốc gia đương nhiệm. Ông đã phê phán người kế nhiệm mình là bà Thủ tướng Đức Angela Merkel về chính sách thất bại trong quá trình chuyển đổi nước Đức sang sử dụng các nguồn năng lượng tái chế. Tới thời điểm hiện nay đã có thể khẳng định chắc chắn rằng Berlin sẽ không thể đạt được mục tiêu đã định là tới năm 2020 từ bỏ năng lượng hạt nhân. Ông cũng phê phán những người đồng chí của mình trong đảng Xã hội - Dân chủ đã rời xa chương trình cải cách mà ông đã đưa ra năm 2010...
Một phần rất nổi bật trong cuốn sách Những lời rành rẽ được dành cho chủ đề nước Nga và quan hệ của ông Schroder với vị Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin. Nhà báo Meck đã không bỏ lỡ cơ hội để khai thác thêm chi tiết xung quanh câu nói cách đây cả một thập niên của ông Schroder khi được hỏi về ông Putin (câu nói này về sau được truyền tụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông ở không chỉ nước Đức). Đặc biệt nó hay được trích dẫn bởi những nhân vật muốn phê phán ông Schroder về mối quan hệ giữa cựu Thủ tướng Đức với ông Putin mà họ cho là quá thiên vị Moskva... Năm 2004, trong một lần tham gia chương trình đối thoại trực tiếp trên truyền hình, ông Schroder đã gật đầu khi được MC hỏi, liệu có thể coi ông Putin là “một người dân chủ thuần chất” hay không? Bây giờ, trong cuốn sách mới, ông Schroder đã nhớ lại tình huống ấy như sau: “Ở thời điểm đó tôi chỉ nghĩ về việc, nếu tôi nói không thì đó sẽ tạo ra những hệ lụy về đối ngoại. Nên thay vì làm thế, tôi đã trả lời: Tất cả những điều này chỉ là những khái niệm chung. Tôi tin ở ông ấy và tôi cũng tin chắc rằng ông ấy là một người như thế...”. Và rồi ngay sau đó, ông Schroder đã nói thêm là, suy cho cùng, chẳng có ai là “một người dân chủ thuần chất” cả...
Trong cuốn sách mới, ông Schroder còn viết: “Tôi không xem lại cách nhìn nhận của tôi đối với ông Putin. Và tôi vẫn tin ở ông ấy, tin rằng mục tiêu của ông ấy là một nền dân chủ hữu hiệu và một thể chế quốc gia ổn định… Tôi đã nhìn thấy điều này trong rất nhiều cuộc trò chuyện...”. Theo ý kiến của ông Schroder, người Đức cần tiếp tục ủng hộ nước Nga để dân chủ và các tiêu chuẩn nhà nước pháp quyền có thể phát triển tại đó. Và sự giúp đỡ ấy nếu càng cụ thể thì càng tốt... Ông Schroder cũng cho rằng, cách hình dung về ông Putin mà phương Tây cố tình áp đặt cho Tổng thống Nga hoàn toàn không giống thực tế, bởi lẽ, ông Putin là “một người đối thoại cởi mở và rất hóm hỉnh...”. Và ông Putin cũng là chính trị gia có tinh thần tự hài hước về bản thân mình khá cao. Cựu Thủ tướng Đức cũng đánh giá cao trình độ sử dụng tiếng Đức của ông Putin và nhớ lại rằng, hai cô con gái của Tổng thống Nga còn biết hát cả những ca khúc Giáng sinh của người Đức...
Cũng phải nói rằng, theo thông tin do tạp chí Fokus mới đây, do mối quan hệ thân thiện giữa ông Schroder với ông Putin nên các cơ quan an ninh tình báo Mỹ đã tiến hành theo dõi ông rất kỹ ngay cả sau khi ông về hưu. Năm 2006, theo đề nghị của Tổng thống Putin, ông Schroder đã đồng ý đứng đầu dự án vận chuyển khí đốt Nga - Đức “Dòng chảy phương Bắc”... Theo những gì mà Fokus có được, năm 2008, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Condoleeza Rice đã nhận được từ đại sứ quán Mỹ tập hồ sơ về mối quan hệ chặt chẽ giữa ông Schroder với ông Putin...
Luôn luôn vượt khó
Mồ côi cha từ lúc chưa đầy một tuổi, cậu bé Gerd (tên gọi thân mật của ông Schroder) đã phải nếm mùi khổ ải từ rất sớm. Gia đình có 5 người con và bà mẹ đã phải đầu tắt mặt tối làm lụng, giật gấu vá vai mới duy trì nổi một mức sống tạm gọi là chấp nhận được. 14 tuổi, vị Thủ tướng tương lai phải bỏ học để đi phụ bán hàng giúp mẹ kiếm thêm tiền... Nhưng như thế có lẽ là may hơn rủi vì chính tuổi thơ gian khó đã đào luyện được cho vị Thủ tướng tương lai nhiều phẩm chất tốt. Lên 7 tuổi, Gerd bắt đầu say mê bóng đá (gia đình cậu lúc đó phải tá túc trong một ngôi nhà nhỏ ngay cạnh sân vận động) và thói quen chơi bóng rất “lì” đã khiến bè bạn cùng lứa phải đặt cho cậu biệt danh “thợ cày”. Về sau, ông Schroder đã tâm sự rằng, chính tính kiên trì, không ngại ngần gian khó hay cản trở đã giúp ông đạt được thành công trên chính trường.
19 tuổi, Schroder gia nhập đảng Xã hội - Dân chủ Đức (SPD). Và chàng trai trẻ nhiều khát vọng đã tìm mọi cách để trau dồi học vấn. Không học được ở lớp ban ngày, anh chuyển sang học ban tối và tới tuổi 22 đã tốt nghiệp được trung học. Rồi anh vào khoa Luật thuộc Trường Đại học Gottingen (để có tiền ăn học, anh đã phải đi làm thêm nghề thợ xây dựng). Trở thành luật sư năm 1976, có văn phòng riêng, Schroder vẫn không quên tích cực tham gia các hoạt động chính trị trong đội hình SPD. “Có công mài sắt...”, tới năm 36 tuổi (1980), ông Schroder đã trở thành nghị sĩ. Lần đầu tiên tới tham gia kỳ họp quốc hội, ông Schroder đã không đeo cà vạt để bày tỏ sự phản đối của mình trước tính bảo thủ của các nghị sĩ Đức. Bắt đầu từ đó, ông được dư luận rộng rãi ở Đức để ý tới (cũng thật trớ trêu thay, con người thích ăn mặc giản dị thời trẻ 20 năm sau lại được bình chọn là một trong 5 người đàn ông có y phục “kẻng” nhất nước Đức - thời gian có thể biến những chàng trai “cấp tiến” nhất thành những “quý ông” chấp hành vô cùng nghiêm chỉnh “lệ làng”).
Chính sự năng nổ của ông Schroder, rất khác so với hình ảnh “hương xưa” của ông Helmut Kohn, đã giúp cho SPD giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang năm 1988, chấm dứt 16 năm liên tục làm thủ tướng của ông Kohn. Thời gian 6 năm ngồi trên ghế Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức của ông Schroder tất nhiên là không thể so được với người tiền nhiệm, nhưng công bằng mà nói, với khoảng thời gian không quá dài như thế, ông Schroder đã thực sự trở thành một nhân vật có tầm cỡ quốc tế. Nước Đức trong những năm ông lãnh đạo đã duy trì được một đường lối đối ngoại độc lập bất chấp những sức ép không nhỏ từ phía bên kia Đại Tây Dương. Giới quan sát đánh giá rằng, chính ông Schroder và Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã giúp cho châu Âu không quá lệ thuộc vào quan điểm của Washington trong vấn đề Iraq và bằng cách này, tránh cho “lục địa cũ” khá nhiều tai bay vạ gió...
Uy tín cá nhân đã giúp cho ông Schroder vẫn duy trì được vai trò hữu dụng của mình trên các diễn đàn quốc tế ngay cả khi ông không còn là thủ tướng nữa mà lại chuyển sang hoạt động trong một lĩnh vực khác, gần gụi với thương trường. Ngoài vai trò cố vấn cho Tập đoàn Truyền thông Ringer AG của Thụy Sĩ, ông Schroder còn là cố vấn của ngân hàng Rothschild... Tên họ ông có trong danh sách những VIP chuyên sẵn sàng đi diễn thuyết ở khắp thế giới của Hãng môi giới Walker...
Tờ Le Figaro của Pháp từng nhận xét, cựu Thủ tướng Đức Schroder cho tới hôm nay “lòng vẫn chưa biết đến bình yên”. Dường như có điều gì đó cứ thúc giục ông phải hành động và làm thêm nhiều việc nữa. Nhiều người cho rằng, ông rời khỏi chính trường chỉ là để bảo đảm cho mình có được một chỗ chắc chắn trong sách lịch sử với tư cách một thủ tướng có tinh thần cải cách ở Đức, một chính trị gia đã dám nói “không” với cuộc chiến Iraq, bất chấp uy lực của Hoa Kỳ...