Cuối tuần với Jimmii Nguyễn

Thứ Tư, 22/04/2015, 16:22
Sài Gòn, lập hạ. Nắng xiên xiên qua tán lá xanh, có con sáo nâu đậu trên cành vắng. Quán cà phê trên đường Võ Thị Sáu, đoạn gần giáp với đường Bà Huyện Thanh Quan, chiều rất vắng. Jimmii Nguyễn ngồi với tôi trong này, ngoài kia gió hây hẩy, cảm giác là vậy.

Chúng tôi nói một ít chuyện cùng nhau, rồi mê mải theo đuổi những ý niệm của riêng mình. Jimmii Nguyễn nghĩ gì, tôi không rõ nữa, chỉ biết là trong khoảnh khắc ấy, tôi như cậu thiếu niên năm nào đó còn ở quê đang da diết với mối tình thơ ấu đang cố bám vào những bài hát của Jimmii Nguyễn để như nhớ mà cố như quên.

1. Tôi vẫn thường hay nghĩ, đời sống không biến cố là một đời sống tẻ nhạt. Mấy lâu tôi có đọc nơi này nơi kia, thì hóa ra không chỉ mỗi mình nghĩ vậy. Người ta hay cầu mong cho mình an yên, kiểu “Sống một kiếp bình an là được”. Thế nhưng, đời tròn vo như trái bóng nhựa mà tôi cùng lũ bạn mê mải thời bé con, thì còn gì là đời. Tuy vậy, không phải ai cũng có thể vượt qua được biến cố của chính mình. Có biến cố như bước ngoặc, có biến cố hóa tuyệt lộ là vì vậy.

Cũng không hiểu vì sao, Jimmii vướng phải những biến cố liên tiếp, những cú đánh số phận liên tiếp. Khi ấy, anh mới ngoài hai mươi.

Cô em gái út mà Jimmii dành nhiều yêu thương không may vắn số, vài tháng sau mối tình đầu mà Jimmii đặt cả hạnh phúc của tóc xanh bỏ anh ra đi về miền mộng ảo xa tít mù. Hai nỗi cay nghiệt lớn ấy dường như khiến Jimmii ngã quỵ. Jimmii thôi học, chấm dứt ý tưởng trở thành luật gia và anh chuyển sang thành phố khác sinh sống, cắt đứt liên lạc với mọi người.

“Anh Jimmii, tôi không thể hình dung khi ấy anh như thế nào? Bởi giả mà đặt tôi trong nghịch cảnh mà anh đã trải qua, có khi tôi sẽ không còn tồn tại trên cõi đời này nữa”, tôi hỏi.

Thay vì đáp, Jimmii mỉm cười, nụ cười trên đôi môi được mẹ cha anh sắp đặt rất khéo. Tự dưng, tôi lại nhớ câu hát: “... Còn gì trong thương nhớ, tóc em ngày nao xanh như tơ trời…”.

Trong quãng thời gian đầy khủng hoảng này, Jimmii sống trong thế giới ký ức của mình bằng âm nhạc. Nếu không có âm nhạc, e rằng - Jimmii biết đâu đấy cũng sẽ thế này thế kia. Jimmii nói với tôi: “Đời anh may mắn, đi đến đâu cũng có thân hữu, đi đến đâu cũng có người giúp đỡ”. Lần này, đến lượt tôi mỉm cười.

Nếu ai là thân hữu của Jimmii sẽ hiểu Jimmii sống vì người khác như thế nào. Chắc không cần nhìn đâu xa, chỉ nhìn cách Jimmii dành hơn 1/3 số tiền cát-sê mà anh kiếm được để trả cho ban nhạc là đủ hiểu. Ai mời Jimmii đi show, Jimmii đều yêu cầu phải trả đủ tiền để Jimmii có thể mang cả ban nhạc diễn cùng. Jimmii bảo, anh muốn hát nhạc sống, chứ không chỉ bỏ đĩa thu thanh sẵn vào là hát. Tất nhiên, đây là cá tính nghệ sĩ rất riêng của Jimmii. Nhưng tôi đồ rằng, Jimmii đặt ra yêu cầu này là bởi anh muốn cả ban nhạc của anh có thu nhập.

2. Tuổi thơ của Jimmii có gì. Chẳng có gì cả ngoài quê ngoại xa xôi và bạt ngàn biển cả, trước khi sang Mỹ, Jimmii cùng người thân sinh sống hơn năm tại Malaysia, trên một hòn đảo. Chưa bao giờ Jimmii thôi nhớ về quãng thời gian tươi đẹp ấy. Quãng thời gian mà bây giờ Jimmii vẫn cứ ước ao: “Giá mà được quay trở lại vì tôi có nhiều kỷ niệm thầm kín, một mình với biển”.

Trong chúng ta, bất cứ ai cũng đều muốn quay trở về để sinh sống vào một quãng thời gian nào đó mà chúng ta yêu thích. Càng ham muốn điều này bao nhiêu, càng thấu hiểu sự hữu hạn của kiếp người bấy nhiêu.

Tại sao Jimmii chỉ thích trở về quãng thời gian ở đảo, mà không phải quãng thời gian nào khác. Tại sao không phải là quãng thời gian mà Jimmii không có đối thủ ở thị trường nhạc Việt tại hải ngoại cũng như trong nước. Tại sao không phải quãng thời gian mà Jimmii ôm đàn đến Trung tâm ca nhạc Giáng Ngọc, thuyết phục ông chủ của Trung tâm ngồi nghe Jimmii hát, thuyết phục cả ông chủ của Trung tâm cho Jimmii hát nhạc do chính anh sáng tác chứ không phải là một ca khúc đang thịnh hành hiện tại hoặc trong miền quá vãng nào đó. Tại sao không phải là quãng thời gian khi Jimmii còn được yêu thương cô em gái út, còn đang hạnh phúc với tình yêu…

Ký ức về quãng thời giang ở đảo của Jimmii sâu đậm đến độ, rất nhiều bài hát của Jimmii có liên quan đến biển, đến mây, trời, cây, lá. Bởi Jimmii, sinh ra là để cô đơn. Một nỗi cô đơn như là nghiệt duyên tiền định mà bản thân người nghệ sĩ phải gánh chịu, không có đường lẩn tránh. Và thêm nữa, Jimmii là cá nhân mà sự nhạy cảm không có giới hạn.

Như hôm, lần đầu tiên gặp nhau, Jimmii có nói với tôi vài điều. Điệu bộ của Jimmii rất bối rối và nhiều băn khoăn. Tôi làm báo cũng đã lâu, nên câu chuyện mà Jimmii nói hôm ấy không có gì là quá xa lạ. Thế nhưng, với Jimmii thì có lẽ anh đã phải suy nghĩ đến bạc cả màn đêm mới quyết định phải nói ra.

“Jimmii, anh là một người đặc biệt theo quan điểm của tôi. Anh cô đơn là vì những ý tưởng hay tư duy của anh xa lạ với đám đông. Và bản năng nghệ sĩ của anh thật sự rất khủng khiếp. Điều đáng quý, ý nghĩ luôn muốn vun vén cho người khác của anh nằm trong bản năng nghệ sĩ đó”, tôi nói với Jimmii như vậy. Jimmii đồng ý, thản nhiên như không.

Thản nhiên như khi Jimmii năm mười ba tuổi quyết định rời khỏi nhà bố mẹ ruột để đến ở cùng gia đình cha nuôi của anh - một người Mỹ. Jimmii muốn thực hiện điều này chỉ đơn giản là bởi anh muốn biết người Mỹ sinh sống như thế nào, suy nghĩ như thế nào để học hỏi từ họ.

Cha nuôi của Jimmii là một ông chủ nhà băng, Jimmii được sắp xếp một căn phòng nhỏ trong ngôi nhà của cha nuôi. Jimmii đi học, kiếm tiền sinh hoạt bằng những việc làm thêm như bồi bàn, phát báo, giao sữa… Vài năm sau, cha nuôi nói với Jimmii: “Ngày mai, con đến ngân hàng của cha làm việc”.

Jimmii đến ngân hàng với tâm trạng hồ hởi, vest đen đúng điệu, đỏm dáng. Công việc mà cha nuôi giao cho Jimmii sáng hôm đấy chính là lao công. Jimmii phụ trách quét dọn văn phòng, khu vực vệ sinh và những việc liên quan đến tạp vụ. Jimmii sốc chứ, vì anh nghĩ đáng nhẽ anh phải làm công việc khác. Nhưng không sao, giao cho Jimmii việc gì, Jimmii sẽ làm việc đó, tính Jimmii không có thói quen phàn nàn, kêu ca hay so đo. Jimmii nói: “Thất bại lớn nhất của đời người là không dám vượt lên chính mình”.

Có người đàn ông da trắng tên John không thích Jimmii, dùng giấy báo cuộn tròn nhét vào cống vệ sinh, cả hệ thống thoát nước của tầng vệ sinh bị nghẽn. Khi quản lý của tòa nhà tính kêu công nhân chuyên nghiệp đến giải quyết vấn đề, Jimmii nhận trách nhiệm: “Hãy để tôi làm”.

Khi kể đến chi tiết này, Jimmii đưa bàn tay về phía tôi. “Tuy  có  cảm giác tủi nhục nhưng anh đã thề với chính mình là cố gắng làm việc để trở thành một Jimmii Nguyễn gì đấy chứ không phải thành vua lao công. Hôm sau, anh mua một cái bánh ngọt để trong hộc bàn làm việc của người đàn ông da trắng đó kèm theo lời nhắn: “Cám ơn ngài đã dạy tôi biết vượt lên chính mình, biết mình là ai, ở đâu và đang làm gì.  Nếu ngài cần giúp đỡ, hãy gọi tôi. Jimmii”, Jimmii nói. Từ hôm ấy, John trở thành bạn thân của Jimmii.

Giả mà hai biến cố tôi nhắc phía trên không xảy ra, thì có lẽ Jimmii đã giữ một chức vụ quan trọng trong hệ thống ngân hàng của cha nuôi mình. Nhất là khi ông đã chọn cho Jimmii theo một khóa học song song với ngành luật.

3. Gần hai mươi năm trước, Jimmii về Việt Nam trình diễn. Khán giả Hà Nội chào đón Jimmii không thể nồng nhiệt hơn. Chính Jimmii cũng bất ngờ về điều này. Thậm chí, show diễn của Jimmii, những vị tổng giám đốc các hãng điện tử nổi tiếng phải bay từ cố quốc sang Việt Nam để đề nghị: “Cho chúng tôi được tài trợ trong chương trình của anh”.

Hai mươi năm trước, một nghệ sĩ người Việt ở Mỹ về Việt Nam biểu diễn là một sự kiện lớn trong cộng đồng ở hải ngoại (và cả tại Việt Nam). Jimmii Nguyễn là ca sỹ hải ngoại đầu tiên chính thức được nhà nước mời về. Ở hải ngoại, Jimmii bị phản ứng rất dữ dội, Jimmii kể rằng những người có ảnh hưởng trong cộng đồng người Việt ở Mỹ đăng đàn trên các phương tiện truyền thông tấn công anh tới tấp. “Nhưng anh nghĩ, anh làm đúng. Anh có gì sai khi anh muốn hát các ca khúc của anh trên quê hương anh, phục vụ cho đồng bào của anh”, Jimmii bảo vậy.

“Lâu quá, tôi không thấy anh cho ra mắt sản phẩm âm nhạc mới”, tôi hỏi Jimmii. “Hồi mấy năm trước, anh cũng dự tính cho ra album mà anh đầu tư rất kỹ. Thế nhưng không may là anh bị mất bản gốc, mất luôn cả bản nháp, đành chịu. Sau đó, anh chán nản cùng lúc với quá nhiều biến cố, tai nạn giao thông 3 ngày trước chương trình xuyên Việt của anh, chương trình “Tuổi 20 và những tình khúc Jimmii Nguyễn” do Nhà hát Tuổi Trẻ Trung ương đứng ra tổ chức.

Anh bị bể mặt bể mày phải nằm Bệnh viện Chợ Rẫy bao tháng. Thật. Có khi không phải chán nản mà là anh cần thời gian để quên hết đi và tìm cảm xúc mới”, Jimmii trả lời. “Anh đã tìm quên quá lâu”, tôi nói thêm. “Có lẽ là vậy”, Jimmii trả lời.

Nhưng rồi, trong khoảng thời gian một hoặc hai năm nữa, Jimmii sẽ có một dự án âm nhạc rất lớn. Không chỉ là âm nhạc mà còn có cả yếu tố tâm linh. Jimmii sẽ làm điều mà chưa nghệ sĩ nào từng thực hiện. Lúc Jimmii nói ra ý tưởng này, tôi đã bị choáng. Người không hiểu Jimmii sẽ nghĩ Jimmii bị hoang tưởng, tuy nhiên với những gì mà tôi đã cảm nhận được từ Jimmii, tôi tin rằng anh sẽ thực hiện được điều này.

Ca sĩ Ngọc Phạm, cô học trò ruột, người bạn đời tri âm tri kỷ của Jimmii bảo: “Anh Nguyễn rất duy tâm, đứng trước bất kỳ ai anh ấy cũng nhún nhường. Anh bảo với chị, nếu đã tin vào kiếp luân hồi thì làm sao biết ta đã qua bao nhiêu kiếp và ai già hơn ai nên hãy tôn trọng mọi người kể cả trẻ nhỏ vì chuyện tương lai của người khác là điều mà mình không lường hết được”.

Thật thú vị, vì tôi cũng có quan điểm này. Quan trọng hơn, tôi nghĩ rằng mỗi người trong cõi đời này có cơ duyên được gặp gỡ, được trao đổi, được ngồi xuống cùng nhau đều phải bắt nguồn từ một mối lương duyên nào đấy đã được sắp đặt từ trước.

Có thành tri kỷ tri âm hay có hóa oan khiên thù hận thì cũng phải thản nhiên đón chào.

Nghĩ được điều ấy, Jimmii đã tìm thấy chính mình trong bộn bề cõi tạm này.

Ngô Kinh Luân
.
.