Thiếu tướng Trương Hữu Quốc, Nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Cảnh sát:

Cuộc chiến chưa bao giờ ngừng

Thứ Bảy, 10/07/2010, 16:32
Trong cái nắng như đổ lửa của Hà Nội, ông vẫn vừa nghe điện thoại vừa lau những giọt mồ hôi nhễ nhại. Một nụ cười ấm áp trên gương mặt người đàn ông phúc hậu khiến người đối diện với ông luôn cảm thấy ấm lòng. Ông bảo, có lẽ đây là khoảng thời gian bình yên nhất, khi ông đang an hưởng tuổi già và được làm những công việc mình yêu thích.

Có ai biết rằng, người đàn ông thấp đậm, giọng nói đậm chất miền Trung Quảng Trị ấy, đã chạm gần cái ngưỡng thất thập cổ lai hy hằng ngày vẫn đi làm công việc vận động các doanh nghiệp tài trợ ủng hộ cho những gia đình nghèo miền Trung quê ông đó, khi xưa là một người lính quả cảm trên chiến trường Quảng Trị ác liệt, và là một chỉ huy sắc sảo trong cuộc chiến với tội phạm đầy cam go giữa thời bình.

Ông là Thiếu tướng Trương Hữu Quốc, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.

Người dân Quảng Trị quê ông đã quen với hình ảnh một người đàn ông trở về trong những chuyến thăm quê, không phải chỉ là những chuyến thăm bình thường, mà mang nặng nghĩa tình. Đến bây giờ ông Quốc vẫn chưa hết ngạc nhiên bởi sự đói nghèo, khốn cùng của người dân quê ông.

Bao nhiêu năm xa quê, nhưng tấm lòng ông vẫn luôn hướng về nơi đó, mảnh đất ông đã từng đổ máu để đấu tranh giành sự sống cho người dân trong cuộc chiến ác liệt năm xưa. Vì thế, mảnh đất ấy không chỉ là nơi chôn rau cắt rốn của ông, mà còn mang những món nợ riêng tư, cho nỗi buồn u uất trong sâu thẳm lòng ông, nơi mẹ và các chị ông đã nằm lại. Mảnh đất đó mang nặng nghĩa tình.

Nên mấy năm qua, ông tự bỏ tiền túi đi khắp các miền đất nước, kêu gọi những nhà hảo tâm đóng góp. Một chiếc xe đạp cho các cháu đi học, một ngôi nhà mới giản dị được dựng lên, đó là sự nỗ lực bền bỉ của một chiến binh đã từng đi qua khói lửa khốc liệt của chiến tranh, hiểu được cái giá của sự sống, đã từng đối mặt với cuộc chiến nghiệt ngã của thời  bình, thấm thía những tình nghĩa ở đời. Nên có lẽ, trong khí chất của người đàn ông đó, cuộc chiến chưa bao giờ ngưng…

Lớn lên trên một vùng quê mà khói lửa chiến tranh đã hằn sâu vào ký ức tuổi thơ của Trương Hữu Quốc nên 15 tuổi, ông đã vừa học vừa tích cực giúp mẹ đào hầm bí mật trong nhà nuôi giấu cán bộ, tránh được sự bao vây lùng sục của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Nhất là khi Mỹ-Diệm thực hiện Luật 10/59, chúng lê máy kéo đàn áp đẫm máu những người kháng chiến, ông tham gia phong trào học sinh để hoạt động hợp pháp trong lòng địch, trở thành "tai, mắt" cho nhiều tổ chức Cách mạng. Ngày Trương Hữu Quốc, 20 tuổi, ông bị địch bắt giam vào nhà lao Quảng Trị.

Đến bây giờ, ký ức về những đòn tra tấn dã man của giặc vẫn hằn sâu trong ông, "chúng trói chắc tôi treo lên trần nhà, cho nước ớt, xà phòng vào mũi, vào họng rồi tra tấn bằng điện". Nhưng khí chất anh hùng của người con Quảng Trị đã thấm vào máu ông, nên trong những ngày đó, Quốc không những không hề run sợ mà ông còn tiếp tục hoạt động liên lạc cho chi bộ Lao Xá trong tù.

Địch bất lực trước sự cứng đầu cứng cổ của chàng thanh niên trẻ, nhưng không có bằng chứng gì đành phải tha. Ra tù, Trương Hữu Quốc lại tham gia vào một cuộc chiến mới, mà ở đó, ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh. Ông được tổ chức điều về Ban An ninh huyện Hải Lăng. Từ đây nhiều cơ sở bí mật đã được Trương Hữu Quốc xây dựng, nắm tình hình, quy luật đi lại của những tên ác ôn để triển khai kế hoạch tiêu diệt.

Đây là trận tuyến nhiều cam go, đòi hỏi sự mưu trí dũng cảm chính xác đến tuyệt đối, không sẽ gây ra rất nhiều thương vong. Dưới sự chỉ huy của Trương Hữu Quốc, khi ông được giao làm tổ trưởng trinh sát điệp báo Ty An ninh Quảng Trị, ông đã xây dựng được 60 cơ sở trong thị xã, phối hợp tổ chức cuộc biểu tình lớn nhất trong thị xã Quảng Trị với 12 ngàn người tham gia. 

Đầu năm 1967, ông được giao nhiệm vụ trinh sát nắm tình hình địch ở căn cứ La Vang, nhất là trinh sát thực địa tại lao xà (nhà tù) ngụy ở thị xã Quảng Trị vô cùng khó khăn và cục kỳ nguy hiểm. Từ những tin tức của đội điệp báo Trương Hữu Quốc, đêm 5/4/1967, bộ đội ta đã tiến công căn cứ La Vang và thị xã Quảng Trị, giải thoát 260 cán bộ, bộ đội bị bắt trong lao tù. Đó là một cuộc giải cứu ngoạn mục mà dấu ấn của một trinh sát điệp báo như Trương Hữu Quốc đáng được ghi danh.

Quảng Trị những năm 1967-1968, vô cùng ác liệt, Mỹ chuyển chiến lược "chiến tranh cục bộ" sang Việt Nam hóa chiến tranh, tăng cường nhiều đơn vị xe tăng, máy bay và nhiều đơn vị chủ lực ngụy và bọn tình báo, gián điệp, tay sai chỉ điểm, biến Quảng Trị thành một máy xay thịt khổng lồ. Trương Hữu Quốc và lực lượng an ninh thị Quảng Hà được giao nhiệm vụ bám sát địa bàn, và dựa vào dân để hoạt động.

Từ cuối năm 1968 đến đầu năm 1972, ông đã chỉ huy lực lượng biệt động, trinh sát vũ trang thọc sâu vào hậu cứ địch tiêu diệt nhiều tên ác ôn khét tiếng. Đó là những trận giáp lá cà mà chỉ cần một chút sơ sểnh sẽ gây tổn hại cho anh em, đồng đội. Trong ký ức người chiến binh già năm xưa vẫn nhớ như in trận đánh mà ông trực tiếp chỉ huy vào trụ sở ngụy quyền xã Hải Lệ, thuộc khu M thị xã Quảng Trị vào tháng 6 năm 1971. --PageBreak--

Khoảng 8h ông cùng 3 đồng đội tổ chức mật phục, nhân lúc bọn ác ôn chuẩn bị đi đàn áp, tổ biệt động đã phát nổ giết chết tên Thông xã trưởng, tên Duyện xã phó phụ trách an ninh và 3 tên ác ôn khác. Đội điệp báo của Trương Hữu Quốc đã dành được thắng lợi lớn trong việc phối hợp đánh bại chiến dịch Lam Sơn 719 của Mỹ-ngụy tại đường 9 Nam Lào.

Lần đó, Trương Hữu Quốc đã chiến đấu và trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy lực lượng biệt động thị xã Quảng Trị và Công an thị xã đánh vào đồn bốt địch, đốt cháy kho xăng và kho đạn tại bàu Tích Trường, đây là kho dự trữ của ngụy quân tại Quảng Trị. Thắng lợi đó đã góp phần đập tan cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ-ngụy ở đường 9 Nam Lào.

Những thành công nối tiếp thành công, Trương Hữu Quốc trở thành một cán bộ an ninh vững vàng, tổ chức các lực lượng chiến đấu trong lòng địch và giữ chức Bí thư cán sự thị ủy Quảng Trị, tiếp tục chỉ đạo các kế hoạch đánh địch cho đến cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Hôm nay ngồi ôn lại những kỷ niệm xưa, ánh mắt ông đượm nỗi buồn. Đồng đội ông cùng chiến đấu giờ chẳng còn ai. Gia đình ông, có đến 8 người con, nhưng đều đã hy sinh hoặc chết trong mưa bom bão đạn, Trương Hữu Quốc chỉ còn lại một mình trên cõi đời, nên dường như ông đang phải gánh trọn lấy sứ mạng cao cả của gia đình và đồng đội trong cuộc chiến khốc liệt.

Nhưng có lẽ ông sinh ra để thực thi cả những sứ mệnh nguy hiểm trong thời bình. Sau nhiều năm tham gia vào cuộc chiến đấu tranh chống kẻ thù trong thời bình, ông được giao một trọng trách nặng nề vào đúng thời điểm nhạy cảm của lịch sử, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.

Nếu trên trận tuyến năm xưa, ranh giới giữa cái thiện và cái ác, giữa địch và ta luôn rõ ràng, thì trong cuộc chiến ngày hôm nay, người chiến binh già ấy phải đối mặt với những mảng sáng tối mập mờ, nếu người chỉ huy không có bản lĩnh sắc sảo, sẽ không bao giờ chạm tới vinh quang.

Với niềm tin, ý chí và bản lĩnh của một người từng đi qua chiến tranh, đứng trên vinh quang của chiến thắng và chưa bao giờ  chiến bại, Trương Hữu Quốc trong 7 năm giữ trọng trách quan trọng ấy, đã phá được nhiều vụ án lớn gây chấn động dư luận. Những Khánh Trắng, Phúc "bồ",  Dũng "chim xanh", Hoàng "lựu đạn", Năm Cam... lần lượt được phanh phui.

Ông luôn mang cái tâm thế của một chiến binh trong cuộc chiến năm xưa để hóa giải những ẩn số trong cuộc chiến đấu tranh với các ác mượn danh con người, vì thế nên ông chưa bao giờ thất bại. "Trong chiến tranh tôi chẳng sợ chết, bây giờ thời bình đấu tranh với tội phạm, tôi có sợ gì đâu".

Nhưng ở vị trí chỉ huy như ông, quả thật có quá nhiều những cám dỗ, những mỏi mệt mà ông phải đối diện từng ngày, mà nếu không bản lĩnh, sẽ rất dễ sa ngã. Khí chất ấy, bản lĩnh ấy được nuôi dưỡng từ trong máu lửa của chiến tranh, và từ mảnh đất miền Trung nghèo khó, nhưng quật cường ông đã sinh ra.

Với những gì ông đã âm thầm công hiến cho lực lượng Công an nhân dân, cho đất nước, năm 2010, ông được Tổng cục Cảnh sát, lãnh đạo Bộ Công an, Đảng ủy Công an Trung ương đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhưng đến nay Đảng và Nhà nước vẫn chưa có quyết định phong tặng danh hiệu cao quý đó cho ông.

Nhưng với ông Trương Hữu Quốc, thì danh hiệu đó, ông muốn dành cả cho những đồng đội cùng chiến đấu năm xưa giờ đã nằm lại trên chiến trường. Hạnh phúc của ông bây giờ là được sống bình yên trong căn nhà nhỏ ở phố Hoàng Cầu, thanh thản, không một chút dày vò, ân hận về quá khứ, những năm tháng mà ông đã chiến đấu quên mình vì một lý tưởng cao đẹp.

Và ông vẫn đang tiếp tục cuộc chiến  của mình, trên một trận tuyến khác, nơi chỉ có tấm lòng, tình yêu đồng loại và trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội. Trong ánh mắt người chiến binh già ấy, tôi chưa từng thấy sự mỏi mệt, già nua, bởi ông luôn đứng trên tâm thế của một chiến binh chưa từng chiến bại

Việt Hà
.
.