Cụ Hoàng Đạo Thúy: Người Hà Nội

Thứ Hai, 08/02/2010, 09:57
Cụ Hoàng Đạo Thúy sinh ra đúng năm đầu thế kỷ trong một gia đình nhà Nho nền nếp. Thuở nhỏ, cụ thường thấy nhà mình đông học trò đến học và ôn luyện để đi thi hương, thi hội; bởi cha cụ - nhà Nho yêu nước Hoàng Đạo Thành - từng là một chí sĩ trong phong trào Duy Tân, cũng là giáo học.

Người cha đỗ đạt, làm quan giáo thụ ở các huyện: Quốc Oai, Hoài Đức, Đa Phúc, Thuận Thành, Từ Sơn; làm tri huyện Quế Dương, Thuận Thành, Thương tá Bắc Ninh. Là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có cuốn Việt sử tân ước - viết lịch sử nước nhà dưới quan điểm tiến bộ để cho thanh niên thời đó đọc - có nhiều ảnh hưởng tới đường đi nước bước của người con trai sau này.

Lớn lên trong sự dạy dỗ khuôn phép, đức độ của cha - cụ Thúy theo học Trường Bưởi, đỗ đíplôm, song không đi làm ông tham, ông phán như một lẽ thông thường mà chọn ngay nghề dạy học - "nghề ấy đầy tự trọng, cao quý, không phải gần Tây luồn cúi...". Ấy là năm 1920 khi cụ tròn 20 tuổi.

25 năm liền làm nghề thầy, đã có bao nhiêu lứa học trò được rèn theo khuôn phép của cụ nay đều cao tuổi, phần lớn có chức danh địa vị trong xã hội, thậm chí trong bộ máy nhà nước, hoặc là các văn nghệ sĩ nổi tiếng, ai ai cũng kính nể và không bao giờ quên người thầy giỏi cả chữ Nho - chữ Pháp, kiến thức sâu rộng nhưng rất nghiêm khắc, luôn đòi hỏi sự chuẩn mực về đạo đức và kiến thức đối với học trò của mình. Ngay đốc học Tây thời đó cũng phải tỏ lòng khâm phục cụ.

Trong những năm này, cụ Hoàng Đạo Thúy cũng đã viết nhiều sách, nhưng nghiệp viết của cụ bao giờ cũng bắt đầu từ một sự ngẫu nhiên. Ấy là năm 18 tuổi khi cụ đang học ở Trường Bưởi, cùng bạn bè đọc báo thấy một ông trí thức mới ở Hà Nội viết bài chửi ráo cả đạo đức, lề thói ngày xưa thì lấy làm tức lắm, liền bàn nhau viết bài đối lại. Cụ - người được coi là nhanh chân nhẹ miệng trong đám bạn được tín cử là người chấp bút. Và đó là bài báo đầu tiên trong đời cụ - nó thể hiện tính cách của cụ, có thể là cả về sau này nữa: tuy hơi nệ cổ một chút song bộc trực, khảng khái, luôn tôn trọng truyền thống - cũng có nghĩa là muốn giữ gìn nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc.

Ví như trong câu chuyện với tôi hôm ở Đại Yên, cụ bảo: "Cái yếm mà người phụ nữ xưa vận cũng đẹp lắm chứ; cái cổ yếm nhất là yếm thắm hoa đào những cô nào trắng ngần, cổ cao ba ngấn lại càng được tôn thêm vẻ đẹp. Vả lại nó cũng khoa học lắm chứ vì buộc giữ chặt chẽ, kín đáo bộ ngực của người phụ nữ để tiện khi lao động sản xuất, làm lụng việc nhà. Cái yếm quả là tạo nên nét đẹp đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam xưa đấy". Tôi thấy cụ không phản đối cái mới nhưng ghét sự pha tạp, lai căng kệch cỡm: "Cô thấy vở chèo mới diễn trên tivi đấy chứ, chèo chẳng ra chèo, pha một tý nhạc vàng, đá một tý nhạc mới. Dào ôi, chèo cổ đâu có thế!". Âu đó cũng là một sự nệ cổ đáng kính trọng làm sao!

Trở lại những năm tháng dạy học, tôi được biết cụ Thúy đi nhiều, có mặt ở hầu khắp các miền đất nước: Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Cao Bằng, Lạng Sơn... Có khi đang dạy ở vùng đồng bằng yên ả cụ lại xin đổi lên vùng cao, cốt được biết đây biết đó. Và cụ đọc rất nhiều, nhất là những năm ở trong thành phố. Thời đó cụ đã viết khá nhiều bài báo và nhiều cuốn sách: Bác Hai bền, Trai nước Nam làm gì?, Người thầy, Trịnh Khả (truyện lịch sử)...

Nhà sử học Nguyễn Vinh Phúc - học trò của cụ có kể lại rằng: sách của cụ khi đó nhiều người đọc nhất là thanh niên và các bậc phụ huynh. Riêng cuốn Trai nước Nam làm gì? Thực sự đã gây xôn xao dư luận. Về cuốn này, cụ Thúy tâm sự: "Có người phê phán tôi rằng tại sao không hướng thanh niên vào hành động? Hồi đó tôi đâu đã biết nhiều về cách mạng là gì? Chỉ xót xa khi thấy xã hội rối ren, Nhật - Pháp tìm mọi cách lôi cuốn, lợi dụng thanh niên Việt Nam, đi học nói tiếng Pháp, học sử Pháp: "Tổ tiên chúng ta là người Gôloa...". Bởi thế, tôi viết cuốn sách này để thanh niên thấy rõ nước ta là thuộc địa khổ sở, nhưng tương lai sẽ phải đổi khác, thanh niên nên cố luyện rèn, tu dưỡng đạo đức của ông cha với những đức tính cần thiết: Trung thực, ngay thẳng, giữ tôn ti trật tự: Con nghe cha, vợ nghe chồng, kính trên nhường dưới... để khi có dịp thì phụng sự Tổ quốc!". Cái tâm của cụ trong sáng như vậy nên cụ đã tham gia phong trào hướng đạo, viết sách hướng đạo - một xu hướng có tổ chức quốc tế hướng thanh niên vào việc tự luyện rèn tính năng động, mở mang trí tuệ, sống hòa đồng với thiên nhiên (mặc đồng phục, đi cắm trại...), làm những điều thiện, tốt...

Bác Hồ (người đã từng tham gia hướng đạo sinh ở nước Anh từ năm 1915 - theo tư liệu của nhà văn Sơn Tùng) đã thấy rõ đây là một lực lượng tốt cho cách mạng nên từ năm 1945, Bác đã tập hợp và cổ vũ cho phong trào hướng đạo Việt Nam và nhận làm Hội trưởng danh dự cho tổ chức này. Cụ huynh trưởng hướng đạo sinh Việt Nam với nỗi băn khoăn Trai nước Nam làm gì? Khi gặp làn gió cách mạng đã không ngần ngừ đi theo con đường đó. Cụ đã có mặt tại Quốc dân đại hội trên chiến khu Việt Bắc khi Lệnh Tổng khởi nghĩa phát đi toàn quốc. Cụ được Bác Hồ quý trọng và giao cho nhiều trọng trách.

Năm 1948, khi chuẩn bị tổng phản công, Bác Hồ cho mời cụ Thúy đến để giao nhiệm vụ làm Tổng Thư ký Ban thi đua toàn quốc. Theo chân chiến sĩ, cụ tới một cái lán nhỏ ở giữa hai tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên. Tại đây, Bác Hồ thân mật chuyện trò với cụ và nói tới tầm quan trọng của công việc thi đua để phát huy sức mạnh toàn dân kháng chiến. Lúc chia tay, Bác Hồ tiễn cụ đi một quãng, chợt nhớ ra điều gì vội quay lại lán cầm ra một chiếc quạt tặng cụ và nói:

- Cụ hãy quạt cho phong trào bay lên!

Chiếc quạt đó nguyên của thanh niên làng Canh Hoạch (Hà Đông) biếu Bác Hồ, có đề hai bài thơ rất hay, được cụ Thúy nâng niu giữ gìn, sau chuyển sang lưu giữ tại Viện bảo tàng Hồ Chí Minh.

Cuộc đời "nhập thế" của cụ Hoàng Đạo Thúy tưởng như dừng lại ở năm 1964 khi cụ về nghỉ hưu, nhưng như đốm lửa không heo hắt dần, mà lại tiếp tục tỏa sáng cho đời với những năng lượng tiềm ẩn tuyệt vời.

Lại cũng từ một sự tình cờ. Nhân dịp 950 năm thành phố Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân đến đặt cụ viết một bài về Hà Nội, cụ uống cà phê cho tỉnh táo rồi thức trắng đêm để viết, sớm sau đưa đến một bài dài những... 50 trang, dĩ nhiên Báo từ chối: "Chúng tôi in thế nào được cả một quyển sách trên báo?". Cụ đem về, nhà văn Hà Ân - học trò của cụ vớ đọc được thấy hay đưa về cho các nhà văn của Hội xem. Người thì chê: "Văn không ra văn, sử không ra sử, viết tự do chả ra câu kéo gì cả". Người thì khen nức nở: mấy chục năm nay không có một quyển sách nào hay như thế này đâu! Sau khi in sách, Thành ủy Hà Nội đến trưng dụng mua hết. Đó chính là cuốn Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Tiếp đó Phố phường Hà Nội xưa, Người và cảnh Hà Nội lần lượt ra đời. Với ý nghĩ: "Ôn cũ biết mới. Xây dựng một xã hội mới cũng nên biết cái nền trên đó mình xây, nó thế nào. Biết những cái vẻ vang, cũng biết cả những nỗi nhọc nhằn của ông cha ta, thì mới rõ đời ta bây giờ là quý làm sao, mới hiểu cái giá trị của đất hương hỏa này trao đến tay ta. Những cuốn sách đã đề cập tới mọi phương diện của Hà Nội: lịch sử, văn hóa, con người, cảnh sắc, phố phường, ăn mặc, phong tục...

Cụ thuộc Hà Nội như lòng bàn tay của mình vậy! Vào năm ấy (1968) cụ bà bắt đầu ốm và triền miên suốt mười mấy năm ròng. Cụ Thúy vừa chăm nom săn sóc, vừa viết bên cạnh giường cụ bà xong cuốn Đi thăm đất nước (sau này viết thêm và in thành Đất nước ta dày 700 trang) bằng trí nhớ qua bản đồ - kết quả của những năm tháng đi nhiều, đọc nhiều và tích lũy trong một trí nhớ tuyệt vời. Cụ còn viết hàng trăm bài báo, viết cả cho thiếu nhi qua những tập Ngựa gióng.

Có thể nói từ những năm 1960, cụ Hoàng Đạo Thúy là nhà Hà Nội học tiêu biểu nhất, có lối viết dân dã, dung dị, ngắn gọn. Nghĩ tới cụ người ta hình dung tới nhà bác học Lê Quý Đôn ở thế kỷ XVIII với sự thâu tóm cặn kẽ, thấu đáo cả đất trời, vạn vật vào trong tầm nhìn của mình. Và người ta cũng hình dung tới Tang thương ngẫu lục, Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hồ với cốt cách văn chương dung dị, không cầu kỳ tỉa tót, cứ thủ thỉ, thủ thỉ như vừa đi đường vừa kể chuyện mà lôi cuốn người đọc...

Lần đến thăm đó, tôi được biết cụ đã yếu hơn trước nhưng vẫn giữ một lịch trình đều đặn trong ngày: 6 giờ sáng dậy nghe bản tin Đài TNVN, uống trà, xem truyền hình Hà Nội, tập thể dục, ăn sáng, viết lách, đọc sách, 6 giờ chiều nghe bản tin, tối xem chương trình vô tuyến - "chương trình nào hay thì xem, không hay thì ngủ gật" - cụ cười thoải mái. Cụ bảo không bỏ một buổi Người giàu cũng khóc nào vì phim đó nói đạo lý, cụ gọi những kẻ tham nhũng là bọn ăn cắp - bao giờ mới quét được hết bọn ăn cắp cho dân đỡ khổ? Cụ rất vui vì học trò, đồng đội cũ, anh em hướng đạo... thường xuyên đến thăm chơi. Cụ chu đáo khi người con, người cháu nào của cụ đến ngày sinh nhật đều được cụ tặng một món quà nho nhỏ, trích từ số tiền giải thưởng của cụ. Cụ là một con người thanh cao, coi nhẹ vật chất, coi trọng tinh thần.

Hai năm sau cuộc viếng thăm đó, vào mồng 5 Tết Giáp Tuất (14/2/1994) cụ đã thanh thản ra đi gặp các bậc tiên tổ. GS - TS - Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, con trai cụ, đã kể cho tôi nghe: Khi thấy mình đã yếu lắm, cụ yêu cầu một người đồng đội treo lên phía cuối giường 2 lá cờ "Trung với nước, hiếu với dân", "Trung dũng, Quyết thắng" của Trường Võ bị để được nhìn lần cuối, để nhớ đến Hồ Chủ tịch kính yêu và những đồng đội thân thiết. GS Hoàng Đạo Kính còn đọc cho tôi nghe bài thơ "Ngủ quên" của cụ. Bài thơ làm trước đó một năm, được đặt dưới gối đã thấm mồ hôi, ngả màu vàng:

Gió thoảng, trăng trong buổi mát trời
"Ngủ quên không dậy" việc thường thôi
Các con chớ giận không từ biệt
Cháu nhớ ông bà ngày tháng trôi
Cái chính chỉ là một lời dặn:
"Giữ lòng trung hậu ở trên đời"
Nhớ thương ghi tạc tình cao cả
Tổ quốc bền lâu với đất trời.
Quả là một cốt cách, một tấm lòng cao đẹp!

Mùa xuân năm nay, mùa xuân thứ 1.000 của Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội, tôi lại nhớ về cụ, nhà văn hóa lớn, một người Hà Nội viết về Hà Nội sâu đậm nhất. Tôi bật băng ghi âm nho nhỏ có ghi tiếng nói của cụ trong cuộc viếng thăm mùa xuân năm ấy. Bỗng thấy cụ như đang hiện hữu trong chiếc ghế bành mây với giọng nói sang sảng: "Tôi không phải là nhà văn, cũng chẳng phải là nhà sử học có chức danh địa vị gì. Tôi chỉ là một thầy giáo, tôi biết sao thì nói vậy thôi mà...". Ôi chứng nhân của thế kỷ, con người đã đi gần trọn những mùa xuân thế kỷ, đi suốt chiều dài đất nước. Hà Nội đã ghi nhớ công ơn của cha cụ (Hoàng Đạo Thành), của cụ và người học trò, con rể của cụ - GS Tạ Quang Bửu trên những tấm biển đường phố mang tên họ

Hải Nhâm
.
.