Đại tá bác sỹ thầy thuốc ưu tú Nguyễn Văn Châu:

Công việc như số phận

Thứ Hai, 17/03/2008, 10:00
Người đàn ông ngồi trước mặt tôi có vóc dáng bé nhỏ. Gương mặt xương xương, mái tóc đã bạc trắng, đôi bàn tay lẩy bẩy với những cơn xung động thần kinh mạnh do căn bệnh Parkinson quái ác. Ông là một trong 6 người đầu tiên có mặt trong Tổ Y tế đặc biệt của Viện 108 những ngày đầu thành lập để phục vụ cho công việc đặc biệt. Cũng là 1 trong số ít người ở bên Bác Hồ từ giây phút đầu tiên sau khi Bác trút hơi thở cuối cùng.

Để rồi từ đó, công việc như một lẽ tự nhiên của số phận, cứ thế theo Bác, chăm sóc và giữ gìn bảo quản thi hài Bác cho đến tận 33 năm sau khi tuổi tác, sức khỏe và bệnh tật không cho phép ông tiếp tục công việc đặc biệt này nữa. Ngày nhận quyết định nghỉ hưu sau 52 năm phục vụ trong quân ngũ, 33 năm làm việc bên thi hài Bác, trong buổi làm thuốc cuối cùng cho Bác, ông đã bật khóc nức nở. Ông là Đại tá bác sỹ Nguyễn Văn Châu, nguyên Phó Viện trưởng Viện 69, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người lính mù chữ và hành trình vượt lên số phận

Có lẽ bằng một linh cảm đặc biệt nào đó, tôi đã chọn tìm đến ông và tôi đã đúng khi tìm thấy trong con người ông cả một câu chuyện dài xúc động của một người lính vượt lên số phận. Ông sinh ra và lớn lên ở quê hương của Anh hùng Phan Đình Giót (Cẩm Quan, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Mười bảy tuổi đã xung phong khoác balô ra chiến trường. Gia đình ông có 3 người con ra chiến trận. Tất cả đều mù chữ cùng gắn với cuộc chiến tranh ác liệt. Ông Châu và anh rể cùng có mặt trong chiến dịch Điện Biên Phủ ngay từ những ngày đầu mở màn, cùng là những pháo thủ thiện xạ trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Cả ba anh em ra trận nhưng chỉ một mình ông Châu may mắn sống sót để trở về. Một sự chở che kỳ lạ của số phận bởi những người lính có mặt trong suốt chiều dài chiến dịch Điện Biên Phủ như ông, không phải ai cũng may mắn. Một kỷ niệm đẫm nước mắt được ông khắc ghi trong ký ức.

Năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ vào giai đoạn ác liệt, vì có thành tích trong chiến đấu, ông đã được Bộ Chỉ huy mặt trận tặng Bằng khen đột xuất. Bằng khen được gửi thẳng về cho gia đình ông ở Cẩm Quan. Trước đó đúng 1 tuần, cha của ông cũng được mời lên Ủy ban Kháng chiến hành chính Cẩm Quan để nhận thư từ mặt trận gửi về.

Ngày đó khi nhờ ông bác mở thư ra đọc thì mới biết là giấy báo tử của người con rể từ mặt trận Điện Biên Phủ. Cả nhà chưa nguôi nỗi đau mất người thân, giờ lại nhận được thư từ đấy, người cha đã khuỵu xuống, khóc như mưa như gió khi đinh ninh rằng đây lại là giấy báo tử của con trai của ông. Ông bác biết chữ, sang mở ra đọc hộ. Ông reo lên: "Không phải thằng Châu hy sinh đâu, đây là Bằng khen gửi về từ mặt trận. Thằng Châu vẫn còn sống!". S

au này, khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, về phép thăm nhà, cha mẹ ông, bà con họ hàng đã quây quần vừa khóc vừa kể cho ông nghe kỷ niệm ấy. Mấy năm trong quân ngũ, ông đã được những người lính chỉ huy dạy kèm biết đọc biết viết. Kết thúc chiến dịch cũng là lúc ông đã học xong trình độ tương đương lớp 3 lúc bấy giờ.

Năm 1954, về tiếp quản Thủ đô, nhận nhiệm vụ mới bảo vệ cầu Long Biên. Từ đó, cứ ngày làm nhiệm vụ, đêm tranh thủ đi học ở Trường Nguyễn Gia Thiều và thi lấy được bằng tốt nghiệp cấp 2. Cấp trên tiếp tục tạo điều kiện cử ông đi học Trường Văn hóa Quân đội ở Lạng Sơn. Có được đồng phụ cấp nào, ông đều dành dụm cho việc học và mua sách. Ông ham học và dồn tất cả thời gian cho việc học. Tốt nghiệp cấp 3, ông thi đỗ đại học với số điểm 24, vượt cả tiêu chuẩn đi học nước ngoài 2 điểm.

Ông vinh dự được sang Liên Xô học tại Học viện Kyrốp ở Lêningrat. Học được 2 năm, ông Châu cùng tất cả các lưu học sinh Việt Nam hồi đó buộc phải trở về nước do Chủ nghĩa xét lại ở Liên Xô lúc bấy giờ. Về nước, không từ bỏ quyết tâm học, ông Châu tiếp tục thi vào Đại học Y Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp ra trường, ông được điều về Học viện Quân y.

Một chuyện đau lòng là năm 1967, gia đình ông lại tiếp tục nhận giấy báo tử của em trai ông lúc này là Đại đội phó Pháo binh ở đơn vị pháo Bắc Ninh hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ khi mới tròn 22 tuổi. Vậy là trong hai cuộc chiến khốc liệt, gia đình ông có 2 người con phải nằm lại chiến trường, chỉ mình ông sống sót trở về. Mẹ ông kiệt sức vì đau buồn, người chị gái của ông thành góa phụ. Chiến tranh với những hệ lụy đau đớn như cơn bão thổi mãi trong gia đình ông.

Tổ Y tế đặc biệt - Sự lựa chọn ngẫu nhiên

Mới về Học viện Quân Y được thời gian ngắn, giữa năm 1968, ông Châu và một người nữa trong Học viện là anh Sái Thế được cấp trên điều về Viện 108. Trước khi nhận nhiệm vụ, Thiếu tướng Cục trưởng Cục Cán bộ Phạm Ngọc Mậu gọi ông và ông Sái Thế lên gặp. "Hiện nay chiến tranh rất ác liệt, mọi người đều tập trung cho chiến trường, tôi đã nhận được đơn xung phong đi chiến trường của các đồng chí, nhưng tôi điều các cậu về Viện 108 nhận nhiệm vụ đặc biệt".

Cả ông Châu và ông Sái Thế lúc này rất ngơ ngác vì không hình dung nhiệm vụ đặc biệt sắp tới là gì. Về Viện 108, gặp Thiếu tá bác sỹ Nguyễn Gia Quyền. Anh Quyền chỉ nói ngắn gọn: " Hằng ngày các anh phải đọc sách và làm các thí nghiệm công tác giải phẫu bệnh lý để nghiên cứu". Chiến tranh ác liệt, tổn thất hy sinh nhiều, cứ có người mất, bệnh viện lại gọi cho hai ông. --PageBreak--

Mỗi lần phẫu thuật thi thể, anh Quyền đều đến kiểm tra và giám sát công việc tỷ mỉ. Lúc này Tổ Y tế đặc biệt được thành lập do bác sỹ Nguyễn Gia Quyền làm Tổ trưởng. Đại úy bác sỹ Lê Ngọc Mẫn, Thượng úy bác sỹ Lê Điều, Thiếu úy bác sỹ Nguyễn Văn Châu, y sỹ Đỗ Trung Hát và hộ lý trưởng Phạm Ngọc Ảm là các tổ viên. 

Công việc tiến gần hơn đến nhiệm vụ đặc biệt, cho dù ông vẫn chưa mảy may biết đó là nhiệm vụ gì. Các thí nghiệm ướp bảo quản tiến hành trên những lô chuột bạch, trên khỉ. Những bệnh nhân nào bị cắt rời và loại bỏ phần chi thì Khoa Phẫu thuật sẽ gọi cho Tổ Y tế đặc biệt đến mang những bộ phận chi bị thải loại này về làm thí nghiệm nghiên cứu ướp bảo quản.

Việc ướp tiến hành chủ yếu bằng phương pháp y học cổ truyền và phương pháp đông y kết hợp với hiện đại là hóa chất Phócmalin. Để ướp thành công 1 thi thể phải trải qua 3 giai đoạn cơ bản. Giai đoạn thứ nhất: Giai đoạn cố định, ướp cố định chống phân hủy, cố định các đường nét hình thể đặc trưng. Giai đoạn thứ hai ướp chuyển màu. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn bảo quản,  đây là giai đoạn hoàn thiện. Khi chuyên môn đã vững vàng hơn, tổ tiến hành ướp bảo quản các thi thể tạm thời từ 1 tháng đến 3 tháng.

Công việc thí nhiệm ướp các thi thể lâu dài được bắt đầu. Khó khăn nan giải nhất là vấn đề có thi thể để tiến hành thí nghiệm. Các bác sỹ phải đi đến tất cả các bệnh viện, tìm xin những thi thể vô thừa nhận. Phong tục tập quán của người Việt Nam mình không dễ gì có thể giữ lại được thi thể của những người quá cố một khi họ còn thân nhân. Ròng rã hàng tháng trời tìm kiếm có khi phải trở về tay không.

Cuối cùng sau những nỗ lực thì Tổ Y tế đặc biệt cũng có được những thi thể vô thừa nhận và bắt đầu tiến hành công tác thực nghiệm dưới sự hướng dẫn tận tâm của bác sỹ Quyền và bác sỹ Điều đã được học về khoa học ướp xác ở Liên Xô về. Các chuyên gia Liên Xô đã sang và kiểm tra trên thi thể thí nghiệm và giúp đỡ Tổ Y tế tiếp cận sâu với chuyên ngành ướp xác chưa được phổ biến rộng rãi trong y học lúc bấy giờ.

Giai đoạn cuối năm 1968 đầu năm 1969, tình hình sức khỏe của Bác ngày một xấu đi. Lúc này, ông và các tổ viên đều lờ mờ đoán định được công việc sắp tới của tổ. Trong lòng không nói ra nhưng ai cũng mong đừng bao giờ phải xảy ra với Bác. Cảm xúc của mọi người đều phức tạp và xáo trộn. Tâm lý thương Bác, không muốn Bác mất, nên càng phải lao vào học tập để hoàn thành nhiệm vụ thật xuất sắc. Cả tổ vừa làm việc, vừa đau đáu một nỗi xót xa. Vẫn biết sinh tử là quy luật muôn đời nhưng tất cả các tổ viên ai cũng đau đớn, buồn lo và xúc động.

Bác Hồ trút hơi thở cuối cùng - Tổ Y tế đặc biệt bước vào nhiệm vụ đặc biệt

Ngày 28/8/1969, Đoàn chuyên gia Liên Xô tiếp tục sang kiểm tra cơ sở phòng thí nghiệm, chuẩn bị giúp ta bảo quản thi hài Bác khi Bác ra đi. Tổ Y tế cũng được thông báo sức khỏe của Bác rất yếu. Ba anh em trong nhóm ướp bảo quản tiếp tục làm thực nghiệm cả ngày lẫn đêm trong phòng thí nghiệm. Công việc gấp rút, tiếp xúc với hóa chất nhiều, mặt mũi ai nấy đều ngầu đỏ, có người còn sưng húp, thế nhưng tất cả đều dốc sức với một tâm nguyện phục vụ Bác.

Đến sáng 2/9, cả mấy anh em đang làm việc thì có một đồng chí bước vào thông báo rất khẽ: "Thôi, ngừng tất cả mọi việc lại để đi nhận nhiệm vụ mới". Cả ba anh em gồm bác sỹ Lê Điều, anh Hát và ông thay quần áo và bước ra ngoài. Khung cảnh đập vào mắt mấy anh em lúc này là một sự im lặng yên tĩnh đến lạ thường.

Một khoảnh khắc hiếm có ở Bệnh viện 108 thời chiến. Nhìn ai cũng nghẹn ngào, nước mắt ứ nghẹn trong đôi mắt ngầu đỏ. Cả cơ quan im ắng, đâu đâu cũng nhìn thấy những gương mặt nhòa nước mắt, những tiếng nức nở không cầm nén được cứ buột ra. Cả mấy anh em trong nhóm ướp bảo quản bước đi như mơ, bàn chân thả trên nền đất một cách không trọng lượng. Lúc đó duy nhất câu hỏi vang lên trong đầu: Bác đã mất ư! Lẽ nào Bác đã rời bỏ chúng con! Bác Hồ ơi!

Ông Châu kể: Tổ của ông được lên một chiếc xe hồng thập tự mang biển số: FH 1468 do đích thân đồng chí Cục trưởng Cục bảo vệ Trần Kinh Chi chỉ huy đi vào Phủ Chủ tịch. Ở Phủ Chủ tịch lúc này xe đã đậu rất nhiều, hầu như tất cả đều đậu bên ngoài, chỉ có xe hồng thập tự là tiến sâu vào sát nhà sàn của Bác.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn từ căn nhà mái bằng bước ra đón: "Sự việc xảy ra rồi, các đồng chí cứ bình tĩnh làm cho thật tốt". Anh Quyền thay mặt tổ xin hứa sẽ biến đau thương thành hành động. Ông Kinh Chi dẫn ba người vào nhà nơi Bác nằm. Các đồng chí trong Bộ Chính trị đứng lặng quanh giường Bác.

Cạnh giường Bác đặt bó huệ lớn. Chúng tôi bàng hoàng nhìn thấy Bác gầy và xanh. Mọi người vừa khóc vừa đến gần bên Bác. Lúc này đồng chí Phạm Văn Đồng ra hiệu: "Thôi, mọi người giãn ra để các đồng chí chuyên môn làm nhiệm vụ". Hình như cho đến lúc ấy, mọi người trong căn nhà mái bằng vẫn còn ngơ ngác như chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra, chưa tin hẳn vào cái sự thật vừa đến. Tất cả bàng hoàng đau xót.

Cả ba anh em trong Tổ Y tế đặc biệt được phân công làm nhiệm vụ đầu tiên. Cả ba anh em tuy trong lòng xúc động ghê gớm, mỗi người được phân công một nhiệm vụ riêng nhưng công việc lúc đó phối hợp một cách ăn ý và chính xác đến từng thao tác nghiệp vụ nhỏ. Chúng tôi nhẹ nhàng đón Bác lên cáng và đưa Bác lên chiếc xe hồng thập tự đi về Viện Quân Y 108 

còn tiếp

Lê Thị Thanh Bình
.
.