"Con đại bàng" của Karatedo Việt Nam Trần Văn Thông: Không chịu gẫy cánh

Thứ Bảy, 03/01/2009, 09:00
Bước sang tuổi 37, giải nghệ năm 2004 sau 16 năm lăn lộn trên các võ đài, Trần Văn Thông là một trong số ít những vận động viên thuộc thế hệ vàng của karatedo Việt Nam. Tên tuổi của anh gắn liền với những tấm huy chương, huân chương của các giải đấu trong nước và quốc tế. Đó là những dấu ấn quan trọng góp phần thay đổi vị trí xếp hạng của karatedo Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung trên bản đồ thể thao thế giới.

Thế nhưng, "con đại bàng" trên sàn đấu nhiều lúc tưởng như bị "gãy cánh" khi bay ngoài đời. Đó là những cảm giác mà anh có khi trực tiếp đối mặt với cuộc sống thực, tự lo cho mình miếng cơm, manh áo.

Người ta dường như không còn nhắc đến một Trần Văn Thông "sát thủ" trong làng karatedo năm nào. Họ chỉ biết đến một Trần Văn Thông "mạo hiểm" với cái nghề không ai dám làm, mà có làm cũng chưa chắc đã làm được: nghề "bảo mẫu" các cậu tú, cô chiêu hay sắm vai "thám tử tư" để quản lý những cậu trời phá gia chi tử thay cho những ông bố, bà mẹ đã quá mỏi mệt vì bất lực!...

Năm 1987, cậu học trò Trường THCS Đoàn Kết (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) Trần Văn Thông "tấp tểnh" bước chân vào CLB Võ thuật Karatedo của nhà văn hoá thiếu nhi quận. Lúc ấy, tham dự tập luyện karatedo đối với Thông cũng giống như việc bọn trẻ thích tập breakdance, vẽ tranh tường hay chơi điện tử thời nay... 3 năm sau, giải "Hà Nội trẻ" đưa Thông tiếp cận gần hơn với thể thao chuyên nghiệp. Đó là khi huấn luyện viên Đoàn Long nhìn thấy tố chất và năng khiếu võ thuật của anh. SEA Games 17 tại Singapore (1993), đội tuyển Karatedo Việt Nam lần đầu tiên "mang chuông đi đánh xứ người" gồm 6 vận động viên, (5 nam, 1 nữ) với những gương mặt sau này trở thành cốt cán của karatedo VN: Trần Văn Thông, Đỗ Tuấn Cương, Lê Tùng Dương, Phạm Hồng Hà… SEA Games 17 kết thúc Đoàn thể thao VN lần đầu tiên có nhiều thành tích đối với các môn thi đấu đăng ký tham dự. Karatedo Việt Nam giành Huy chương đồng đồng đội; 2 Huy chương vàng cá nhân, trong đó Trần Văn Thông đoạt huy chương vàng hạng cân 60kg. Dấu ấn 1993 đã trở thành cột mốc cất cánh của karatedo Việt Nam. Những SEA Games sau đấy, karatedo thực sự trở thành môn thi đấu mũi nhọn để TTVN giành giải.

Thông kể: anh tuy là người Hà Nội, thế nhưng, Hà Nội của anh dường như chỉ bó hẹp trong khuôn viên Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Nhổn. Thời gian Thông tập huấn tập trung thì khi đó mới chỉ có một khu nhà 5 tầng. Tất cả các bộ môn đều tập chung. Khu nhà 5 tầng có duy nhất 2 phòng có máy lạnh, có ti vi thì dành cho các cầu thủ đội bóng đá nam. Anh em các bộ môn còn lại ăn chung một nhà ăn không ti vi, không máy lạnh…

Từ những giải đấu mang tính chất phong trào như giải "Hà Nội trẻ" để lựa chọn hạt giống, Trần Văn Thông làm quen dần với các giải đấu khu vực và quốc tế. Huy chương vàng SEA Games 17 (năm 1993), tiếp đến là Huy chương bạc ASIAD 1994 tại Hiroshima (Nhật Bản)… Sau này là các giải Oympic thế giới… đã cuốn anh vào nhịp sống thể thao chuyên nghiệp lúc nào không biết. Phần lớn thời gian trong ngày là tập luyện. Chế độ ăn uống do nhà nước bao cấp. Thời gian gần các giải đấu, sự gắt gao đòi hỏi luyện tập càng căng thẳng. Những vận động viên chuyên nghiệp, nếu nhìn nhận một cách khách quan mà diễn tả dễ hiểu nhất, đó là những "cỗ máy" làm việc theo giờ, lên dây cót như một chiếc đồng hồ và luôn ở tư thế căng như một dây cung, lúc nào cũng tiềm ẩn một nguồn năng lượng khổng lồ cần giải toả…

Để có chiến thắng, người ta phải đánh đổi nhiều thứ. Với Trần Văn Thông và anh em vận động viên chuyên nghiệp nói chung, đó là lỗ hổng khá lớn về văn hoá, về những hiểu biết xã hội; về sự gò ép tuổi thanh xuân của mình trong 4 bức tường kiên cố của Trung tâm huấn luyện Quốc gia Nhổn. Ngày anh em trong đội Karatedo lên đường sang Singapore tham dự SEA Games 17, hôm xuất phát, lãnh đạo UBTDTT (xin được phép không nêu tên), đã có một động tác "tâm lý chiến" để cổ vũ (hay gây áp lực?) cho anh em: Nếu không có giải, năm sau, karatedo sẽ không có tên trong các bộ môn tham dự thi đấu SEA Games nữa. Không biết mục đích của đồng chí lãnh đạo ấy hướng tới cái gì, tuy nhiên, những huy chương cao quý mà karatedo Việt Nam mang về từ SEA Games 17 tại Singapore, do đó nặng hơn chì. Nó cao quý vì trong đó ẩn giấu niềm tự hào dân tộc, thế nhưng nó cũng là "sản phẩm" của một sự tuẫn tiết buộc phải "tử vì đạo" của những thế hệ vận động viên "khai sơn phá thạch" như lứa Trần Văn Thông bấy giờ!

"Tôi và Tuấn cùng vào chung kết để thi đấu giành Huy chương vàng. Tuấn thi đấu nội dung 55kg. Tôi thi đấu hạng cân 60. Giải đó, Tuấn đấu trước, tôi đấu sau. Sân thi đấu của hai anh em sát nhau. Dù phải chuẩn bị tất cả cho trận đấu của mình (thể lực, sức khoẻ, tâm lý…), thế nhưng, nhìn sang sàn của Tuấn, mình rưng rưng và lo lắng như lo cho một thằng em trai. Trên đất bạn, những cảm xúc thường ngày mà mình vẫn bỏ qua, coi như là một sự yếu mềm với phái mạnh, nhất là dân võ tụi tôi, lại cồn cào nhất. Tôi tưởng như đã không cầm được nước mắt. Ơn trời, cả hai thằng đều giành HC vàng.

Sau này, cái cảm giác ấy không có được nữa, cái cảm giác đứng trên bục cao nhất để nhận tấm huy chương đánh giá trình độ, vị thế của thể thao Việt Nam trước thể thao quốc tế. Tôi cũng chẳng biết, tấm huy chương vàng đầu tiên ấy, là một sự may mắn hay là một bất hạnh, vì nó giống như nhát cuốc lật mảng đất đầu tiên trên thửa ruộng cần phải vỡ, và người ta phải vỡ hết mảnh đất ấy… Tôi bước chân sâu hơn vào con đường thể thao chuyên nghiệp của mình!

Về nước, huy chương vàng cho thành tích cá nhân của tôi tại SEA Games 17, được thưởng… 5 triệu đồng. Tôi cũng không nhớ đấy là số tiền thưởng do UBTDTT trao tặng, hay là số tiền mà tôi có được sau chuyến "công du" thi đấu tại nước ngoài đầu tiên ấy. Tuy nhiên, mời anh em, bạn bè đồng nghiệp liên hoan chia vui, mà cũng chỉ là trận bia bỗ bã, chứ làm gì dám dẫn nhau đi nhà hàng, khách sạn như người ta bây giờ… Thế mà cuối cùng, hình như tính lại còn "lõm" hơn cả số tiền thưởng nhận được.

Bây giờ, tôi cũng không nhớ cái huy chương vàng đầu tiên ấy nằm ở đâu. Không phải mình không coi trọng nó, mà vì số huy chương mà tôi có được nhiều quá, đếm không xuể, cũng chẳng nhớ chính xác số lượng bao nhiêu! Chính ra, nó ít đánh thức trong tôi những cảm xúc, vì một cái gì, thì tôi chưa gọi thành tên được!".

Với Thông, "karatedo không chỉ là niềm đam mê. Nó còn là những ngày tháng tuổi trẻ của cá nhân tôi tích cóp lại, gạn lọc lại trong đó. Ngay trong thời gian thi đấu, hơn một lần cái ý tưởng: "từ giã sàn đấu!" xuất hiện trong đầu tôi. ấy là lúc tôi nghĩ về tương lai của chính mình. Đối với cái nghiệp thể thao, nó đỏng đảnh và tàn nhẫn như một mụ dì ghẻ! Nó chỉ nuông chiều khi mình còn tuổi thi đấu, còn khả năng thi đấu. Còn khi đã hết cái vốn tự có ấy, thì mình bị đào thải một cách không thương tiếc. Đó là quy luật. Không ai đuổi anh đi thì tự bản thân anh cũng phải ra đi. Năm 2004, tôi quyết định: "từ bỏ!". Và tôi đã từ giã!

Từ giã một niềm đam mê đâu phải chuyện dễ. Nhiều lúc, chân tay mình như của người khác, nó thừa thãi, nó muốn được đấm, được đá, được thể hiện những chiêu thức, những đòn đánh 16 năm tu luyện. Thế nhưng, nếu theo cái đam mê, chỉ có mỗi cuộc sống của cá nhân tôi là được đảm bảo nuôi sống. Còn cuộc sống của bố mẹ tôi? Trách nhiệm, bổn phận làm con của tôi trong gia đình? Tôi cũng phải lấy vợ, sinh con, đấy là một lẽ đương nhiên. Những cuộc sống ấy, ai thay tôi làm nghĩa vụ và trách nhiệm mang tính di truyền ấy?

Gạt bỏ những ánh hào quang lại làm kỷ niệm, tôi xắn tay để làm nghĩa vụ cuộc đời mình. Như một anh thợ hồ vụng về, mà vụng thật, vì người thợ hồ họ còn có cái nghề trong tay để làm cần câu cơm. Tôi thì hoàn toàn tay trắng. Cái săn chắc của cơ thể, của bắp tay, bắp chân không thể cấu véo ra mỗi ngày, biến nó thành cơm ăn, nước uống… Không ai cứu mình. Tôi cũng không trông chờ vào sự cứu giúp của ai. Tôi nghĩ, mình phải tự cứu mình!

Cái vốn tự có của tôi, ấy là võ học. Tôi nghĩ mãi, rất khó để có thể tìm được một cái nghề lúc này. Bằng cấp không. Đi lái xe thuê cũng phải có giấy phép lái xe. Mà có được bằng lái ô tô, phải có tiền mới học được. Có những lúc, tôi nghĩ, hay là mình đi bốc vác, đi xe ôm, đi làm bảo vệ… Nhưng, nghề nào cũng có cái "luật" riêng của nó. Muốn xin một chân bốc vác tại chợ Long Biên, phải quen mối, phải qua cai. Không ai muốn nồi cơm của mình có thêm một đôi đũa bỗng nhiên ở đâu thò tay xuống gắp mất. Nghĩ chán, tôi quyết định: thế thì tôi bán cái vốn tự có của mình, để nuôi mình. Qua bạn bè, anh em, tôi mở dịch vụ nhận làm bảo vệ. Nhưng, từ nói đến làm, đâu có dễ…

Khi quyết định thành lập công ty bảo vệ, ngoài việc lo huy động vốn, tôi phải lo học những thủ tục xin cấp phép, thủ tục làm mã số thuế, rồi làm quen với hóa đơn, chứng từ, phiếu biên nhận này nọ… Ngót tháng trời, tôi ôm đống sách hết luật này đến luật nọ, chỉ để tìm hiểu: muốn đăng ký thành lập doanh nghiệp thì xuống cơ quan nào, phải làm những thủ tục, giấy tờ gì… thì được phép hoạt động. Vốn pháp định, giật gấu vá vai, vay mượn anh em bạn bè mỗi người một ít. Nhân lực thì không phải lo, vì toàn anh em bạn bè nghiệp võ, cùng một hoàn cảnh, gọi nhau về, giúp nhau lúc khó khăn trứng nước. Nhiều lúc mệt mỏi, tôi tính chuyện giữa đường rẽ ngang. Nhưng nếu không làm, thì lấy gì sống? Ơn trời… Cái đận khó khăn ấy, cuối cùng cũng qua được!

Cái dịch vụ "security" mà chúng tôi nhận làm, nó còn mới ở Việt Nam lắm. Có thể coi, đó là lĩnh vực kinh doanh mà tôi dấn thân vào. Mình gọi cho dễ hiểu, đó là nghề bảo vệ thuê. Bảo vệ theo giờ, theo ngày, theo vụ việc… Anh em làm bảo vệ ở siêu thị, nhà hàng, cửa hàng sách, công ty… Tất tật, từ A tới Z, đó là cái nghề bán sức lao động mà kiếm sống. Một thời gian sau, tôi nhận thấy tình trạng tụi nhỏ bây giờ hư hỏng nhiều quá. Toàn cậu ấm cô chiêu, con ông này, bà nọ, con nhà giàu lắm tiền, chẳng biết tiêu tiền vào việc gì thì bắt đầu dính vào tệ nạn, vũ trường, thuốc lắc, lô đề, trai gái, hút chích… Bố mẹ chúng không quản được. Xã hội cũng không quản được. Cái nghề "thám tử tư" ra đời!

Hợp đồng đầu tiên tôi nhận, đó là tìm kiếm những thông tin về một "cậu trời" bỏ nhà đi biệt tích, cứ tiêu hết tiền là lại dạt qua nhà ôm một cục mới, rồi lại biến mất. Bố mẹ bất lực vì quá mỏi mệt, mà cũng hoàn toàn không kiểm soát được cậu quý tử nhà mình nữa. Nhận lời, nhưng cũng chưa biết mang lại bao nhiêu phần trăm hiệu quả. Cái "lỳ" của 16 năm theo võ học, đã cho tôi sự kiên nhẫn. Hàng tuần liền bỏ ra ngồi lê la quán cóc để nắm địa bàn và quy luật di chuyển của "đối tượng", thức đêm thức hôm để phục kích… Những lần "tác nghiệp" về sau, có kinh nghiệm hơn. Vất vả kiểu gì tôi cũng chịu được. Nhưng nhiều lúc nghĩ cũng tủi.

Cái đam mê của mình, rốt cuộc cũng chỉ để đánh đổi những giây phút ngồi bờ ngủ bụi, để chờ bằng được cái thằng phá gia chi tử kia, để coi nó làm cái gì, nó “tệ nạn” đến mức độ nào… Những thằng ấy, nếu là em tôi, con tôi, chắc tôi không đủ bình tĩnh mượn người đi tìm con như bố mẹ chúng. Nhưng rốt cuộc, chính những đứa trẻ hư hỏng ấy, lại là công ăn việc làm của chúng tôi. Quả là một câu chuyện bi hài!"

Di Linh
.
.