“Còn có một Nguyễn Chí Thanh sống thật đời thường và vô cùng tình cảm...”

Thứ Ba, 21/01/2014, 10:30
Trò chuyện cùng chị Nguyễn Thanh Hà, trưởng nữ của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhân dịp 100 năm ngày sinh của ông.

“Ở trong tôi, ba tôi đã trở thành một ký ức thiêng liêng; trong tôi, ông không còn là một con người trần tục nữa, mà đã trở thành một khái niệm, một đạo lý về con người, về nhân cách, về niềm vui nỗi buồn…” - cách đây hơn 4 năm, cũng trong một lần trò chuyện với tôi về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, chị Nguyễn Thanh Hà đã thật lòng tâm sự như vậy.

Khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đột ngột qua đời vì bệnh tim ngày 6/7/1967, chị Hà mới chớm bước vào tuổi thiếu nữ, còn ngây thơ, vụng dại rất nhiều điều. Nhưng vì là chị cả của ba người em, hai người em gái cũng xêm xêm tuổi mình và cậu em trai rất cá tính mới chỉ lên tám nên chị đã phải gắng gượng rất nhiều để giúp mẹ vực lại gia cảnh bất ngờ trở nên chông chênh sau sự ra đi như sét đánh ngang tai của người cha. Và dù trong thực tế không được sống cạnh người cha kính yêu nhiều thời gian (ở cương vị của mình, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã luôn luôn bị cuốn hút theo dòng chảy của phong trào cách mạng, mọi việc nhà đều phải dựa vào người bạn đời của mình, bà Nguyễn Thị Cúc) nhưng so với các em, chị Hà vẫn là người lưu giữ được nhiều ký ức nhất về cha. Chính vì thế nên vào dịp Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, chị Hà lại nhận “nhiệm vụ” của đại gia đình và các em: “Chị phải viết gì về ba đi. Hay là kể về chuyện mấy chị em mình, gia đình mình đã sống như thế nào sau 47 năm không còn ba?”.

Và chị Hà đã ngồi vào bàn, viết  lại những ký ức về người cha muôn vàn yêu kính. Rồi chị, trên cơ sở tình thân hữu đã hình thành từ không chỉ một năm nay, đã mời tôi tới cùng trò chuyện về những gì chị suy nghĩ về cha...  Nhưng khác với lần trước, lần này, câu chuyện giữa chúng tôi đã không bắt đầu từ xúc cảm của chị Hà về quê nội của mình... Câu hỏi đầu tiên của tôi đã đề cập tới một sự việc khác mà tôi cho là rất thú vị...

- Hồng Thanh Quang: Thực ra thì tôi cũng biết tên thật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là Nguyễn Vịnh. Nhưng chỉ mới đây thôi, tôi mới bất ngờ tự phát hiện ra rằng, có lẽ trên thế giới rất hiếm người cha nào lại tặng cho con trai tên thật của mình  và lấy cái tên không phải là khai sinh để làm tên chính thức lưu danh thiên sử như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Tôi có được biết rằng, cha mẹ chị đã từng có người con trai đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Trường Sơn, ở chiến khu Hòa Mỹ. Tiếc thay, do hoàn cảnh quá ngặt nghèo kham khổ của đời sống kháng chiến nên anh Trường Sơn đã không may mất sớm, năm 1947. Và nỗi nhớ người con  trai trưởng đã ủ kín trong lòng bác Cúc rất nhiều năm, cộng với nỗi thương chồng rất mực Á Đông, tới mức mà gần cuối những năm 50, bác gái mặc dù sức khỏe không phải là tốt lắm vẫn vô cùng muốn làm sao thử vận may để có được “một trai con thứ rốt lòng....”. Và trời cũng không phụ người, đã giúp hai bác cầu được ước thấy. Và họ đã quyết định lấy tên thật của người cha đặt cho cậu con trai út, dĩnh ngộ và tinh nghịch...

- Chị Nguyễn Thanh Hà: Vâng, ba tôi tên thật là Nguyễn Vịnh. Cái tên Nguyễn Chí Thanh là sau này mới có. Tôi được nghe kể là ở Đại hội Tân Trào năm 1945, khi công bố danh sách lãnh đạo thì có cái tên Nguyễn Chí Thanh. Ba tôi không biết đó là đồng chí nào nên mới đi hỏi thì được bác Phạm Văn Đồng nói: “Đó là chính anh!”  Thế là từ đó ba tôi trở thành Nguyễn Chí Thanh. Tuy nhiên, ông vẫn rất nâng niu cái tên Vịnh của mình nên sau này, khi sinh được cậu út, cha mẹ tôi đã đặt ngay cho cái tên Nguyễn Chí Vịnh...

- Tôi còn được biết rằng, sau này vào chiến trường miền Nam tham gia chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với tư cách Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng đã lấy tên của người con trai đầu để làm bút danh mang tính chính luận quân sự của mình.

- Ba tôi đã viết nhiều bài bình luận quân sự với bút danh “Hạ sĩ Trường Sơn” hay chỉ đơn thuần là “Trường Sơn”...

- Tôi đọc hồi ký của Trung tướng Trần Độ, thấy ông ấy viết rằng, ngay từ bài đầu tiên, “Hạ sĩ Trường Sơn” đã gây được tiếng vang sâu rộng vì mặc dù ký là “hạ sĩ” nhưng bài báo đó  - và các bài tiếp theo nữa, đều chứa đựng tư duy của một Đại tướng thực thụ... Cũng phải nói thêm rằng, Trung tướng Trần Độ đã rất kính yêu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vì, theo cách mà ông diễn tả,  ở Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cái xuất sắc và cao đẹp luôn hiện ra “trong những cái bình dị và một cách bình dị”, theo những nguyên tắc nhất quán là “trung thực, quyết liệt, hồn hậu, nhân ái, năng động, sáng tạo và nhất là biện chứng...”. Nói thật với chị là, tôi cũng đã suy nghĩ không ít về nhận xét đó và tôi cũng tự đúc rút ra là, trong tính cách và phong cách hành xử của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có gì đó liên quan rất chặt chẽ tới thành phần, hoàn cảnh xuất thân và gốc gác quê hương bản địa của mình. Chị nghĩ thế nào về chuyện này?

- Ba tôi quê ở làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cá nhân tôi, cứ mỗi khi nhớ về quê hương, trong đầu tôi lại văng vẳng câu thơ của chú Tố Hữu: “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên”. Chú Tố Hữu là một người bạn của cha, cũng là người cùng quê, chỉ cách con sông Bồ nước xanh văn vắt. Nằm cách kinh thành Huế lộng lẫy không mấy xa, nhưng so với đất Thần Kinh, làng quê cha mẹ tôi khác một trời một vực. Đấy là mảnh đất khô cằn, sỏi đá nhiều hơn lúa gạo, luôn nghèo khó, hết bị thiên tai mưa bão trắng trời trắng đất, lại bị nhân tai - chiến tranh bom đạn liên miên tàn phá…

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh cùng ra đồng cấy lúa với xã viên Hợp tác xã Chiến Thắng, xã Lý Ninh, huyện Đông Hội, Quảng Bình (1/1962). Ảnh: Tư liệu.

- Người xưa có câu, đất sỏi dễ sinh trạch vàng...

- Đúng vậy, chính mảnh đất khắc nghiệt ấy đã sản sinh ra những con người trong quê hương, gia đình tôi, thế hệ này qua thế hệ khác, giữ và truyền tinh thần bất khuất, ngọn lửa cách mạng không bao giờ tắt. Mỗi khi nhớ về quê hương, anh chị em chúng tôi nhớ về những người trong gia đình mình.

- Tôi có được đọc là bà nội của chị đã  phải cực kỳ bươn chải để gây dựng cho con cái mình khôn lớn...

- Ông nội tôi mất sớm, để lại cho bà nội tôi 9 người con. Không cần phải kể thì cũng có thể hiểu được phải làm lụng đầu tắt mặt tối thế nào mới nuôi được từng ấy người con khôn lớn. Mà phải nói rằng, bà nội, mà chúng tôi sau này thường gọi là “mệ”, cũng là một người rất đặc biệt, không cần phải đọc sách vở thánh hiền gì mà vẫn rất sớm có tinh thần chống áp bức, bất công. Ngay khi còn trẻ, không cần ai vận động, mệ đã luôn đi đầu trong những cuộc biểu tình của dân làng chống địa chủ, cường hào ác bá và bọn thực dân Pháp, đòi giảm tô giảm tức, chống thu hồi đất của nông dân. Tôi nhớ, bàn tay phải của mệ chỉ có bốn ngón. Có lần mệ kể, trong một cuộc biểu tình, một tên sĩ quan Pháp kê khẩu súng ngắn vào đầu mệ dọa nếu không giải tán hắn sẽ bắn! Thế là mệ nắm ngay lấy đầu nòng súng của tên quan Pháp, nói: “Tao thách mi bắn đó!”. Nó bắn thật và mệ đã mất một ngón tay. Chính mệ đã truyền lại cho lớp con cháu tinh thần bất khuất, không chấp nhận cường quyền áp bức, không lùi bước trước uy vũ, bạo lực. Mệ tôi hầu như không biết khái niệm “cách mạng” hay Việt Minh là gì. Khi ba tôi giấu tài liệu trên mái nhà, đi hoạt động ngày đêm nhưng mệ đã không một lời trách móc, vì mệ luôn tin vào sự lựa chọn đúng đắn của con trai. Từ thuở thơ ấu cho đến ngày cuối cùng của ba tôi, bà nội đã ở bên cạnh ba, làm chỗ dựa tinh thần của ba trong suốt cuộc đời...

- Tôi có đọc bài chị viết là sau này, mệ đã ra Hà Nội ở cùng gia đình chị...

- Đúng thế, thời đó ai đi qua cửa nhà chúng tôi cũng thấy một bà cụ già lắm rồi, tóc bạc như cước, khi nào cũng đứng trên lan can nhìn xuống đường... Năm 1967, khi ba tôi ở chiến trường miền Nam ra, gặp mệ đầu tiên, mệ chỉ cười rồi nói: “Mi giỏi!..”.

- Tôi biết mẹ chị xuất thân từ gia đình một ông giáo làng, lại còn bán thuốc bắc nữa, không giàu có gì nhưng cũng không đến nỗi quá khó khăn như bên nội của chị....

- Gia đình ông bà ngoại tôi làm nghề giáo làng và buôn thuốc bắc, thuộc diện tương đối khá giả. Nhưng cuộc sống đó không ngăn được chí hướng cách mạng của ông bà ngoại. Ông là bạn tâm giao của cụ Phan Bội Châu, khi ấy bị thực dân Pháp đưa về an trí tại Huế, trong ngôi nhà tranh đầu dốc Bến Ngự. Mẹ tôi kể rằng, khoảng 10 tuổi đã được ông ngoại đưa đến hầu chuyện “ông già Bến Ngự”...

- Nhà chí sĩ Phan Bội Châu, bị giặc Pháp bắt rồi đưa về an trí ở Huế suốt mười lăm năm cuối đời, cho tới khi mất...

- Chính nhờ thế nên mẹ tôi sớm được nghe những câu chuyện về hoạt động cách mạng của các bậc lão thành và từ đó thấm dần chí khí cách mạng của các bậc tiền bối. Gia đình ông bà ngoại tôi có điều kiện chăm sóc một số người gặp hoàn cảnh khó khăn khi ấy phải vào sống ở Huế. Trong số những người ấy có bà Thanh và ông Cả Đạt, là chị gái và anh trai của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc trong những ngày Nguyễn Ái Quốc bôn ba ở hải ngoại tìm đường cứu nước. Chuyện này ít người biết...

- Đúng là những chi tiết ấy ít người biết. Nhưng trước đây tôi cũng đã nghe có người nói rằng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có mối quan hệ  gần gụi với anh chị ruột của Bác Hồ mà không hiểu rõ chi tiết như thế nào mới là đúng. Bây giờ thì tôi hiểu rồi... Thế ba mẹ chị đã gặp nhau như thế nào?

- Ba gặp và yêu mẹ tôi khi mới bắt đầu tham gia cách mạng, nhưng do hoàn cảnh cả hai người đều phải đi hoạt động, khó khăn nguy hiểm trăm bề, nên phải chờ sau khi cách mạng thành công, đến năm 1946 mới làm lễ cưới. Tình yêu của ba mẹ tôi được thử thách trong những năm tháng khói lửa của cuộc kháng chiến, đã trải qua những giờ khắc khốc liệt. Ba mẹ chúng tôi xuất thân từ miền quê nghèo nhưng luôn lạc quan, hài hước, không bao giờ chịu đầu hàng trước nghịch cảnh. Ba mẹ sống với nhau tình cảm vô cùng, cho dù ít khi chịu bộc lộ những tình cảm ấy ra bên ngoài mà luôn để nó lặn vào bên trong cái vẻ bề ngoài xù xì, thô ráp.

Trong gia đình, ba tôi gọi mẹ là “mẹ nó”, mẹ gọi ba bằng “anh”, xưng “tui”... Trong câu chuyện hàng ngày của ba mẹ, ngoài công việc ra, thường ba mẹ hay nhắc về vùng đất nghèo khó đã sinh ra mình. Ba tôi ra ngoài Bắc công tác nhưng luôn nhớ về quê hương miền Trung, chỉ thèm được nghe ca Huế. Bởi thế, thỉnh thoảng ba lại mời chú Thanh Tịnh, cô Châu Loan đến nhà chơi. Chú Thanh Tịnh ngâm thơ giọng Huế, cô Châu Loan hát hò Huế nghe hay đến ứa nước mắt. Có lẽ khi nghe những lời thơ, điệu hò ấy, ba mẹ tôi mới vơi bớt phần nào nỗi nhớ thương quê hương đã dặm sâu trong trái tim hai người. Còn đối với chúng tôi, những điệu hò man mác, những lời ca dao dung dị, dường như đó là nơi ông bà cha mẹ chúng tôi đã sống. Dòng máu quê hương luôn chảy trong huyết quản của chúng tôi, sau ngày giải phóng đất nước, năm nào chúng tôi cũng tìm về với bà con họ hàng, làng xóm. Và dù ở xa, nhưng trong tâm khảm chúng tôi vẫn đau đáu nỗi niềm nhớ quê hương, chòm xóm...

Chị Nguyễn Thanh Hà và Nhà thơ Hồng Thanh Quang. Ảnh: Minh Trí

- Ba mẹ chị yêu nhau như thế nên lúc phải xa nhau vì nhiệm vụ cách mạng, chắc là hay viết thư cho nhau lắm nhỉ?

- Tất nhiên là như thế. Sau này, khi xem những lá thư ba mẹ gửi cho nhau lúc ba vào Nam công tác, mới biết ba mẹ chúng tôi sống tình cảm và yêu thương nhau đến nhường nào. Hồi ấy, do hoàn cảnh, ba tôi vào hoạt động bí mật trong miền Nam, khi viết thư cho nhau phải đổi tên, ba tên Thanh đổi thành “Thao”, mẹ tên Cúc đổi thành “Lý”. Vậy là suốt dọc dài những năm tháng chia cắt ấy, những cánh thư giữa “Thao” và “Lý”, tuy vô cùng giản dị nhưng đầy ắp thương nhớ được trao đi đổi lại giữa hai miền Nam - Bắc, giúp ba mẹ gần nhau hơn. Còn chúng tôi, những đứa con của ba mẹ thì hiện diện trong thư không chỉ ở những cái tên Hà, Bé, Tý, Vịnh, mà còn là niềm vui giản dị mà mẹ chúng tôi gửi tới ba ở ngoài chiến trường.

- Tôi có nghe kể là, sau này tuổi cao sức yếu, mẹ chị bị mắc bệnh lẫn nên  lại nghĩ rằng chồng mình còn sống. Và thỉnh thoảng lại ngồi nói một mình nhưng mà lại như đang nói chuyện với ông... Và mẹ chị cũng cứ dặn con cháu khi ăn cơm phải nhớ phần cơm để ông ăn, vì “Ông sắp đi công tác về rồi...”.

- Có chuyện như thế...  Và cũng phải nói rằng, khi còn sống, ba lúc nào cũng yêu thương và nghe lời mẹ trong mọi chuyện gia đình. Còn mẹ trong đời sống xã hội thì luôn luôn cố gắng để không ảnh hưởng đến uy tín của ba. Thực sự thì mẹ là người rất nghiêm khắc và ít khi bộc lộ tình cảm ra ngoài nên có lẽ chị em chúng tôi cũng không hiểu được hết tình yêu mà mẹ đã dành cho ba lớn lao, sâu sắc như thế nào. Chỉ hơn mười năm sau khi ba mất, khi chính chúng tôi cũng đã lớn lên, trưởng thành thêm nhiều thì chúng tôi mới hiểu rằng trong hơn mười năm đó, mẹ đã như phải sống trong địa ngục vì nỗi nhớ thương ba không gì bù đắp nổi, không quên được dù chỉ một phút một giây...

- Có một điều này tôi cũng hay suy nghĩ khi đọc về tiểu sử của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Thực sự đó là một hiện tượng lạ lùng đến kỳ vĩ. Ông xuất thân từ ruộng đồng, sớm phải sống cuộc đời lao động chân tay để mưu sinh, không được học hành gì nhiều ở nơi trường ốc... Thế nhưng, toàn bộ cuộc đời hoạt  động của ông sau này đã cho thấy, ông thực sự là một tài năng lỗi lạc trên nhiều phương diện. Nói theo cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông là “một vị lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một vị tướng tài ba của quân đội”. Một Đại tướng nhưng lại có tầm nhìn xuyên thế kỷ về nông nghiệp, nông dân và nông thôn... Theo chị, có thể lý giải gì về việc này?

- Ba tôi là một người học trò nhỏ của Bác Hồ, được rèn luyện và trưởng thành trong những môi trường khắc nghiệt của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Không chỉ có một mình ba tôi là học trò của Bác. Còn rất nhiều người khác nữa, cả một thế hệ những người học trò của Bác, mà chúng ta gọi là “thế hệ Hồ Chí Minh”, trong đó mỗi người đều là một cá nhân kiệt xuất, bổ sung lẫn cho nhau, hình thành nên một đội ngũ các nhà cách mạng xuất chúng, lãnh đạo đất nước vượt qua bao gian khó để có được một nước Việt Nam ngày nay sánh vai cùng các cường quốc năm châu đúng như mong mỏi của Bác. Đấy là hồng phúc, là điều may mắn cho đất nước. Mỗi dân tộc đều có khi thịnh, khi suy và thời đại Hồ Chí Minh là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc.

- Thời thế tạo anh hùng, nhưng cũng phải từ những người có tiềm năng anh hùng thiên phú...

- Ba tôi tham gia cách mạng từ sớm, khi mới 20 tuổi, trải qua nhiều giam cầm, bắt bớ, tù đày của địch. Những trải nghiệm của ông trong cuộc đời hoạt động cách mạng có lẽ đã giúp ba tôi hiểu ra một chân lý giản dị: Không có bất cứ một thành công nào của cách mạng mà lại có thể thiếu đi sự giúp đỡ của nhân dân. Với ba tôi, cách mạng là của nhân dân và chính sách của Đảng phải xuất phát từ dân thì mới mong đạt được thành tựu. Đảng, trong con mắt của ba tôi, chính là dân mà ra và mọi quyết định của Đảng đều có một nguồn cội duy nhất: Mệnh lệnh và ý nguyện của nhân dân! Sau những trận đánh Pháp ở chiến khu Bình-Trị-Thiên mà ba tôi làm Bí thư phân khu ủy hồi cuối những năm 40, Bác Hồ đã khen tặng ông là “ông tướng du kích”. Sau này, với những phong trào quần chúng mà ba tôi phát động, ông được người ta gọi là “vị tướng phong trào”. Ông luôn thế, gắn bó máu thịt với nhân dân, là “Đại tướng nông dân”, chúng tôi vô cùng tự hào khi nghe mọi người gọi cha mình với cái tên như vậy.

- Quả thực, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một con người đa năng vào bậc hàng đầu trong thế hệ của mình...

- Có một điều làm cho tôi băn khoăn mãi, đó là về con người công việc của cha mình, chúng tôi không được hiểu nhiều lắm, có thể vì ông mất quá sớm, cũng có thể vì ông không muốn tự thể hiện mình, mà chỉ có một mong muốn duy nhất là hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Bác Hồ giao phó, dù là việc lớn hay việc nhỏ. Đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu vì sao ba tôi lại có thể làm được những việc khác nhau như thế, từ làm Bí thư Tỉnh ủy, chỉ huy du kích quần nhau với giặc Pháp, Chủ tịch Thanh niên, sang Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, rồi lại đi làm nông nghiệp… và rồi giai đoạn cuối cùng của đời cha tôi, ông lại khoác ba lô lên đường vào Nam đánh Mỹ?... Vì sao, nhờ vào đâu, và làm cách nào ông có thể hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn đến như vậy? Dù biết đó là công việc của Tổ chức, nhưng cũng đã gần 50 năm rồi, tôi vẫn suy nghĩ mãi về những điều đó để mong hiểu thêm về người cha của mình. Rồi lúc nào, từ những tư duy như thế nào mà ông lại viết nên được những bài báo rực lửa từ miền Nam của “Hạ sỹ Trường Sơn”? Tôi không có được cái vinh dự và may mắn vào Nam tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhưng đọc những bài báo ấy là có biết bao hình dung - đó là những bài báo của một hạ sĩ thôi, nhưng viết từ trên đỉnh Trường Sơn, ngay cái tên thôi cũng đã thôi thúc những ước mơ được sống, được chiến đấu cùng biết bao người khác trong cuộc chiến rực lửa anh hùng ấy. Những bài báo ấy với chúng tôi ngày đó, hay như một bài hịch, đẹp như những trang văn hấp dẫn nhất, và hào hùng như lời kêu gọi ra trận.

Tôi cũng được nghe kể nhiều về một người cha nhân hậu và đầy tính nhân văn, nhưng tôi không hiểu làm sao mà một vị tướng nông dân lại đứng ra bảo vệ một khúc ca quan họ trên chiến trường Điện Biên, một Ủy viên Bộ Chính trị chăm bẵm hạnh phúc cho một đôi thanh niên nam nữ trên cánh đồng lúa chín, một Chính ủy Quân giải phóng miền Nam lại có thú vui tăng gia, chụp ảnh, bắn chim, câu cá…? Người ta hay nói đến một Nguyễn Chí Thanh cương quyết, sắt đá, chứ chưa hiểu hết một Nguyễn Chí Thanh dịu dàng, sâu lắng, sống thật đời thường và vô cùng tình cảm.

- Nhà thơ Tố Hữu có viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: “Mặt hiền như ruộng lúa nương khoai/ Hai con mắt đỏ, bừng như lửa/ Chỉ miệng cười tươi, sáng dặm dài...”. Ông là một Đại tướng của lòng dân, của tình dân...

- Ai cũng nói dân là gốc, nhưng ở ba tôi, cái việc ông gần dân, hòa trong dân, luôn đủ sức cổ vũ và lôi cuốn, dẫn đường cho dân gần như là một thuộc tính trời cho. Nó tự nhiên, giản dị, tất yếu, không cần một sự cố gắng nào cả. Vì Nguyễn Chí Thanh là ở trong dân mà ra, ông không cần phải học tập, phải “ba cùng” để hiểu dân, mà ông chính là dân rồi. Ông nói thứ ngôn ngữ của dân. Ông cười nụ cười và cách cười mà dân rất khoái. Dân nghĩ về ông như một huyền thoại của chính mình, dân yêu ông như yêu chính mình. Ba tôi cũng luôn nhắc nhở mẹ con chúng tôi luôn phải sống như dân, nghĩ như dân và rất nghiêm khắc dạy bảo khi chúng tôi nghĩ hay làm khác với điều này. Hay là đây - câu trả lời cho tôi sau bao nhiêu năm suy nghĩ: Vì sao một người nông dân mà lại có thể làm Đại tướng, vì sao cuộc đời ông - tuy ngắn ngủi - lại có thể làm được nhiều việc có ích và tốt đẹp như thế?... Và đến giờ tôi đã hiểu ra điều mà mình đau đáu suy nghĩ lâu nay: Đó là vì ông là dân, dân định hướng cho ông cần phải làm gì, nên làm như thế nào, và dân dạy ông phải sống và chiến đấu ra sao?...

- Trăm năm đối với lịch sử có thể chỉ là một khoảnh khắc nhưng với một thời đại và một đời người thì có lẽ là không ngắn. Trong dịp Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, chị có suy nghĩ gì thêm, với tư cách không chỉ là trưởng nữ?

- Trong những ngày này, khi càng đến gần dịp Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha tôi, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tôi lại thường nhớ đến câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du: “Trăm năm trong cõi người ta…”. Vâng, trăm năm là một thời gian dài, rất dài, mà ngắn, cũng rất ngắn. Đấy là khoảng thời gian vật lý, là khoảng thời gian tròn số cho một lễ kỷ niệm; nhưng cũng là khoảng thời gian tâm tưởng mà người ta có thể nhớ, để suy ngẫm về một đời người. Con người sinh ra có thể không sống đủ 100 năm, nhưng phải sống cho hết “trăm năm” của kiếp người hữu hạn, để đi ra khỏi cõi đời này mà không có gì phải tiếc nuối. Trong con mắt của những người con, ba chúng tôi, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đã sống trọn vẹn như vậy. Người ta từng nói về ba tôi như một con người “sáng trong như ngọc”, không tỳ vết, không vương vấn bụi trần, không để cho bất cứ điều gì ám ảnh. Nhưng cuộc đời trăm năm của ba tôi đã, hay sẽ kết thúc như thế nào nhỉ, và nó đã thực sự kết thúc chưa, ít nhất là đối với chúng tôi - những người con, rồi tiếp đến thế hệ sau, những người cháu, người chắt của ông? Với tôi, nó không bao giờ kết thúc cả, mà nó dường như là những đỉnh núi, những dòng sông, những bà mẹ, những người con Việt Nam… đang ở ngay bên cạnh tôi, vẫn gần gũi chúng tôi vô cùng, vẫn đi theo cạnh chúng tôi, vẫn trò chuyện cùng con cháu… Có điều không chạm được vào ông, không được sưởi ấm bởi nụ cười ấm áp của ông, không được ông ôm vào lòng, không được nhỏ vào lòng ông những giọt nước mắt buồn tủi, nhớ nhung nhưng đầy tự hào, vì ông đã tan vào trong đất nước cỏ cây, tan vào trong tất cả những số phận, tan vào trong mọi ước mơ… Cuộc sống của ba tôi không dài nhưng phong phú, đầy ắp các sự kiện, thử thách.

Trăm năm đã qua kể từ ngày ba tôi ra đời và ông cũng đã rời khỏi cõi đời này 47 năm rồi nhưng mọi người vẫn nhớ và yêu quý ông. Đấy là điều mà những người con chúng tôi tự hào về cha mình nhất. Ông chết đi nhưng không “mất”, có nghĩa là ông đã sống thọ cùng đất trời. Khi ông vẫn ở trong lòng của mọi người thì có nghĩa là ông không chết. Ông chỉ đi đâu đó, sống với bà con nhân dân mình mà thôi… Và điều cuối cùng tôi muốn nói, đó là tấm lòng của những người ở lại. Ba tôi đã đi xa gần 50 năm, nửa thế kỷ rồi, nhưng chúng tôi vẫn luôn cảm nhận được tình thương yêu, tiếc nuối của những người ở lại dành cho ba mẹ chúng tôi - đó là của những người thân, những cô chú trong gia đình, những người quen biết, và rất đông những người mà chúng tôi chưa được gặp bao giờ… Không thể nói gì khác về những tình cảm ấy, chỉ biết đó là tình đồng chí, đồng bào, sâu nặng và to lớn vô cùng, và tôi chỉ biết nói một lời cám ơn, cám ơn tất cả mọi người, cám ơn những tình cảm đó, và cám ơn cuộc đời đã tốt đẹp với chúng tôi như thế.

- Xin cảm ơn chị!

H.T.Q.
.
.