Con chim thiêng vẫn bay…

Thứ Hai, 04/04/2016, 17:01
Trong cuộc đời này chỉ có một nhà thơ viết nằm duy nhất của đất lúa Thái Bình - nhà thơ Đỗ Trọng Khơi thôi, Khơi nhỉ? Và nhờ vậy mà Con chim thiêng vẫn mải miết bay!

Năm học lớp 4, Đỗ Trọng Khơi 11 tuổi, cậu bé cùng bè bạn tung tăng cắp sách tới trường, khi nhìn thấy những cánh chim bay lượn trên bầu trời xanh bao la đã mơ ước: sao mình được bay cao, bay xa như những con chim tự do kia đi khắp thế gian, đến với thế giới bí ẩn của Thượng đế, đến với con người khắp trái đất này… 

Thật bất ngờ, tàn nhẫn thay, một trận ốm thập tử nhất sinh đã giết chết ước mơ ấy. Vượt qua cái chết trở lại với cuộc sống, cậu bị bại liệt, đôi chân teo dần, phải nằm bất động trên giường, ngay cả việc quay đầu sang phải, sang trái, ngửa cổ ra phía sau cũng không được, muốn tìm thấy vật gì phía sau đầu mình, cậu phải nhìn qua chiếc gương… 

Một định mệnh u ám, buồn bã, tuyệt vọng, không lối thoát chờ đón cậu. Thế giới của Đỗ Trọng Khơi từ đó quẩn quanh trên một chiếc giường, cuộc sống mang ám ảnh của cái chết len lỏi vào tâm hồn bé thơ của cậu. Những người thân, họ hàng, bè bạn nhìn Khơi bằng đôi mắt ái ngại, thương cảm, đau xót vì nỗi bất hạnh của số phận đã ập xuống. Trong tương lai sắp đến, một cuộc sống tàn tật, lay lắt làm đau lòng mẹ và phiền lụy biết bao người. 

Cha Khơi đã hi sinh ở chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Khơi sống với mẹ, cậu bước vào đời với hoàn cảnh tuyệt vọng, bi thương như thế. Bà nội Khơi cùng những cụ già trong thôn Trần Xá hay đến thăm Khơi thì thầm, xót xa cho thằng bé khôi ngô, thông minh. Họ bảo nhau phải giúp thằng bé thấu hiểu đạo lý nhà Phật để nó có đức tin mà sống trong đời. 

Từ đó, các bà thỉnh thoảng đến đọc, kể cho Khơi những lời kinh Pháp hoa, Kim cương, những câu chuyện về thế giới từ bi, hỉ xả, những giáo lý, đức tin của Phật pháp. Cả tuổi thơ của Khơi sống trong những ánh mắt nhân từ, yêu thương và thế giới tâm linh nhà Phật, truyền thống triết lý phương Đông thấm vào hồn Khơi giúp cậu có một đức tin, một nghị lực bền bỉ vượt lên số phận của mình như câu thơ Khơi viết:

…Sinh ra Trời đã nhủ rằng
Tôi, một cái chết - sống trong lòng đời
Và rằng: Trời trọ vào tôi
Đi tìm ý nghĩa con người thế gian.

Và Khơi không đầu hàng số phận, cậu quyết giành lại cuộc sống bằng nỗ lực, khát vọng của bản thân. Cậu tự học, vừa làm học sinh, vừa làm thầy giáo trên chiếc giường bé nhỏ. Những người thân, bè bạn giúp cậu sách vở, phương tiện học tập. 

Khơi bền bỉ, quyết liệt tự học để có kiến thức phong phú trong mọi lĩnh vực vì Khơi hiểu kiến thức là chiếc chìa khóa duy nhất để em mở cánh cửa thi ca đến với cuộc đời. Khơi học mải miết và âm thầm viết văn, làm thơ… 

Bạn bè biết, ái ngại bảo cậu: đừng làm khổ thân xác mình nữa vì viết thế chẳng để làm gì. Hãy thương bà nội, thương mẹ đã vất vả vì Khơi biết chừng nào! Nhưng Khơi vẫn viết trong hi vọng nhỏ nhoi, cậu muốn là người có ích cho đời, muốn được bay lên như "con chim thiêng" giữa đất trời đến với thế giới con người. 

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi cùng nhà soạn kịch Nguyễn Long Khánh (áo đen, đứng thứ 2 từ phải sang) và bạn bè.

Khơi tâm sự: “Con chim mượn âm thanh của trời để ca hát, tôi mượn thơ ca để tập nói tiếng người. Nếu thơ là một ngôi mộ thì tấm thân tầm thường của tôi không đáng được trú ngụ. Mừng thay, thơ là một linh hồn. Nhờ vậy tôi còn được lưu lại trên thế gian này để tìm kiếm...!”.

Khơi đã viết hơn ngàn bài thơ, truyện ngắn, tản văn chân thực, xúc động về bà mình, về mẹ, về người bố đã hi sinh, về bạn bè, về kỉ niệm tuổi thơ, về tình yêu với thiên nhiên hoa cỏ, với quê hương đất nước. Thơ Khơi vương nỗi buồn xót xa, đắng cay nhưng thật trong sáng, nhân văn. 

Những bài thơ đầu tiên của Khơi được đăng trên Báo Thái Bình, tạp chí Văn nghệ Thái Bình, rồi bè bạn mừng vui gửi giúp thơ Khơi lên các báo chí Trung ương… và thật bất ngờ, trong cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ năm 1989 - 1990, 2 bài thơ “Hi vọng” và “Ánh trăng” của Đỗ Trọng Khơi được giải Nhì. 

Thơ Khơi đã bước ra cuộc đời, được bạn đọc cả nước đón nhận. Các nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Bùi Vợi, Nguyễn Đức Mậu, Lê Quang Trung, Trần Bảo Hưng về tận quê gặp Khơi. Họ ngạc nhiên, khâm phục khi biết cuộc sống của Khơi, họ đã viết giới thiệu thơ Khơi đến công chúng.

Tập thơ “Con chim thiêng vẫn bay” gồm 37 bài của Đỗ Trọng Khơi được xuất bản năm 1992 đã thể hiện được phẩm chất khác lạ của tâm hồn và lối viết rất riêng của mình, đó là sự quan sát tinh tế, sâu lắng với cảm xúc mãnh liệt mang yếu tố tâm linh, giáo lý nhà Phật trong thơ… Tập thơ được đánh giá cao, như một hiện tượng của thơ ca ngày ấy. Năm ấy Đỗ Trọng Khơi 31 tuổi. Anh đã đến với cuộc sống bằng sức mạnh nội lực bền bỉ, kiên trì cùng đức tin vững chắc. 

Những tập thơ, bình thơ, truyện ngắn, tản văn của Khơi lần lượt ra đời: Con chim thiêng vẫn bay (1992), Tháng mười thương mến (1994), Bến thời gian (1995), Trước ngôi mộ thời gian (1995), 90 lần nhật nguyệt (1997) Gọi làng (1999), Cầm thu (2002), Khúc đau thương (2003), Với tay ngắt bóng (2010), ABC (2012), Quê (2014) và 2 tập truyện ngắn: Ma ngôn (2001), Hành trình tâm linh (2011), tập tạp văn Sông núi nước Nam (2014) v.v... 

Đỗ Trọng Khơi đã đoạt nhiều giải thưởng văn học: Giải Nhì thi thơ Báo Văn nghệ (1989-1990), giải B, giải C của Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật cho tập thơ “Con chim thiêng vẫn bay” và tập truyện ngắn “Ma ngôn”; giải A Lê Quý Đôn của UBND tỉnh Thái Bình cùng nhiều giải thưởng khác… Khơi đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001. Đó là sự đánh giá chính xác, xứng đáng với nhà thơ viết nằm Đỗ Trọng Khơi.

Trong 2 tập thơ lục bát chọn lọc của Khơi, người đọc đã biết, yêu mến thế giới thơ rất riêng của anh, đó là một tâm hồn đa cảm tinh tế với trái tim thấm đẫm tình yêu lớn lao với con người. Thơ lục bát Đỗ Trọng Khơi mang đậm nét của thế giới tâm linh, giáo lý nhà Phật và triết lý phương Đông sâu sắc. 

Một số bài thơ của Khơi có nỗi buồn se sắt, tĩnh lặng của mùa thu vương nỗi xót xa, cay đắng của phận người và cả những mơ ước, tiên đoán về kiếp người ở thế giới mai sau. Đọc truyện ngắn của Khơi trong tập “Hành trình tâm linh” (2011) có những truyện làm tôi giật mình, như câu chuyện chàng thiền sư Tuệ Trung vẽ nàng Trầm Nga khỏa thân: khi Tuệ Trung hoàn thành bức hoạ cũng là lúc nàng Trầm Nga hóa thân trong ngọn lửa hồng ngọc…

Tính triết lí của khát vọng sống mãnh liệt về tình yêu, tình dục trong bản thể trần trụi của con người thật mạnh mẽ, ấn tượng. Truyện ngắn “Trần trụi con người” Khơi viết về Võ hậu - hoàng đế - người đàn bà ghê gớm cai trị Trung Quốc bằng quan niệm trần trụi đến tàn nhẫn tột cùng về bản thể con người. Ngòi bút Khơi đã phân tích, mổ xẻ tận cùng bản năng nhục dục xấu xa nhưng cũng rất người của Võ hậu. Một cách viết tài hoa, bay bổng đã được Khơi thể hiện qua cái nhìn của triết lý phương Đông, giáo lý nhà Phật thông tỏ, thuyết phục.

Truyện ngắn “Câu chuyện văn chương” của Khơi với 5 câu chuyện, thật thú vị, hài hước: Đó là cô gái nhan sắc trong truyện “Nhập môn” cầm chiếc bằng đại học vất vả, đau đớn, phẫn nộ vì mấy lần xin việc đều gặp mấy ông giám đốc, thủ trưởng “dê xồm”, họ muốn chiếm đoạt cô trước khi nhận vào cơ quan. Cô đành về bán hàng cho mẹ, tự làm thơ tạo khoái cảm cho mình… 

Truyện ngắn “Nhà soạn kịch” thì hài hước, sâu cay, cười ra nước mắt khi nhà soạn kịch đi xin tiền cho hội văn nghệ tỉnh phải chờ từ chiếc chìa khóa dắt cạp váy của bà phó chủ tịch rút ra thì mới có tiền v.v… Đọc truyện ngắn của Đỗ Trọng Khơi thấy cái nhìn tinh quái, hài hước, sức tố cáo của anh về những chuyện ở đời, cười đấy mà khóc đấy vì những nhân vật trong truyện như những người ta gặp quanh quẩn đâu đây cạnh chúng ta…

Viết về Khơi mà không nói về những người thân, bè bạn trong đời Khơi là một khiếm khuyết lớn, như hình ảnh bà nội trong thơ Khơi mới lớn lao, sâu đậm:

Cháu muốn giơ tay ra xin
Người ta về chợ. Lặng im ngõ nhà
Bà ơi, nhớ quá tình bà
Sớm trưa buổi chợ, hương quà còn thơm" (Bà ơi).

Rồi những bài thơ viết về ông nội, về mẹ, về bè bạn, về những người tốt mà Khơi gặp trong đời như: bác sĩ Hoàng Năng Trọng, các nhà thơ, nhà văn như Trần Văn Thước, Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Tống Trung, Xuân Đam, Đặng Thành Văn, Phạm Xuân Trường, Nguyễn Anh Nông v.v… đến với Khơi thật chân thành, cảm động, đầy ắp tình yêu thương của con người… 

Bác sĩ Hoàng Năng Trọng là người bạn từ những ngày Khơi mới lâm bệnh đến bây giờ. Anh chăm sóc, động viên, chia sẻ, lo lắng cho Khơi như anh em ruột thịt. Nhà thơ Phạm Xuân Trường ở Hải Phòng nghe tin Khơi mổ, nằm viện liền nhảy xe khách giữa trưa nắng chang chang đến bệnh viện để nắm tay Khơi động viên, trao món tiền nhỏ rồi lại nhảy xe về… Còn biết bao bè bạn đã giúp Khơi bằng cả tấm lòng vì sự cảm thông, chia sẻ để Khơi giành quyền sống thành một nhà thơ đích thực, có ích cho đời.

Tập thơ vừa ra mắt tháng 3/2016 của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi.

Tôi có nghe chuyện nhóm anh em văn nghệ Thái Bình đã lo liệu cho Khơi chỗ đất ở bây giờ trên thành phố và chuyện gia đình, họ mạc phản đối việc Khơi lên tỉnh ở. Chuyện này thêm một lần khẳng định ý chí, khát vọng sống của Khơi mạnh mẽ biết chừng nào. Hẳn với quyết định "di cư" đó, Khơi đã âm thầm mang khao khát, hi vọng ở nơi đô thị kia con chim thiêng sẽ có bầu trời bao la rộng lớn hơn để tung cánh và tìm hạnh phúc của mình.

Chuyện nhân duyên hạnh phúc của Khơi cũng là chuyện lạ, nó được bắt đầu từ ca phẫu thuật chân. Bạn bè ngành Y đã cùng lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Thái Bình mời hẳn một ê kíp gây mê với các giáo sư, bác sĩ đầu ngành, như GS. Chu Mạnh Khoa từ Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, cùng chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình số 1, BS, TS. Lê Đức Tố từ TP Hồ Chí Minh về Thái Bình làm phẫu thuật, mở đôi chân co quắp cho Khơi. Và cả chuyện về cú ngã kỳ diệu nữa, cũng góp phần "phẫu thuật" thành công cho đôi chân Khơi. 

Khi đôi chân được mở, chỉ có thế sức mạnh người đàn ông trong Khơi mới thật đắc dụng. Mối nhân duyên ngàn dặm đã mang nàng thơ Đỗ Thu Oanh, cô thủ thư ở thư viện tỉnh Bạc Liêu đến với chàng thi sĩ. Đám cưới Khơi - Oanh là một sự kiện đặc biệt của quê Trần Xá, Văn Cẩm, Hưng Hà vì ngoài sự chứng kiến của họ hàng cùng bà con làng xóm còn có sự góp mặt của nhiều nhà văn, nhà thơ về dự…

Khi hai cậu con trai là Đỗ Lập Sơn và Đỗ Lập Thành ra đời, tôi đã gọi điện chúc mừng và đọc cho Khơi nghe câu thơ Chế Lan Viên: "Khi được lúa, ta được cả chim trời đến hót/ Hạnh phúc về, hạnh phúc hóa thành đôi". Nghe xong, Khơi xúc động bảo: “Đó là món quà của Thượng đế tặng em, nó còn quan trọng, lớn lao hơn mọi giải thưởng văn học, anh ạ”.

Vừa rồi, Khơi gửi cho tôi bản thảo tập thơ lục bát chọn lọc “Ở thế gian” với 153 bài. Lục bát 2 câu, 4 câu, một đôi chục câu, bài ngắn dài đủ cả. Phong phú và đầy đặn. Khơi muốn tôi viết vài dòng về tập thơ. Thật khó tóm tắt, nhận xét về thơ Khơi bây giờ vì nó đã vượt qua số phận, định mệnh một cuộc đời bất hạnh. Thơ Khơi đã bay cao, bay xa như con chim thiêng mải miết với sải cánh mạnh mẽ đi khắp thế gian mang theo một thông điệp nhân văn, sâu nặng cùng cái nhìn minh triết, hướng tới cõi niết bàn…

Dù ít gặp nhau, tôi vẫn đọc Khơi trên Facebook những suy nghĩ, trao đổi, phản biện, nỗi day dứt, lo lắng của Khơi về vận mệnh đất nước, về sứ mệnh của thi ca, cái nhìn về cuộc sống hôm nay với cách yêu nước riêng của mình. Điều ấy không phải ai cũng đồng tình? Nhưng đó là những người chẳng hiểu được Khơi! Vì trong cuộc đời này chỉ có một nhà thơ viết nằm duy nhất của đất lúa Thái Bình - nhà thơ Đỗ Trọng Khơi thôi, Khơi nhỉ? Và nhờ vậy mà Con chim thiêng vẫn mải miết bay!

Hải Phòng, 16/9/2015

Nguyễn Long Khánh
.
.