Nhà biên kịch Lê Ngọc Minh:

“Còn cay đắng, còn yêu thương mặn mà”

Thứ Năm, 05/09/2013, 14:47
Sau những biến cố trong cuộc đời, ông cảm thấy như mình đã trở thành một con người khác. Con người của sự im lặng, của suy ngẫm, của văn chương. Những gì liên quan đến quyền chức, danh lợi không còn chằng bíu, không còn mối liên hệ nào trong suy nghĩ của ông. Ông tìm niềm vui trong việc viết. Những tác phẩm của ông xuất hiện thường xuyên hơn trên báo chí. Những bài thơ cũng nặng trĩu tâm tư thế sự. Và một góc không thể rời xa, đó là viết kịch bản phim. Một công việc mà ông yêu thích, một mối duyên nợ của ông với đời sống. Nó mang đến cho ông niềm vui, và cả những hệ lụy…

Hai năm đã trôi qua, sau câu chuyện lình xình ở Cục điện ảnh, liên quan đến tiền bạc thất thoát, Lê Ngọc Minh rời khỏi Cục, và gần như ở ẩn. Ông ít gặp gỡ, chia sẻ. Hiếm hoi mới có dịp ông đi gặp bạn bè. Trong quán rượu nhỏ, Lê Ngọc Minh ngồi như độc ẩm, đợi một vài người bạn tới. Rượu ở quán có, thì uống. Nhưng vẫn mang theo rượu của riêng mình, một thứ rượu vodka Nga độc đáo, cùng với những chiếc ly pha lê hình đôi giày, mời bạn. Ly rượu chỉ dành cho bạn quý.

Đã từng học và sinh sống ở Nga, nên ông rất yêu nước Nga, và chỉ cần một đồ vật nho nhỏ nhắc nhở ông về hình ảnh nước Nga, là bao nhiêu kỷ niệm tuổi trẻ lại ùa về. Ông vừa uống rượu vừa say sưa ôn lại những kỷ niệm, say sưa như một người đang độc thoại. Ông kể về thời tuổi trẻ của mình, những năm tháng theo học ngành điện ảnh ở xứ sở bạch dương. Những bài học đắt giá về nghề làm phim, nghề viết kịch bản, những hoài bão, ước mơ làm được những bộ phim tầm vóc, có tiếng vang không chỉ trong nước. Chính là nước Nga đã chắp cánh cho những hoài bão tuổi trẻ của ông.

Để khi về nước, ông tự tin bước vào một ngành còn rất non trẻ, ngành điện ảnh. Ông làm biên kịch nhiều phim nổi tiếng, từ điện ảnh đến truyền hình, và đắm đuối với mọi công việc liên quan đến phim ảnh. Không chỉ thế, Lê Ngọc Minh còn viết nhiều truyện ngắn. Những truyện ngắn của ông đều nặng nhân tình thế thái, được thể hiện bằng bút pháp của một người mà trong tư duy giàu tính điện ảnh. Đọc truyện của ông, tôi thường hình dung giống như xem một bộ phim. Lê Ngọc Minh cũng không giấu giếm ý định, rằng ông sẽ chuyển thể những truyện ngắn của mình sang tác phẩm điện ảnh.

Nhà biên kịch Lê Ngọc Minh (bên phải), trong Lễ trao giải thưởng của Hội Điện ảnh.

Con đường nghệ thuật vốn gieo neo, gian khổ. Người làm nghệ thuật thường khi luôn giữ thái độ hồn nhiên, hồ hởi với cuộc đời, ít nghi ngờ, đề phòng, xét đoán. Những năm tháng vướng vào công tác quản lý, lại làm quản lý cấp Cục, của một ngành mà vốn dĩ nó đang nảy sinh rất nhiều vấn đề nghiệt ngã trong một giai đoạn khủng hoảng, Lê Ngọc Minh thừa nhận là ông mất rất nhiều thời gian cho công việc sự vụ hơn là việc viết.

Càng làm càng thấm cái nhọc nhằn của một anh quản lý. Đôi khi niềm yêu thích làm nghề phải tiết chế lại, nhường chỗ cho công việc quản lý. Và lòng tự nhủ lòng, thôi thì ở công việc nào mình cũng đang là phụng sự cho một ngành nghề mà mình tâm huyết. Trong bữa rượu với bạn bè, Lê Ngọc Minh không định nói nhiều về những biến cố đã qua. Đời một người làm nghệ thuật, dính vào công việc quản lý, lại để xảy ra những chuyện lình xình, dĩ nhiên không ai mong muốn. Đối mặt với những hệ lụy của nó hàng năm trời, ông ngỡ như đời sống đang trôi dần vào bế tắc. Ông mới nhận ra rằng, lòng người thật khó lường. Bản tính hồn nhiên, cả tin của người nghệ sĩ có lúc lại trở thành một miếng mồi béo bở cho kẻ xấu lợi dụng. Câu chuyện xảy ra ở Cục, đau xót, và nó dạy ông một bài học quý, cả về công việc lẫn tình đời, tình người.

Nhà biên kịch Lê Ngọc Minh chia sẻ, nhìn lại những sóng gió đã qua trong đời sống, ông biết ơn những người thân, bạn bè đã ở cạnh ông, động viên và chia sẻ. Lòng tốt và sự tử tế của con người, phải qua những chặng nguy nan, gập ghềnh gió bụi mới có thể thấu hết. Mình có cái sai, thì nó đã hiện cả ra đấy. Nhưng cái sai của mình là bởi quá tin con người, quá tin lòng người, thì đó là một nỗi đau. Ai thấu nỗi đau đó thì trong lúc mình chấp chới, họ ngồi xuống cạnh mình.

Một ánh mắt, một lời nói, một cái bắt tay, một cử chỉ cảm thông cũng làm mình ấm lòng và có thêm sức mạnh để bình tĩnh đi qua sóng dữ. Nhưng, nỗi buồn lớn hơn cả những phiền lụy mình có thể gánh chịu phía trước, là những ứng xử của không ít người mình đã từng yêu thương, gần gũi. Có những người khi mình yên ổn thì họ là bằng hữu. Nhưng đến khi tai họa gõ cửa nhà mình, thì họ tránh xa mình, im lặng. Có người bạn thân thiết, lúc mình cô quạnh, cần một lời sẻ chia, gọi thì họ không nghe, hoặc tắt máy, cáo bận, thậm chí nhắc nhở mình đừng gọi cho họ nữa. Họ sợ liên lụy, sợ những điều không hay xảy đến với họ…

Một vài ly rượu nhỏ trong một quán rượu nhỏ, có lẽ chưa đủ làm nhà biên kịch ngà ngà say. Nhưng ông chếnh choáng một xúc cảm khác, xúc cảm của thế thái nhân tình mà ông kiểm nghiệm được, sau một cú ngã ngựa. Những éo le của đời sống có thể dẫn mình đến rất nhiều khó khăn, nhưng cái được chính là câu chuyện tình người. “Trong khi có không ít bạn bè rời xa tôi vì sợ mơ hồ một điều gì đó, thì có những người xa lạ với tôi trước đó, chẳng hạn như vị thủ trưởng cơ quan điều tra lại thường an ủi động viên tôi. Ông ấy hiểu câu chuyện, và có một niềm tin nào đó vào tôi, không chỉ chuyện giấy tờ chứng cứ, mà dường như là tin vào tấm lòng tôi, những gì tôi đang vướng phải theo một nghĩa khác. Tôi rất biết ơn ông ấy vì điều đó”.

Và, cũng trong nguy biến, nhà biên kịch Lê Ngọc Minh chợt nhận ra một điều cốt tử, rằng trong đời, hãy tự cứu lấy mình, đừng trông đợi vào bất kỳ ai. Mình sẽ phải tự đối diện với những khó khăn, phải bình tĩnh băng bó vết thương, không oán giận, kêu than. Vì nếu tấm lòng mình thanh sạch, một lúc nào đó những nguy nan sẽ được trời gỡ bỏ. Lê Ngọc Minh kể lại, ông đã ngồi viết miệt mài suốt đêm trước ngày phải đến cơ quan điều tra nghe tống đạt quyết định khởi tố vụ án.

Vì kịch bản phim dài tập trước đó đã trót ký hợp đồng với một hãng phim. Viết cho kỳ xong tập cuối cùng. Viết để chìm đắm vào thế giới nhân vật của mình, để quên đi hiện thực mình đang phải đối mặt. Viết cũng là một cách để thiền, để tu tập tinh thần, sẵn sàng cho mọi hệ lụy của ngày mai phải nhận lấy. Và dường như chính việc viết đã dạy cho ông một điều khác hơn, rằng đừng hoảng hốt, những gì ta trải qua sẽ là vốn sống, là chất liệu để viết nên một kịch bản khác của đời người.

Hai năm qua, nhà biên kịch Lê Ngọc Minh đúng là đã trải nghiệm nhiều cung bậc xúc cảm nhất trong cuộc sống của mình. Ông viết như một người lên đồng. Viết nhiều thể loại khác nhau. Bao nhiêu ẩn ức, vui buồn cần chia sẻ, ông trút hết lên trang giấy. Và sau mỗi trang viết, thấy lòng nhẹ nhõm hơn, vơi đi những chất chứa. Ông về quê nhiều hơn, và thấy hạnh phúc vì “Mình chừ còn có quê hương/ Còn cay đắng, còn yêu thương mặn mà”.

Về quê để gặp những gì xưa cũ, nguồn cội, để thấm thía hơn buồn vui phận người. Về quê, để những vết thương phố phường, những lỗi lầm được cứu chuộc, được nâng đỡ. Ông đóng cửa ngồi nhà, đọc sách, suy ngẫm về cuộc đời, thế sự. Đọc lại Truyện Kiều, và cảm tác về nhân vật Từ Hải: “Chọc trời, khuấy bể, nghiêng sông/ Con thuyền ham háo lạc dòng đắm say/ Binh tan, cơ nghiệp tơi bời/ Còn thân chết đứng, đợi người tri âm”.  Rồi có lúc lại ngẫm về thằng bán tơ: “Thằng bán tơ giở mưu tà/ Oan gia cùng với bao là nát tan/ Những tên mượn gió bẻ măng/ Gieo khốc hại hơn ngàn thằng bán tơ…”.

Trong đời người, những khoảng lặng luôn là cần thiết. Không ai mong sóng gió, bão táp. Nhưng chưa khi nào sóng gió bão táp thôi rình rập phận người. Sau những bon chen phù du, sau những lỗi lầm, trượt ngã, sau những tổn thương, mất mát, cần những khoảng lặng để hồi sinh. Nhà biên kịch Lê Ngọc Minh đang sống trong khoảng lặng ấy.

Ông âm thầm đối diện với mình, lặng lẽ những chuyến đi, miệt mài đọc và viết. Chưa bao giờ ông cảm thấy việc viết quan trọng với mình như vậy. Nó như một niềm an ủi, một cuộc vui bầu bạn. Nó khiến cho ngày tháng trở nên lành lặn hơn về xúc cảm, và niềm ham sống được hối thúc, những chán chường có khi chợt thoảng qua như gió, những ưu phiền được tan biến…

Lê Ngọc Minh khoe, ông vừa hoàn thành hai bộ kịch bản phim truyền hình dài tập, đề tài liên quan đến cảnh sát hình sự. Ông đã bỏ thời gian đi thực tế với các đơn vị chiến đấu, tìm hiểu những tư liệu của ngành Công an, để viết kịch bản. Ông vui nhất là mình vẫn sung sức viết, được tham gia vào những dự án làm phim hay. Điện ảnh vốn là một nghề ông thân thuộc, máu thịt, từ những năm tháng tuổi trẻ. Ông thích cảm giác được đi cùng đoàn làm phim, được chứng kiến nhân vật của mình bước từ trang giấy lên từng thước phim, chuyển động và sống cuộc đời riêng.

Thích hơn nữa là sau những vất vả của nghề viết, những ngày đẹp trời tự thưởng cho mình một cuộc vui nhè nhẹ, với một vài người bạn mà ông yêu quý. Không nhiều. Nhưng họ chính là những tài sản quý giá cuối cùng còn lại, sau những thăng trầm biến cố. Ngồi với bạn hiền, uống một ly rượu nhỏ, có thể nói rất nhiều hoặc là chẳng nói gì, nhưng vẫn nghe yêu thương vỗ về ngập tràn trong trái tim. Rồi về, lại tiếp tục những trang viết mới.

Với người đã cầm bút, và trót đam mê con chữ, thì việc viết bao giờ cũng là một niềm vui rất riêng, một ân huệ lớn. Một khi đã ngồi trước trang giấy, những hệ lụy khác trong đời, đã có một con đường để tiêu tan…

B.N.T.
.
.