120 năm ngày sinh họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (21/7/1892 - 21/7/2012)

Cội nguồn cảm hứng và sáng tạo

Thứ Hai, 06/08/2012, 11:00
Ở Việt Nam, thế kỷ XX, họa sĩ duy nhất chuyên về tranh lụa là danh họa Nguyễn Phan Chánh. Ông nổi tiếng từ những năm 30 không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài qua các cuộc trưng bày nghệ thuật. Đặc biệt  là cuộc trưng bày ở Paris năm 1931... Đó là nội dung trong lời nói đầu cuốn sách Trang lục Nguyễn Phan Chánh của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 1992.

Năm 1922, Nguyễn Phan Chánh tốt nghiệp Trường Sư phạm Đông Ba (Huế) và sau đó là sinh viên  khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925 - 1930). Ông học vẽ tranh lụa từ những năm tháng trong trường. Ngay sau khi ra trường, năm 1931, tiếng tăm họa sĩ Nguyễn Phan Chánh nổi như sóng cồn với những tác phẩm tranh lụa như Chơi ô ăn quan, Cô gái rửa rau, Em cho chim ăn, Lên đồng, v.v... Tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh đã được trưng bày ở Paris (1931), Milan (Ý) năm 1934, ở San Francisco (Mỹ) năm 1937 và Tokyo (Nhật Bản) năm 1940. Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh được coi là người sáng lập tranh lụa hiện đại Việt Nam.

Cả cuộc đời và sáng tác của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đều mang dấu ấn vẻ đẹp con người, sâu nặng tình nghĩa quê hương, đất nước. Đó chính là cội nguồn cảm hứng và sáng tạo của ông. Nhà văn Nguyệt Tú, con gái của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh cho biết: “Bức tranh nổi tiếng của cha tôi gắn liền với những câu chuyện tình yêu. Cha tôi đã dành cả cuộc đời để vẽ người phụ nữ lúc lứa tuổi đẹp nhất - lứa tuổi thanh xuân. Phải chăng ông chọn lụa cũng vì vẻ đẹp mềm mại, màu lụa trắng ngà như làn da con gái. Cha tôi rất yêu hoa. Có lần tôi hỏi: Vì sao cha lại yêu hoa? Cha đã điềm tĩnh trả lời: Vì hoa cũng đẹp như phụ nữ...”.

Đối với họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, cái đẹp luôn là nguồn cảm hứng và sáng tạo trong các tác phẩm nghệ thuật của mình. Cảm hứng là nhân tố vô cùng quan trọng để giữ niềm đam mê và khát vọng sáng tác. Có nhập vào cuộc sống thì mới có cảm hứng và khả năng sáng tạo. Bức tranh nổi tiếng của ông Chơi ô ăn quan là cái nhìn tinh tế về nét đẹp, hồn nhiên trong cuộc sống của tuổi thơ. Ngòi bút của danh họa Nguyễn Phan Chánh luôn hướng về con người lao động, nhất là trẻ em và phụ nữ. Cô gái và con trâu, Ba mẹ con, Rê lúa, Cô gái rửa rau... là những tác phẩm mà tác giả đã bắt được nguồn mạch cuộc sống bình dị, chắt lọc những nét tinh tế của cuộc sống đời thường và thể hiện một cách tự nhiên.

Nhiều họa sĩ cùng thời đã nhận xét rằng, nét đẹp của người phụ nữ là đặc sắc riêng có trong sáng tạo nghệ thuật của ông Nguyễn Phan Chánh. Học ở trường tây nhưng họa sĩ không bị lệ thuộc khuôn sáo những điều các thầy dạy trong sách vở. Đó là sự đầy đủ không chê được về giải phẫu hình ảnh theo người mẫu, đúng từng ly, từng tý. Con người đầy khát vọng tự do của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã giúp cho ông có cái nhìn tươi rói, không bị phụ thuộc tất cả vào người mẫu nên các bức tranh vẽ của họa sĩ mang đậm tính dân tộc, những người phụ nữ trinh trắng, thanh cao, đầy đặn, nở nang mà không hề phàm tục.

Chải tóc (1933). Tranh lụa Nguyễn Phan Chánh.

Xem các tranh vẽ của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh thấy rõ cảm hứng về cái đẹp của cuộc sống đời thường, của người phụ nữ đã thành sự sáng tạo trong tác phẩm của ông. Có một thế giới tưởng tượng tràn ngập trong con người họa sĩ tạo nên sự đam mê sáng tạo. Nếu không có sự thăng hoa đó thì làm sao có những tác phẩm Chân dung thiếu phụ, Tiên Dung và Chử Đồng Tử, Mùa hoa phượng v.v... Sáng tạo chính là cái đẹp. Họa  sĩ Nguyễn Phan Chánh đã mang lại cho mọi người thưởng thức vẻ đẹp cuộc đời và lòng yêu mến con người. Theo lời kể của nhà văn Nguyệt Tú thì cha bà nuối tiếc khôn nguôi khi bán những bức tranh vẽ hình ảnh những người con gái mà ông bắt gặp trong cuộc đời. Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh cho rằng sẽ không vẽ lại được bức tranh nào giống như vậy nữa. Hè năm 1939, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh mở triển lãm tranh ở Hà Nội. Nhiều bức tranh rất đẹp như: Con cá quẫy, Chim sổ lồng, Mờ sương đi cày, Thiếu nữ chơi cá vòng, Cô gái nhảy dây, v.v...

Buổi sáng của ngày khai trương triển lãm hôm ấy có một cặp vợ chồng người Pháp đến mua tranh. Người chồng còn rất trẻ, đẹp trai, chọn được một bức tranh ưng ý nhưng người vợ lại đắm đuối ngắm nhìn bức tranh Cô gái nhảy dây. Hình ảnh cô thiếu nữ tươi tắn trong tranh đang nhảy trong vòng dây quay sinh động. Tà áo dài của cô tung bay. Sợi  dây không rõ nét. Nhưng dường như đang điều khiển cả thân hình duyên dáng và vẻ đẹp hồn nhiên, tinh nghịch của cô gái. Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để vẽ bức tranh này. Cô gái trong tranh chính là hình ảnh cô bạn gái quê hương tuổi học trò chạy theo ông dọc con đường đầy hoa sim tím...

Cảm nhận được tình cảm và niềm yêu thích bức tranh Cô gái nhảy dây của người thiếu phụ Pháp, họa sĩ nhẹ nhàng hỏi: “Bà thích bức tranh này?”. Đôi mắt người thiếu phụ Pháp sáng lên trên đôi gò mà ửng đỏ, giọng nói lúng túng: “Vâng, tôi thích lắm!”. Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh sẽ sàng cuốn bức tranh lại và trao cho bà rồi nói: “Tôi xin tặng bà bức tranh này!”. Người thiếu phụ Pháp sững sờ xúc động, hết lòng cảm tạ họa sĩ, đứng ngẩn ngơ hồi lâu mới đi khỏi phòng tranh. Trong mắt họa sĩ Nguyễn Phan Chánh lúc đó lại hiện lên hình ảnh cô bạn học trò thời ấu thơ đang hồn nhiên chạy tung tăng  dọc con đường đầy hoa sim tím.

Cái đẹp bao giờ cũng tồn tại trong sự đa dạng và tự nhiên của đời sống tinh thần con người. Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh biết cách tạo nên vẻ đẹp mới trong tác phẩm của mình bởi trí tưởng tượng, nhận biết cái đẹp và chính tâm hồn mình... và biết làm chủ bản thân khi sáng tạo. Cái hồn, cái thần trong tranh vẽ của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh nhiều người nhận xét luôn đi liền với nhau là vậy. Mỗi bức tranh của họa sĩ  đều gắn với một câu chuyện đời sâu sắc và lãng mạn, như nhà văn Nguyệt Tú - con gái lớn của ông, năm nay đã 87 tuổi, vẫn minh mẫn đã viết: “Cha tôi đã vẽ mấy bức tranh Tiên Dung tắm, Tiên Dung và Chử Đồng Tử vào tuổi tám mươi. Không ai nghĩ họa sĩ tám mươi tuổi còn dành cho phụ nữ những nét vẽ “nuy” dịu dàng gợi cảm với biết bao tình người như vậy.

Nhân vật trong tranh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh là những con người mà ông thoáng gặp hay gần gũi đều rất thôn dã, rất tự nhiên, đôn hậu. Họa sĩ đã bị vẻ đẹp quyến rũ bằng cái đẹp ngoài đời. Cảnh trí trong tranh chỉ phác họa, khép nép, khiêm tốn nhưng bất giác sống động lay dậy lan tỏa cái hồn của nhân vật chính. Có lẽ cho đến nay không có ai cảm thụ cái đẹp vùng quê nông thôn như họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. Những bức  tranh của ông có tên gọi mang đầy bản sắc thôn quê, như Đi chợ, Xóm chài, Cầu ao, Rửa khoai, Rê lúa, Người đàn bà bắt cua, Bữa cơm mùa thắng lợi, Chị chăn vịt. Xem tranh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh càng cảm thụ sâu sắc ông yêu quý nông thôn và trân trọng con người lao động “một nắng hai sương” như thế nào trong cái nhìn biện chứng, thích ứng với sự phát triển xã hội. Nhà lão thành cách mạng, nhà thơ Xuân Thủy đã viết những lời thơ cảm ơn họa sĩ Nguyễn Phan Chánh khi xem những bức tranh của ông:

Xem tranh cụ Phan Chánh
Hình như cụ không già
Cô gái quê ngồi tắm
Da cô rất nõn nà
Cu con mừng gặp mẹ
Mẹ con đều như hoa
Đôi bồ câu duyên dáng
Con trâu đen ỡm ờ
Ai kia đang ngắm biển
Có thấy tình bao la
Xem tranh cụ Phan Chánh
Thấy mình càng trẻ ra.

Cái đẹp là cội nguồn cảm hứng về sáng tạo trong các tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. Mỗi tác phẩm của ông đều thấm đẫm tình yêu con người, sáng trong, lãng mạn, thuần phác chân quê, mang bản sắc Việt Nam. Đó là vẻ đẹp bình dị của người phụ nữ lao động nông thôn trong đời sống thường nhật, một đối tượng phản ánh phong phú, nghệ thuật riêng có của đỉnh cao nghệ thuật tranh lụa họa sĩ Nguyễn Phan Chánh

Ngọc Đản
.
.