Cõi mộng trong tranh Thiều

Thứ Bảy, 07/12/2019, 10:14
Gần đây, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tập trung vẽ với sự hứng khởi bao la trong tâm cảm. Dù bận biết bao công việc hành chính sự vụ của cơ quan xuất bản và Hội Nhà văn nhưng Nguyễn Quang Thiều vẫn tranh thủ vẽ.


Anh có thể mải mê đứng vé suốt dăm tiếng liền với bầu trời của mình trên toan. Đôi khi, anh còn thức cả đêm để vẽ nếu mạch say sưa với câu chuyện kể về sắc màu của mình còn chưa dứt.

Bán tranh xây nhà khi mới cầm cọ

Nghe như chuyện trong mơ nhưng lại có thật của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Đó là ký ức không thể quên cách đây chừng 15 năm. Thời đó anh đâu có nghĩ mình sẽ cầm bút vẽ và còn chưa hiểu biết gì về màu sắc hội họa. Biết bao lo toan cơm áo gạo tiền trong thời buổi kinh tế thị trường mở cửa. Nào công việc làm báo, nào sáng tác, còn nữa, ngày đêm viết báo khắp nơi để kiếm tiền nuôi con. Đúng với nghĩa “đầu tắt mặt tối”. Vậy mà câu chuyện dẫn anh tới hội họa như một định mệnh tuy ngỡ như rất hồn nhiên. T

ình cờ ngôi nhà nhỏ bé của anh ở Hà Đông tiếp đón một người bạn học ở Cuba về vào đầu năm 2005. Anh ta là một họa sĩ chưa có chỗ ở ổn định nên gửi lại nhà bạn những dụng cụ đồ vẽ và hộp màu. Trong lúc nhẩn nha dọn dẹp trên sân thượng, Nguyễn Quang Thiều tò mò lấy bút lông chấm vào hộp sơn vàng rồi phết lên toan. 

Một vệt màu bừng lên như sắc hoa cúc vàng làm Thiều giật mình. Những cảm xúc của thơ ca chợt như cơn gió ào về. Chả lẽ đó là những màu vàng của câu chuyện mình đã viết trong Mùa hoa cải bên sông. Và đó còn là sắc hoa vàng trên cánh đồng làng quê. Một tác động như đánh thức trong tâm cảm của Thiều về sự thần bí của màu sắc hội họa. Từ đó, Thiều bắt đầu vẽ. 

Họa sĩ Nguyễn Quang Thiều.

Thế rồi, Thiều đánh liều với số phận khi nhận lời tham gia triển lãm của 5 nhà văn vẽ, theo sáng kiến của nhà văn Hoàng Minh Tường và nhà thơ Trần Nhương. 4 nhà văn kia đã vẽ từ lâu. Đó là nhà văn kiêm họa sĩ Đoàn Lê, nhà văn Hoàng Minh Tường, nhà thơ Trần Nhương và nhà thơ Đỗ Minh Tuấn. Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chỉ mới cầm cọ chừng mươi ngày. 

Trong 5 tháng trời chỉ vẽ và vẽ. Nguyễn Quang Thiều vẽ lại những số phận con người trong câu chuyện của mình. Thể hiện lại những nỗi buồn của thơ ca. Những giấc mơ và hoài bão của con người. Anh muốn chiêm nghiệm lại và cống hiến cho mọi người về cảm xúc với sắc màu qua những câu chuyện kể. Anh vẽ những ánh mắt, bóng hình đầy ẩn ức trong những câu thơ hay nhất trong thi phẩm Sự mất ngủ của lửa

Sắc màu của Nguyễn Quang Thiều đã có một ngôn ngữ kể chuyện riêng và thu hút người xem đến kỳ lạ. Ngay sau triển lãm, “họa sĩ” nghiệp dư mới cầm bút vẽ đã bán được 14 bức tranh trong số 15 bức dự triển lãm. Có bức bán được tới 2.000 USD. Thế là Nguyễn Quang Thiều có tiền mang về quê xây nhà cho mẹ. 

Ấy vậy mà bất ngờ Nguyễn Quang Thiều gác bút không vẽ nữa. Anh đầy ưu tư rằng mình chỉ là họa sĩ tay ngang không học hành gì, không nên theo đuổi cái hình bóng may rủi nữa. Anh cho đó chỉ là cuộc tình sét đánh với hội họa rồi chia tay.

Tác phẩm “Cậu bé làng Chùa”.

Hồn cốt và thân phận trong tranh của Thiều như vẫn bảng lảng đâu đây. Bởi lẽ nó chính là thi ca của Thiều bằng sắc màu. Xem tranh Thiều không ai không nhớ đến những câu thơ day dứt trong lòng: “Tôi hát, hát về cố hương tôi. Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm. Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó. Kiếp này tôi là người. Kiếp sau phải là vật. Tôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏ. Để canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi”. 

Xem tranh của Thiều cho dù thích hay không thích nhưng sắc màu và câu chuyện kể của anh luôn ấm áp dìu dặt với nỗi buồn khôn nguôi về làng quê. Những hình ảnh lắng đọng trong tâm khảm người xem: “Sông Đáy ơi, sông Đáy ơi... chiều nay tôi trở lại. Mẹ tôi đã già như cát bên bờ. Ôi mùi cát khô, mùi tóc của mẹ tôi. Tôi quỳ xuống vốc cát ấp vào mặt. Tôi khóc. Cát từ mặt tôi chảy xuống dòng sông”. 

Tính tạo hình trong thơ Thiều ẩn giấu những bức tranh huyền ảo về quê hương và sự mê dụ trong con mắt người. Đó là lợi thế không tưởng của tranh Thiều.

Người thổi sáo

Ngỡ như Thiều bỏ rơi hội họa thì hội họa bất ngờ cất tiếng gọi. Cuộc tình ấy trở lại. Đằm thắm và mộng mị hơn bao giờ hết. Đó là câu chuyện của 7 năm sau. Bỗng có người bạn ở Hà Đông muốn xin tranh của Thiều để bày trong phòng thờ tại ngôi nhà mới xây. Thiều nhiệt tình nhận lời dù chưa biết định vẽ gì. 

Đêm ấy, trong giấc mơ của Thiều hiện về hình bóng người thổi sáo trên đường. Một điệu sáo đồng quê với nỗi ám ảnh xót xa của một người mù thổi sáo qua đường mà Thiều đã từng nghe và gặp gỡ. Tiếng sáo vút lên làm Thiều giật mình tỉnh giấc. Anh cấm bút vẽ trong nỗi niềm da diết yêu thương. Đó là tiếng lòng của người nghệ sĩ muốn trao gửi cho cuộc đời sự thành kính và tình yêu cuộc sống của mình. 

Từng giai điệu du dương bay bổng trong từng đường nét huyền ảo trong tranh Thiều. Người thổi sáo đã hiện về khi bình minh đã tỏa rạng căn phòng. Lúc này tôi chợt nhớ đến câu thơ của Thiều: “Ta khao khát nhìn thấy ta trong vệt sáng cuối ngày hắt qua khe cửa”.

Vậy là từ đó, với sự khởi sắc kỳ lạ của Người thổi sáo, Thiều cầm bút vẽ lại với những khát vọng mới. Người thổi sáo đã làm Thiều mụ mị trong cơn mê và kéo Thiều đi trong nhiều cung bậc âm nhạc khác. Vậy nên tranh của Thiều sau này mỗi ngày một mộng hơn. 

Anh vẽ một mạch tới nay có đến 40 tranh với tiêu đề Người thổi sáo. Mỗi bức là một tâm sự. Mỗi bức là một dấu hỏi trong tâm can mọi người về cuộc đời, về thân phận con người. Một triết lý nhân văn được hiện ra trong những nét huyền ảo với màu sắc mà Thiều quen dùng. 

Bởi, theo Thiều, màu là hình thể phản ánh những điều kỳ diệu trong tâm hồn. Chính vì thế, tranh Thiều thấm đẫm phong cách siêu thực. Nó được hiện lên qua thơ Thiều nên có sự tương tác tự nhiên. Những sắc màu nguyên bản như vàng, xanh cô ban và nâu trầm luôn xuất hiện trong tranh Thiều ẩn chứa không gian thiền. Nó ám ảnh bởi nỗi buồn se sắt thâm trầm. 

Bởi lẽ hình tượng trong tranh Thiều là sản phẩm của trí tưởng tượng nảy sinh từ ký ức thơ ca. Có thể nói sự khác biệt của tranh Thiều là được sự gợi mở từ văn học. 

Một số tranh trong bộ Người thổi sáo của Thiều đã được chọn làm logo và in vào các phụ bản quảng bá cho Liên hoan Thơ quốc tế Medellin lần thứ 29, tại Colombia năm 2019.

Tác phẩm “Những người đàn bà gánh nước sông”.

Nguyễn Quang Thiều có thói quen vẽ khác người ngay từ khi mới cầm cọ. Anh chả bao giờ vẽ phác thảo. Đến nay đã có trong tay hơn 200 tác phẩm sơn dầu và các chất liệu khác nhưng Thiều toàn vẽ với những thi hứng bất ngờ. Tất cả hiện lên như một cơn mơ vậy. Bởi khi vẽ Thiều chẳng còn biết trời đất là gì. Im lặng với cây cọ bé bằng ngón tay cùng với bảng màu. 

Nói về màu thì Thiều cũng chẳng giống ai. Chỉ dùng màu nguyên đặt bên cạnh nhau cho dù đôi khi trái với nguyên tắc của bảng pha màu. Miễn sao thấy chúng bừng lên nét mơ mộng hay cất lời hòa quyện. 

Không ít họa sĩ thấy ngạc nhiên vì cách dùng màu của Thiều. Ngỡ như khập khiễng nhưng lại thấy du dương trong nhịp điệu của tranh Thiều. Có thể nhìn thấy điều đó ở không ít tác phẩm của Thiều. Sự bí ẩn rất siêu thực của Thiều đôi khi lại nằm ở những điều trái khoáy đó. 

Đúng là nghệ thuật siêu thực cho ta thấy niêm luật thông thường (pha màu) và bất thường đều có thể được khám phá nhờ trực giác của vô thức. Bởi sự ràng buộc giữa trật tự và hỗn độn có tương tác với nhau: Trật tự sinh ra hỗn độn và chính trật tự cũng sinh ra từ hỗn độn. Đó là logic về cách dùng màu đơn của Thiều chăng. 

Bầu trời huyền ảo và mây bay

Có thể nói đặc sản trong tranh Thiều ngoài hình ảnh liêu trai của người thổi sáo thì đó là bầu trời và không gian tạo nền trong một bức tranh. Đó chính là bộ tranh Chân quê hay Hồn quê hoặc Nhà thờ của anh. Sự huyền ảo gợi cảm sâu ở sự chuyển động của đám mây vần vũ trên bầu trời. Nó phả vào người xem nỗi đe dọa và sự huyền bí của thiên nhiên đem lại cho con người. 

Cõi mộng trong tranh Thiều là ở đó. Nỗi buồn đan xen trong những âm thanh réo rắt của tiếng sáo đồng thời còn vỡ òa trong tiếng sét và tia chớp của bầu trời. Gần đây Thiều vẫn đang cặm cụi với bầu trời của mình trong ngôi nhà tĩnh lặng. Anh đang chuẩn bị cho một triển lãm cá nhân sắp tới. 

Xem tranh của Thiều, hồn tôi thấm dần nỗi buồn trong cõi mộng của tranh. Những câu thơ của Thiều cứ vang lên trên cánh đồng được khắc họa như tranh: “Giờ chỉ còn những đám mây. Phiên bản của đàn bò. Bay trên cánh đồng. Của những con bò khác” (Linh hồn những con bò). Hoặc kia lại là những đám mây: “Những bối tóc vỡ xối xả trên lưng áo mềm và ướt. Một bàn tay họ bám vào đầu đòn gánh bé bỏng chơi vơi. Bàn tay kia bấu vào mây trắng. Sông gục mặt vào bờ đất lần đi” (Những người đàn bà gánh nước sông). Tôi chợt hình dung những giọt nước mắt của người thổi sáo đang ứa ra trong tranh Thiều.

Vương Tâm
.
.