Có tài, có tật
Trong chúng ta không ít người vẫn tưởng rằng, ở thời nào cũng thế, một khi đã có tài năng thiên phú thì thường được sống cả đời sung sướng. Thế nhưng, nói như Nguyễn Du, “Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần...”. Trong thực tế, các tài năng sống không hề dễ dàng chút nào với những gì mà họ được trời cho. Bên cạnh những điểm mạnh, các tài năng lại thường hay mắc không ít tật, có thể biến đời họ thành ác mộng.
Không ít những tài năng bị mắc những chứng lập dị ngay cả trong đời sống bình thường và cả khi sáng tạo. Đại thi hào Đức Friedrich von Schiller (1759-1805) chỉ có thể sáng tác được khi ở trên bàn viết của ông có những quả táo thối... Cần phải nhớ rằng, Schiller được mệnh danh là “Shakespeare của văn học Đức”, nổi tiếng với những khúc ballade đầy cảm xúc lãng mạn yêu đương... Thật khó hình dung ra mối liên hệ có thể có được giữa những quả táo thối với những câu thơ bay bổng và dịu dàng của Schiller...
Đối với nhà văn Pháp Emile Zola (1840-1902), để có thể hoàn tất những bộ tiểu thuyết trứ danh của mình, ông phải buộc mình vào ghế khi ngồi viết...
Nhà triết học Italia, Gerolamo Cardano (1501-1576) sinh thời luôn bị tự kỷ ám thị như thể toàn bộ chính quyền lúc nào cũng theo dõi ông và món thịt mà đầu bếp nấu cho ông đã bị trộn lẫn với sáp và lưu huỳnh...
Tác giả của Nhà búp bê, kịch tác gia Na Uy Henrik Ibsen (1828-1906) mỗi khi quá chén lại vò xé bất cứ thứ gì ở bên cạnh và nhiều lần đã tiêu hủy toàn bộ những trang bản thảo vừa mới hoàn thành. Bác sĩ chữa bệnh cho ông kể lại rằng, gia đình nhà viết kịch đã tập hợp lại cạnh giường của Ibsen từ một ngày trước khi ông mất. Để động viên người bệnh, con cháu đã nói rằng, trông ông có vẻ khỏe hơn. Ngay lập tức, ông bác lại: “Không phải thế đâu!” rồi tắt thở...
Nhạc sĩ Đức Robert Schumann (1810-1856) được đánh giá là đại diện tiêu biểu nhất của dòng nhạc lãng mạn cổ điển. Thế nhưng, ngay từ bé, thiên tài âm nhạc này đã bị mắc bệnh điên và các triệu chứng của căn bệnh đó bắt đầu phát lộ từ năm 1833. Cũng do tâm thần không ổn định nên năm 1854, Schumann đã suýt tự sát. Sau đó, ông đã vào nhà thương điên cư trú cho tới khi chết ở tuổi 46... Mặc dầu vậy, Schumann vẫn cho ra đời vô số những tác phẩm âm nhạc xuất chúng... Schumann luôn có cảm giác như ông bị truy đuổi bởi những cái bàn biết nói và dường như hiển hiện rất rõ trước mắt ông những âm thanh tự liên kết với nhau thành giai điệu...
Nhà văn Anh John Harrington (1561-1612), người đồn rằng đã từng phát minh ra cả hố xí bệt, đã từng bị tự kỷ ám thị ngỡ như những ý tưởng đã bay ra khỏi miệng ông dưới dạng những chú ong và những con chim nên hay vội vàng vơ lấy các cánh lá để xua chúng đi...
Nhà văn Mỹ nổi tiếng Edgar Allan Poe (1809-1849) cả đời sợ hãi bóng tối. Có thể, một trong những nguyên nhân đã làm nảy sinh ra nỗi sợ hãi vô lý này là việc, ngày bé, nhà văn tương lai đã phải học bài ở ngoài... nghĩa địa. Ngôi trường mà cậu bé Edgar tới học, nghèo nàn đến mức không có đủ sách giáo khoa cho các học sinh. Người thầy giáo dạy môn toán đã có “sáng kiến” giảng bài ngoài nghĩa địa. Mỗi một học sinh tự chọn cho mình một ngôi mộ để đọc các dòng chữ trên đó và tính xem người quá cố đã sống được bao nhiêu năm bằng cách lấy năm mất trừ đi năm sinh...
Khi đại văn hào Pháp Victor Hugo (1802-1885) viết bộ tiểu thuyết Nhà thờ Đức bà Paris, ông đã cắt trọc nửa đầu và cả bộ râu ngoạn mục rồi ném kéo ra ngoài cửa sổ. Sở dĩ Hugo phải làm như thế vì ông không muốn bị lôi kéo ra khỏi công việc và không muốn đi tới bất cứ nơi đâu một khi chưa hoàn thành xong tác phẩm này: Ông phải ở nhà cho tới khi tóc mọc tự nhiên như bình thường...
Danh họa Pháp HenrI Matisse (1869-1954) sinh thời đã bị chứng mất ngủ và trầm cảm, đôi khi rên rỉ trong mơ rồi thét lên và tỉnh giấc. Có bận không vì bất cứ lý do nào mà ông lại bỗng nhiên cảm thấy sợ bị mù. Đến mức ông đã đi học kéo đàn vĩ cầm để đề phòng lúc mù hẳn thì làm nhạc công chơi đàn dạo trên phố kiếm kế sinh nhai... Mỗi lần chuẩn bị bắt tay vào vẽ một tác phẩm mới, Matisse luôn cảm thấy muốn bóp cổ ai đấy để thêm phần cảm hứng(!) Và ông coi toàn bộ quá trình sáng tạo nên một tác phẩm hội họa như ca phẫu thuật lấy dao mổ khối u mà không sử dụng thuốc mê...
Nhà văn, nhà ngoại giao Chateaubriand (1768-1848), một trong những đại diện đầu tiên của trường phái lãng mạn trong văn học Pháp, không thể chịu đựng nổi lời khen đối với bất cứ ai khác, thậm chí ngay cả với người đánh giày của mình!
Danh họa Hà Lan thuộc trường phái hậu ấn tượng Vicent van Gogh (1853-1890) từng được chẩn đoán tới 150 chứng bệnh. Các thầy lang cho rằng danh họa từng bị mắc bệnh động kinh, u não, tâm thần phân liệt, rối loạn chức năng, giang mai, ngộ độc màu vẽ, động kinh, rồi loạn chuyển hóa porphyrine cấp tính... Bất kì chứng bệnh nào trong số trên cũng có thể là thủ phạm dẫn tới sự suy nhược thần kinh của họa sĩ, tình trạng của ông còn bị làm trầm trọng thêm do ăn uống thiếu chất, lao lực, mất ngủ và nghiện rượu, nhất là rượu absinthe...
Nữ văn sĩ người Anh Virginia Woolf, (1882-1941) lại luôn cho rằng, quyền được học chỉ có thể có được ở những người giàu có nhất. Ý nghĩ cực đoan này đã khiến bà có lần định điều hành hoạt động của những người giúp việc trong nhà bằng cách để ở khắp nơi những tờ giấy ghi các nhiệm vụ mà họ phải làm. Và khi họ không hoàn thành những “chỉ lệnh” đã được ghi thành chữ của bà thì bà đã viết vào trong nhật ký rằng, điều đấy càng làm sáng tỏ hơn sự ngu dốt của những người cần lao. Cũng phải nói rằng, mặc dầu vậy, Virginia Woolf vẫn là một nữ văn sĩ có ảnh hưởng lớn tới đời sống văn học thế giới. Bà được đánh giá như một tiểu thuyết gia hàng đầu của nền văn học thế kỷ XX. Sách của bà được dịch ra hơn 50 thứ tiếng...
Nhà phát minh, nhà vật lý, kỹ sư cơ khí kiêm kỹ sư điện tử Nikola Tesla (1856-1943) đã bị mắc bệnh rối loạn nhân cách. Ông lúc nào cũng cảm thấy sợ bẩn, luôn tránh những vật mang hình tròn và chỉ tá túc ở căn phòng khách sạn có số chia được cho 3. Ngoài ra, nhà sáng chế Mỹ gốc là người Serb ở đế quốc Áo này còn là môn đồ rất trung thành của thuyết ưu sinh (đó là bộ môn “khoa học ứng dụng” hay còn gọi là phong trào sinh học-xã hội, ủng hộ việc sử dụng các phương thức nhằm cải thiện cấu tạo gen của dân số... Nói cách khác, Tesla đã cho rằng, những người mắc các chứng thiểu năng thể chất hoặc tâm lý không được có quyền sinh con đẻ cái để quỹ gen nhân loại càng ngày càng khỏe mạnh và tốt đẹp hơn. Cũng phải nói thêm rằng, thuyết ưu sinh rất nổi tiếng vào những thập niên đầu thế kỷ trước. Tới giữa thế kỷ XX, thuyết này không còn được ưa chuộng nữa do dính dáng tới hệ tư tưởng của nước Đức Quốc xã... Tuy nhiên, sự phát triển của các công nghệ gen và công nghệ nhân bản vào cuối thế kỷ XX đã đặt ra nhiều câu hỏi về ý nghĩa của thuyết ưu sinh và vấn đề đạo đức của nó trong thời hiện đại, lại làm trỗi dậy những mối quan tâm về thuyết ưu sinh...
Tác giả của Chuông nguyện hồn ai Ernest Hemingway (1899-1961) không chỉ nghiện rượu và tự sát như mọi người đều đã rõ. Ông còn bị mắc chứng sợ phát biểu trước công chúng. Thêm vào đó, sinh thời, Hemingway không bao giờ tin vào những lời khen ngay cả của những độc giả hâm mộ ông một cách chân thành nhất. Ngay cả bạn bè mình ông cũng không tin...
Đại văn hào Nga Liev Tolstoi (1828-1910) có nét chữ rất tháu, cực kỳ khó đọc. Chỉ có vợ ông mới có thể đọc được xem ông viết gì. Nhà tâm lý học Cesare Lombroso sau khi nghiên cứu nét chữ của tác giả Chiến tranh và hòa bình, đã cho rằng, đấy là nét chữ của một cô gái làng chơi bị mắc chứng loạn thần...
Đại văn hào Pháo Onore de Balzac (1799-1850) đã viết các bộ tiểu thuyết của mình chỉ trong lúc đêm về và dưới ánh sáng của sáu ngọn nến đặt trên đế và trong căn phòng kéo kín mành cửa để không có một tia sáng nào có thể lọt ra khỏi phòng. Balzac cho rằng, chỉ trong đêm, mênh mông và vô tận thì ông mới có thể làm việc được liên tục và vì một công việc như thế, ông đã quay ngược lại kim đồng hồ cho đêm hóa thành ngày...
Nhà văn Pháp Guy de Maupassant (1850-1893) sinh thời là một trong những người rất khó chịu với tháp Eiffel. Tuy nhiên, ngày nào ông cũng tới ăn trưa tại nhà hàng trên tháp và lý giải rằng vì đó là nơi duy nhất ở Paris mà ngồi tại đấy thì không phải nhìn thấy tháp Eiffel...