Có một “lão thợ xây” chơi ngông
“Trời cho tôi ông chồng đặc biệt”
Đi vào con ngõ quanh co làng Sơn Kiệu, chúng tôi gặp một phụ nữ đội nón tất tả đi chợ về, liền hỏi thăm nhà lão Trường. Chẳng ngờ, người phụ nữ thốt lên: “Ông Trường chồng tôi chứ còn ai vào đây nữa. Trời cho tôi ông chồng đặc biệt, nổi tiếng cả vùng. Ông ấy đi từ sáng rồi, cứ về nhà tôi ngồi đợi”.
Thế là chúng tôi được vào tham quan ngôi nhà cấp 4 nhỏ xinh vô cùng đặc biệt của lão. Nhà lão không rộng rãi gì. Nhà, sân, ngõ, bếp được sắp đặt khin khít nhau, vừa đủ lối đi lại. Vật dụng trong nhà cũng tối giản hết sức, nhường chỗ cho bát, đĩa, bình bằng gốm sứ, đồng tiền cổ xưa với đủ loại hình dáng, kích cỡ, hoa văn ngồn ngộn từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, len lỏi khắp mọi ngóc ngách. Nhà lão chả khác gì một bình gốm khổng lồ, những mầm cây mọc từ lọ gốm gắn trên tường, từ những kẽ gốm nên hình dáng cũng độc lạ. Giữa trưa nắng nóng mà vào đến sân nhà lão, ngồi dưới bóng trúc tỏa rộng là thấy mát mẻ, dễ chịu.
Lão Trường “râu” nơi góc sân gắn đồ gốm sứ cổ xưa. |
Có tiếng xe máy phành phạch ở đầu ngõ, vợ lão lắng tai và bảo: “Đấy, ông Trường nhà tôi về đấy. Tiếng xe chả lẫn đi đâu được”. Chiếc xe máy của lão cũng khác người, màu sơn tróc lở, chẳng có yếm mà vẫn chở lão rong ruổi khắp thôn cùng ngõ vắng để lùng đồ gốm sứ cổ xưa.
Xe thì thế, đến ngoại hình lão cũng chả giống ai. Người lão gầy gò, nước da ngăm đen, ăn mặc bụi bặm, chòm râu dài, tóc túm củ hành. Chả thế mà có hôm lão đang phi xe trên đường thì anh cảnh sát giao thông tuýt còi nhắc nhở: “Cụ có tuổi rồi, đi đâu thì bảo con cháu chở đi. Cụ phóng xe vèo vèo thế này nguy hiểm lắm”. Nhiều người còn chép miệng bảo bà Hồ Thị Nga - vợ của lão rằng: “Chị thế này mà lấy chồng già như ông cụ”. Vợ lão chỉ cười, bởi thực ra thì vợ chồng lão sêm sêm tuổi nhau, đều chưa đến 60. Hai vợ chồng đều là người làng này, lấy nhau năm 1989. Khi đó, ở đây vẫn còn là ngôi nhà đất lụp xụp bố mẹ chia cho.
Bắn giòn giã một bi thuốc lào, mắt lim dim, lão bảo rằng vợ lão là một nửa đắp bù không gì hợp lý hơn, là phần cố định nhất trong cuộc đời bôn ba của lão. Từ khi lấy nhau đến giờ, bà ấy một tay làm lụng lo toan gia đình, con cái để lão có thời gian tung tẩy. Ngày ngày, bà ấy vẫn cặm cụi đun nước pha trà, quét dọn để tiếp đón khách có thể đến bất cứ lúc nào. Vợ nấu cơm xong có khi lão lại đi, không nấu cơm có khi lão lại đùng đùng dẫn khách về chơi. Bà ấy thường hay kêu ca, cáu kỉnh một cách hết sức dễ chịu về ông chồng. Có thể bà ấy chả hiểu gì về đồ cổ xưa nhưng cũng hay giúp lão gói ghém, cất để, lau chùi đĩa bát mà lão sưu tầm được.
Hỏi lão sao không trưng bày đồ cổ trong tủ kính, trên kệ như bao người khác, lão bảo không thích thế, mà cũng không có điều kiện để làm thế. Bởi lão sợ, nếu cứ trưng ra trước mắt, lúc khó khăn cần tiền, lão lại bán đi thì tiếc lắm. Mà lão đã từng phải bán đi thật rồi, tiếc xót lắm. Lão lại sợ một lúc nào đó sơ ý đánh rơi đánh vỡ một chiếc bình, chiếc bát thì hoài công hoài của. Hoặc giả có thằng trộm nào đến nhà khoắng mất thì lão đến ốm mà chết.
Vợ lão bảo chân lão như có hoa, đi quanh năm suốt tháng. Nhưng, khi đã có thêm ít bát đĩa, bình cổ và lên kế hoạch đắp điểm cho ngôi nhà thì lão lại ở lỳ mấy ngày, làm miệt mài cho đến khi xong việc mới ra khỏi cổng. Với nhiều người, chiếc đĩa đã sứt mẻ, bình hoa đã cũ chẳng có ý nghĩa gì nhưng với lão thì quý vô cùng. Không phải quý khi quy ra tiền bạc, mà quý ở lớp trầm tích văn hóa mà lão đọc được và cả những bí ẩn mà lão còn phải cất công tìm hiểu, khám phá. Thế nên chi bằng cứ gắn chặt vào tường, trưng ra tất cả để mọi người cùng ngắm, cùng hiểu.
Hằng ngày, ở bất cứ đâu trong ngôi nhà lão cũng đều được đắm chìm trong không gian gốm sứ. Đấy chính là cách lão chơi đồ cổ. Mà phải công nhận lão khéo tay, vì lão gắn bát đĩa rất nghệ thuật, từ tường bao cả mặt trong mặt ngoài, cổng, tường nhà, hiên, hòn non bộ, bậc thềm, bếp và công trình phụ đều lớp lang, hài hòa, nhìn độc đáo và thích mắt.
18 năm làm nhà độc, lạ
Một mình cặm cụi sửa nhà, thay đổi hình dáng ngôi nhà suốt 18 năm qua, ngoài lão ra chắc chả có người thứ hai. Không phải bỗng dưng mà lão lại bỏ công bỏ sức ra tự sửa nhà. Chả là tính lão thích tự do bay nhảy nên sau khi lấy vợ thì đi sơn bàn ghế rong cho thỏa cái thú được đi đây đi đó. Một lần, lão đến sửa bàn ghế cho một nhà sưu tập đồ cổ trong huyện, nghe gia chủ giới thiệu về những đồ gốm sứ, lão đâm mê mẩn.
Từ đấy, lão bỏ công đi nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam để sưu tầm, dăm bữa nửa tháng mới về qua nhà rồi lại đi. Gần thì đạp xe, xa thì nhảy xe khách, quẳng chiếc xe đạp lên nóc ôtô. Đi đến đâu lão cũng có thêm bạn, dò hỏi được địa chỉ bán đồ cổ. Tiền đi sơn bàn ghế chỉ đủ ăn đường và mua đồ mang về tích đầy nhà, chả đưa cho vợ được đồng nào.
Vợ chồng lão Trường “râu” trong căn nhà độc, lạ. |
Có đợt lão lên huyện Na Hang, Chiêm Hóa mãi tận Tuyên Quang tìm mua đồ cổ. Hôm ấy, gặp nhà dân có nhiều đồ đẹp, có đồng nào trong túi lão mua bằng hết, hăm hở cho vào bao, buộc sau xe mang về. Trời tối, trăng mờ, lão nhìn chả rõ nên lao xe vào đống rơm. Xe đổ, bát đĩa vỡ hết, tiếc phát khóc, lão vẫn gom đống gốm vụn mang về. Lại có lần trong phút băn khoăn, lão để vuột mất chiếc nậm rượu cổ có hình hai con rồng màu huyết dụ, đến tận bây giờ lão vẫn mong gặp lại và mua được nó.
2 năm sau khi lấy nhau, vợ chồng lão đập ngôi nhà đất, xây 3 gian nhà cấp 4 bình thường như bao ngôi nhà khác ở làng. Trong đầu lão lúc ấy chưa hề xuất hiện ý tưởng xây nhà độc lạ. Phải hơn chục năm sau, khi ngôi nhà xuống cấp, chẳng có tiền xây mới, lão nghĩ ra cách bỏ lớp trát tường đi và gắn cả đống bát đĩa lên đó để tường thêm chắc, nhà thêm đẹp.
Khi lão bắt đầu vạc tường ra thì vợ con lão phản đối gay gắt, thậm chí đã có những trận cãi vã nảy lửa, họ hàng, làng xóm đàm tiếu rằng lão chơi ngông. Mặc! Lão cứ làm. Sau bữa cơm tối, lão cặm cụi trộn vữa theo công thức 3 phần ximăng, 1 phần cát rồi tự tay trát lên tường, sau đó gắn gốm sứ lên. Đợi vữa khô lại, lão cận thẩn rưới nước ngày 3 lần để ximăng không bị giòn. Khi vữa chết hẳn thì bát đĩa đã gắn chặt vào tường.
Kinh tế eo hẹp, chắt chiu được chút tiền là lão lại đi mua vài cân ximăng về gắn. Số bát đĩa tích trong nhà đã gắn hết mà nhà vẫn chưa xong, lão lại lên đường đi sưu tầm. Cứ thế, hết năm này sang tháng khác, từng mảng tường dần được hoàn thiện. Tiền xu cổ, lọ hoa, bình hoa, bát, đĩa cổ, đủ hình dáng, đủ màu men dần dần được gắn ra ngoài thềm, lên tường bao, vào bếp, ra cổng.
Cứ mua thêm đồ về, lão lại nghiên cứu và tiếp tục thiết kế, đắp bồi, ngôi nhà ngày càng đẹp và thích mắt. Người nọ truyền tai người kia, khách tham quan kéo đến nhà lão ngày một đông để tìm hiểu, chuyện trò với chủ nhà. Nhà tuy hẹp nhưng tấm lòng của vợ chồng lão luôn rộng mở. Giờ thì vợ con lão cũng quen dần và sống chung với những sở thích dị thường của lão.
Lão bảo, 18 năm qua, lão đã thỏa ước mơ khi được sống trong một không gian gốm sứ - nơi lưu giữ được giấu ấn văn hóa thuộc các thời kỳ lịch sử. Đây là chiếc ghè đá 2 trôn từ đời nhà Nguyên, bên cạnh là cái tước đời Lý, tì bà đời nhà Trần, kia là bình vôi đời Lê,... lão đều thông thuộc và giải thích xuất xứ vanh vách.
Gần 6 tạ xu gắn trên tường và lát bậc thềm, 13 nghìn chiếc đĩa có từ các đời Lý, Lê, Trần, Nguyễn, từ các miền Bắc, Trung, Nam đều tập trung ở đây. Chưa kể bát, bình, lọ hoa nhiều vô kể. Có người đến chơi định giá ngôi nhà của lão không phải loại vừa đâu. Lão chả quan tâm đến điều đó. Lão chỉ yên tâm một điều, khi lão đã gắn lên tường rồi thì đồ cổ xưa sẽ được bảo tồn, giữ gìn cho con cháu mai sau.
Lão thấy vui khi có những vị khách người Mỹ, người Nhật đến thăm nhà, ngó nghiêng rất lâu và chụp hình lưu niệm. Lão vui khi các cháu của lão mỗi lần về đều ngắm nghía, hỏi han. Tưởng ngôi nhà cũa lão Trường sau 18 năm đã hoàn thiện nhưng lão thợ xây này vẫn đang ấp ủ vài hạng mục xây dựng - trang trí nữa. Lão treo nhiều cây đèn bão xung quanh nhà, như để tự động viên mình, dù có khó khăn đến mấy cũng phải vượt qua, không để bão bùng thổi tắt những đam mê.