Có một Vương Duy Biên nghệ sĩ
Ông thường xuất hiện trước công chúng với tư cách một nhà quản lý văn hóa nhiều hơn. Chính vì thế, ít người biết rằng, Vương Duy Biên còn là một nhà điêu khắc, một họa sĩ tài hoa từng có tranh tham gia nhiều triển lãm trong nước và quốc tế. Ngoài ra, Vương Duy Biên còn là một nghệ sĩ nặng lòng với rối nước và có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát triển bộ môn nghệ thuật truyền thống này của dân tộc.
Trong điện thoại, tôi thưa ngay với ông, là tôi xin được gặp, trò chuyện và viết về ông trong tư cách một người nghệ sĩ. Một người làm nghệ thuật từ khi còn rất trẻ và có nhiều thành tựu không chỉ ở một lĩnh vực. Nghệ sĩ Vương Duy Biên cười vang. Dường như ông thích câu chuyện ở khía cạnh này. Gặp ông, tôi nhận ra, con người nghệ sĩ mà bấy lâu ông thường phải tự “náu” mình đi trước trăm công ngàn việc của một nhà quản lý vẫn còn nguyên đó, sự sôi nổi, nhiệt huyết, đam mê. Ông nói, cuối năm nay ông dự định sẽ tổ chức một triển lãm cá nhân. Hội họa là câu chuyện hàng ngày của ông. Sau những tất bật, bộn bề, ông lại trở về góc riêng của mình, đắm đuối với màu, với toan. Vẽ, là lúc cởi bỏ mình, tự do tuyệt đối trong xúc cảm. Là phút giây được sống với nguyên vẹn cái Tôi của người nghệ sĩ, được bay bổng, thăng hoa. Trên trang web cá nhân của ông :vươngduybien.com.vn, công chúng có thể thưởng thức các loại hình tác phẩm mà ông sáng tạo. Về tranh, tôi nhận thấy, phần lớn những bức tranh của ông đều vẽ cảnh nông thôn. Hình ảnh người nông dân, con trâu, rơm rạ, cánh đồng, làng quê là một chủ đề lớn trong tranh ông. Từng học mỹ thuật từ nhỏ tại trường nghệ thuật Hà Nội, rồi sau này tốt nghiệp chuyên ngành Hội họa tại trường Mỹ thuật Yết Kiêu, Vương Duy Biên là họa sĩ có kỹ thuật điêu luyện. Tranh vẽ làng quê, một chủ đề xưa cũ, nhiều họa sĩ thế hệ trước đã vẽ có dấu ấn thành tựu rồi. Họa sĩ Vương Duy Biên vẫn chủ đề ấy, nhưng cho người xem một cảm nhận về cuộc sống đương đại hôm nay. Những dấu vết của đời sống hiện đại được thể hiện trong hình khối, bố cục- một phong cách riêng không thể trộn lẫn. Hỏi họa sĩ Vương Duy Biên, vì sao một người sinh ra và lớn lên ở đô thị như ông lại đắm say với đề tài nông thôn như vậy, ông cắt nghĩa: “Có lẽ từ nhỏ mình đã theo gia đình đi tản cư, sống chủ yếu ở các vùng nông thôn, nên cảnh và người nơi đây đã đi vào tình cảm của mình một cách tự nhiên. Mình thấy rất “thuộc” mảng đề tài này, mỗi khi cầm cọ vẽ”.
Trong hội họa của Vương Duy Biên, nếu để ý kỹ, chúng ta thấy có cả điêu khắc nữa. Điều này thật dễ hiểu, vì Vương Duy Biên còn là một nhà điêu khắc. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông ở thể loại này, không thể không nhắc tới, là tượng đài Trần Hưng Đạo, được dựng tại Quảng trường Nhà hát Lớn Thành phố Nam Định. Nghệ sĩ Vương Duy Biên kể lại: “Hồi đó tôi còn rất trẻ, tuổi mới ngoài ba mươi thôi. Tôi biết thông tin về cuộc thi thiết kế mẫu tượng Trần Hưng Đạo, tôi có ý định tham dự cuộc thi này. Chủ yếu vì rất yêu quý vị tướng tài ba trong lịch sử nước nhà. Khi làm phác thảo tượng, tôi có tham khảo ý kiến của các GS Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê. Giáo sư Hà Văn Tấn nói với tôi, là theo những gì cụ hiểu biết về danh tướng Trần Hưng Đạo, thì cụ có cảm giác phác thảo của tôi đúng với tinh thần cốt cách của Ngài. Nhưng tôi cũng không dám nghĩ mình được giải trong cuộc thi, vì rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi cũng tham gia. Thật không ngờ, phác thảo tượng của tôi lại được chọn”.
Trước Vương Duy Biên và sau Vương Duy Biên, đã có rất nhiều nghệ sĩ tạc tượng Trần Hưng Đạo. Với một nhà điêu khắc trẻ về tuổi đời như Vương Duy Biên khi đó, thành công này là một dấu son đỏ, có một ý nghĩa rất lớn trong sự nghiệp của ông. Hội đồng giám khảo nhận định, phác thảo tượng danh tướng nhà Trần của nghệ sĩ Vương Duy Biên là “rất Việt
Sau này, khi bức tượng Trần Hưng Đạo được dựng lên giữa quảng trường trung tâm Thành phố Nam Định, như một sự ngẫu nhiên, nơi đây đã trở thành một đỉa chỉ văn hóa tâm linh với người dân địa phương. Người đi xa quê hương về , người có niềm vui, người thành công trong công việc, cuộc sống, đều tìm đến thắp nén tâm nhang trước anh linh của Ngài. Nhân dân còn nhân bản những bức tượng danh tướng Trần Hưng Đạo do Vương Duy Biên phác thảo, với kích thước nhỏ để mang về nhà tỏ lòng tôn kính ngưỡng mộ tài năng đức độ của Ngài. Có lẽ chưa từng có bức tượng Trần Hưng Đạo nào được nhân dân lựa chọn nhiều như vậy. Đó là niềm hạnh phúc không nhỏ của người nghệ sĩ sáng tạo Vương Duy Biên.
Ngay từ khi còn rất nhỏ, hội họa và điêu khắc đã là một niềm say mê lớn của cậu bé Vương Duy Biên. Tôi đã đọc một bài báo, trong đó nghệ sĩ Vương Duy Biên kể về thời còn là học sinh đi học trường Mỹ thuật Hà Nội. Nghe tin Bác Hồ mất, cậu bé đã rất buồn, đã khóc. Rồi cậu đi tìm một viên phấn, dùng một nửa chiếc dao lam, hì hục ngồi tạo hình Bác Hồ. Một bức tượng nhỏ xíu được cả khu tập thể công nhận là nhìn rất giống Bác Hồ. Nhiều người không ngạc nhiên khi nghe câu chuyện này, vì Vương Duy Biên vốn là con nhà nòi làm nghệ thuật. Vương Duy Biên có bố là cụ Vương Như Chiêm, một người hoạt động trong ngành mỹ thuật, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Mẹ của ông là nhà văn Lý Thị Chung, nguyên Tổng biên tập Báo Phụ Nữ Thủ Đô. Những người anh, người em của Vương Duy Biên cũng theo ngành nghệ thuật. Khi được hỏi, ông chịu ảnh hưởng của cha mẹ ra sao trong nghệ thuật, nghệ sĩ Vương Duy Biên chia sẻ: “Có lẽ tôi được thừa hưởng gen di truyền của cha mẹ, về tình yêu dành cho nghệ thuật. Còn việc lựa chọn ngành nghề, công việc của tôi là hoàn toàn do tôi tự quyết định. Cha mẹ tôi cũng muốn con cái tự lựa chọn. Bố tôi là người khó tính và kiệm lời khen lắm. Còn nhớ, khi còn nhỏ, nhân lúc bố vắng nhà, tôi lấy nước, hoa, quả, bày lên bàn và vẽ tranh tĩnh vật bằng sơn dầu. Buổi trưa bố tôi đi về, nhìn tranh tôi treo, cụ chỉ nói một câu: “Được đấy”. Tôi không rõ ý cụ khen hay chê. Mấy hôm sau tôi mang bức tranh đó xuống xóa đi để vẽ bức khác. Ngày đó khó khăn, toan rất ít, muốn vẽ bức mới nhiều khi phải xóa bức cũ. Bố tôi phát hiện ra bức tranh cũ của tôi đã bị xóa, cụ nhăn mặt như mất mát một thứ gì. Cụ bảo: “Phí thế”. Lúc đó tôi mới cảm nhận được hai chữ “Được đấy” của bố có giá trị như thế nào”.
Có một giai đoạn rất dài, nghệ sĩ Vương Duy Biên gắn bó với rối nước. Ông làm công việc chuyên tạo hình và sáng tác con rối, vẽ phông cảnh và trang trí sân khấu diễn rối, rồi giữ chức Giám đốc Nhà hát múa rối Trung ương. Ông sáng tạo ra nhiều con rối ngộ nghĩnh, phục vụ cho các ý tưởng trong các vở rối mà cũng chính ông là tác giả kịch bản. Rối với ông như một cuộc chơi ngẫu hứng và đầy màu sắc. Ông quan niệm, trên nền tảng truyền thống mà cha ông để lại, mỗi người nghệ sĩ hãy sáng tạo bằng hiểu biết và tình yêu của mình, làm phong phú hơn tinh thần dân tộc, để múa rối ngày càng thu hút được nhiều hơn sự quan tâm của công chúng trong nước và quốc tế. Rất nhiều vở diễn rối do nghệ sĩ Vương Duy Biên sáng tạo và đạo diễn đã dành các giải thưởng các trong các kỳ Liên hoan múa rối trong nước và quốc tế. Đặc biệt nhất có lẽ phải kể đến vở rối “Hồn quê” và “Chuyện tò he” do ông đạo diễn giành giải nhất trong Liên hoan múa rối quốc tế tại Hà Nội, năm 2008. Lần đầu tiên người xem được chứng kiến một thử nghiệm thú vị giữa diễn rối nước và nghệ thuật sắp đặt. Những sinh hoạt làng quê, những hình ảnh thân quen như cây đa giếng nước sân đình được thể hiện trong một tinh thần mới, rất đương đại và cũng rất Việt Nam, làm ngạc nhiên khán giả vốn quen xem rối nước truyền thống. Trong vở “Chuyện tò he” là sự kết hợp giữa các thể loại rối khác nhau: như rối que, rối lùn, rối nước, khiến cho câu chuyện được kể sinh động và hấp dẫn vô cùng. Nói về việc quảng bá nghệ thuật rối ra thế giới, ông rất chí lý khi cho rằng, chúng ta đã làm nhiều việc để giới thiệu môn nghệ thuật này với bạn bè quốc tế. Nhưng, hình như vẫn là chưa đủ. “Tôi đi nhiều, thì nhận thấy rằng, càng các nước nhỏ như chúng ta thì việc quảng bá các ngành nghệ thuật truyền thống ra thế giới càng phải làm nhiều, làm tích cực và có chiến lược. Các nước lớn họ không làm gì thì văn hóa nghệ thuật của họ vẫn có sức ảnh hưởng với các nước khác. Còn chúng ta, nước nhỏ, muốn được thế giới biết đến, phải giới thiệu, quảng bá, không có con đường nào khác”.
Xen giữa câu chuyện sáng tạo nghệ thuật, phút giây nào đó bàn về quản lý văn hóa, nghệ sĩ Vương Duy Biên chia sẻ, điều mà ông day dứt nhất hiện nay, là làm sao nâng cao được điều kiện sáng tạo cho anh em văn nghệ sĩ. Là một nghệ sĩ, nên ông hiểu rằng, môi trường và điều kiện sáng tạo cho nghệ sĩ rất quan trọng. Những nghệ sĩ làm nghệ thuật ở đô thị còn có điều kiện tốt hơn, chứ những nghệ sĩ sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, thì thiếu thốn trăm bề. Ông kể câu chuyện ở Pháp, một nhà điêu khắc ông biết, dành mấy chục năm chỉ để sáng tạo một tác phẩm. Ông ta sống ở một vùng cách xa thủ đô mấy trăm cây số, nhưng điều kiện sáng tạo vẫn đầy đủ, không phải lo lắng điều gì. Trong khi nghệ sĩ ở ta còn trăm bề vất vả, miếng cơm manh áo còn phải lo lắng quá nhiều, phương tiện sáng tác còn thiếu thốn. Trong khi đó, công chúng của nghệ thuật thì rời rạc, chưa chuyên nghiệp. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm nghệ thuật cũng còn manh mún, tự phát. Tất cả những thứ đó khiến cho đời sống sáng tạo của người nghệ sĩ nhiều khi bị bế tắc, khó khăn...
Dù bận bịu với những công việc sự vụ của một nhà quản lý, nhưng nghệ sĩ Vương Duy Biên nói, ông vẫn luôn sáng tạo mỗi khi ông gặp một đề tài mà ông trăn trở. Lao động nghệ thuật vốn là thứ lao động âm thầm. Nó là cuộc trò chuyện cá nhân, nhưng là nơi trút bỏ những cảm xúc mà không phải lúc nào cũng có thể nói ra. Trước sau ông vẫn là một người của nghệ thuật, một nghệ sĩ yêu công việc sáng tạo và tìm thấy mình trong sáng tạo. Cuộc đời cho ông một sự hanh thông trong con đường quan lộc. Làm công việc quản lý từ khi tuổi đời còn rất trẻ, đấy vừa là được, vừa là thiệt thòi. Vì có lúc công việc sáng tạo phải nhường chỗ cho công việc của nhà quản lý. Nhưng ngọn lửa của đam mê nghệ thuật thì vẫn luôn rừng rực cháy trong ông, chỉ chờ có cơ hội để bùng lên.
Như hôm nay, ngồi nghe ông nói chuyện nghệ thuật, và có giây phút nào đó hình ảnh nhà quản lý như mờ đi, trước một nghệ sĩ giàu tâm huyết Vương Duy Biên....