Có một Ngô rặt nhà quê

Thứ Sáu, 14/08/2015, 07:00
Tưởng dễ hóa ra thật khó nếu muốn vẽ lại chân dung rặt nhà quê của Ngô. Vì cái dáng vẻ nhà quê điền dã ấy, đã ít nhiều xức vào mình bao lưu lạc và quên nhớ của đời sống thị thành. Nhưng nói như thế, không có nghĩa cái hương đồng gió nội ấy đã bay đi hết cả. Vẫn còn đó một Ngô Kinh Luân nhà quê chính hiệu. 

Như anh bộc bạch trong cuốn tản văn mới ra Đi ở nhớ về của mình: “Sài Gòn, ẩn sau những phồn hoa luôn chứa những cơn sóng ngầm đủ sức cuốn trôi các phận người… Có cảm giác, họ sinh ra để không thuộc về nơi này. Như tôi chẳng hạn, chẳng bao giờ, tôi có thể thuộc về nơi này”.

Ngô không thuộc về Sài Gòn, vậy Ngô thuộc về đâu? “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu hồng đào chưa nhắm đà say” như câu ca của người Quảng Nam? Hay là nơi mà thi sĩ Khương Hà Bùi có lần thổ lộ: “Anh có biết cây bàng yêu dòng sông Đồng Nai/ Mà dòng sông cứ xuôi về biển cả/ Không hiểu nổi một điều nghiệt ngã/ Phía khơi xa sẽ tan mất chính mình?”. Nếu một kẻ ba quê như Ngô khẳng định thế thì có thể Ngô đang chiều lòng mình để nương náu ý nghĩ rằng mình cũng có một nơi để về. Có một lần, ai đó đã nói với tôi rằng, nếu ta đi xa quê lâu quá, chúng ta không còn thuộc về nó nữa. Hồn phách nơi ấy, chỉ còn là một thứ hương thơm lưu vết thị thành. Tất cả chỉ còn đọng trong nỗi nhớ và tưởng vọng của mình mà thôi.

Nếu quê là nơi bám víu và cư ngụ của những nỗi niềm thất lạc - không còn là nơi thuộc về nữa thì rốt cuộc đâu mới là nơi ta thuộc về? Thực ra, chúng ta chẳng có nơi nào để thuộc về cả. Chúng ta có thể thuộc về một khoảnh khắc hoặc một khúc đời nào đó. Nhưng làm sao thuộc về cả một đời rộng. Không ai tắm hai lần trên một dòng sông, ngay cả một cái chớp mắt thôi, nghìn thu dâu bể đã trao tay trùng trùng lớp lớp.

Chính Ngô cũng thừa nhận: “Trên đời này không có gì là mãi mãi, đều tụ rồi tan cả. Giai nhân đến, vui vầy thoáng chốc, rồi đi. Bằng hữu ngồi, bá vai siết cổ rồi đi. Huynh đệ gặp, cười cười nói nói rồi đi. Cuối cùng trong ta chỉ còn sự cô độc mà thôi” (Những ý niệm cũ).

Cuối cùng trong ta chỉ còn sự cô độc mà thôi. Sự cô độc mới chính là quê hương hang cùng ngõ hẻm mà ta trở về để tựa để nương. Ngô đã xác nhận bằng một ngậm ngùi của đời sống. Bằng trải nghiệm cô đơn và quay quắt của mình. Anh sợ hãi bởi “không chịu đựng nổi sự hành hạ của ký ức. Nếu quên được hết, chúng ta yên ổn đến nhường nào”.

Anh không yên ổn. Anh đứng lên ngồi xuống với những cơn nghĩ lan man trong lòng mình. Và rồi ký ức lại hành hạ anh, một người đàn ông hơn 30 tuổi nhưng lắm lúc mê tích xưa chuyện cũ từ đời nảo đời nao như người già. Mà Ngô già hơn tuổi thật. Bởi chỉ có những người già mới thường hay nhắc lại chuyện đã qua. Cũng chỉ có những người già, mới rung động, xót xa và thoảng chút giật mình khi nhắc lại một vài dáng hình, đôi ba câu chuyện vàng ố trong quá khứ. Và vì nhớ nên Ngô đã “đi, ở, nhớ, về”. Ngoài kia “gió mây mẩy mùa, gợi nhớ những điều cũ. Cũng như chúng ta, đang lắng lòng nhớ về ngày đã qua”.

Ngô ngồi ngắm mưa, nhớ lại đôi bàn tay ba với những vết móng nứt rồi nhận ra chớm đó mà hai mươi năm, đời như một giấc mộng ảo, đắm say hoa bướm mà làm gì. Anh nhớ về thời ấu dại với từng khuôn hình của mẹ, của chị, của lũ mối béo ú kéo về trên từng ngọn khói đen. Mùa qua ký ức với sự trở về của những cơn mưa sau rốt, bụi mù bốc mùi thơm ngát hương xưa. Nỗi nhớ khiến anh dịu lòng nhưng cũng khiến anh suy kiệt, Ngô thừa nhận.

“Có kí ức thì mới thành quê hương, quê nuôi mình dép đứt quần cao đến lớp, đất giữ buồn vui, đất biết cả vỡ vụn thuở thiếu thời… làm sao đành lòng quên đất cho được… Rồi ai cũng đến lúc quay về cả thôi, không về được bằng xương bằng thịt thì về bằng niềm thương nỗi tiếc”. Tôi hỏi về những lần bị kí ức hành hạ đó có dư vị gì, anh lắc đầu, anh cũng không biết nữa. Chỉ là khi nhớ về những chuyện đã qua, anh không bao giờ kiềm chế mình. Và rồi, anh cứ ném lòng anh vào đó một cách vô thức và đầy mê đắm.

Khi đọc những dòng anh viết về thân phận ở quê, khóc cười, sướng khổ đều ở quê, mở mắt nhắm mắt cũng ở quê như một thế hệ bị lãng quên, thú thực tôi không nghĩ đó là quê anh mà là quê mình. Nơi chôn nhau cắt rốn ấy, mỗi lần tôi hướng về, lòng cũng đầy se sắt. Có phải làng quê nào trên dải đất này, nơi nào cũng giống nhau? Nơi nào cũng có những con người “ấm áp như lửa khuya đông, thì vẫn mang nhiều dư vị của sự buồn bã”. Nơi nào cũng có những phận người “như con nhạn bị cầm tù trong lồng sắt, ngước mắt hoang hoải nhìn tàn ngày”. Nhưng đó cũng là nơi có những phận người “cung cúc như mẹ ngồi đan áo, chị thổi lửa nấu cơm chiều. An bình mà nhiều lo toan”.

Nhiều người như tôi và anh, sinh ra ở quê, lớn lên, học hành rồi đi xa, tha hương vì một cơn gió bụi. Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn có lần cũng viết trong Yêu dấu tan theo rằng: “Em theo đời cơm áo/ Mai ra cùng phố xôn xao/…Ôi ngày yêu dấu bọt bèo...”. Chúng tôi, thất lạc ngay trong lòng thành phố đang sống. Hà Nội, Sài Gòn hay bất cứ nơi nào đó, cũng không thể bằng một vùng trời đượm mùi hương xưa ấy. Chúng tôi ngóng vọng về đó và gọi bằng hai từ “cố hương” một cách trìu mến nhất. Để rồi, Ngô viết như thế này: “Dẫu có mang tôi đi bất cứ nơi nào đi chăng nữa trên thế giới này, cũng không thể dứt mình ra được khỏi gốc tích nhà quê”. Cái gốc tích ấy trở thành nhân dạng, thành nhớ thương rõ ràng nhất của anh. Và khi nó trở thành nhân dạng rõ ràng nhất, Ngô đích xác là một kẻ ăn mày dĩ vãng nhà quê đúng điệu.

Với Ngô, anh không biết cách nào thoát khỏi sự quyến rũ của thời gian như anh viết trong cuốn sách của mình. Nhưng tôi biết rằng, tất cả suy cho cùng cũng vì anh không muốn thoát ra. Anh muốn đắm chìm, tư lự vào đó. Bởi ở đó có kỷ niệm. Mà một khi, cuộc đời vẫn còn kỷ niệm nghĩa là mình vẫn chưa hẳn đoạn tuyệt với lòng mình. Cuộc đời đáng sợ biết bao nhiêu nếu như ta không còn xúc cảm gì nữa phải không?

Ngô Kinh Luân là cây bút quen thuộc của Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng với một phong cách nhàn đàm tung tẩy, phóng túng và tài hoa. Không biết những người khác như thế nào nhưng trong đám bạn của tôi, có ít nhất 2 người từng nói với tôi rằng một tháng 2 lần họ ra sạp để mua tờ báo về đọc là vì có bài anh viết. Những tản mát trong Đi ở nhớ về đa số đều là những bài anh đã viết từ lâu, trong số báo này hoặc số báo kia, năm này năm nọ. Anh bảo rằng, thật ra, anh cũng không có ý định in thành sách vì không có mưu cầu gì cả. Nhưng bạn đọc thúc giục nhiều lần vì họ có nhu cầu lưu trữ lại. Sau đó, nghĩ lại, anh cũng muốn con anh sau này lớn sẽ được đọc cái gì đó về những thứ anh trải qua nên anh quyết định in.

Tập sách không chỉ có những dòng viết về ký ức, về quê. Đi ở nhớ về còn là những góc nhìn, câu chuyện hiện đại, những mảnh đời anh đã gặp tại thành phố mà anh đang sống. Dù viết về cái gì đi chăng nữa, bao giờ cũng đượm một dư vị man mác nào đó. Như hơi rượu, uống cạn rồi mà vẫn còn men… Và nhất là, kết thúc mỗi trang viết, bao giờ cũng thế, đọng lại vẫn là chút tình dung dị anh dành cho con người, cho cuộc đời.

Có vài lần Ngô nói đùa chẳng hiểu tại làm sao độc giả của anh nữ giới nhiều hơn nam giới. Tôi mới trêu lại rằng, chắc tại anh viết những cái rong rảo bước thẳng vào trái tim đàn bà; mà đàn bà lại là giống loài dễ bị lừa tình nhất quả đất. Ngô không nói gì mà chỉ cười, nhưng tôi biết độc giả nam giới của anh cũng rất nhiều.

Đôi khi sau những chát chúa, mệt mỏi của đời sống, người ta chỉ thích vùi mình vào vài ba thứ linh tinh, lắm lúc lãng nhách. Văn Ngô chẳng hạn. Những trang viết đó, đôi khi chẳng liên quan đến nhau, có chỗ rời rạc nhưng sau cùng, người đọc vẫn thứ tha hết thảy cho cây bút phóng túng như Ngô. Bởi ở đó, có rủ rỉ của chính cuộc đời họ. Nhất là trong những mưa gió, thêm một tách trà nóng, loa văng vẳng những câu boléro của nhạc sỹ Văn Trí: Chạnh lòng tôi thấy, lá vàng rơi nhẹ say mơ/… Lưng trời đàn chim bơ vơ/ Đóa hoa phù dung trắng xóa/… Ngàn cây hiu hắt tiếng nhà thì đọc những điều Ngô viết, chỉ muốn vứt bỏ hết thảy về lại quê xưa.

Bởi tất cả những gì mà chúng ta đang đeo bám, nói cho cùng cũng chỉ là một thứ ảo ảnh mà thôi: “Kìa phồn hoa còn đó/ Những con đường buồn vui lộng gió/ Những ân tình chìm trong lòng phố/ Cũng theo hư không mà đi” (Ảo ảnh/ Y Vân). n

Đậu Dung
.
.