Cố lãnh tụ CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il: Suốt đời tôi lúc nào cũng học

Thứ Sáu, 30/12/2011, 10:15
Việc nhà lãnh đạo Kim Jong-il của CHDCND Triều Tiên qua đời ngày 17/12 đã tạo nên những dư chấn không nhỏ trên chính trường quốc tế. Và cũng đã xuất hiện rất nhiều những đánh giá khác nhau về nhà lãnh đạo này cũng như về người con trai út của ông, Đại tướng Kim Jong-un, sẽ lên kế tục sự nghiệp của cha mình lãnh đạo đất nước. Để bạn đọc hiểu rõ hơn và chuẩn xác hơn về ông, xin trích giới thiệu những thông tin mà theo chúng tôi, khá khách quan và đứng đắn lấy từ những nguồn được công bố trên báo chí nước ngoài.

“Một người bình dị”

Trung tướng Konstantin Pulikovsky từng tốt nghiệp Trường Sĩ quan tăng ở thành phố Ulianovsk (quê hương của Lênin). Đây là một trong những vị tướng Nga đã trải qua nhiều trận chiến và phải hy sinh đến cả giọt máu của mình cho đất nước. Từ tháng 5/2000 tới tháng 11/2005, tướng Pulikovsky từng là đại diện toàn quyền của Tổng thống Nga ở khu vực Viễn Đông. Trên cương vị này, ông đã từng tháp tùng nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il từ ngày 26/7 tới ngày 18/8/2001 khi ông này sang thăm chính thức nước Nga trên đoàn xe lửa lừng danh của mình.

Trong cuốn sách Đoàn tàu tốc hành phương Đông - đi thăm nước Nga cùng ông Kim Jong-il, tướng Kulikovsky đã kể rất chi tiết về những thói quen và tính cách nhà lãnh đạo Triều Tiên. Và ông cũng dẫn ra lời nhận xét của ông Vladimir Putin (khi ấy đang là Tổng thống Nga) về ông Kim Jong-il sau những lần được tiếp xúc gần với ông này: “Khi tôi được bay cùng trên phi cơ dành cho Tổng thống trên đường từ Bình Nhưỡng về Moskva, ông Putin có nói với tôi rằng, ông ấy đã phải nghe quá nhiều điều bịa đặt về nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Kỳ thực thì ông Kim Jong-il là một người rất có văn hóa, một chính trị gia hiểu biết và thông thạo các vấn đề quốc tế, có khiếu hài hước, thích âm nhạc và điện ảnh... Chính nhờ ông Putin tiết lộ mà các nhà báo mới biết rằng, trong kho phim của ông Kim Jong-il có tới 20 nghìn bộ phim và ông ấy cũng là người rất thích xem đua xe hơi...”.

Trong cuốn sách kể trên, tướng Pulikovsky đã thuật lại câu kể của ông Kim Jong-il trong chuyến đi thăm nước Nga 2001:

“Các phương tiện thông tin đại chúng phương Tây đưa về tôi rất nhiều điều bịa đặt. Cụ thể, ở St. Peterburg, tôi đã đọc được tin, như thể tôi đã cho nghỉ việc Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng Nhà nước Jo Myong-rok, Bí thư BCH TW Đảng Lao động Triều Tiên Kim Young-soon. Trong khi thực ra mọi chuyện không phải như thế. Kim Young-soon hiện đang nghỉ phép. Cả hai đồng chí ấy sẽ lại đi làm việc. ở khắp thế giới, tôi luôn là đối tượng để chỉ trích. Nhưng tôi nghĩ: Một khi họ phê phán tôi thì tức là tôi đang đi đúng đường”. ông Kim Jong-il cũng từng nói: “Tôi không thể làm một nhà ngoại giao. Các nhà ngoại giao luôn bảo đen là trắng, luôn tấm tắc khen ngon trong khi không hề ngon chút nào. Còn tôi thì luôn nói thẳng”.

Sau khi hay tin ông Kim Jong-il qua đời, trả lời phỏng vấn tờ Izvestia, ông Pulikovsky đã dành cho ông này không ít những lời thiện chí.

- PV: Ông Kim Jong-il hay bị gọi là nhà độc tài. ông có đồng ý với cách đánh giá này không?

- Tướng Pulikovsky: ông Kim Jong-il không phải là nhà độc tài. ông ấy chỉ đơn giản là một vị lãnh đạo quốc gia đã tạo nên một chính quyền mạnh và thiết lập trật tự ở đất nước mình. ở CHDCND Triều Tiên hầu như không có nạn nghiện ngập ma túy, mại dâm, không có cảnh đói kém hoành hành. Chỉ vì những việc này cũng đủ phải kính trọng ông ấy. Còn những lời buộc tội về sự độc tài là từ những kẻ theo chủ nghĩa tự do ở phươngTây và ở Nga, những kẻ không thích trật tự.

- Có cảm giác về sự độc tài nảy sinh vì nếp sống kín đáo của ông ấy?

- Ông ấy kín đáo như một nhà lãnh đạo quốc gia. Còn trong đời thường, đó là một con người rất cởi mở, tình cảm. ông ấy hát các bài hát Nga hay lắm. Tôi nhớ, trong một cuộc gặp gỡ, ông ấy đã hát cả bài: “Đêm dài qua dưới mưa rơi, Em mong chờ anh tới...”. ông ấy nói tiếng Nga thì không sõi lắm nhưng nghe cũng hiểu hết.

- Đội ngũ cán bộ thân cận với ông ấy như thế nào?

- Tất cả các vị Bộ trưởng, các cấp lãnh đạo trong bộ máy đều do cha ông ấy để lại cho ông ấy. ông ấy đã mấy lần nói với tôi rằng, không nhất thiết phải vâng lời các bậc trưởng lão ấy. ông Kim Jong-il đã tiến hành chính sách của mình, tự đưa ra các quyết định, còn đội ngũ cán bộ thân cận chỉ đơn thuần có mặt chứng kiến. ông ấy luôn đến thăm các công trường, các cuộc diễn tập quân sự, các nhà máy sản xuất công nghiệp... Nếu ông ấy nghe thấy có vấn đề gì thì luôn luôn tự đi tới thực địa tìm hiểu để giải quyết. Đội ngũ cán bộ thân cận đảm bảo cho ông ấy phần thủ tục hành chính, nhưng ông ấy bao giờ cũng kiểm tra lại thông tin và không quá lắng nghe những lời mà đội ngũ cán bộ thân cận mách bảo.

- Tức là ông ấy có những nguồn thông tin riêng của mình?

- Tôi nghĩ là có. ông Kim Jong-il là người nắm rất nhiều thông tin, bất chấp việc thiên hạ có nói vì về cái gọi là bức màn sắt bao bọc lấy CHDCND Triều Tiên. Tôi đã rất kinh ngạc về mức độ thông tin mà ông ấy nắm. Trong thời gian ông ấy đi thăm nước Nga, người ta đã phóng riêng một vệ tinh liên lạc lên để đảm bảo các mối liên hệ với tất cả thế giới. Các toa trong đoàn tàu của ông ấy đều lắp đầy các màn hình. Trên đấy hiện ra đầy đủ các thông tin về tỉnh mà ông ấy đi qua, kể cả tên họ các nhà lãnh đạo tỉnh.

- Ông Kim Jong-il đánh giá thế nào về các quốc gia khác?

- Ông ấy không bao giờ bộc lộ đánh giá của mình về các nước khác. ông ấy có đưa ra ý kiến về lãnh đạo một số nước, nhưng luôn tỏ thái độ kính trọng đối với các dân tộc và các quốc gia. Với cả Nhật Bản và cả Hàn Quốc cũng thế.

- Ông ấy có tạo ra ấn tượng là một người giàu có không?

- Ông ấy dẫu sao cũng là nguyên thủ quốc gia, sống trong những ngôi nhà sang trọng... Nhưng trong sinh hoạt đời thường là một người rất đơn giản. Trang phục giản dị, ăn những đồ ăn bình thường, không đeo nhẫn, vòng và thậm chí cả đồng hồ...

- Nhưng ông ấy lại đi trên đoàn tàu bọc thép...

- Đoàn tàu bọc thép, đó là một chuyện tiếu lâm không thành công của báo chí Nga. Chính tôi đã đi trên đoàn tàu đó 24 ngày - đó chỉ là một đoàn tàu bình thường. Điều khác biệt duy nhất, theo lời kể của cán bộ bảo vệ ông ấy, là trong toa mà ông Kim Jong-il ở thì sàn toa được bọc thép. Vấn đề là ở chỗ, giữa đoàn Nga và đoàn Triều Tiên có một toa tàu chở động cơ diezel với những cửa sổ nhỏ ở phía trên. Chính vì thế nên nhìn vào người ta cứ tưởng cả đoàn tàu đều bọc thép. Phía Nga đã đảm trách tất cả mọi khâu bảo vệ. Còn ông ấy đã chỉ đi cùng 12 cán bộ bảo vệ thôi.

- Ông có tiếp xúc với con trai của ông ấy không?

- Anh Kim Jong-un tạo cho tôi cảm giác là một thanh niên rất có học và rất năng động. Tôi nhớ là khi đó, ông Kim Jong-il có nói với tôi rằng, ông ấy còn hai người con lớn nữa đều làm doanh nhân, một người thậm chí còn từng ở Nhật Bản, vì thế ông ấy không tin tưởng giao cho họ quản lý đất nước, mà sẽ giao cho người con trai út, rất quan tâm tới chính trị.

Người dân Triều Tiên tại Bình Nhưỡng khóc thương khi hay tin nhà lãnh đạo Kim Jong-il từ trần.

Còn học là còn sức trẻ

Nhạc sĩ Nga Nikolai Druzhenkov, chuyên về phối khí, đã từng sang CHDCND Triều Tiên khoảng 5-6 lần theo lời mời từ Bình Nhưỡng. Tại đó, ông đã phối khí cho một số bài hát đồng ca của người Triều Tiên, và được đánh giá cao. Chính vì thế nên ông cùng với GS âm nhạc Stanislav Kalinin, một chuyên gia cao cấp về đồng ca, được mời tới gặp mặt ông Kim Jong-il. Nhạc sĩ Druzhekov kể:

“Chúng tôi đã tới biệt thự của ông ấy ở bờ biển phía đông. Cuộc gặp gồm hai phần. Trong phần đầu, nhóm đàn ông của đoàn, bao gồm tôi với GS Kalinin, đã thông qua người phiên dịch trò chuyện với ông Kim Jong-il quanh một cái bàn hội nghị lớn. Chúng tôi nói về số phận của âm nhạc, về vai trò mà âm nhạc đang giữ trong cuộc sống hôm nay.

ông ấy khuyên tôi nên quan tâm hơn tới phần dành cho giọng alto (nữ trầm). Tôi buột miệng nói ra sự ngạc nhiên của mình trước một nhận xét mang tính chuyên môn như thế. Kim Jong-il mỉm cười và bảo: “Suốt đời tôi lúc nào cũng học”. Người Triều Tiên có một câu thành ngữ, đại ý, còn học là còn sức trẻ. Rồi sau đó là một bữa tiệc nhỏ. ông ấy đã nói đùa và kể chuyện tiếu lâm... ông ấy nói rằng khi đi thăm Nga trên đoàn tàu của mình, ông ấy đã thử tất cả các loại rượu vodka. Và ông ấy thích nhất là rượu Russky Standart. Hôm đó, ông ấy cũng mời chúng tôi uống loại rượu này...”.

Theo nhận xét của nhạc sĩ Druzhenkov, hôm đó “trông Kim Jong-il rất hồ hởi và vui vẻ. ông ấy có cặp mắt rất sống động. Mặc dù cuộc trò chuyện được tiến hành thông qua phiên dịch viên nhưng có thể thấy rõ là ông ấy hiểu được tiếng Nga. ông ấy bàn bạc về mọi chuyện một cách tự do hoàn toàn. Có cảm giác là ông ấy có vốn học vấn rất siêu - ông ấy biết rõ toàn bộ nền văn hóa châu âu, các nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, các nhà triết học...”.

Nhạc sĩ cũng thổ lộ: “Trong tôi còn lại những hồi ức rất trong trẻo về ông Kim Jong-il và người dân Triều Tiên. Dù họ đang phải sống kham khổ nhưng họ có trữ năng tập trung sức lực của mình vô tận. ở đó khi máy xúc hỏng thì mọi người không khoanh tay thúc thủ mà cầm lấy xẻng lao vào giúp đỡ. ở đó nếu không còn cáng nữa thì mọi người sẽ cởi áo ra và dùng nó để chuyên chở đá. ở đó họ làm việc với sự nhẫn nại vô biên. Họ giống như cái lò xo đã được nén chặt. Nếu nhà lãnh đạo mới Kim Jong-un, người từng theo học ở Thụy Sĩ,  tạo ra được một cú nhảy vọt về kinh tế nào đó thì những nỗ lực của anh ấy hoàn toàn có thể đạt được thành công...”

Phạm Huy Dũng
.
.