Cố lãnh đạo CHDC Đức Eric Honecker: Kiên trì một lối mà đi

Thứ Hai, 02/07/2012, 15:15
Ngày 11/6/2012, vào lúc 15 giờ 17 phút, lãnh tụ trên “hòn đảo Tự do” Fidel Castro Ruz đã viết những suy tư của mình về nhà lãnh đạo quá cố của nước CHDC Đức cũ: “Người Đức có tinh thần cách mạng nhất mà tôi từng được biết là Erich Honecker. Ai cũng sống với thời đại của mình. Nếu so sánh với bất cứ một thời đại nào trước, thì thời mà chúng ta sống bất trắc vô cùng tận. Tôi từng được hạnh ngộ quan sát quan điểm mà ông Honecker đã chọn ở thời khắc mà ông buộc phải trả giá đắng đót cho sai lầm được gây nên do những kẻ đã bán linh hồn mình cho quỷ dữ để đổi lấy vài ngụm vodka. Tới hôm nay, tôi vẫn gìn giữ tinh thần đoàn kết sâu sắc đối với ông Honecker”.

Có lẽ nhà cách mạng kỳ cựu ở Cuba không ngẫu nhiên đầu mùa hè năm nay lại nhớ tới ông Honecker. Không lâu nữa sẽ tới lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông Honecker (ông sinh ngày 258/1912) và việc nhắc nhở lại tấm gương kiên định cách mạng của ông hiển nhiên sẽ giúp cho những thế hệ cộng sản lớp sau có thêm sức mạnh để tiếp tục sự nghiệp dẫu còn nhiều khó khăn nhưng không bao giờ là tuyệt vọng của mình.

Tả khuynh từ nhỏ

Erich Honecker là con thứ ba trong gia đình có 6 người con của thợ mỏ Wilhelm Erich. Chịu ảnh hưởng từ người cha vốn hoạt động rất tích cực trong phong trào Công đoàn, ngay từ năm lên 10 tuổi, nhà lãnh đạo tương lai đã tổ chức Liên đoàn Spartacus. Lớn thêm chút nữa, năm 1926, ông đã tham gia Liên đoàn thanh niên Cộng sản Đức (KJVD), “đội hậu bị” của Đảng Cộng sản Đức (KPD). Tới năm 1929, ông trở thành đảng viên KPD.

Đầu những năm 30 của thế kỷ trước, Erich Honecker đã sang Moskva để theo học ở Trường Quốc tế Lênin và từ đó, ông đã dành toàn bộ cuộc đời của mình cho hoạt động chính trị tả khuynh.

Năm 1931, Honecker quay trở về Đức hoạt động cách mạng. Năm 1935, hai năm sau khi lực lượng phát xít do Hitler cầm đầu lên nắm quyền, ông đã bị chúng bắt giữ. Năm 1937, ông bị kết án 10 năm tù vì các hoạt động cộng sản và bắt buộc phải ở tù cho tới khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai.

Trong quá trình chuẩn bị khai sinh cho nước Cộng hòa Dân chủ Đức trên vùng lãnh thổ mà Moskva đã giành được quyền quản lý sau khi chế độ Quốc xã bị xóa sổ ở Đức, ông Honecker đã rất tích cực tham gia các hoạt động trong đảng dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Walter Ulbricht. Năm 1946, ông trở thành một trong những thành viên đầu tiên của Đảng Thống nhất Xã hội chủ nghĩa Đức (SED), được hình thành từ sự hợp nhất của KPD với Đảng Xã hội Dân chủ (SPD) ở Đông Đức.

Sau chiến thắng của SED trong cuộc bầu cử tháng 10-1946, Honecker đã là một trong số những lãnh đạo đầu tiên của SED trong Đại hội Nhân dân Đức, tức là nghị viện Đông Đức thời hậu chiến. Khi nước CHDC Đức được tuyên bố thành lập ngày 7-10-1949 theo mô hình tương tự như ở Liên Xô, ông Honecker đã là một ứng viên cho chức Bí thư Ủy ban Trung ương. Tới năm 1958, ông đã là một ủy viên chính thức của Bộ Chính trị SED… Chính ông với tư cách Bí thư Ủy ban Trung ương về các vấn đề an ninh, đã đứng ra chịu trách nhiệm xây dựng Bức tường Berlin năm 1961. Tới năm 1971, ông đã chính thức trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của CHDC Đức trên cương vị Bí thư thứ nhất Ủy ban Trung ương SED và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Năm 1976, ông cũng đã giữ luôn chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước…

Phải nói rằng, dưới sự lãnh đạo của ông Honecker, CHDC Đức đã là “ốc đảo phồn vinh” hàng đầu trong hệ thống các quốc gia xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Sau này, khi đã sa cơ, ông Honecker vẫn cho rằng, mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa ở Đông Đức trong những năm ông lãnh đạo là “phát triển nhất, là phương án có thực để thay thế chế độ đế quốc”…

Trong quan hệ quốc tế, ông cũng đã duy trì một chính sách mềm dẻo hướng tới giảm bớt căng thẳng, ngay cả với Tây Đức. Tháng 9/1987, ông đã là lãnh đạo nhà nước đầu tiên của Đông Đức viếng thăm Tây Đức… Tuy nhiên, trong cuộc viếng thăm này, do lời lẽ đối đáp của vị Thủ tướng CHLB Đức lúc đó là ông Helmut Kohl ở các cuộc tiếp đón chính thức “lại có ý thêu dệt thô thiển”, nên trong bài phát biểu của mình, ông Honecker đã phải nhấn mạnh: “Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản khó hòa nhập như nước với lửa”.

Sắc màu không đổi

Khi nhà lãnh đạo Xô viết Mikhail Gorbachev khởi xướng công cuộc cải tổ (perestroika) vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước, ông Honecker đã từ chối áp dụng các cải cách tương tự tại CHDC Đức. Đích thân ông đã nói với Gorbachev: “Chúng tôi đã tiến hành cải tổ của mình từ trước rồi, chúng tôi chẳng có gì phải cơ cấu lại”. Tuy nhiên, vật đổi sao dời, cuối cùng ông cũng đã bị những thế lực trở cờ trong nội bộ buộc phải từ chức ngày 18/10/1989. Cũng từ thời điểm đó, CHDC Đức đã bắt đầu tuột xích trên con dốc tiến tới diệt vong không gì cưỡng nổi. Và ông cùng người vợ trung thành của mình, bà Margot, cũng bắt đầu phải dấn thân vào hành trình khổ nạn.

Sau khi CHDC Đức bị xóa bỏ tháng 10/1991, vợ chồng ông Honecker đã bắt buộc phải vào tá túc trong một quân y viện của lực lượng quân sự Liên Xô đóng tại Đông Đức. Sau đó, họ được bí mật đưa sang Nga để tránh những lời buộc tội vô căn cứ của chính quyền mới. Khi Liên bang Xô viết chính thức tan rã tháng 12/1991, ông Honecker đã phải vào tị nạn trong đại sứ quán Chilê ở Moskva một thời gian, cho tới khi bị chính phủ phản trắc do Boris Yeltsin đứng đầu trục xuất về Đức năm 1992… Và ông đã bị đưa vào nhà tù Moabit ở Tây Berlin 169 ngày đêm để chuẩn bị hầu tòa. Tuy nhiên, trước khi phiên toà chính thức mở ra đầu năm 1993, ông Honecker đã được thả vì sức khoẻ kém. Và ông đã cùng vợ đã sang Chilê sống cùng con gái Sonja, lấy chồng ở đó. Tới tháng 5/1994, ông đã qua đời tại Santiago de Chile vì bệnh ung thư gan…

Không bao giờ đầu hàng

Những năm cuối đời không lấy gì làm vui vẻ đã không bẻ gãy được ý chí cách mạng của ông Honecker. Trong những ngày buộc phải sống ở “địa ngục Moabit” (như chính ông gọi), ông vẫn tiếp tục suy tư về con đường đã chọn của mình một cách lao lung. Và tại đó, ông đã có những trang ghi chép anh minh và thấm thía. Tập sách Những ngày cuối đời được bà quả phụ Margot xuất bản (lần đầu vào năm 1994, hai ngày sau khi ông mất, và lần sau, có bổ sung thêm tư liệu mới, vào năm 2009) cho thấy, ông vẫn giữ nguyên các quan điểm chính trị theo tư duy giai cấp của mình.

Trong tập sách này, ông đã kịch liệt phê phán nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên bang Xô viết, Gorbachev. Theo ông, Gorbachev đã không ý thức được chính ông ta đã trở nên suy đồi thành một tên thảo khấu. Cái gọi là tư duy toàn cầu của ban lãnh đạo Xô viết ở cuối những năm 80 thế kỷ XX đã dẫn tới một thảm họa toàn cầu, làm mất cân bằng thế lực quốc tế dẫn tới một tình trạng hỗn loạn mà cho tới nay, nhân loại vẫn phải đang gánh chịu. Ngay ở thời điểm đó, ông Honecker đã dự cảm rằng, vì chính sách cải tổ theo cách của Gorbachev, “sẽ có hàng triệu người - không chỉ là những người ở Liên Xô trước kia - phải chịu đau khổ một thời gian dài nữa”…

Nhận định về tương lai ở phần cuối sách, ông viết: “Đâu có phải là quá lời khi nói rằng chủ nghĩa tư bản đã bị cuốn chặt vào một mớ bòng bong khổng lồ của các mâu thuẫn luôn luôn đòi hỏi phải có những giải pháp cấp bách. Chỉ trẻ con mới có thể tin rằng “thị trường rồi sẽ sắp xếp ổn thỏa mọi việc đâu vào đó”. Sẽ không có bất cứ một vấn đề nào đang thách thức nhân loại sẽ được giải quyết theo cách đó. Vậy nên sẽ không thu xếp được ổn thỏa thì sẽ tất yếu xuất hiện những lực lượng xã hội mới đề giành lấy và tạo dựng những mối quan hệ xã hội mới. Hoặc là nhân loại sẽ bị chủ nghĩa tư bản xô xuống vực thẳm, hoặc là nhân loại sẽ chế ngự được nó. Điều sau chắc chắn sẽ có xác suất cao hơn và thực tế hơn, vì các dân tộc đều muốn sống…”.

Không ngẫu nhiên mà trong lời nói đầu ở lần in thứ hai tập sách Những ngày cuối đời năm 2009, bà quả phụ Margot đã viết: “Quan điểm của ông lúc nào cũng rõ ràng và rành mạch. Tôi nghĩ rằng, bây giờ càng có nhiều người công nhận lẽ phải trong các lập luận hồi trước của ông và hiểu rằng họ đã không đánh giá hết được những hệ lụy của việc tan rã Liên bang Xô viết”…

Trong những trang viết ở nhà tù Moabit, ông Honecker đã đưa ra nhiều lập luận biện minh cho việc thành lập nước CHDC Đức và xây dựng bức tường Berlin trong những điều kiện cụ thể của hoàn cảnh lịch sử: “CHDC Đức là kết quả của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai và của tình hình thời hậu chiến… Chiến tranh đã chỉ kết thúc khi Berlin chỉ còn là một đống đổ nát. Trong lúc mọi sự đang còn rất rối rắm thì các nước Đồng minh, tức là phía chiến thắng, lại tự tách ra làm hai phe. Và nước Đức cũng bị mặc nhiên tách làm hai chứ không còn là một quốc gia, trong khi đó, người dân Đức không hề được hỏi ý kiến. Rồi các nước Đồng minh phương Tây lại hợp nhất các vùng mà họ kiểm soát thành một vùng tay đôi, rồi một vùng tay ba. Và rốt cuộc nhà nước CHLB Đức đã được thành lập, rồi sau đó nước CHDC Đức mới ra đời…”.

Ông Honecker cũng đã thêm một lần khẳng định rằng: “Cái gọi là chế độ độc tài mà người ta định gán cho CHDC Đức không hề tồn tại trong thực tế”. Theo ông, dù chủ nghĩa xã hội đã mắc sai lầm và thiếu sót đến đâu đi chăng nữa thì đó vẫn không phải là cái cớ và càng không có quyền phỉ báng các thành quả mà chế độ đó đã mang lại cho những người lao động”. Ông đánh giá perestroika như một thảm họa, còn Gorbachev là “một kẻ phản bội”… Cũng theo ông Honecker, CHDC Đức bị xóa sổ là do “những kẻ phá hoại ngầm gây ra”…

Ông Honecker cho rằng, phiên tòa mà những kẻ đắc thế dự định mở ra để xét xử ông chỉ là một trò báo thù tiếp nối Chiến tranh lạnh của lực lượng “thừa thắng xông lên”…

Tống Viết Trung
.
.