Nhà văn Nga Aleksey Tolstoy (10/1/1883 - 23/9/1945):

Có em anh mới thành công

Thứ Sáu, 04/01/2013, 10:30
Nhà văn Aleksey Tolstoy vốn được gọi vui là “đồng chí bá tước” vì xuất thân từ một dòng họ danh gia vọng tộc, họ xa đằng nội với văn hào Liev Tolstoy. Thế nhưng, trên phương diện văn học, ông là một điểm nhấn rất xuất sắc trong nền văn học Xôviết với những bộ tiểu thuyết đỉnh cao như “Con đường đau khổ” hay “Piotr Đệ nhất”...

Sinh thời, Aleksey Tolstoy từng được mọi phú quý nhờ tài năng văn chương, được trao nhiều giải thưởng cao quý của Liên Xô cũ. Tuy nhiên, đời tư của ông đã trôi qua không hề yên ả. Rất may mắn cho ông là những người phụ nữ từng đến với ông trong cuộc đời đã luôn luôn gượng nhẹ đến mức ưu ái đối với những  đoạn trường tình cảm mà ông từng trải qua.

Năm 1883, cả thành phố Samara đã đàm tiếu không ngớt về vụ án liên quan tới bá tước Nikolai Tolstoy, thân phụ của nhà văn tương lai. Nhà quý tộc hào hoa phong nhã này đã bất ngờ gặp vợ mình tại ga tàu hỏa khi bà đi cùng tình nhân, cũng là một nhà quý tộc. Ông đi theo bà lên toa tàu và van nài bà trở về với gia đình.

Thấy thế, gã tình nhân của bà đã gây sự với ông và ông đã rút súng ngắn ra bắn y bị thương. Tại tòa, bá tước Nikolai đã được trắng án - thôi thì ghen tuông vốn thói thường tình không chỉ của các Hoạn Thư mà còn của các công hầu khanh tướng nữa. Tuy nhiên, chuyện gia đình của ông đã vĩnh viễn không bao giờ hàn gắn được nữa.

Vợ ông, đang bụng mang dạ chửa,  bỏ ông đi, để lại ba người con mà sau này, bà không bao giờ gặp lại. Người con út Aleksey được tình nhân của mẹ nhận làm  con nuôi. Tuy nhiên, Aleksey Tolstoy vẫn được người cha để cho thừa kế tước vị bá tước và một phần gia sản đáng kể. Bởi vậy khi lớn lên, nhà văn tương lai đã sống một cuộc đời dư dật.

Tới năm 1914 ở Moskva, bá tước Tolstoy nổi tiếng là một người tài hoa, không phải nhờ chịu khó trau dồi đèn sách mà do bẩm sinh - ông viết sách dễ dàng như thở! Xuất hiện bằng một tập thơ đầu tay mang tên Trữ tình năm 1907 (mà về sau ông đã phải đi lùng mua hết những bản còn lại để đốt vì không muốn hậu thế đọc những câu thơ mà ông cho là kém cỏi này), chỉ trong vòng 5-7 năm ông đã liên tục cho ra đời hai tiểu thuyết Những kẻ kỳ quặcÔng lớn thọt cùng nhiều truyện ngắn và truyện vừa (in rõ ảnh hưởng của những bậc tiền bối, nhất là Gogol).

Tới gần tuổi tam thập, bá tước đã kịp kết thúc một cuộc hôn nhân dân sự với một trong những mỹ nữ được coi là thông minh nhất  thành Moskva. Trông bề ngoài, bá tướcTolstoy có vẻ như hiền lành nhưng ông có thể trở nên rất dữ tợn. Người ta kể lại rằng, ở Syzran, quê hương người vợ đầu, bá tước có vẻ như cũng thích vợ một luật sư sở tại, một phụ nữ cực kỳ hấp dẫn.

Nhà văn Aleksey Tolstoy.

Nhà văn đã buông “những lời có cánh” nồng nhiệt tới mức người đẹp phải kêu ca với chồng. Vị luật sư mời bá tước tới trò chuyện trắng đen. Nhà văn từ chối xin lỗi và đòi đấu súng. Thậm chí hai người còn ẩu đả lẫn nhau... Suýt nữa thì lại một bi kịch tương tự như với thi hào Puskin đã xảy ra cho nền văn học Nga, có điều bá tước Tolstoy ở đây trong vai trò Dantes!...

Lại còn một chuyện khác nữa: khi vợ chồng ông không làm lễ cưới trong nhà thờ và sống ở nhà một thi sĩ bầu bạn, người vợ ra đầm tắm. Một gã du côn nào đó tới trêu chọc nàng và nàng chạy về gọi chồng. Đang cạo râu ở trước gương, bá tước, tay vẫn cầm dao cạo và mặt đầy bọt xà phòng, đã lao như tên bắn ra ngoài phố đuổi kịp tên du côn nọ để trừng trị... Ai bảo nhà văn chân yếu tay mềm?

Một ngày đẹp trời năm 1914, bá tước Tolstoy, lúc đó đang làm phóng viên của tờ Tin tức Nhà nước Nga và say sưa trong không khí “trai tơ”, khét tiếng đào hoa trong giới thượng lưu ở Moskva.  Có tin đồn nhà văn lại chuẩn bị đính hôn với một nữ diễn viên ballet xinh đẹp và tài năng 19 tuổi. Tiễn ý trung nhân vũ công tới Nhà hát tập múa, bá tước Tolstoy lang thang trên phố.

Bất ngờ, ông gặp một nữ sĩ trẻ, Natalia Visilievna Krandievskaya, một thiếu phụ đã có chồng và có thơ được chính những tên tuổi lớn như Aleksandr Blok hay Ivan Bunin khen ngợi. Natalia Visilievna sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống văn học, năm lên 7 đã bắt đầu viết thơ và xuất bản những bài thơ đầu tiên khi mới 14 tuổi...

Bình thường, nhìn Natalia Visilievna, bá tước Tolstoy cũng chỉ thấy bình thường thôi nhưng hôm đó không hiểu sao trong lòng nhà văn lại tràn trề hứng khởi. Bá tước mời người phụ nữ làm thơ hãy đi dùng bữa trong nhà hàng... Chị định từ chối nhưng không hiểu vì sao, lại không từ chối được.

Bắt đầu một đoạn đường đời rối lẫn. Bá tước Tolstoy như bị “mắc cạn” giữa cô diễn viên thanh tân ngây thơ và thiếu phụ làm thơ. Khi đó đang diễn ra cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Số phận nhiều quốc gia trong vòng nguy hiểm. Vậy mà hai người lớn, một nhà văn và một nữ sĩ, không làm sao hiểu nổi thực sự trong lòng họ đang có chuyện gì. 

Tối tối, bá tước Tolstoy lân la ở Nhà hát Lớn rồi đưa mỹ nhân về nhà khi tan vở diễn. Sau đó, ông lại tới nhà Natalia Vasilievna đàm đạo (chồng nữ sĩ, một luật sư, lại ở Saint Peterburg hành nghề)... Hai người ngồi trò chuyện với nhau bên bàn tới khuya về văn học, về linh hồn thế giới, về cuộc đời... Họ chỉ không đả động tới điều đang thực sự làm họ trái tim họ nổi sóng.

Rốt cuộc thì Natalia Vasilievna cũng bắt đầu cáu kỉnh và chính bá tước Tolstoy cũng không còn giữ được phong độ nam nhi “tỉnh như sáo” nữa. Ít ra thì Natalia Vasilievna cảm thấy như thế sau một tối khi chị tiếp khách cùng với chồng mình, vừa ở “kinh đô phương bắc” về. Bá tước tới chơi cùng với mỹ nhân múa. Bên cạnh đó còn có chị gái của nữ sĩ, một nhà tạc tượng tài năng, cùng chồng...

Bá tước đề nghị chị gái nữ sĩ nặn tượng hôn thê của ông... Một buổi tối kỳ quặc, bá tước  cười nói rất nhiều, liên tục tung ra “những lời có cánh”. Tuy nhiên, tất cả đều cảm thấy khó ở. Mỹ nhân múa dịu dàng ngoan ngoãn chốc chốc lại phải nhìn ông bằng cặp mặt e ngại... Natalia Vasilievna không biết rằng ngay hôm trước, bá tước đã ngỏ lời cầu hôn với mỹ nhân múa nhưng bị từ chối. Có lẽ vì thế nên dường như bá tước đã mất đi vẻ hài lòng thường lệ... Đêm đó, khi chồng đã ngủ say rồi, Natalia Vasilievna còn thao thức mãi... Chị bị ám ảnh bởi thái độ lạ thường của bá tước.

Vài ngày sau, họ gặp nhau. Nhà văn thổ lộ tâm sự thật. Thế là cuộc hôn nhân thị dân có vẻ như bình ổn của vị luật sư đã tan thành tro bụi. Sau đó không lâu, tháng 12/1914, Tolstoy viết thư cho chị: “Natasha! Linh hồn của anh, người yêu của anh, trái tim của anh, anh yêu em vĩnh cửu! Đến bây giờ anh vẫn chưa thể hoàn hồn bởi cú chấn động, bởi sức mạnh đã rời khỏi anh và đã ngấm vào anh từ em. Anh không muốn biện minh gì cả, anh không muốn ngạc nhiên bởi bất cứ sự gì. Anh chỉ tin bằng tất cả tinh thần anh rằng, hôn nhân đã gắn bó chúng ta vĩnh viễn!”.

Sau chuyến công tác trở về từ chiến trường, bá tước Tolstoy đã tới căn hộ mới, nơi Natalia Vasilievna chờ ông với một người con trai mà bà đã mang theo từ gia đình cũ. Một thời gian sau, gia đình có thêm một gương mặt mới, cậu con trai bé nhỏ Nikita! Bản thân là một nữ sĩ rất có tài, Natalia Vasilievna tự nguyện từ bỏ sáng tác để thực hiện chức phận vợ hiền và thư ký riêng cho người chồng vĩ đại.

Trên thế giới này quả thực chẳng có gì mới nhưng hai người đã ở bên nhau đằng đẵng hai mươi năm trời. Họ đã cùng nhau trải qua vô số muối mặn gừng cay, cả vui sướng lẫn đau khổ ở nước Nga và ở cả nước ngoài, nơi họ đã di cư sau khi Cách mạng Tháng 10 năm 1917 thành công. Họ chỉ quay về cố hương năm 1923 và từ đó, Aleksey Tolstoy liên tục gặt hái những thành công trong sáng tác. Ông dường như có tất cả mọi thứ, cả những số lượng phát hành sách khổng lồ, cả vinh quang, cả căn hộ rộng rãi ở Leningrad (Saint Peterburg cũ) và một trại nghỉ ngoại ô ở khu Hoàng thôn...

Tuy nhiên, dần dà, tâm hồn náo động của nhà văn yêu đời yêu người quá độ này lại cảm thấy cuộc hôn nhân bình ổn của mình trở nên tẻ nhạt. Còn vợ ông với trái tim nhạy cảm và trí tuệ mẫn tiệp của một người thơ đích thực, lại cảm thấy dường như ông đang trở nên quá phù hoa. Năm 1929, Natalia Vasilievna viết trong nhật ký: “Tôi yêu bầu im lặng, tôi nở tung ra trong bầu im lặng. Thế nhưng, anh ấy lại bảo: “Anh sợ im lặng lắm. Im lặng giống như cái chết...”. Đôi lúc thực lạ lùng khi tự hỏi: Tại sao chúng tôi lại cứ bám lấy nhau như thế khi chúng tôi là hai người thực sự trái ngược với nhau?”.

Tình yêu đến cũng như đi chẳng bao giờ hẹn trước và không ai có thể bắt sông, dù lớn dù nhỏ, chảy ngược lại nếu người tình đã muốn bỏ ta đi. Năm 1935, Natalia Vasilievna từ giã Aleksey Tolstoy, để lại cho ông: “Anh sẽ bình yên hơn, anh sẽ dễ dàng hơn/ Nếu em yêu anh chỉ từ nơi xa ngái/ Ngôi nhà anh ồn ào, đời anh đông khách khứa/ Cơn khát dịu dàng em biết lấy gì nguôi?”.

Chị ra đi nhưng không để chồng phải đơn độc vì biết ông không thể chịu nổi cảnh chăn đơn gối chiếc. Chính Natalia Vasilievna đã góp tay vào se duyên cho Aleksey Tolstoy một góa phụ xinh đẹp, trẻ trung. Tình yêu cuối cùng ấy về sau hóa ra lại gần như là tình yêu mạnh mẽ, sâu đậm nhất của nhà văn. Aleksey Tolstoy đã sống với người vợ này tới giây phút cuối cùng của đời mình, một cách hạnh phúc.

Còn Natalia Vasilievna đã lặng lẽ sống nốt những ngày tàn còn lại.  Giai đoạn cuối đời, chị gần như bị lòa nhưng vẫn giữ được trí tuệ minh mẫn. Nhà văn lớn trong hôn nhân đã không làm cho chị hạnh phúc vĩnh viễn được như lời ông đã hứa lúc thăng hoa. Nhưng chính từ chị mà ông đã dựng nên nhân vật Katia trong bộ tiểu thuyết ba tập bất hủ Con đường đau khổ. Có lẽ đó mới là món quà lớn vĩnh viễn mà ông dành cho chị chăng?

Vũ Lượng
.
.