Cố Tổng Bí thư Trường Chinh: Cẩn trọng từ việc nhỏ
Theo hồi ức của đồng chí Nguyễn Khánh, "đồng chí Trường Chinh, hết sức cẩn thận trong việc chuẩn bị các văn bản: Tự tay sửa các câu, chữ trong văn bản, chẳng những sửa ý mà sửa cả văn, sửa cả ngữ pháp, cho đến các dấu chấm phẩy…”.
Cố Tổng Bí thư Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, người làng Hành Thiện lừng danh "địa linh nhân kiệt". Trong cuộc đời hoạt động cách mạng dài lâu của mình, đồng chí đã có không chỉ một bí danh. Bí danh nào của đồng chí cũng mang nhiều ý nghĩa.
Khi mới ở độ tuổi trên dưới ba mươi, nhà cách mạng Đặng Xuân Khu đã có bí danh là Toàn. Có lúc, đồng chí lấy bí danh là Nhân... Bí danh Trường Chinh xuất hiện từ bài viết đầu tiên in bằng đá ngày 10/10/1942 trên tờ báo "Cờ giải phóng", cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng ta do chính đồng chí phụ trách và cũng kiêm nhiệm luôn vai trò cây bút chính luận chủ yếu. Sóng Hồng là bút danh thi sĩ của đồng chí Trường Chinh, nổi tiếng từ bài họa lại thơ Xuân Diệu "Nếu thi sĩ nghĩa là nhăn với mếu...".
Theo hồi ức của đồng chí Nguyễn Khánh, nguyên Bí thư BCHTW Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, sinh thời, đồng chí Trường Chinh trong các văn bản có tính chất nội bộ thường hay ký tên là Thận.
Sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, một số đồng chí trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư có thói quen gọi đồng chí Trường Chinh bằng cái từ mang đậm màu sắc Nam Bộ "anh Năm". Một lần, trong cuộc họp Bộ Chính trị, ai đó đã phát biểu: "Tôi rất đồng tình với ý kiến của anh Năm...". Đồng chí Trường Chinh đã tiếp lời ngay: "Xin hãy gọi tôi là Thận!". Bí danh Thận có lẽ đã phản ánh đầy đủ hơn cả về một trong những nét tính cách căn bản của nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất này, sự cẩn trọng, cẩn thận trong mọi công việc, kể cả những việc nhỏ nhất.
Đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương), nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương, từ tuổi đôi mươi đã được vinh dự hoạt động bên cạnh đồng chí Trường Chinh, nhớ lại thời còn ở ATK (An toàn khu) trước năm 1945: "Ở ATK, thỉnh thoảng tôi được anh Trường Chinh gọi đến chỗ anh làm việc để báo cáo tình hình và nhận chỉ thị công tác. Điều cảm nhận rõ nhất trước hết ở anh là tác phong làm việc hết sức cẩn thận, giữ gìn rất nghiêm những nguyên tắc hoạt động bí mật. Chỗ anh làm việc không bao giờ để lộ bất cứ một dấu vết gì dù là nhỏ nhất. Cần mảnh giấy nào để viết thì lấy ra. Không dùng đến hay làm xong rồi là cất ngay. Cái gì không cần lưu lại thì đốt ngay.
Sách, báo trong thành do cơ sở cung cấp. Đội công tác chuyển cho anh đọc, được cất giữ chu đáo ở những nơi khác, không ai được biết đến. Thời bấy giờ làm gì có trợ lý, thư ký riêng hay văn phòng giúp việc? Mọi việc đều do anh tự làm lấy, và khỏi phải nói về tính hiệu quả của nó. Chính lề lối và tác phong làm việc của anh Trường Chinh đã nêu gương tốt cho tất cả những ai được sống và làm việc gần anh ở ATK".
Chủ tịch UBTVQH Trường Chinh gặp gỡ cử tri Hà Nội (1971). |
Tác phong làm việc cẩn trọng, chu đáo, tỉ mỉ của đồng chí Trường Chinh thực sự đã là bài học để đời cho mọi người từng được may mắn ở gần đồng chí. Một trong những người nhớ nhiều câu chuyện có tính giáo dục như thế của đồng chí Trường Chinh là đồng chí Nguyễn Khánh, từng làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng một thời gian dài.
Đồng chí Nguyễn Khánh kể: "Hằng tuần Văn phòng xây dựng chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cứ chiều thứ năm phải gửi dự thảo chương trình đã có ý kiến của đồng chí Bí thư thường trực để xin ý kiến các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sau đó Văn phòng tập hợp các ý kiến, giúp Thường trực sửa đổi bản chương trình để đồng chí Tổng Bí thư duyệt lần cuối cùng rồi thông báo chính thức vào sáng thứ bảy.
Anh Thận thường đọc rất kỹ bản dự thảo chương trình, hỏi ý kiến các trợ lý, có khi hỏi thăm các đồng chí lãnh đạo các ban, ngành có liên quan đến phần công việc mà anh phụ trách, rồi trực tiếp ghi ý kiến thêm, bớt, sửa đổi bằng mực đỏ vào bản dự thảo chương trình. Khi Văn phòng Trung ương thông báo bản chương trình chính thức thì anh Thận điều chỉnh chương trình làm việc riêng cho phù hợp. Rất ít khi thấy anh yêu cầu Văn phòng báo cáo với Tổng Bí thư và Thường trực đổi lại chương trình chung của Bộ Chính trị để đáp ứng yêu cầu của chương trình riêng.
Anh Thận rất không bằng lòng khi thấy bản chương trình đã thông báo bị thay đổi. Nhiều lần, anh không đến dự những cuộc họp được bổ sung "bất thường" vào chương trình làm việc của Bộ Chính trị... Anh Thận luôn nhắc Văn phòng Trung ương Đảng: phải giữ nguyên tắc, đã lấy ý kiến rồi và đã quyết định rồi, thì không được thay đổi, trừ khi có chuyện đặc biệt. Thay đổi chương trình làm việc một cách dễ dãi, có khi tuỳ tiện, là phá vỡ kế hoạch công tác của một loạt cơ quan, một loạt đồng chí có trách nhiệm và cũng làm giảm chất lượng các cuộc họp do không được chuẩn bị trước đầy đủ...".
Ngay cả khi đã ở trên cương vị lãnh đạo hàng đầu của đất nước, đồng chí Trường Chinh vẫn không xao lãng ngay cả với những chi tiết nhỏ trong công việc. Đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, có thời gian phải thực hiện nhiệm vụ Trưởng ban Kế hoạch Ngân sách của Quốc hội. Đọc báo cáo trong một kỳ họp, đồng chí Nguyễn Văn Trân đã bỏ các con số lẻ của ngân sách. Lập tức, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh đã phê bình và nhắc nhở ngay, "làm ngân sách" phải chính xác tới từng đồng, thậm chí từng xu bởi "quan trọng không phải do số tiền hàng nghìn hay hàng triệu, mà chính là từng trăm, từng đồng được báo cáo công khai trước Quốc hội, trước toàn thể nhân dân".--PageBreak--
Kể lại câu chuyện này, đồng chí Nguyễn Văn Trân tâm sự: "Bài học ấy làm tôi nhớ mãi về trách nhiệm của mình về tính cẩn trọng, tính nghiêm túc trước nhân dân".
Đồng chí Trường Chinh đặc biệt chú trọng tới sự chuẩn xác của từng con chữ, dù là phụ nhất trong các văn bản và các bài viết có ký tên mình hay mình phải chịu trách nhiệm về nội dung. Cuối năm 1947, trên chiến khu Việt Bắc, đồng chí đã soạn thảo chỉ thị "Chúng ta hãy phá tan cuộc tấn công Thu-Đông của giặc Pháp".
Sau khi giao cho đồng chí Đinh Nho Liêm (lúc đó là thư ký riêng của Tổng Bí thư, sau này từng là Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao) chấp bút, đồng chí Trường Chinh đã sửa lại văn bản chỉ thị rất kỹ càng. Tiếp đó, sau khi các đồng chí trong Thường vụ và Bác Hồ thông qua chỉ thị đó để trở thành văn bản chính thức và được đánh máy, đồng chí Trường Chinh còn xem lại một bản đánh máy, chỉnh sửa thêm những gì mà đồng chí cho là cần thiết rồi giao nhiệm vụ cho thư ký riêng phải sửa các bản khác theo bản có bút tích của Tổng Bí thư.
Khi đồng chí Đinh Nho Liêm có vẻ không vui vì trước khi lên Việt Bắc vốn là một cán bộ có vị trí tương đối ở tỉnh Hà Tĩnh, "không bao giờ phải sửa bản đánh máy", đồng chí Trường Chinh đã nghiêm khắc nói: "Anh không rõ tầm quan trọng của việc sửa chính xác các bản chỉ thị này để gửi các ngành, các liên khu. Sai một ly, đi một dặm". Kể lại câu chuyện trên nhiều năm về sau, đồng chí Đinh Nho Liêm vẫn còn cảm thấy thấm thía về bài học không có tiểu tiết trong sự nghiệp lớn.
Nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, một thời gian không ngắn từng công tác ở Báo Nhân dân, kể: "Những năm mới về lại Thủ đô, dù ở cương vị Tổng Bí thư, đối với những bài xã luận mà đồng chí viết cho Báo Nhân Dân, đồng chí thường trực tiếp đến nhà in xem lại bản morát. Lần ấy, đồng chí viết bài xã luận về chủ trương của Đảng cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Vì quá bận, không đến được nhà in, đồng chí gọi điện giao nhiệm vụ ấy cho đồng chí Tổng Biên tập Hoàng Tùng. Đồng chí Hoàng Tùng, đến lượt mình, lại giao nhiệm vụ cho đồng chí Phó Tổng biên tập Nguyễn Thành Lê. Và đồng chí Nguyễn Thành Lê lại giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Đăng Ninh, Giám đốc Nhà in...
Ngoài những cán bộ chuyên trách ở ban thư ký theo dõi việc in, Ban Biên tập Báo Nhân Dân còn tổ chức thêm một "tổ tỉnh táo" để xem lại bản cuối cùng trước khi đưa lên máy in. Chúng tôi phải rà soát cẩn thận từng câu, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy. Nửa đêm về nhà, mọi người đều yên trí về tinh thần trách nhiệm của mình. Sáng hôm sau, theo dõi Đài Tiếng nói Việt
Bất ngờ, khi giở tờ báo Nhân Dân ra, đã có sự sai sót ngay ở hai từ đầu: Xã luận thành Xã xuận! Số là trước khi đưa lên bàn in, đồng chí trưởng kíp nhìn thấy chữ L hơi mờ, nên mới lấy một chữ mới thay, nào ngờ trong ô chữ L hoa, có lẫn một chữ X (!)...". Có lẽ không nói thì ai cũng hiểu là hôm ấy, những người có trách nhiệm liên đới tới sự cố này đã cảm thấy ân hận thế nào!
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhớ lại thời mình còn làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh: "Đồng chí Trường Chinh nổi tiếng là người kỹ tính trong việc sử dụng câu chữ. Tôi có một kỷ niệm nhỏ khó quên.
Quãng đầu năm 1976, trong một buổi họp với lãnh đạo thành phố, đồng chí Trường Chinh nói riêng với tôi cần lưu ý tới một nhân vật đang sống ở thành phố. Tôi giở sổ ghi tên nhân vật này. Do thói quen, tôi ghi tên nhân vật này thành "Nguyển" thay vì "Nguyễn". Ngồi cạnh tôi, đồng chí Trường Chinh ngó qua và bảo: "Đồng chí viết lộn rồi, dấu ngã chứ không phải dấu hỏi". Không chỉ riêng tôi, nhiều đồng chí lãnh đạo TP Hồ Chí Minh hồi đó cũng "ớn" sự chặt chẽ nguyên tắc của đồng chí Trường Chinh...".
Cũng theo hồi ức của đồng chí Nguyễn Khánh, "anh Thận hết sức cẩn thận trong việc chuẩn bị các văn bản... Hiện nay, ở Cục Lưu trữ thuộc Văn phòng Trung ương Đảng còn lưu giữ hàng trăm bản thảo văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị trong nhiều khóa có bút tích của đồng chí Trường Chinh. Bao giờ anh Thận cũng tự tay sửa các câu, chữ trong văn bản, viết rất rõ ràng, nắn nót, hầu hết bằng mực đỏ, ghi ở bên lề trang viết. Chẳng những sửa ý mà sửa cả văn, sửa cả ngữ pháp, cho đến các dấu chấm phẩy. Đây là những tư liệu quý làm bài học cho các cán bộ của Đảng và Nhà nước ta về ý thức trách nhiệm và phong cách làm việc, dù ở cương vị nào"