Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: Hiểu người và trọng người

Thứ Ba, 16/01/2007, 15:00

Trong điều kiện Nam Bộ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Anh Ba (tên thân mật của đồng chí Lê Duẩn) và Xứ ủy giao các vị trí chủ chốt trong Ủy ban kháng chiến hành chính cho những người yêu nước ngoài Đảng, còn Anh Ba chỉ giữ chức Trưởng phòng Dân quân.

"Một nhà tư tưởng/ Một người tình của cuộc sống/ Luôn luôn, anh có những câu hỏi với đời.../ Một tấm lòng thủ thỉ/ Ở đâu anh cũng nói chuyện con người/ Con người yêu lẽ phải/ Biết trọng tình thương.../ Anh thường đi rất nhanh/ Nhưng với ai, Anh cũng có lòng "chờ đợi"..." - Ngày 16/7/1986, gần một tuần sau ngày đồng chí Lê Duẩn từ trần, nhà thơ Lưu Trọng Lư đã cảm khái viết nên những dòng thơ vừa xúc động vừa tinh tế như thế.

Hơn ai hết, thi sĩ của "con nai vàng ngơ ngác" đã thấy rõ năng lực "tri nhân" ở mức lỗi lạc trong nhà cách mạng Việt Nam kiệt xuất của thế kỷ XX. Một lãnh tụ chân chính luôn là người có khả năng quy tụ nhân tâm vì biết cách sử dụng đúng đắn nhất nhân lực cho vẹn toàn mọi nỗi công tư, vừa hợp lẽ, vừa hữu tình. Tìm hiểu về những câu chuyện thực từng diễn ra trong cuộc đời của đồng chí Lê Duẩn, ta càng thấy rõ hơn điều đó.

Lãnh đạo bằng quy tụ

Anh Ba là tên gọi đời thường trìu mến của đồng chí Lê Duẩn. Còn trong kháng chiến chống Pháp tại Nam Bộ, đồng chí Lê Duẩn từng được đồng bào, đồng chí trìu mến và đầy khâm phục gọi là "ông Hai trăm Bugi" (Deux cents Bougies). Biệt danh này có lẽ không chỉ để nói tới tầm nhìn xa trông rộng của một nhà hoạch định chiến lược và sách lược đấu tranh cách mạng, mà có lẽ muốn nói tới cả sự thấu hiểu cuộc đời và con người của đồng chí Lê Duẩn.

Ai từng gặp đồng chí Lê Duẩn cũng đều có thể nhận thấy rõ năng lực phi thường của nhà lãnh đạo này trong việc nhìn ra ngay bản chất vấn đề và con người, dù phức tạp đến mấy. Và càng hiểu đời, hiểu người, Anh Ba càng nhất quán phong cách "lãnh đạo thông qua chủ trương, đường lối và giữ vai trò hạt nhân, quy tụ mọi lực lượng trong xã hội chứ không bao biện làm thay", như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nhận xét trong một bài viết sâu sắc và sinh động tưởng nhớ đồng chí Lê Duẩn.

Đồng chí Lê Duẩn thăm Đoàn 600-Bộ đội quân khu VII làm kinh tế ở rừng Cát Tiên. (Ảnh do gia đình cung cấp).

Cũng theo hồi ức của đồng chí Võ Văn Kiệt về những năm kháng chiến chống Pháp, khi đồng chí được làm việc gần với Anh Ba trong chiến khu Nam Bộ: "Đảng trọng dụng người tài, thành tâm với đất nước, không kể giai tầng, xã hội, tôn giáo... Trong điều kiện Nam Bộ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Anh Ba và Xứ ủy giao hẳn nhiều trọng trách cho những người yêu nước ngoài Đảng.

Các vị trí chủ chốt trong Ủy ban kháng chiến hành chính như Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban đều do những vị trí thức có uy tín ngoài Đảng đảm nhận. Các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy (như Ung Văn Khiêm, Nguyễn Thanh Sơn...) chỉ làm ủy viên. Sở Công an do ông Diệp Ba - một luật sư ngoài Đảng - làm Giám đốc, còn đồng chí Phạm Hùng, Phó Bí thư Xứ ủy, làm Phó giám đốc. Trung tướng Nguyễn Bình - nguyên tù chính trị Quốc dân đảng (tại Côn Đảo) - làm Tổng chỉ huy lực lượng vũ trang Nam Bộ. Bản thân Anh Ba, người lãnh đạo cao nhất của Đảng ở Nam Bộ, chỉ giữ chức Trưởng phòng Dân quân...".

Trong những năm phong trào cách mạng trong tình thế nước sôi lửa bỏng, gian khó muôn phần, những người Cộng sản như đồng chí Lê Duẩn sở dĩ luôn luôn duy trì được vai trò lãnh đạo hàng đầu của mình chủ yếu là ở chính những phẩm chất tốt đẹp, những năng lực vượt trội, chứ không phải nhờ cái ghế đang ngồi.

Không ngẫu nhiên mà, cũng theo hồi ức của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thời kháng chiến chống Pháp, "mọi người, kể cả các trí thức Nam Bộ tầm cỡ như Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuần, Nguyễn Thành Vĩnh, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Hưởng, Ngô Tấn Nhơn... đều nói về Anh Ba với một thái độ kính phục và quý mến... Bất cứ vấn đề gì, ở tầm nào, Anh Ba cũng đều có thể thuyết phục được bên đối thoại...".

Kính yêu là một tình cảm thường là vô tư nhưng thực chất cũng là kết quả của cả một quá trình tác động lẫn nhau giữa quần chúng và lãnh tụ. Đồng chí Nguyễn Văn Phi, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội thương, nhớ lại hình ảnh đồng chí Lê Duẩn những ngày Nam Bộ kháng chiến: "Anh Ba là người ưa nhường nhịn. Tác phong của Anh rất ôn tồn, lặng lẽ... Anh không hơn thua với ai. Anh chỉ thích tận tụy làm việc, sống giản dị và kín đáo. Anh thường dạy: "Cái hại lớn của người cán bộ là sự tản mạn tư tưởng". Và Anh khuyên: "Mỗi ngày cố tập thành thói quen tập trung tư tưởng chừng một giờ".

Có lần, một số "anh lớn" nói vui với Anh Ba:

- Giá như bây giờ Anh Ba làm Chủ tịch Nam Bộ thì hay quá!

- Nói tầm bậy!- Anh Ba phản xạ ngay tức khắc.--PageBreak--

Anh bảo đây là đất Nam Bộ, có nhiều nhà trí thức nổi tiếng, tự nhiên đưa một người "nói tiếng trọ trẹ" làm chủ tịch, sao nên! Cho nên các nhà trí thức Nam Bộ vào kháng chiến rất thương Anh, coi Anh như một người anh mẫu mực, có gì cũng nhường cho em út...".

Qua nhỏ thấy lớn

Tham gia cách mạng ngay từ khi Đảng ta còn phải hoạt động trong vòng bí mật giữa điệp trùng vây bủa của các thế lực thực dân phong kiến, đồng chí Lê Duẩn đã sớm đúc kết được những nguyên tắc nhanh nhạy, nhận rõ bản chất ta địch qua cả những chi tiết đời thường nhỏ nhặt nhất, thậm chí còn rèn giũa điều đó thành kỹ năng, "bản năng nhân tạo". Nhờ thế mà đã không chỉ một lần Anh Ba loại trừ được những mối nguy hiểm đối với cách mạng cũng như chính bản thân mình.

Theo hồi ức của đồng chí Phạm Văn Xô, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, dịp gần Tết năm 1957, Anh Ba vì lý do an ninh phải sang Phnom Penh để tránh sự vây bủa lùng sục rất ráo riết của kẻ địch. Đấy là giai đoạn mà đồng chí Lê Duẩn đang tập trung trí tuệ để xây dựng nên bản dự thảo Đề cương cách mạng miền Nam, một văn bản về sau có ý nghĩa quyết định đối với diễn biến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Đồng chí Phạm Văn Xô kể: "Lúc ở Phnom Penh, đồng chí Lê Duẩn tập trung nung nấu suy nghĩ để hoàn chỉnh bản Đề cương đã được phác thảo tại Sài Gòn. Tôi còn nhớ  được bố trí cơ sở ở nhà anh Ba Hoán, đồng chí Lê Duẩn đóng vai ông già nhà quê là cậu lên thăm cháu.

Bên cạnh nhà anh Ba Hoán là một giáo sư người Khmer; ông này quan sát thấy đồng chí Lê Duẩn đăm chiêu chắp tay sau lưng đi đi lại lại trong nhà ngoài sân. Giáo sư này nói với anh Ba Hoán đại ý: ông cậu ở nhà quê lên thăm anh không phải ông già bình thường mà hình như ông đang suy nghĩ giống như nhà triết học. Nghe tin đó, đồng chí Lê Duẩn phải chuyển ngay tới một cơ sở Việt kiều khác...". Rõ ràng là "cẩn tắc" sẽ "vô áy náy" vì như thực tế cho thấy, không ít sự nghiệp lớn đã bắt đầu bị đổ bể chỉ vì những chi tiết sơ sảy tưởng như nhỏ nhặt.

Đồng chí Lê Duẩn còn là người có "con mắt xanh" trong nhìn nhận nhân tình thế thái. Lắm khi chỉ qua những chi tiết nhỏ nhặt mà bình thường chúng ta hay bỏ qua, Anh Ba có thể nhận ra chân tướng từng con người.

Thượng tướng Trần Văn Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khi kể về những năm được hoạt động cùng Anh Ba ở Trung Kỳ trước cách mạng Tháng 8-1945, đã nhớ lại: "Khoảng đầu tháng 10/1939, đồng chí Lê Duẩn lại ra Nghệ An gặp tôi. Sau khi nghe tôi báo cáo tình hình và băn khoăn vì không thể phát hiện được người nào khả nghi là "A.B" (tức những phần tử chống Cộng sản trà trộn vào hàng ngũ của ta-TG), đồng chí nói: Tôi nghi thằng Di có quan hệ với mật thám... Hôm qua làm việc với nó, tôi nhìn thẳng vào mặt nó và nói: Ở Nghệ An có A.B chui vào Đảng... Nó tái mặt, quay sang hướng khác, không dám nhìn tôi, cũng không nói được gì... Tôi định nhân dịp họp Trung ương sắp tới sẽ giữ nó lại...".

Quả nhiên, những điều tra sau đó cho thấy, Đinh Văn Di, một người từng là đảng viên từ năm 1930, có trình độ, rất được cảm tình chung, nhưng đã dần dà bị sa ngã và phản bội lại đồng chí, đồng đội cũ. Sau tháng 8/1945, y đã bị chính quyền cách mạng bắt và xử...

Còn câu chuyện sau do đồng chí Nguyễn Thọ Chân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Thi đua Trung ương, nhớ lại: "Có lần, anh Hồ Xuân Lưu (Trần Quốc Thảo) kể cho tôi nghe có một anh giáo học có thái độ tốt đối với cách mạng nhưng anh Lưu không thuyết phục nổi anh này thoát ly gia đình hoạt động cách mạng, phải nhờ Anh Ba (tên gọi thân mật đồng chí Lê Duẩn - TG) đến chơi và thuyết phục hộ.

Gặp nhau, họ nói chuyện rất vui rồi chia tay. Dọc đường anh Hồ Xuân Lưu hỏi Anh Ba sao không đề cập chuyện thoát ly hoạt động? Anh Ba cười: "Chú không để ý quan sát. Khi bước vào sân thấy anh này đang phơi quần áo trắng, lấy tay kéo rất cẩn thận phẳng phiu, vào nhà thấy guốc dép để ghếch lên tường ngay ngắn, bàn ghế đồ đạc quá sạch và ngăn nắp. Người này chỉ có thể là cảm tình, rất nặng cuộc sống riêng tư, làm sao có thể rời bỏ gia đình, lao vào sóng gió cách mạng?". Anh Hồ Xuân Lưu rất phục sự biết người của Anh Ba...".

Biết người nên mới có thể dùng đúng người. Biết người nên càng trọng tình người hơn, chung thủy, có sau, có trước. Bài học này là của chung cuộc đời

Trần Thanh Tịnh
.
.