Chuyện võ sư mù

Thứ Năm, 29/09/2016, 06:44
Người ta thường nói những câu chuyện không thể tưởng tượng nổi thường bắt đầu bước ra từ tiểu thuyết. Tôi đi làm báo và nhận thấy thực tế là ngược lại, nó hiển hiện ngoài cuộc sống, chỉ có ta gặp hay không.

Giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2015 tôn vinh một VĐV thể thao đặc biệt. Nguyễn Kim Hoàng là một võ sư mù. Nhưng vị võ sư mù ấy không bước ra từ tiểu thuyết kiếm hiệp, mà từ một bi kịch cuộc sống để nói rằng tình yêu thể thao là bất diệt.

Bước ra từ bi kịch

18h30, khu thể thao của Trường Đại học Quốc gia, một người đàn ông mù lần mò qua cánh cổng. Trong sân, những bạn trẻ đang khởi động trong bộ võ phục. Họ nhìn thấy anh và vội vàng chạy ra đỡ tay anh đi vào: đó là thầy của họ - người thầy mù dạy võ.

Anh Hoàng đã mất hoàn toàn thị lực từ hơn 4 năm qua bởi căn bệnh luput ban đỏ. Căn bệnh đã hủy hoại hoàn toàn nội tạng anh, khiến anh mất đi thị lực một cách nhanh chóng. Chỉ sau 6 tháng kể từ khi phát hiện bệnh, anh trở thành người khiếm thị. 

"Đứt phựt như bóng đèn tròn chứ không nhấp nháy như đèn neon nữa" - anh đùa. Luput ban đỏ cũng khiến anh Hoàng suy thận, và giờ, đều đặn vài ngày một lần, phải chạy thận ở Bệnh viện Đống Đa. Nhưng anh vẫn là một võ sư. Sáng đi chạy thận, chiều đi xe buýt đến đứng lớp.

Anh Hoàng thuộc thế hệ thứ 2 của môn Pencak silat tại Việt Nam. Thời ấy, đầu thập kỷ 90, môn Pencak mới du nhập vào nước ta qua một... cuộn băng của võ sư Đỗ Hóa.

Lần mò tập, rồi thành lập đội tuyển đầu tiên tại Hà Nội, chàng trai Nguyễn Kim Hoàng là một trong những thành viên đầu tiên của đội tuyển ấy. Nhưng rồi Hoàng quyết định không theo nghiệp thể thao, anh từ bỏ đội tuyển sau 2 năm để ôn thi đại học và thi vào Khoa Công nghệ thông tin của Đại học Mở.

Tình yêu với nghề võ không giảm. Hoàng đã đứng lớp dạy võ từ khi mười mấy tuổi - trước silat, anh tập võ cổ truyền. Không thi đấu chuyên nghiệp, nhưng trong suốt hơn 20 năm qua, anh vẫn liên tục duy trì những lớp dạy võ. Cho đến khi căn bệnh quái ác ập xuống.

Toàn bộ cơ thể suy sụp. Võng mạc bị bong, một bên mắt biến dạng. Thận suy. Bác sỹ bảo với anh từ đầu năm 2011 rằng, về nhà mà chuẩn bị tinh thần. Không ai tin Hoàng có thể sống được. Nhưng anh vẫn quyết tâm duy trì những lớp võ. "Bây giờ đằng nào cũng thế, thay vì ngồi chờ chết thì mình làm điều gì có ý nghĩa" - anh nhớ lại. 

Kiến thức về võ học trong anh, anh tiếc, muốn truyền lại cho lớp sau, nhưng không biết phải làm thế nào. Anh nhờ những bạn trẻ trợ giảng đứng lớp một thời gian, nhưng rồi vì bận rộn, cũng không ai giúp anh được mãi. Lớp võ phải nghỉ 6 tháng.

Hoàng quyết định đứng dậy và tiếp tục đứng lớp. Làm sao làm được điều đó khi mà môn võ cần thị phạm, cần sự chính xác của từng cử động, còn anh thì đã mù? Hoàng mất một tuần để suy nghĩ, tìm ra phương pháp duy trì lớp, rồi đi. 

Ngày trước, anh duy trì mức phí vài chục nghìn đồng/tháng cho các học viên để mua dăm ba tấm thảm hay dụng cụ tập luyện, nhưng kể từ khi trở thành người mù, khi mất khả năng làm việc và đối mặt với nguy cơ khánh kiệt vì bệnh tật, anh lại quyết định rằng mình sẽ dạy võ hoàn toàn miễn phí. Anh chỉ muốn được để lại những gì mình đã có, trước khi đi.

Hoàng có thể đã kiếm được ít tiền từ nghề dạy võ. Ít ra là để phụ thêm vào cuộc sống của gia đình. Mất khả năng lao động, bây giờ kinh tế của anh phụ thuộc hoàn toàn vào những người thân, cả việc sinh hoạt và điều trị bệnh tật. 

Cái lớp dạy võ của một "võ sư mù" mắc bệnh nan y cũng nổi tiếng, được lên truyền hình, có những tối dăm ba tốp phóng viên đến xin phỏng vấn. Nhưng anh cương quyết không lấy tiền, vì đó không phải mục tiêu của Hoàng khi dạy võ.

Ở lớp võ của thầy Hoàng, ngoài những võ sinh mặc võ phục đang tập luyện hăng say, còn có những thiếu nữ đang khóc. Một cô gái buồn bã chuyện tình yêu, đến nắm đôi bàn tay ấm của thầy, rồi gục đầu vào vai thầy và khóc. Người thầy chậm rãi tâm sự và giảng giải cho cô về cuộc sống. Anh dạy lũ trẻ cả những điều ấy.

Khi được tôn vinh bởi TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bằng Giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2015, Hoàng cũng chẳng biết. Anh không biết tại sao mình được đề cử, cũng không biết mình được nhận giải gì. Người ta mời anh đến nhà hát, rồi dắt tay anh lên sân khấu để trao giải, anh cũng chẳng hiểu. Đến khi báo đài bu vào phỏng vấn, Hoàng mới biết đấy là Giải tình nguyện quốc gia.

Cái nghề và cái nghiệp

Người ta nói rằng trong cuộc sống, có những cái nghề chỉ là nghề mà thôi, còn có những nghề lại là nghiệp. Nghề là thứ nuôi sống được con người, là hoạt động lao động để người ta duy trì một đời sống vật chất và xã hội bình thường. Còn nghiệp thì khắc nghiệt hơn thế, nó là một thứ gần với định mệnh.

Trên một chuyến taxi ở TP HCM, tôi gặp con trai của một cựu danh thủ - một trong những người được coi là đặt nền móng cho bóng đá Việt Nam. Huyền thoại ấy, trong những năm tháng cuối đời, nằm liệt giường trong căn nhà nhỏ, gia cảnh nghèo. Đó là một câu chuyện phổ biến của những VĐV thể thao thành tích cao nước ta. 

Mở báo ra khi nào cũng gặp những người mang danh "huyền thoại" đang nằm trong một căn phòng chật chội, ốm yếu và không thấy tương lai - bởi họ chẳng có cái nghề nào ngoài nghề chiến thắng trên sân đấu. Họ mang một cái nghiệp. Vũ Bích Hường điền kinh, Huyền Trang đá cầu... họ chưa bao giờ giàu, và người ta có quyền đặt câu hỏi điều gì đã khiến họ rơi vào bi kịch của ngày hôm nay.

Nghịch lý của nền thể thao thành tích cao nước ta đã từng được phân tích nhiều lần. Ở hầu hết các nền thể thao phát triển khác, thì tương lai VĐV đỉnh cao được chăm sóc bởi những ủy ban chuyên trách: "Phòng hỗ trợ VĐV thành tích cao" (Ủy ban Thể thao Singapore); "Chương trình cuộc sống VĐV" (New Zealand) hay "Chương trình hỗ trợ quá độ" (Ủy ban Thể thao Ireland) là những đơn vị sẽ lo đào tạo việc làm, tạo cơ hội nghề nghiệp, đảm bảo đời sống cho các VĐV thể thao sau khi họ giải nghệ. 

Ở nước ta, các VĐV bị buộc phải đuổi theo ánh hào quang "vì danh dự Tổ quốc", nhưng rồi trở nên bơ vơ ngay sau khi không còn khả năng thi đấu. Họ trở nên nghèo túng và cô độc theo một kịch bản đã định trước bởi cơ chế.

Nhưng tôi nhớ, trong chuyến xe ngày hôm ấy, người lái taxi kia không hề tỏ ra buồn bã khi nói về bệnh tình của cha. Anh một tay lái xe, một tay cố gắng tìm trong chiếc điện thoại Trung Quốc đoạn video clip một ông tổng biên tập tờ báo thể thao đến thăm cha mình trên giường bệnh, biếu chút quà. 

Anh thậm chí không hề biết tải đoạn video ấy từ trên mạng xuống, mà đã dùng điện thoại của mình quay lại nó từ màn hình máy tính. Họ tự hào. Gia đình họ vẫn xúc động. Vì đến cuối đời, vẫn còn một chút gì như là vinh quang.

Thể thao không thể là một cái nghề. "Tuổi nghề" của họ quá ngắn - và thành công về tài chính trong thể thao vốn là một canh bạc, theo mọi nghĩa của từ này. Thể thao là một cái nghiệp. Không ai ép một con người phải rơi vào cái nghiệp ấy. Một người chỉ có thể đi theo nó bởi tình yêu. 

Cuộc đời của họ không biết đến một thứ gì khác ngoài thể thao. Nguyễn Kim Hoàng có lẽ là một bằng chứng cho điều ấy. Anh không lâm vào cái bi kịch của những VĐV thể thao chuyên nghiệp loay hoay không biết làm gì để sống trong những năm tháng hậu đỉnh cao. 

Nhưng bi kịch của anh lớn hơn thế. Và anh vẫn quyết định rằng mình sẽ tiếp tục theo nghiệp võ - vẫn lê bước chân nặng nề của người bệnh đến lớp võ miễn phí mỗi tuần. Bởi anh không biết làm gì khác.

Trong rất nhiều bài phỏng vấn với những VĐV đỉnh cao giờ đang sống trong cảnh khốn khó, tôi chưa bao giờ gặp một người nào nói rằng họ sẽ chọn lựa lại nếu như có cơ hội. Thậm chí, chị Vũ Bích Hường, người đã có quá đủ những trải nghiệm với sự bạc bẽo của thể thao thành tích cao, cuối cùng, vẫn để cho con trai của mình đi theo con đường đó. 

Ngày chị nằm liệt giường trong căn nhà hẹp, cũng là ngày mà đứa con trai lớn đang thi đấu ở SEA Games 28. Người mẹ tưởng như đã hứng chịu hết sự nghiệt ngã của cái nghiệp này, cuối cùng lại ngồi ngóng đợi chiếc huy chương từ con mình. 

Cũng lại là điền kinh, cũng lại là một cái "nghề" chẳng biết tương lai đi đâu về đâu. Hình ảnh Nguyễn Ngọc Quang xuất hiện cùng mẹ Vũ Bích Hường trong Lễ tổng kết SEA Games 28 đã trở thành tít lớn của nhiều tờ báo. Không thứ gì có thể lý giải hình ảnh ấy, ngoài tình yêu.

Sẽ là sáo rỗng nếu dùng từ "hy sinh" với những con người ấy. Họ suy nghĩ đơn giản hơn thế. Khi tôi nhờ anh Nguyễn Kim Hoàng thể hiện một vài động tác của môn Pencak để ghi hình, anh vẫn làm rất hăng hái, chẳng mấy khi Hoàng có sức để thị phạm cho võ sinh. Nhưng rồi anh ra đòn thế mạnh mẽ đến mức, quên mất rằng mình là người ốm. Hai bàn tay của anh đập vào nhau, tự chấn thương.

Hoàng Hoàng
.
.