Chuyện về nữ Anh hùng Công an Nguyễn Thị Lài

Thứ Năm, 16/06/2005, 15:38

Chị ngồi trước tôi nhỏ bé, gương mặt in hằn dấu vết của thời gian lúc nào cũng sáng lên nụ cười đằm thắm, giọng nói Huế dễ thương như mê hoặc. Thật khó tưởng tượng chị lại là một nữ anh hùng, từng khiến kẻ thù bạt vía kinh hồn, từng trải qua những trận tra tấn dã man của kẻ thù mà vẫn trở về trong tư thế của người chiến thắng.

Nguyễn Thị Lài là con gái duy nhất trong nhà nên được cưng chiều lắm. Nhưng cũng là cơ sở cách mạng nên ba mẹ bằng lòng cho chị đi ở từ năm 14 tuổi theo yêu cầu của tổ chức. Chủ nhà chị ở thường là cảnh sát ngụy, luật sư hoặc những gia đình có vai vế để dễ nắm tình hình. Ngày chị cố gắng làm hết công việc, đêm đến có khi gánh đủ 15 gánh nước vào thạp rồi mới lấy chục ổ bánh mỳ đi bán, kỳ thực là để rải truyền đơn và dán cờ cách mạng. Công việc cực kỳ nguy hiểm vì khi đó, lính Phượng Hoàng (lực lượng ác ôn nhất) tràn ngập, mật thám nhan nhản. Chị cười giòn: “Ngày nớ, cứ mỗi lần rao ‘ai bánh mỳ đây’ thì tay đã đập vào tường cái ‘bép’, thế là dán xong lá cờ. Vui nhưng cũng nhiều lúc thót cả tim vì lo bị bắt!”.

Không chỉ làm tổ trưởng trinh sát, đào hầm nuôi cán bộ, chị Lài còn là một biệt động thành nổi tiếng với những trận đánh gây kinh hoàng cho kẻ địch. Tôi hỏi chị đã tham gia bao nhiêu trận, chị lại cười giòn tan: “Đánh giặc nhiều như công việc hàng ngày, nhớ sao nổi?”. Nhưng rồi chị cũng kể cho tôi nghe một trận đánh gắn với câu chuyện tình lãng mạn của chị...

Năm 1971 do yêu cầu công việc, chị nhận lời yêu Quang – một đại úy ngụy, vốn là bạn học cùng quê. Từng bước, chị xây dựng anh thành một người phục vụ cho cách mạng. “Nhưng chỉ có ông già Quang là biết công việc tôi làm, còn anh ấy thì không thấy nói gì!” – Chị kể.

Dịp đó, sau thất bại nặng nề trên mặt trận đường Chín - Nam Lào, địch rút quân về Huế, trên tay mỗi kẻ thất trận đều mang dải băng gắn hai chữ “Trâu Điên”, phản ánh đầy đủ sự hung bạo của đội quân này. Nhưng để huênh hoang, lừa dối dân chúng rằng quân đội Cộng hòa mới là người chiến thắng, chúng còn tổ chức buổi triển lãm về “chiến thắng” đường Chín Nam Lào tại rạp chiếu bóng thành phố.

Nhận lệnh phải phá tan âm mưu của chúng, vạch rõ sự thất bại thảm hại của địch trong ngày triển lãm, Nguyễn Thị Lài năn nỉ Đại úy Quang: “Em rất muốn đi dự triển lãm, anh nghĩ cách cho em vô trong nớ!”. Thế rồi, trong vai một thiếu nữ yểu điệu, người tình của Đại úy Quang, chị Lài lọt được qua cổng gác với giỏ trái cây xinh xắn trên tay có quả mìn hẹn giờ mà chính Đại úy Quang cũng không hay biết.

Lựa được chỗ đặt mìn gần nơi sĩ quan địch tụ tập, chị kêu chóng mặt muốn về. Đại úy Quang vội vàng đưa chị ra. Được một quãng, chị nghe tiếng nổ lớn và dân chúng kháo nhau rầm rĩ: “Việt Cộng đặt mìn ở rạp chiếu bóng! Chu cha là lính chết!”. Hôm sau, Đại úy Quang sang khoe với chị: “Hôm qua Việt Cộng mò vào tận triển lãm đánh mìn, may mà em đòi về, nếu không … Cám ơn em đã cứu sống anh!”. Chị giả bộ ngạc nhiên mà cười thầm trong bụng. Chị phải cám ơn anh mới đúng. Nhưng mục tiêu xây dựng anh thành cơ sở chưa kịp hoàn thành thì anh bị đưa đi trận và chết ở Đà Lạt.

Sau đó, chị nhận tiếp lệnh phải diệt tên Liên Thành, Trưởng ty Cảnh sát Thừa Thiên – Huế. Khi đó chị đang đi ở cho một cảnh sát ngụy, nên chị đi thẳng qua cổng gác, nói là gặp chị chủ nhà mà không bị gây phiền phức. Qua cổng, chị đi một mạch tới phòng của tên Trưởng ty và trong lúc vờ hỏi thăm phòng chủ nhà, chị lẹ tay để luôn chiếc giỏ có quả mìn vào gầm bàn hắn ngồi. Nhưng không may, khi chưa kịp thoát ra ngoài thì bị hắn phát hiện.

Ba đêm ba ngày liền bị đánh đập dã man, chị vẫn không nhận túi của mình. Liên Thành liền gặp riêng chị, dụ dỗ: “Cháu khai ra người xui cháu đặt mìn, bác sẽ mua cho một tòa nhà để ở, tội chi đi theo cách mạng”. Rồi hắn rút ra một bó tiền to cho chị Lài xem. Chị giả vờ thành thực: “Khi cháu đi đến cổng, có một người thanh niên cao to bắt cháu mang túi mìn vào đặt, nếu không sẽ bắt cháu đi!”. Lúc này, trong áo con của chị vẫn còn một cái thư nhỏ xíu nên chị lo lắm. Cái túi thì cãi được vì không bắt tận tay chứ lá thư thì… Lừa lúc tên thẩm vấn sơ ý, chị lén lấy cái thư đưa nhanh lên miệng nhai và chộp lấy ly nước trên bàn uống vội. Lập tức, chị nhận một cái tát nảy đom đóm vì tội “uống mà không hỏi”, nhưng chị không cảm thấy đau mà mừng vì đã phi tang được vật chứng! Từ đó, chị mạnh mẽ bước vào cuộc đấu tranh với kẻ thù.--PageBreak--

Suốt hàng tháng trời, chị bị đưa lần lượt qua đủ 16 phòng tra tấn với mọi cực hình. Cứ 1-2 giờ sáng chúng mới đưa đi thẩm vấn và tra tấn, để hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần chị. Chị chìa cho tôi xem vết sẹo giữa ngón cái và ngón trỏ của bàn tay phải do kẻ thù lấy dao rạch ra “để khỏi đi đặt mìn”. Mười đầu ngón tay thon mềm của chị mà mẹ vốn hết sức nâng niu cũng bị chúng đóng đinh dày đặc. “Ngày nớ, tóc tôi dài và mượt lắm, ai cũng thích. Vậy mà chúng cột dây điện vào tóc để quay”. Khắp người chị in hằn vết roi điện. Nhưng trước sau chị vẫn không khai đồng đội.

Tôi ớn lạnh xương sống khi nghe chị kể, giặc đã dùng cả những con rắn lớn để tra tấn chị. Chúng huơ con rắn vào mặt, chị đã chết giấc. Tỉnh dậy, vẫn kiên quyết không khai. Chúng liền buộc túm ống quần chị lại, rồi thả rắn vào trong quần. Chị ngã ngất đi ba ngày liền mới tỉnh.

Chị điềm tĩnh kể về những đau đớn đòn thù mà chị đã trải. Nhưng khi chị vén ngực áo lên cho tôi xem vết sẹo của hai núm vú đã bị đứt rời ra vì giặc cắm điện thì cả chị và tôi cùng nghẹn ngào… Không thể đo nổi sự tàn bạo của kẻ thù khi chúng tra tấn vào cái nơi cực kỳ nhạy cảm và thiêng liêng của thiên chức người phụ nữ – người mẹ, nhất là khi ấy chị mới chỉ là một thiếu nữ. Nhưng “lửa thử vàng”, có thế mới thấy hết được nghị lực phi thường của người nữ chiến sĩ cách mạng. Rất lâu sau, tôi và chị mới có thể cùng nối lại câu chuyện đã bị ngắt quãng bởi những giọt nước mắt sẻ chia sâu lắng.

…Chị tỉnh lại nhưng không cựa nổi mình. Tiếng người y tá như từ cõi nào xa lắm vọng về: “Chị đã chịu đựng đến mức này là chịu luôn nha! Tôi phải chích nhiều thuốc bổ lắm chị mới tỉnh lại đó, nếu không thì “đi” rồi!”. Đến giờ, chị cũng không biết vì sao người y tá ngụy lại dặn dò chị như vậy, vì khâm phục tinh thần bất khuất của chị hay vì có cảm tình với cách mạng?

Không moi được gì, giặc đưa chị hết xà lim Thừa Phủ đến Đà Nẵng. Ngày ra tòa, may mắn và thật bất ngờ chị gặp được người luật sư vốn là chủ nhà chị nên được cãi chỉ chịu mức án 18 tháng tù. Ra tù, chị tiếp tục hoạt động hợp pháp cho đến khi bị lộ mới lên “xanh”. Từ năm 1975 đến 1978, chị làm Trưởng Công an quận I thành phố Huế. Vẫn như ngày trước, chị lại lăn lộn sớm hôm với công tác bảo đảm an ninh cho nhân dân.

Ghi nhận những cống hiến lớn lao của chị cho sự nghiệp An ninh Tổ quốc, năm 1976, Nhà nước phong tặng chị danh hiệu Anh hùng LLVTND. Chị cũng đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng, Huân chương Giải phóng, huy hiệu Tấn công nổi dậy, anh dũng kiên cường và “Bằng khen ấy à? Nhiều không nhớ nổi đâu!”.

Nhưng những vết thương do đòn thù đã hành hạ chị suốt quãng đời còn lại. Có lần, người nữ y tá khi chăm sóc chị đã ôm lấy chị mà khóc khi thấy sẹo chằng chịt khắp người… Thần kinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chị thường xuyên bị ngất. Trở trời là bệnh tật tái phát, đau đớn cùng mình. Vì thế, không ít người thực lòng yêu thương, nhưng chị đều từ chối vì sợ làm khổ họ. Mãi khi gặp anh Phạm Xuân Dương, một đồng đội sẵn lòng chia sẻ mọi khó khăn với chị và quyết tâm bảo vệ tình yêu nên cuối cùng chị đồng ý. Nhưng sinh con lần nào chị cũng phải nằm điều trị dài ngày vì bệnh tật.

Năm 1988 Thượng úy Nguyễn Thị Lài nghỉ hưu. Chị trở về với cuộc sống thường nhật, nuôi gà, cá, heo để phụ giúp chồng con. Gian nan lắm, nhưng chị bảo: “Tôi chịu cực quen rồi nên đặt vào đâu cũng sống được. Hơn nữa, được người chồng thương yêu hết lòng, tôi càng yên tâm vượt qua mọi khó khăn”. Ít năm sau, bạn bè thương tình mách nước để chị mở hàng cây kiểng. Đến nay, chị có một vườn cây rộng 500m2 ở 132 Dương Văn An, thành phố Huế, vừa chơi vừa bán. Chồng chị bảo, thương chị mà mở cho chị đỡ lọ mọ việc lợn gà chứ ăn thua mấy!

Chị cười đằm thắm trong ánh mắt rạng ngời: “Tôi bệnh tật, cuộc sống cực khổ nhưng may mắn có được người chồng tốt. Ảnh thương và chiều vợ hết mực. Hai con trai tôi lại nối tiếp truyền thống của ba mẹ, đều là chiến sĩ công an. Thế là tôi hạnh phúc lắm!”.

Tôi mừng trước câu chuyện có hậu như cổ tích của người nữ Anh hùng CAND

Dạ Miên
.
.