Chuyện về lão Thưa "khùng" vùng cát

Thứ Hai, 22/06/2020, 10:08
Ai gọi bác Lê Văn Thưa bằng cái tên gì cũng mặc kệ, song nhiều năm trước, đám trẻ con trong làng chỉ gọi ông là “giáo sư Thưa”.


Sáng mùa hạ, men theo triền cát trắng dọc quốc lộ 1A qua vùng cát Quảng Bình, tôi tìm đến nhà cựu binh Lê Văn Thưa - người mà bà con vùng cát thường gọi đùa theo nhiều tên đệm: Thưa khoa học, Thưa vì người nghèo hay Thưa khùng… Khả dĩ vậy bởi nhiều năm qua, người cựu binh nghèo này đã đưa ra nhiều ý tưởng và tự mày mò để biến những ý tưởng đó trở thành hữu ích cho người dân không riêng gì vùng cát trắng Quảng Bình.

Từ anh lính hải quân đến “giáo sư” làng Tiền

Ai gọi bác Lê Văn Thưa bằng cái tên gì cũng mặc kệ, song nhiều năm trước, đám trẻ con trong làng chỉ gọi ông là “giáo sư Thưa”. Chúng quý trọng ông cũng phải, bởi trước đây những ngày hè chăn trâu trên cát bỏng, khát cháy cổ họng cũng chỉ biết nhìn nhau cho đỡ khát. Còn bây giờ, nhờ có sáng kiến của bác Thưa nên nước ngọt cứ chảy tràn trên cát trắng. Bọn trẻ tha hồ uống, tha hồ tắm. 

Còn nữa, ở làng Tiền này đố ai ngồi ở quán internet nhiều như bác Thưa. Không chơi Võ lâm truyền kỳ, không đánh cờ tướng vậy mà bác Thưa ngồi thừ trước máy tính cả ngày. Đám trẻ sinh nghi và chúng phát hiện: bác Thưa đang ngồi vẽ cái chi đó ngoằn ngoèo. Đó là những ngày cựu binh Lê Văn Thưa mất ăn mất ngủ vì tìm hiểu để sáng chế bản đồ cho bà con ngư dân tránh bão trên biển...

Cựu binh Lê Văn Thưa bên bản đồ theo dõi bão của mình.

Bên ấm trà đặc quánh, cựu binh Lê Văn Thưa tiếp tôi trong câu chuyện cuộc đời ông như bản nhạc nhiều nốt trầm. Sinh năm 1952, tròn 19 tuổi, Lê Văn Thưa (xã Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) lên đường theo niềm tin cháy bỏng “Cuộc đời đẹp nhất trên trận tuyến đánh quân thù”. Năm 1971, anh tạm biệt bờ tre, mái rạ cùng những kỷ niệm thân thương tuổi học trò vào lính Vùng 5 hải quân, đóng ở Phú Quốc, Kiên Giang. 

Đất nước giải phóng, thống nhất Bắc Nam, tưởng được về lại quê hương, nơi cô gái làng bên Nguyễn Thị Tình vẫn ngóng chờ từ ngày anh ra trận nhưng chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, anh lại vác ba lô lên đường sang Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế cùng đồng đội. 

Năm 1982, Lê Văn Thưa xin đơn vị về phép để cưới vợ. Ở nhà bên người vợ trẻ chỉ vài ngày, anh phải vội bắt tàu, bắt xe về lại đơn vị. Và sau đó là những ngày dài đằng đẵng người vợ trẻ thủy chung Nguyễn Thị Tình vừa chờ chồng, vừa chăm sóc bố mẹ chồng. 

“Tôi nợ vợ tôi rất nhiều, vào bộ đội năm 19 tuổi, đánh giặc gần 20 năm cho đến hết cả tuổi thanh xuân. Cưới vợ nhưng có làm được chỗ dựa gì đâu cho vợ mà ngược lại vợ lại là chỗ dựa cho mình, hậu phương vững chắc, chăm sóc cha mẹ già yếu để mình yên tâm đánh giặc. Thế hệ của chúng tôi là vậy”, cựu binh Lê Văn Thưa vừa nói, vừa nhìn vợ trìu mến, thương yêu...

Tổ quốc an bình, làm xong nghĩa vụ quốc tế cao cả ở nước bạn, Lê Văn Thưa về lại cùng người vợ hiền tần tảo nơi quê nhà. “Cũng may, trong những năm khốc liệt của cuộc chiến, hai lần tui xin về phép ngắn ngủi vào các năm 1985 và 1989 để cùng vợ sinh được hai đứa con ngoan, giỏi. Năm 1991, được 1 sao, 2 gạch, tui xin về hưu, về hưu để được làm nông dân, được tắm mình trong triền cát quê hương” ông cười khà khà bảo vậy. 

Chân ướt chân ráo về làng, qua đài báo, mỗi lần nghe tin bão lướt qua vùng biển Đông đã cướp đi sinh mạng của nhiều ngư dân ông lại đau đáu nghĩ làm việc gì đó giúp bà con. Ông rùng mình khi thấy bà con ngư dân làng mình lại phải dong buồm ra khơi trong mưa gió. Tất cả cùng vì cuộc sống mưu sinh nhưng làm sao để tránh bớt rủi ro cho bà con. Câu hỏi đó đã bao đêm làm cựu lính hải quân Lê Văn Thưa mất ngủ. Ý tưởng làm bản đồ theo dõi bão thông dụng của ông ra đời từ đó. 

Thấy ông suốt ngày ghi ghi, chép chép, mày mò nên vợ ông can ngăn: “Cả đời ông lăn lộn chiến trường, giờ Nhà nước cho nghỉ thì cứ nghỉ, ông động viên chăm sóc vợ con là được rồi”. Song đời nào ông chịu, ông vỗ về phân tích và chị hiểu ra chồng mình đang theo đuổi một nghĩa cử hết sức nhân văn. Tấm bản đồ thông dụng có thể hướng dẫn mọi ngư dân biết hướng di chuyển của bão, để tìm cách đề phòng tránh bão đã được Lê Văn Thưa vạch ra trong đầu.

Những sáng kiến làm đẹp cho đời

Những kiến thức được trang bị khi còn ở hải quân về theo dõi bão đã trang bị rất nhiều cho Lê Văn Thưa trong việc thực hiện làm tấm bản đồ theo dõi bão thông dụng để các ngư dân đều có thể sử dụng được. Từ đó, họ biết hướng di chuyển của bão, dự đoán và chuẩn bị cho mình phương án tránh bão hữu hiệu nhất. 

Giờ đây với hệ thống máy móc hiện đại, ngư dân được tiếp cận nhiều thông tin, còn nhiều năm về trước, tấm bản đồ tránh bão của Lê Văn Thưa đã góp phần cứu mạng được biết bao ngư dân trong bão tố biển khơi.

Gần 4 tháng trời cựu binh Lê Văn Thưa mày mò tìm đọc tư liệu và cách đo đạc, vẽ, tính toán tỷ lệ từng chi tiết trên bản đồ. Những quyển sách địa lý của con cũng được ông đọc để tìm thêm tư liệu. Rồi ông lùng sục tìm tòi ở các thư viện, nhà sách tại Quảng Bình... Song, tất cả tư liệu đều chống lại ông, bởi không có quyển sách nào dạy ông xây dựng một tấm bản đồ biển như ý tưởng. K

hông có trong sách nhưng tư liệu có nhiều trên mạng, mấy cậu sinh viên về nghỉ hè bảo vậy. Cựu binh Lê Văn Thưa lại mày mò học sử dụng máy tính. Chiếc máy tính của con bị ông “trưng dụng” gần 3 tháng trời. Khi ông tự tin vào trình độ tin học của mình có thể vào mạng Internet thì cũng là ngày đầu chuẩn bị cho hàng tháng trời tiếp theo ông giam mình trước màn hình máy tính. 

Nhiều người dân thôn Tiền không hiểu ông đang làm gì, có người nói ông điên, khùng, già rồi còn vào quán chát chít, hay là cha Thưa có người yêu khi còn đi bộ đội? Chắc ông Thưa vào xem phim linh tinh... Không phân bua, ông mặc kệ, vả lại ông còn tâm trí đâu nghe lời họ bàn tán bởi cái bản đồ mà ông nghĩ nó vẫn chưa được sinh ra. 

Đám trẻ trong làng là những người phát hiện ra việc ông Thưa đang làm đầu tiên. Chúng gọi ông là “nhà bác học” bởi vì ông vừa nghiên cứu lại thỉnh thoảng “cứu nét” cho chúng khi chơi điện tử. 

Sau nhiều tháng trời mày mò tự học, tự nghiên cứu, Lê Văn Thưa đã vẽ được tấm bản đồ theo ý muốn của mình. Tấm bản đồ với 64 tỉnh thành có màu sắc khu biệt, vùng biển đi qua mỗi tỉnh lại khác. Lưới kinh độ, vĩ độ được vẽ giãn cách đều 30 (giây) tương đương với 50km trên thực địa. Ngoài ra, tấm bản đồ còn có thể thu nhỏ, phóng to tùy người sử dụng. 

Với tấm bản đồ này, cùng với chiếc radio, ngư dân có thể nhận biết chính xác bão đang ở đâu, cách nơi họ ở bao xa và khả năng ảnh hưởng của bão như thế nào. 

Theo ý kiến của nhiều ngư dân, chiếc bản đồ của cựu binh Lê Văn Thưa không chỉ giúp ích cho bà con ngư dân rất nhiều mà nó còn hữu ích cho khách du lịch, người dân vùng ven biển, đầm phá, vùng sâu, vùng xa... những nơi mà phương tiện nghe nhìn chủ yếu là radio.

Cựu binh Lê Văn Thưa luôn nghĩ mình nợ người bạn đời một tấm chân tình.

Sinh sống trong vùng đất chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lụt nên nhiều lúc cựu binh Lê Văn Thưa nghĩ lung lắm. Hằng năm nước lụt trắng đồng, nước lụt bao phủ cả thôn làng hàng chục ngày trời. Sau lụt, người dân lại tất tả lo chống chọi với bệnh tật vì thiếu nước sạch. Tất cả nguồn nước giếng đều ô nhiễm do nước lụt tràn qua. 

Cựu binh Lê Văn Thưa đưa ra ý tưởng “Đóng gói nước giếng” với cách thức rất đơn giản: Chỉ cần một tấm ni lông đủ rộng hơn miệng giếng và chiếc dây thun để buộc quanh miệng giếng là đủ chống chọi với việc lụt tràn qua. Khi lũ rút, cất tấm ni lông, nước giếng vẫn hoàn toàn trong như trước khi nước lụt tràn qua. Làm theo lời ông nên mấy năm qua, lũ lụt liên tiếp xảy ra ở Quảng Bình nhưng sau lụt, nhiều người dân vẫn có nước sạch dùng, tránh được nhiều mầm bệnh sau lũ...

Người dân vùng cát quê hương cựu binh Lê Văn Thưa vẫn còn thầm cảm ơn ông với sáng kiến “Khai thác nước ven đồi cát” mà ông chỉ cách cho người dân áp dụng. Hàng vạn người dân ven đồi cát sống dọc theo bãi biển xưa nay chỉ biết lấy nguồn nước tự nhiên trong cát theo các con lạch nhỏ. Nên vừa bị thiếu nước trầm trọng về mùa khô, vừa không đảm bảo vệ sinh. 

Từ ngày cựu binh Lê Văn Thưa về làng, ông có sáng kiến dùng một hệ thống gồm nhiều ống nhựa lọc nước trên cát, sau đó nước được dẫn về một ống lớn hơn để gom nước. Từ ống nước này, nước được chia thành nhiều nhánh đưa về từng hộ gia đình. Sáng kiến lấy nước sạch trên cát của ông vừa tiện lợi, vừa đảm bảo vệ sinh.

Trong lúc trò chuyện về các sáng kiến của ông, khi tôi hỏi về niềm tự hào của ông, thì cựu binh Lê Văn Thưa nói về vợ và hai đứa con của mình: Cháu đầu Lê Văn Mười, 2 năm liền đoạt giải nhì và ba tin học toàn quốc, tốt nghiệp Đại học Công nghệ Hà Nội, hiện có gia đình, công việc tốt ở Thủ đô. Cháu thứ hai Lê Thùy Dương là đã từng gặt huy chương đồng môn hóa học ở cuộc thi Olympic truyền thống, nay làm Ngân hàng BIDV Quảng Bình.

Được biết, ngoài những sáng kiến giúp bà con trong cuộc sống, nhiều năm qua, cựu binh Lê Văn Thưa thường xuyên lên rừng, xuống biển để vừa tuyên truyền vận động người dân, vừa đưa ra nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường.

Dương Sông Lam
.
.