Chuyện về giáo sư Văn Tạo

Thứ Sáu, 30/06/2006, 09:00

Làm việc và yêu thương, hình như đó là âm hưởng chủ đạo của cuộc đời cụ? Tôi chưa thấy lần nào cụ buông lời phiền trách các đồng nghiệp cao niên hay ít tuổi hoặc các học trò của mình. Mà với ai cụ cũng đượm những lời tin tưởng ngợi khen.

Chuyện về ông, bắt đầu từ đâu nhỉ? Chuyện về người thầy từng đào tạo hơn 80 Tiến sĩ trong vai trò hướng dẫn, phản biện? Chuyện ông trong Hội đồng phản biện luận án Tiến sĩ của ngài Hunsen trước khi là Thủ tướng Campuchia? Chuyện đồng chí Phạm Văn Đồng đưa ông những cuốn băng trắng để ông phát biểu tiếp ý kiến của mình trong một buổi làm việc nhưng thiếu thời gian? Hay là chuyện dưỡng sinh độc đáo để GS năm nay bước sang tuổi 80 mà đầu tháng vừa leo một khúc Vạn Lý Trường Thành, cuối tháng đã lại leo cao nguyên Đồng Văn Mèo Vạc?

...Đã có kha khá những chuyến ngược xuôi đây đó vùng này vùng khác với GS - nguyên Viện trưởng Viện Sử học Văn Tạo mà tôi vẫn không hết ngạc nhiên về ông già ngồi ở đằng ghế trước, dù đường gần xa lâu hay mau, ít khi thấy GS gà gật để vượng lại tí sức mà chuyện, chuyện cứ chan chan. Ngó ông bảo tám mươi thì rõ là chả phải vì vóc dáng thanh mảnh thoăn thoắt đi lại. Trên xe nhắm mắt lại nghe GS nói thì người mới gặp đều bảo cái thanh ấy là của người mới nhỉnh hơn bốn mươi?

Rất ít người biết được rằng có thời điểm GS khắc khoải rằng mình khó mà qua được tuổi năm mươi! Vì sao vậy? Thử trích ngang bệnh lý một thời GS phải đeo: Lao phổi hai hang ho ra máu. Gan to sưng năm 1967. Viêm cầu thận đi ra máu năm 1972. Ngoài ra, còn viêm đại tràng mãn, viêm giác mạc mắt, vôi hóa hai xương bả vai, thấp khớp nặng, viêm mãn hai đầu gối... Thế mà bây chừ: Ăn khỏe, ngon. Rượu chè uống được các loại (dĩ nhiên là điều độ). Ngủ ngày và đêm 6-7 tiếng và không bao giờ phải dùng thuốc ngủ! Làm việc bằng máy tính ngày từ 6-8 tiếng...

Đã không dưới vài lần tôi gặng hỏi GS đã có bí quyết gì vậy? Cụ gặp được một Hoa Đà tái thế nào chăng? Bận nào cụ cũng cười khanh khách mà rằng: Tứ tự! Tứ tự là bốn chữ. Cứ như cụ tóm tắt là Động, Thông, Tiết, Hợp. Cũng xin chép ra đây ngõ hầu cũng là quảng cáo không công cho cụ. Thứ nữa để bạn đọc tham khảo, hoặc họa may áp dụng!

Động là vận động điều độ. Tuổi già thích tĩnh nhưng con người sống thì phải động. Bửng tưng nào cũng thế, mùa nào cũng vậy, kể cả ba ngày Tết mưa gió mặc, cụ đều không bỏ bữa tập nào nhằm cho tất thảy các khớp đều được hoạt động. Cả não cũng vậy, luôn suy nghĩ đến cái tích cực, cái mới. Và không thể thiếu tiếng cười mà cụ cho rằng là cái rất động của tư duy.

Thứ hai là Thông. Nhân diệc thị tiểu thiên địa (con người ta như vũ trụ nhỏ) Bất thông tắc thống. Không thông thì tất đau. Tắc đâu đau đấy. Phải làm sao thông được những chỗ tắc bằng thuốc và tập. Như cụ bệnh gan ruột dạ dày nên phải thông tam tiêu.

Thứ ba là Tiết. Mâu thuẫn nhưng thống nhất với thông. Thông mà không có tiết cho ra cả thì chết. Tiết mà không có thông ứ tắc cũng đứt! Tiết độ trong ăn uống. Tiết dục trong sinh hoạt và danh lợi. Tri bỉ, tri kỷ, tri chỉ, tri túc (biết người, biết ta, biết dừng, biết đủ) đều thuộc về tiết.

Cái thứ tư là Hợp. Thiên, địa, nhân sinh tồn phát triển là do hợp. Tập luyện, ăn uống, sinh hoạt đều phải trong chữ Hợp, dùng thuốc cũng vậy. Cụ còn vận dụng một cái hợp nữa mà các cụ ta đã đúc kết: Vật ẩm Mão thời tửu. Vật ẩm Dậu thời trà. Vật nhập Sửu thời phòng (dùng rượu vào giờ Mão, uống trà giờ Dậu... Phòng ở đây chắc cụ lên giường ngủ thôi chứ cụ bà khuất núi dễ đã hơn mươi năm)... đều là chọn cái hợp giữa âm dương với cơ thể... Đại khái chỉ có vậy. Thế mà cụ chữa tiệt được các thứ bệnh?

TS Huỳnh Thị Gấm, một học trò tặng cụ thơ hồi cụ 72 tuổi: Năm nay thày đã bảy hai/ Mà ai cũng ngỡ thầy ngoài năm mươi/ Hào hoa phong nhã một thời/ Nhận trong ánh mắt tiếng cười lời ca/ Một đời sắc sảo tài ba/ Nghiêm thì nghiêm vẫn bao la tấm lòng (Có từ lời ca vì nhiều bận tôi thấy cụ hát chèo, chầu văn, hát trống quân, hát tuồng bằng chất giọng cao, trong khá điệu nghệ).

Tôi đồ rằng thiên hạ có thiếu chi các phương thuốc lẫn vô số những phép dưỡng sinh, nhưng ông Cao Xanh kéo dài tuổi trời cho cụ cũng có ý để cụ hoàn thành một số việc thuộc về công minh lịch sử, công bằng xã hội (tôn chỉ mục đích khi hành nghề của cụ) mà cụ chưa kịp làm khi đương chức? Dường như hơn sáu chục đầu sách, công trình nghiên cứu lịch sử in riêng và in chung vẫn chưa làm cụ hài lòng? Tướng ấy, thanh ấy, những công trình ấy, lại những việc đang dang dở nữa có tuần nào cụ ngồi yên ở Hà Nội cho, than ôi, trời hành hay trời thưởng đây?

... Trên những chuyến xe xuôi ngược như thế, một bận cụ có chia sẻ cùng tôi cái nhọc nhằn của những người làm sử cổ kim sao thực hiện được cho bốn chữ công minh lẫn công bằng! Như chuyện vua Lê Thánh Tông trao cho sử thần Lê Nghĩa có trách nhiệm là phải ghi lại tất cả những việc làm của vua và lại được cái quyền cấm để ai được xem, kể cả vua! Đã 8 năm trôi qua, một lần vua sai bọn nội quan đến nói với Lê Nghĩa là vua muốn xem ghi chép hàng ngày từ năm Quang Thuận (niên hiệu của Lê Thánh Tông) thứ nhất đến năm thứ 8. Lê Nghĩa thẳng thắn rằng vua mà đã đòi xem quốc sử chưa hẳn là hay! Nội quan bảo, vua muốn xem những ghi chép này để biết trước đây có lỗi gì để mà còn có thể sửa... Lê Nghĩa khẳng khái, chỉ cần bệ hạ cố gắng làm điều hay thì việc gì phải xem quốc sử. Nội quan nằn nì nhiều lần nhưng Lê Nghĩa vẫn khước từ: Thánh chúa nếu biết sửa bỏ lỗi lầm thì là phúc lớn vô hạn cho xã tắc. Thế là dẫu không khuyên can mà cũng như khuyên can vậy! Nghe nội quan tâu lại, vị vua anh minh vào bậc nhất của các triều đại phong kiến Việt Nam khen ngợi Lê Nghĩa mãi không thôi.

Kể lại chuyện ấy, cụ cứ hít hà xuýt xoa rằng sướng thay cho việc hành nghề của sử thần Lê Nghĩa, đồng nghiệp ngày xưa của cụ may mà gặp được vị minh quân! Rồi cụ nói thêm đại ý, ngày nay quyền ghi chép các nhân vật, các sự kiện lịch sử ấy nếu các nhà làm sử không trọn vẹn thì thuộc về quyền của dân. Mà nhân dân, nói như Lênin, nhân dân và các nhà sử học chân chính do dân giao trách nhiệm phải thực hiện cho được tính công minh lịch sử! Nếu trước mắt chúng ta chưa thực hiện được sự công minh đó thì nay mai quần chúng nhân dân vẫn cứ làm rõ như chúng ta đã thấy về quá khứ đối với nhiều hiện tượng lịch sử, nhân vật lịch sử nhân dân đã thực hiện nó hoặc là tự phát hoặc là tự giác một cách nghiêm minh!--PageBreak--

Có phải thế chăng mà cái tâm của người làm sử đã thôi thúc cụ nhiều năm nay, theo tôn chỉ mục đích - Công minh lịch sử và công bằng xã hội - phương pháp làm việc do chính mình đề ra và thực hiện nghiêm túc, cụ đã tất tả ngược xuôi làm được một khối lượng công việc đồ sộ mà hồi còn đương chức, do nhiều nguyên nhân cụ chưa kịp làm? Những là giải oan cho họ Mạc với công trình Nhà Mạc không phải là ngụy triều và đã có những cống hiến tích cực cho đất nước. Dựng lại công tích họ Trịnh vì trong 249 năm qua nhiều triều nhà Lê, nhà Trịnh, riêng việc góp phần giữ gìn độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia đã là một công tích lớn. Đánh giá lại công lao của họ Khúc, bắt đầu từ Khúc Thừa Dụ, nhất là sự nghiệp cải cách hành chính mở đầu cho truyền thống cải cách đổi mới của dân tộc ta. Nêu cao sự nghiệp đổi mới của Lý Công Uẩn trọng tâm là đổi mới Đế đô.

Đánh giá lại công lao của Trần Thủ Độ với vương triều Trần nói riêng cũng như với lịch sử dân tộc nói chung. Góp phần làm rõ sự nghiệp cải cách của Hồ Quý Ly, coi thất bại chủ yếu là do nguyên nhân ngoại xâm, khẳng định những cống hiến cải cách của Hồ Quý Ly.

Ca ngợi Đào Duy Từ biết tự đổi mới vị thế xã hội của mình để góp phần đổi mới xã hội. Chỉ trong 8 năm mà đã có đóng góp rất lớn cho dân tộc. Đánh giá đúng cải cách của Minh Mệnh, những cống hiến tích cực và hạn chế. Khẳng định tính tích cực trong những cải cách của Nguyễn Trường Tộ, nhất là đổi mới tư duy, một nhân tố quan trọng trong cải cách và đổi mới. Khẳng định công lao dựng nước của Phan Thanh Giản và những hạn chế lịch sử của ông.

Khẳng định Phan Chu Trinh là nhà yêu nước có xu hướng canh tân, có đóng góp tích cực vào cuộc đổi mới đất nước đầu thế kỷ XX. Khôi phục vị trí xã hội và sự nghiệp cứu nước của nhà yêu nước Nguyễn Mậu Kiến. Nêu rõ những thành quả và sai lầm của cải cách ruộng đất. Sửa sai tư liệu lịch sử viết oan về nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản. Thêm nhiều chứng cứ khẳng định tội ác của phát xít Nhật trong sự kiện 2 triệu người Việt Nam chết đói năm 1945...

Trong câu chuyện cụ cũng thấy làm mừng và nhẹ nhõm đi nhiều bởi hiệu ứng của những công việc đã làm và sự đồng cảm chia sẻ quan điểm công minh lịch sử lẫn công bằng xã hội của các đồng nghiệp các nhà làm sử, nghiên cứu sử. Mà trong số đó đa phần là học trò của cụ, học trò theo cái nghĩa được cụ với tư cách là người hướng dẫn, phản biện hoặc chủ tịch hay ủy viên hội đồng hơn 80 luận án TS. Đó là những nhà nghiên cứu sử hay KHXH có tên tuổi như Chương Thâu, Nguyễn Thừa Hỷ, Phạm Xanh, Dương Kinh Quốc, Nguyễn Quốc Bảo, Bùi Kim Đinh, Đàm Đức Vượng vv...

Cụ thường xuyên chia sẻ với đồng nghiệp, với học trò của mình kinh nghiệm tưởng chừng như đơn giản nhưng rất quý đối với những người làm sử, những người nghiên cứu khoa học như phải tránh lối sống kiểu trâu kéo mía, nghĩa là vật lộn suốt ngày mà không thoát ra được cái vòng luẩn quẩn. Rằng đi vào khoa học phải coi mình là một chiến binh tự tìm lấy trận địa (đề tài, mảng nghiên cứu...) để phát huy hỏa lực. Cụ kể cho họ nghe câu châm ngôn của bà nội mà theo cụ đã đi khắp nước và nửa vòng thế giới nhưng chưa thấy ngôn ngữ nào khác có câu nào như vậy là ở đời không nên mượn hơi ai mà thở (chắc cụ muốn răn cái nạn cuỗm công trình người khác làm của mình, đề cao tính trung thực của người làm khoa học).

Cũng xin trích ra đây điện mừng thọ GS Văn Tạo năm cụ 70 tuổi của GS.TS sử học Pháp Charles Fourniau: Nếu về tuổi đời ông ít tuổi hơn tôi thì cách đây 30 năm ông đã là một trong những người thày của tôi bắt đầu nghiên cứu về phong trào Cần Vương. Chúng ta cũng không nên băn khoăn khi đã bước sang cái tuổi bảy mươi. Tuổi này cho phép chúng ta nhìn lại quãng đường 30 năm qua, khi đó tôi là một người nước ngoài duy nhất nhận được sự chỉ dẫn của ông về lịch sử. Chúng ta đã làm việc không tồi và ông đã là một trong những người đi tiên phong...

Làm việc và yêu thương, hình như đó là âm hưởng chủ đạo của cuộc đời cụ? Tôi chưa thấy lần nào cụ buông lời phiền trách các đồng nghiệp cao niên hay ít tuổi hoặc các học trò của mình? Mà với ai cụ cũng đượm những lời tin tưởng ngợi khen?

Cái lần tôi có tò mò hỏi cụ về quá trình làm việc cũng như buổi phản biện luận án Tiến sĩ của ngài Hunsen với đề tài Cách mạng Campuchia tại Học viện Nguyễn Ái Quốc năm 1991, cụ cho biết vắn tắt rằng y phục xứng kỳ đức, rằng ông ấy xứng đáng đảm nhận những trọng trách như chúng ta từng biết. Hướng dẫn cũng như phản biện luận án của nhiều người nước ngoài, nhưng vị nghiên cứu sinh người Campuchia này đã để lại cho cụ nhiều ấn tượng tốt về trình độ cũng như kiến thức về văn hóa dân tộc, đặc biệt là mảng Folklo Campuchia. Hình như ông ấy còn là một nhạc sĩ?

... Mới cùng đi Hải Dương về hôm trước, hôm sau tôi gọi điện xin mượn cụ một cuốn sách thì người nhà cụ đã thông báo Dạ, ông cháu đi Hòa Bình rồi ạ...

.
.