Chuyện tình của nhà văn đậm chất nho gia

Thứ Ba, 30/08/2005, 15:54

Với 26 tiểu thuyết, 34 tập truyện ngắn, 28 tập thơ cùng nhiều tập sách dịch và biên khảo, nhà văn Ngô Văn Phú được coi là một trong những tác giả viết nhiều sách nhất nước ta hiện nay! Thành danh trong sự nghiệp nhưng trong tình yêu, ông là một người lận đận, lận đận đến tận bây giờ khi vẫn mang trong lòng mối tình lãng mạn với một người đàn bà ở phương Nam.

Căn phòng nhỏ của ông ở tầng 5 bên đường Kim Mã chả có tiện nghi gì, chỉ sách và sách, và là tài sản đáng giá nhất của nhà thơ đồng quê và “cây” tiểu thuyết lịch sử này. Thỉnh thoảng, tôi lại được nghe ông đọc bài thơ vừa sáng tác, hay nhận xét một bài viết của tôi, đôi khi nói về nỗi nhớ da diết ông dành cho một người đàn bà ở phương Nam... Không nghe từ chính ông, thật khó tưởng tượng rằng, một nhà văn đậm chất nho gia, hiền lành đến rụt rè như ông, lại cũng có chuyện tình lãng mạn đến vậy...

Hình như bao rung cảm, khát vọng và đau khổ, nhà văn Ngô Văn Phú đều dồn nén vào trang viết. Năm 2004, ông là tác giả được lựa chọn vào cuốn “Tinh tuyển Văn học Việt Nam 1945 – 2000” do NXB KHXH ấn hành. Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn từng nhận xét:“Ông là người không chỉ chịu viết mà còn chịu học, chịu đọc, tham bác nhiều lĩnh vực. Trong cái vẻ ngoài xuềnh xoàng, quê mùa, lè phè ấy là sự tự tin, đôi khi kiêu ngầm, bất cần. Ông đã để lại được dấu ấn quê mùa trên thi đàn sau 1945, cả về số lượng và chất lượng”.

Nhà văn Ngô Văn Phú (ngoài cùng bên trái) và các bạn văn

Sinh năm 1937 tại Hà Nội, nhưng Ngô Văn Phú lại sống từ nhỏ ở làng quê Khả Do (Mê Linh, Vĩnh Phúc). Được tắm mình giữa thiên nhiên phóng khoáng, đầy ắp tiếng chim bên lũy tre làng với hoa đồng cỏ nội và những trò chơi của trẻ nông thôn, nên thiên nhiên như thể tình yêu thiên bẩm trong ông. Viết về nông thôn, ngòi bút Ngô Văn Phú lại tung tẩy trong sự thăng hoa, tinh tế lạ lùng! Ngôn ngữ của ông dân dã, hóm hỉnh và tràn đầy chất thơ, đủ làm nên sự ám ảnh.

Nói đến tiểu thuyết, người ta ngưỡng mộ ông bởi những trang viết “bộc lộ rõ sự tinh thông và niềm say mê sâu sắc lịch sử, khả năng sử dụng lớp từ cổ, từ Hán Việt với những câu chuyện lịch sử dài mang hơi thở của cuộc đời” (TS. Lê Lưu Oanh) trong “Ngôi vua và những chuyện tình”, “Người đẹp ngậm oan”, “Tuyên phi họ Đặng”, “Gươm thần Vạn Kiếp”, “Uy Viễn tướng công” v.v… và những tập tạp văn đầy chất thơ: “Mùa hoa cải vàng”, “Cỏ may”…

Nhắc đến thơ Ngô Văn Phú là sự ghi nhận đóng góp cho thi đàn với cách cảm, cách nói hồn nhiên và tươi tắn của đồng quê mà ông đã được coi như “hậu duệ” của Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ qua “Gió vào trận bão”, “Tháng năm mùa gặt”, “Đi ngang đồi cọ”… Nhiều năm trước, một số tác phẩm “Con voi ở công viên Thủ Lệ”, “Lũy làng”, “Mây và bông”… của ông đã được đưa vào sách giáo khoa. Những câu thơ của ông đậm đặc chất folklore đến nỗi một thời gian dài bị lầm tưởng là ca dao dân ca: “Trên trời mây trắng như bông/ Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây/ Mấy cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đội mây về làng”. Trong dịch thuật, Ngô Văn Phú được dư luận quan tâm với “Đường thi tam bách thủ”, “Tể tướng Lưu gù”, “Thiên gia thi”… chưa kể sách dịch từ tiếng Pháp.

Với ông, viết văn, làm thơ là niềm khao khát tự thân luôn thường trực. Nhà văn Nguyễn Phan Hách, Giám đốc NXB Hội Nhà văn cho rằng: “Ngô Văn Phú là người viết khỏe. Để trải mình được trên nhiều thể loại cả thơ, văn và dịch thuật với khối lượng như ông, quả là một bộ óc điện tử”. Ngô Văn Phú còn là người đặc biệt: trong khi nhiều tác giả chỉ dịch những cuốn truyện ăn khách, thì ông lại thích dịch thơ chữ Hán và hiện là tập thơ tình của Pháp, dù điều đó không mang lại lợi nhuận, thậm chí, còn phải bỏ tiền để in. Ông bảo, điều gì có ích cho cuộc sống thì làm!

Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp, Ngô Văn Phú về báo Văn học, báo Văn nghệ, rồi nhiều năm ở tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1972, giải ngũ, ông về lại báo Văn nghệ, xông xáo và dũng cảm trong những ngày diễn ra trận “Điện Biên Phủ trên không” với những bài viết nóng hổi tính thời sự. Chính trong thời gian này ông bị hiểu lầm và “tai nạn nghề nghiệp” qua một bài thơ!

Ký ức trong ông là những tấm lòng – điểm tựa cho ông bước qua tháng ngày không bình yên ấy. Trong khi nhiều báo “sợ” đăng bài của ông thì Tổng biên tập – nhà văn Nguyễn Văn Bổng – gọi lại: “Cậu cứ xuống cơ sở viết mấy bài phóng sự, về tớ đăng!”. Sự động viên ấy đã giúp ông tự tin đi về nông thôn, viết ký về sản xuất nông nghiệp. Khi “Mùa hoa bạch đàn” được đăng trên trang nhất, Ngô Văn Phú không chỉ biết ơn mà còn khâm phục nhân cách và bản lĩnh nhà văn Nguyễn Văn Bổng – người đã chiêu tuyết cho ông trong hoàn cảnh nhiều người nghĩ rằng ông bị treo bút!

Tuy nhiên, có tấm lòng mãi sau này nhà thơ mới hiểu được! Trong lần gặp gỡ bất ngờ tại cơ quan ông, câu chuyện của vợ chồng nhà văn Lê Tri Kỷ (Quyền Giám đốc NXB Công an nhân dân) cứ xoay quanh “tai nạn nghề nghiệp” kể trên, khiến ông, vốn trong lòng đầy mặc cảm, đã ngờ rằng mình đang bị điều tra! “Nhưng tới khi Lê Tri Kỷ mất, tôi mới được biết rằng, ngày đó, chính anh ấy là người ủng hộ tôi rất nhiều! Cuộc nói chuyện đó chỉ là do vợ chồng anh quá thương cảm tôi mà thôi! Tôi ân hận với ý nghĩ về anh, nhưng cũng cảm động là quanh mình còn nhiều người tốt…”. Năm 1994, Ngô Văn Phú cho xuất bản tập thơ “Mắt mùa thu” (NXB Hà Nội) như một lời giải thích đầy ý nghĩa cho chính mình. Nhiều năm liền, ông giữ vị trí Giám đốc NXB Hội Nhà văn cho đến năm 2002 mới nghỉ hưu!

Nhưng hình như “giời” không muốn cho Ngô Văn Phú quá nhiều nên đã “tước” bớt của ông hạnh phúc trong đời sống riêng tư. Đẹp trai và uyên bác, nhưng tuổi trẻ của ông đã bị cuộc tảo hôn đánh cắp. Số phận càng trớ trêu khi bên cạnh “Người vợ mà mẹ cưới cho con 30 năm trước/ Vẫn coi chồng là hạt lúa, củ khoai”, trái tim của anh chồng nhỏ tuổi hơn vợ vẫn ngân lời tình yêu với một cô gái cùng trường. “Mối tình đầu” kéo dài tới gần 10 năm với bao nhiêu yêu thương và khắc khoải, nụ cười và cả nước mắt, nhưng vẫn chỉ là một kết cục buồn. Bên một ngôi chùa giữa lòng Hà Nội, cô bác sĩ trẻ nước mắt như mưa định xuống tóc vì ông, nhưng hoàn cảnh nghiệt ngã của số phận, của thời đại vẫn không cho ông được làm điều trái tim mách bảo. Để rồi, ông đã chao đảo rất lâu sau khi cô gái đi lấy chồng…

Ít năm sau, Ngô Văn Phú chợt như bừng tỉnh khi năm tháng vụt qua mang theo tuổi trẻ cùng những khát vọng của ông. Dẫu đã “luê thuê” cái sự gia đình với 5 mặt con, nhà thơ tài hoa lại vướng vào một chuyện tình còn lãng mạn hơn cả thời tuổi trẻ. Người phụ nữ đến muộn màng trong đời ông là dòng dõi trâm anh thế phiệt, đã không chỉ san sẻ cùng ông bao nhiêu đau khổ, giận hờn mà còn là nguồn thi hứng mãnh liệt để hàng trăm bài thơ ngập tràn xúc cảm ra đời: “Hoa trắng tình yêu”, “Anh không mong làm thánh”, “Núi và mây”, “Ghen”, v.v… được độc giả nồng nhiệt đón nhận.

Những tưởng sẽ sống chết vì nhau khi hai người đã tính chuyện rũ bỏ tất cả để đi một phương trời xa cách, nơi chỉ có “hai trái tim vàng, một mái tranh”. Nhưng (cũng bởi cái chữ “nhưng” của định mệnh) mà long đong, lận đận mãi, câu chuyện tình ấy đã không có cái kết của cổ tích. Một lần, sau chuyến công tác xa hai tuần trở về, người đàn bà “của ông” đã đột ngột bị đưa đi một nơi thật xa, để buộc phải tách khỏi ông. Kể từ ngày ấy, ông thực sự độc hành trên quãng đời còn lại trong nỗi cô đơn thăm thẳm của kẻ “đốt đền nên mới liêu xiêu với đền”.

Đã gần 20 năm, ông vẫn đau đáu với mối thâm tình. Sự cô quạnh in hằn trong căn phòng tuềnh toàng, lồng lộng gió và ngầm ngập sách! Trái tim ông vẫn luôn hướng về nơi người - đàn - bà - của - ông đang sống, mà ông gọi đó là “phương gió nổi” với dằng dặc nỗi niềm: “Tưởng như quên hết thời thương nhớ/ Tưởng giận nhau hoài, vẫn khát yêu”. Dẫu Ngô Văn Phú tự trào rằng mình đã ở tuổi “Có khi rót nước rồi quên uống/ Ra đường không biết phải đi đâu", nhưng ông vẫn khát khao một ngày, ông lại được cùng “người ấy” lang bang trên những con đường Hà Nội rợp bóng cây như năm nào, nói những chuyện chẳng đâu vào đâu mà hạnh phúc ngập tràn trong từng ánh mắt, nụ cười, như ông từng đôi lần lặn lội đường trường tìm gặp “người ta”, chỉ để được nhìn thấy gương mặt luôn lạc vào những giấc mơ và hoài niệm của ông, rồi lại lặng lẽ quay về. Sau mỗi lần như thế, ông thấy có thêm sức lực để sống, để yêu, để viết và để được thấy nỗi cô đơn đằng đẵng xua bớt khỏi tháng ngày.  

Một mình trên đường đời, đường tình, trong căn phòng nhỏ mà lễnh loãng, đơn côi, điều còn lại ở Ngô Văn Phú là tiếp tục chắt chiu và dâng hiến cho đời. Sức viết của ông vẫn dạt dào. Năm 2005 ông đã có 5 cuốn sách được xuất bản, đủ thấy được sức làm việc của ông dẫu đã ở tuổi 68. Những câu thơ dành cho người đàn bà ở phương Nam vẫn dội về day dứt, làm ngọn lửa thiêng sưởi ấm trái tim cô quạnh của lão nhà văn trong chặng cuối cuộc hành trình của “một con người đến chết vẫn bơ vơ”!

Ngô Thanh Hằng
.
.