Chuyện riêng của gã thi sĩ giang hồ Hồ Chí Bửu

Thứ Hai, 09/12/2013, 13:42

Có một dạo, giới văn nghệ sĩ lãng tử Thành phố Hồ Chí Minh thường tụ tập tại quán bia ở địa chỉ 81, đường Trần Quốc Thảo, quận 3 để bù khú, để xả cõi lòng, để “giải tỏa bế tắc sáng tác” hoặc để chửi sảng một “thằng nào đó”.

Trong số những văn nghệ sĩ lãng tử có một nhân vật được đánh giá là lãng tử nhất trong những kẻ “giang hồ biết mần thơ, sáng tác nhạc”. Đó chính là Vũ Ngọc Giao. Với cây guitar trên vai, Vũ Ngọc Giao có thể đi đến cùng trời cuối đất. Cái cùng trời cuối đất của Vũ Ngọc Giao không thuộc phạm trù địa lý mà thuộc về tâm lý, tức mức độ chịu chơi.

Vũ Ngọc Giao đã là lãng tử số 1. Thế nhưng, lại có 1 gã cũng lãng tử tương đương, không ở Sài Gòn mà “ẩn trú” ở Tây Ninh. Đó là thi sĩ Hồ Chí Bửu.

Vũ Ngọc Giao và Hồ Chí Bửu

Một ngày gần cuối năm 1972, Hồ Chí Bửu đang đứng ngồi không yên ngoài nhà chờ khoa phụ sản bởi bà xã đang chuyển dạ con so trong phòng hộ sanh. Bất chợt, một gã thanh niên đeo cây đàn guitar chéo vai xuất hiện, hỏi: “Ê! Hồ Chí Bửu đây hả? Vũ Ngọc Giao nè”.

Hai gã thi nhân mừng rỡ bá vai nhau, ghé mông vào quán cóc vỉa hè tại cổng bệnh viện khui ngay một số chai bia con cọp 333. Chuyện thơ, chuyện đời cứ tuôn chảy theo bọt bia nơi mép ly của 2 gã “vô duyên trong mắt đời nhưng rất duyên với tình nghệ sỹ”. 2 gã ngông vừa cạn chai bia thứ 24 thì được tin bà xã Hồ Chí Bửu “mẹ tròn con vuông”. Hồ Chí Bửu chạy vào phòng hộ sanh bế con. Vũ Ngọc Giao đứng trước cửa phòng ôm đàn nghêu ngao hát “mừng” bằng những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Ngón đàn guitar thùng “3 trong 1” của Vũ Ngọc Giao thu hút sự chú ý của những bà bầu chờ sanh, những ông chồng chờ con, những y bác sỹ hộ sanh thành một vòng tròn (Vũ Ngọc Giao có thể biến tiếng đàn guitar thùng thành bộ gõ và hòa âm như có 3 người chơi đàn cùng lúc). Ai cũng tỏ vẻ “thành khẩn” nhìn Vũ Ngọc Giao biểu diễn ngón đàn tuyệt diệu.

Thuở đó, danh tiếng Trịnh Công Sơn đang nở rộ. Có ai đó trong số khán giả bất đắc dĩ nói với người bên cạnh: “Ông này giông giống Trịnh Công Sơn nè”. Vũ Ngọc Giao mang mắt kính trắng nên có vẻ giống Trịnh thật. Hồ Chí Bửu nói luôn: “Trịnh Công Sơn chớ ai”. Thế là vòng tròn khán giả càng lúc càng đông. Người ta rủ nhau đi xem “Trịnh Công Sơn” hát mừng khoa sản. Gã lãng tử cứ nghêu ngao hát hàng tiếng đồng hồ đến khản cả giọng.

Dân nghệ sỹ giang hồ phía Nam hay đọc câu vè khi đã say sần sần:

Tây Ninh có hổ chí bu
Sài Gòn có vú Ngọc Giàu rất dư.

“Hổ chí bu” là Hồ Chí Bửu. Đọc theo giọng miền Nam nghe giống như con hổ bị chấy bu (bu cũng có nghĩa là bâu). Nghệ sỹ cải lương Ngọc Giàu thuở đó rất nổi tiếng về nhan sắc và giọng hát. Vũ Ngọc Giao đọc theo âm miền Nam và giọng lục bát thành “vú Ngọc Giàu”.

Đời Hồ Chí Bửu rất... động đất

Sinh năm 1947, tại Trảng Bàng, Tây Ninh; là con trai duy nhất của một thương nhân có tình cảm với lực lượng cách mạng miền Nam; tốt nghiệp Văn khoa Sài Gòn; 13 tuổi đã có thơ đăng báo. Năm 1970 rủ rê bạn bè sáng lập một tập san có cái tên rất… nguy hiểm: Động Đất. Hồ Chí Bửu là chủ biên.

Tập chuyên san phát hành trong giới học sinh, sinh viên với sự cộng tác của một số cây bút đình đám trong giới sinh viên như Sa Chi Lệ, Từ Trầm Lệ, Trường Anh, Lữ Hoài Trọng Ký, Duy Hà, Trần Trung Ngôn, Việt Chung Tử,… Tập san Động Đất từng bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đưa vào danh sách “cần theo dõi”. Cảnh sát Việt Nam cộng hòa ghi trong sổ tay: “Đó là nhóm phản loạn, chống chính quyền bằng tư tưởng”.

Năm 1969, anh cho ra đời tập thơ đầu tay Những cái nhìn qua khung kính được lính tráng Việt Nam cộng hòa chào đón nồng nhiệt. Bởi, thơ Hồ Chí Bửu có cái nhìn về cuộc chiến tranh “dị biệt” với chính quyền Việt Nam cộng hòa. Sau đó, cứ 2 năm anh cho ra đời 1 tập thơ: Mê khúc cho cuộc tình; Nếu ngày mai giải ngũ. Trước năm 1975, thơ Hồ Chí Bửu rải đều trên góc thơ của nhiều tờ báo, tạp chí ở Sài Gòn như: Trắng Đen, Thời Đại Mới, Sóng Thần, Phổ Thông, Phụ Nữ Thời Đàm,…

Nhà văn Ngô Nguyên Nghiễm gọi Hồ Chí Bửu là “kẻ lang bạt ngao du trần thế”. Hồ Chí Bửu bảo mình sinh ra trên đời để làm thơ, làm thơ và làm thơ. Hồ Chí Bửu không phải chí sỹ vì dốt chính trị và tình hình thế sự. Hồ Chí Bửu chỉ làm thơ, làm thơ và làm thơ. Ấy vậy mà, sau khi đất nước thống nhất, Hồ Chí Bửu suýt bị ở tù vì liên can đến chính trị. Đó là năm 1977, Hồ Chí Bửu đang là phóng viên báo Tây Ninh. Năm đó 1 nhúm phản động vài ngoe rủ nhau bàn cách lật đổ chính quyền. Họ cho rằng, Hồ Chí Bửu xứng đáng làm… “Bộ trưởng đặc trách văn hóa” của họ. Họ cử 2 người đến tận nhà Hồ Chí Bửu uống rượu để mời mọc. Trong cuộc rượu, mỗi lần 2 gã gợi ý chuyện làm chính trị, Hồ Chí Bửu đều bảo: “Mấy anh không biết gia đình tôi là gia đình có công với cách mạng sao?”. Cuộc rượu chưa tàn, công an mời 3 người về đồn. Thì ra, công an đã theo dõi nhúm chính trị dỏm này từ lâu. Khi 2 gã chính trị gia dỏm đang uống rượu tại nhà Hồ Chí Bửu thì công an bắt đầu thực hiện kế hoạch tóm gọn trọn bộ sậu. Dù không liên can nhưng Hồ Chí Bửu vẫn bị tạm giữ làm nhân chứng cả tuần lễ.

Đến năm 1985, báo Tây Ninh đăng bài thơ Sau 10 năm gởi người xa xứ đã khiến Hồ Chí Bửu lao đao. Bài thơ có đoạn:

Ta vẫn sống ở đây như mọi kẻ
Thật thản nhiên và đã quen rồi
sáng tờ báo - ly cà phê đen. Quá đã
đêm đêm về ta thắp nến làm thơ”.

Một vài kẻ định kiến cho rằng, Hồ Chí Bửu có ý đồ chính trị gì đó nên hàng đêm không mở đèn điện làm thơ mà lại thắp nến. Bực mình, Hồ Chí Bửu cuốn gói rời tòa soạn về nhà để mỗi đêm thắp nến làm thơ cho đến tận bây giờ.

Tổng biên tập báo Tây Ninh vốn là người được cha ruột Hồ Chí Bửu cưu mang thời kháng chiến chống Mỹ hứa sẽ giới thiệu anh vào hội Văn nghệ tỉnh. Anh khoát tay: “Nếu cho làm chủ tịch hội thì làm, không thì thôi!”. Cho đến bây giờ, Hồ Chí Bửu vẫn không chịu tham gia vào hội nào hết. Dù vậy, giới thi sỹ lãng tử miền Nam vẫn tôn Hồ Chí Bửu là “biệt thự thơ lãng tử” với 10 tập thơ đã ra đời.

Nhà văn Ngô Tấn Cường nhận xét: “Thơ Hồ Chí Bửu là thơ khẩu khí. Thơ ông cảm nhận bằng tai sẽ thích thú hơn đọc thầm bằng mắt. Thơ Hồ Chí Bửu ít được gọt giũa, trau chuốt về ngôn từ. Sự hấp dẫn của thơ ông chính là giọng điệu ngang tàng, đầy khí khái và cả tâm thế chân thành, thẳng thắn của nhà thơ trước những điều mà ông thổ lộ, chia sẻ. Giọng thơ Hồ Chí Bửu có vẻ tưng tửng, đôi chỗ cà rỡn nhưng phía sau ngôn từ vẫn chứa chan cái tình sâu nặng của một người sống hết mình với con người, cái đẹp, tình yêu và cuộc đời: Vào blog như thăm khu vườn lạ/ Có hoa chanh, hoa bưởi hoa hồng/ Có chim phượng, chim oanh và chim cú/ Có kỳ đà, cắc ké lẫn kỳ nhông/ Ta rất muốn sửa mình cho đúng đắn/ Nhưng sao thơ cứ mai mỉa bất cần/ Suốt đời ta chưa một lần may mắn/ Chùa khép rồi còn vọng tiếng chuông ngân…”.

Khi được hỏi về huynh hướng sáng tác thơ, Hồ Chí Bửu khẳng khái: “Đừng tưởng làm thơ không đau, không khổ. Tôi rút sợi thơ từ những trải nghiệm đau thương, kể cả sung sướng của bản thân. Suốt 3 năm (2003 - 2005) tôi vào chùa mỗi năm 1 tháng để chiêm nghiệm nhân tình thế thái rồi ngộ ra rằng, thơ là không, người là không và không cũng là không. Cử quán tưởng mọi thứ là không, thế là thơ chảy ra”. 

Tức mình chửi đổng nghe chơi

Trong hang có một con dơi lộn đầu

Con gà nằm chỏng phao câu

Còn ta cứ nhỏng cái đầu… lâu chơi!”.

(Tức mình)

Thơ tình của Hồ Chí Bửu giống như kiểu tỏ tình của gã con vua đang vi hành lang thang rách rưới. Yêu rất nhiều nhưng cũng bất cần. Bất cần nhưng rất yêu. Có lẽ đó là lý do hàng chục bài thơ của anh được phổ thành ca khúc trữ tình. Nếu ai đã từng nghe ca khúc Em trả lại anh (Nhạc: Thu Hương) được giọng ca Quang Dũng ru ngọt lịm mới biết thơ tình của Hồ Chí Bửu nguy hiểm với chị em phụ nữ thế nào. Dù vậy, anh vẫn luôn “trung thành” với vợ. Vợ anh cũng đáo để. Biết anh phiêu bồng ý tưởng, chị không bao giờ ghen. Có dạo, biết chuyện một fan nữ có ý si mê, anh cũng liêu xiêu, chị chủ động tìm đến làm quen đề rồi sau đó kết nghĩa chị em. Thế là anh huề vốn.

Với anh, “gã sĩ” nào cũng là bạn hữu. Dân văn nghệ Sài Gòn rủ nhau kéo bè đi Tây Ninh gặp anh bù khú là chuyện thường. Khi rảnh việc, anh xách bầu rượu túi thơ nhắm thẳng một địa chỉ nào đó, có khi cách xa 500 km, “quấy rầy bạn hữu” vài ngày cho thỏa cơn rồi lại trở về với cuộc mưu sinh thường ngày.

Dù vẫn làm thơ lãng tử, Hồ Chí Bửu vẫn “âm mưu” kinh tế. Anh quăng đời khắp chốn để tìm kế mưu sinh nuôi 1 vợ, 5 con, có lúc lặn lội sang tận Campuchia làm thợ rừng, thu mua nông sản.

Bây giờ 5 đứa con đã thành đạt, anh tập trung toàn lực cho những cuộc… lãng du và làm thơ lãng tử. Dù không thuộc hội nào, giới làm thơ lãng tử vẫn xem anh là cây bút “mạnh” khu vực phía Nam.

Hồ Chí Bửu

 

Yêu làm chi một gã làm thơ  


Yêu làm chi - tên nhà quê khờ khạo

Mê làm thơ và mê cả thế gian

Yêu làm chi - tên làm thơ đa đạo

Chúa nhật nhà thờ - rằm lại lên chùa

 

Tha anh đi - tên lãng du tội nghiệp

Không có xe hơi xế nổ nhà lầu

Vốn liếng chỉ vài bài thơ tán gái

Em thương rồi sợ không bỏ được đâu

 

Khi thế giới người ta xài điện toán

Hiệu ứng đa năng - hiệu ứng toàn cầu

Anh tối ngày ngồi than mây khóc gió

Đang mùa xuân mà ca ngợi mưa ngâu

 

Người ta thích nhuộm tóc vàng tóc tím

Còn anh chơi tóc trắng tự nhiên

Người ta sống ngụy trang mà vô nghiệm

Còn anh chơi xả láng trăm miền

 

Túm lại - anh không có gì đáng nói

Yêu làm chi để em khổ dài dài

Anh vốn của trời trăng và mây nước

Em biết rồi - anh đâu của riêng ai?

Nông Huyền Sơn
.
.