Chuyện ít biết từ người cận vệ của Bác Hồ
- Vị tướng, người cận vệ của Bác Hồ đã ra đi
- "Cận vệ của Bác Hồ" - những trang viết của một người trong cuộc
- Người cận vệ của Bác Hồ trong những ngày đầu cách mạng
Đúng hẹn, tôi chở nhà văn Hoàng Quảng Uyên đến làm việc với ông. Hoàng Quảng Uyên đến để xác minh một thông tin năm 1944, khi ấy, chàng thanh niên họ Phùng vừa tốt nghiệp trường Sĩ quan Hoàng Phố với quân hàm trung úy, tháp tùng Hồ Chủ tịch sang thăm và làm việc tại Trung Quốc.
Nhắc đến Bác Hồ, đôi mắt Phùng tướng quân linh động hẳn. Ông là người có thời gian làm công tác bảo vệ Hồ Chủ tịch. Cái tên Phùng Thế Tài cũng là do Bác đặt.
Buổi sáng trời mưa rét nhưng Phùng tướng quân vẫn rất thoải mái trong bộ quần áo mặc ở nhà và nói rất nhiều với các nhà văn. Phùng tướng quân cho biết, năm 1944, Bác Hồ quyết định phải nối mặt trận ngoại giao với những người cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là thiết lập mối quan hệ với người Mỹ ở Trung Quốc.
Khi ấy, tình hình chính trị của Trung Quốc rất phức tạp nhưng cũng là giai đoạn bắt tay giữa Đảng Cộng sản và Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch. Lúc đó, ta mới bắn rơi máy bay và bắt sống một trung úy phi công Mỹ tên là Saw tại bản Ngần ven thị xã Cao Bằng. Bác quyết định sử dụng viên trung úy như một bức thông điệp để tiếp cận với viên tướng Tư lệnh không quân Mỹ ở Vân Nam.
Chuyến đi được giữ hết sức bí mật. Đoàn vẻn vẹn có 4 người gồm Bác Hồ, viên phi công Mỹ, Đinh Đại Toàn và Phùng Thế Tài là hai bảo vệ xuất phát ở cột mốc 108 Cao Bằng đi thẳng sang Tĩnh Tây. Sau nhiều ngày lặn lội trên đường rất vất vả vừa phải cảnh giới với nhung nhúc mật thám vừa tìm những con đường an toàn, đoàn đến Tĩnh Tây.
Do thông hiểu tiếng Trung Quốc, Phùng Thế Tài đĩnh đạc tới cổng gác quân doanh của trung tướng Trần Bảo Xương, chủ nhiệm sở chỉ huy Tĩnh Tây thuộc chiến khu 4 do tướng Trương Phát Khuê làm tư lệnh.
Sau khi xưng danh và mục đích, đặc biệt có món quà là viên phi công Mỹ, đoàn công tác lập tức được tướng Trần Bảo Xương đón tiếp nhưng viên phi công Mỹ chỉ nói được tiếng Anh lại không có phiên dịch nên phải đợi các tùy tùng của Trần Bảo Xương tìm phiên dịch.
Cũng ngay lúc đó, Trần Bảo Xương gọi điện thoại báo cáo thượng cấp và nhận thông tin được phép tiếp đoàn của Bác. Sau khi có phiên dịch làm việc, Trần Bảo Xương lệnh cho sĩ quan đối ngoại sắp xếp nơi ăn chốn ở cho đoàn và thân mật mời cơm. Phát hiện thấy thái độ vồ vập quá đáng với viên trung úy phi công, Phùng Thế Tài bắt đầu nghi ngờ, chỉ sợ sau khi có trong tay món hời, các tướng lĩnh Quốc dân Đảng tranh công rồi làm khó dễ cho Bác, thậm chí chúng có thể làm càn vì trước đó, Tưởng Giới Thạch đã từng bắt Bác hơn một năm trời giam ở các nhà tù Quảng Tây.
Thấy tình hình bất lợi, Phùng Thế Tài xin phép Bác lén theo dõi động tĩnh của viên trung úy và tướng Trần Bảo Xương. Khi ấy khoảng chín giờ tối, các sĩ quan của Trần Bảo Xương mời Bác đi ngủ. Trằn trọc không ngủ được, thấy phía nhà khách còn sáng đèn, Phùng Thế Tài bí mật lẻn đến, thấy Trần Bảo Xương cùng với phiên dịch đang tìm mọi cách khai thác viên trung úy Saw.
Loáng thoáng nghe thấy tiếng “bắt giữ”, Phùng cận vệ lập tức về báo cáo Bác. Tình hình lúc đó rất khẩn trương, Bác nhận định tay chân của Tưởng Giới Thạch hoàn toàn có thể lợi dụng vào thời cơ này để một lần nữa bắt giữ Bác. Bác hội ý với hai người cận vệ và cả ba thống nhất phải rời sở chỉ huy của Trần Bảo Xương ngay lập tức. Bác quyết định quay trở lại biên giới ngay trong đêm, về lại Pác Pó rồi hạ lệnh tắt điện, sắp xếp giường chiếu như là đã đi ngủ để đánh lạc hướng.
Khi đi qua cổng, Phùng Thế Tài nhanh trí nói là đi mua thuốc nên chúng không nghi ngờ gì. Ba bác cháu gấp rút tranh thủ rời khỏi nơi nguy hiểm. Bác quyết tâm làm sao đến mờ sáng phải có mặt ở cột mốc 108 trước khi mệnh lệnh bắt giữ kịp ban bố. Khi ấy sức khỏe của Bác không được tốt nhưng Bác rất cố gắng để không ảnh hưởng tới sự an nguy của đoàn nếu chậm chân.
Khi đã đi được nửa đoạn đường, Bác khát nước và bắt đầu xuống sức, Phùng Thế Tài phải đi hàng cây số tìm suối lấy nước cho Bác uống. Trước khi đi, Phùng Thế Tài đãi Bác điếu thuốc lá (Phùng Thế Tài được phân công giữ thuốc lá và chỉ để cho Bác hút hết sức hạn chế theo chỉ định của bác sĩ. Nhiều lần Bác Hồ xin thuốc hút nhưng Phùng cận vệ kiên quyết không đưa khiến Bác phải gắt nhưng Bác luôn ngợi khen nguyên tắc của người cận vệ trẻ).
Có nước uống, hút điếu thuốc thêm phần tỉnh táo, Bác phấn chấn giục mọi người gấp rút lên đường. Đến mờ sáng thì về được sát biên giới. Mấy Bác cháu được đồng chí Lê Quảng Ba đón về ở một cái hang cách cột mốc 108 hơn một km.
Tác giả bài viết (phải) và Thượng tướng Phùng Thế Tài. |
Bác lập tức hội ý với đồng chí Lê Quảng Ba, xác định phải tìm mọi cách tiếp tục đến Côn Minh bởi tình hình cách mạng rất khẩn trương, trên các mặt trận, trục phát xít đang thua đậm, thời cơ giành độc lập dân tộc đang có những điều kiện quốc tế thuận lợi. Lần đi này cũng được giữ tuyệt đối bí mật và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Phùng Thế Tài được tổ chức giao cho ba con ngựa dùng để cưỡi nhưng Bác kiên quyết không cưỡi. Bác bảo đi bộ cũng là một phương pháp rèn luyện thể lực.
Thế là hai người cận vệ trẻ (Phùng Thế Tài và Đinh Đại Toàn) cưỡi ngựa còn Bác đi bộ. Hai anh cận vệ bàn nhau như thế thì không thể được nên giao ngựa cho dân. Ba Bác cháu hạ quyết tâm bí mật đi theo hướng Điền Đông, Điền Cả, qua một loạt xã, huyện, thị trấn đến Côn Minh. Đinh Đại Toàn, người dân tộc Thổ rất chăm chỉ, đặc biệt rất khỏe nên mang đồ đoàn khá tốt.
Chỉ phải cái chàng thanh niên người Thổ này ăn rất khỏe, mỗi bữa cứ phải bảy, tám bát mà cậu chàng vẫn còn muốn ăn nữa. Phùng Thế Tài loay hoay không biết làm sao nhưng cũng phải báo cáo với Bác vì cứ ăn thế này thì có khi không đủ lộ phí để đến được Côn Minh. Bác cười bảo cứ để cho cậu ấy ăn, vài ngày nữa mệt tự khắc ăn ít đi. Đúng như dự đoán, cậu chàng ăn rút dần. Khi ấy, Phùng cận vệ mới thở phào.
Chuyến đi rất gian lao nhưng kết quả thì rất tốt. Bác đã tiếp xúc được với người Mỹ ở Côn Minh, đạt được một số thương thảo có lợi cho cách mạng Việt Nam, thậm chí phía đoàn Mỹ còn giao một chiếc máy bay để phục vụ đoàn Việt Nam.
Sau khi đàm phán thành công, tháng 3 năm 1945, máy bay Mỹ chở Bác và đoàn (lúc này một số nhân sĩ trí thức người Việt Nam ở Trung Quốc theo Bác về làm cách mạng như Cao Hồng Đính, Lâm Bá Kiệt, Phùng Chí Kiên…) từ Côn Minh về Bách Sắc để Bác làm việc với Bộ Tư lệnh chiến khu 4, tướng Trương Phát Khuê và tướng Trần Bảo Xương, những người luôn ngầm kính trọng tài năng và nhân cách của Hồ Chủ tịch.
Tướng Trương Phát Khuê cho xe zip ra tận sân bay đón Bác. Sau khi chiêu đãi đoàn và được Bác thông báo phía Mỹ đã công nhận tổ chức Việt Nam cách mạng đồng chí hội là tổ chức cách mạng hợp pháp đại diện cho quyền lợi của nhân dân Việt Nam, tướng Trương Phát Khuê đã điện báo cáo Tưởng Giới Thạch ngay.
Khi ấy Tưởng cũng đồng ý để Trương Phát Khuê tiếp đón trọng thể Bác. Cũng thời điểm ấy, có lính gác báo cáo với đoàn Việt Nam có người xưng tên là Hoàng Quốc Việt xin được gặp các đại biểu. Phùng Thế Tài lập tức báo cáo Bác Hồ.
Bác bảo mời ngay Hoàng Quốc Việt cùng các đồng chí Đặng Viết Châu, Dương Đức Hiền vào gặp. Đồng chí Hoàng Quốc Việt vừa ở trong nước sang đã báo cáo tình hình công việc mọi mặt với Bác. Bác lắng nghe, sau đó căn cứ chuyển biến của tình hình quốc tế phân công ngay Hoàng Quốc Việt về gấp báo cáo trung ương một số việc cần làm ngay.
Khi ấy có một việc đột biến xảy ra. Thấy cục diện chiến tranh biến đổi, phát xít Nhật đang trên bờ diệt vong, Tưởng Giới Thạch tính nước cờ để Hoa quân nhập Việt. Tiếng là tước vũ khí và tiếp nhận đầu hàng của quân Nhật nhưng thực chất là thôn tính Việt Nam với sự cấu kết của một số thế lực phản động trong nước.
Phát hiện ra âm mưu đen tối của chúng, Bác lập tức hạ mệnh lệnh lên đường trước khi lệnh của Tưởng Giới Thạch tới được các cửa ải và tay chân mật thám của Tưởng. Cũng rất may mắn là tướng Trần Bảo Xương, chủ nhiệm sở chỉ huy Tĩnh Tây của chiến khu 4 sau sự việc hiểu lầm trước kia đã tỏ ra rất khâm phục Bác. Trần tướng quân chỉ thông báo lệnh của thượng cấp một cách chiếu lệ để đoàn ta kịp về nước.
Bác kịp về Pác Pó an toàn cùng với đoàn tùy tùng chỉ đạo thắng lợi cách mạng Việt Nam, giành độc lập tự do cho dân tộc.
Vị tướng ngồi trầm ngâm một lúc sau những hồi nhớ xúc động một thời như vẫn còn quá gần gũi. Sau nhiều chuyến đi bảo vệ và ở với Người, Phùng Thế Tài có thể nói là một trong những chiến sĩ cận vệ gần gũi với Bác. Khi về đến Tân Trào, trước tình hình cách mạng biến chuyển mau lẹ, Phùng Thế Tài nằng nặc đòi Bác cho ra mặt trận chiến đấu trực tiếp. Ông cũng là tiểu đội trưởng đầu tiên của giải phóng quân Thất Khê tham gia giành chính quyền tại Thất Khê tháng 8 năm 1945.
Tôi và nhà văn Hoàng Quảng Uyên ngồi lặng trước những ký ức xúc động của vị tướng trận một thời từng là cận vệ của Bác Hồ. Nhắc đến Bác, lão tướng quân vẫn nhớ được từng chi tiết nhỏ dù câu chuyện xảy ra cách đây đã hơn bảy mươi năm. Người cận vệ của Bác Hồ ngồi đó, thâm trầm như một trái núi mà ẩn chứa những tâm tư, kỷ niệm, niềm tin và lẽ sống đã lặng lẽ ngấm sang từ một con người vĩ đại - Hồ Chí Minh.