Câu chuyện thứ 58:

Chuyện của nghệ sĩ Minh Hoàng

Thứ Năm, 07/05/2015, 12:48
Minh Hoàng ngồi ngó nắng, thuốc đốt liên tục, thi thoảng húng hắng ho. Tôi quở: “Anh hút nhiều quá”. Minh Hoàng cười cười. Kiểu, đời đủ buồn rồi, không hút thuốc thì lấy gì bầu bạn. Vẫn nghĩ, có ai tự đong đo nỗi buồn mà bảo mình đủ đâu. Chỉ là, sau quá nhiều biến cố, người ta thấy và nhìn mọi thứ thông thoáng hơn.

Bất ngờ, Minh Hoàng từ trẻ cho đến lúc tóc hoa râm, không biết đến giọt rượu. Bạn bè tập đủ kiểu, thấy rượu không ưa thằng này, nên thôi. Vậy mà, cuộc vui nào, bạn cũng một hai lôi Minh Hoàng ra góp mặt cho kỳ được. Buồn thì gần sáng. Vui thì tàn canh. Bằng hữu hân hoan khi vừa nghe giọng nên có đêm nào là đủ dài đâu.

Ngồi nghe Minh Hoàng kể chuyện, hỏi, anh thấy đời vui hay buồn nhiều hơn? Lại cười: “Thì cứ cho là cân bằng đi”. Có lẽ, tại cái tính: “Lâu rồi, đời mình cũng qua”. Mà, nói vậy thôi chứ qua sao được. Xem kịch của Minh Hoàng thấy bổi hổi ký ức, run rẩy kỷ niệm. Quá khứ ùa về, mấy mươi năm mà cứ hôi hổi như hơi thở người thương vừa chạm mặt.

Tôi ít khi viết lời mào cho nhân vật của mình ở trang này, ngoại trừ một vài nhân vật đặc biệt. Và, Minh Hoàng là một trong số đó. Đặc biệt nhất, có lẽ là khí chất nghệ sĩ toát ra từ suy nghĩ, lối hành xử và cách sống của anh, suốt mấy mươi năm qua. Tôi thường thấy, đời sống có không ít kẻ làm màu, cố thể hiện chất nghệ sĩ từ quần áo, phục sức. Minh Hoàng, tềnh toàng quần jeans, áo thun bạc phếch, khí chất vẫn chẳng lẫn đi đâu được, nhất là khi Minh Hoàng trầm ngâm theo khói thuốc, bên ly café không đường.

Đoán ý, Minh Hoàng cười hiền lành, mấy năm nay bệnh cũng nhiều. Tiểu đường rồi huyết áp nên uống vậy chứ chẳng phải tay chơi, phong cách gì đâu. Nghe thì gật vậy, chứ biết có dân chơi nào cố nhận mình là dân chơi đâu, trừ phi muốn giễu, muốn trào phúng đám dân chơi giả hiệu như ông anh tôi lâu lâu vẫn phiếm.

Có ai không phải dân chơi mà hỏi chuyện đời, cười thanh thản đáp: “Hỏi anh có tiếc gì không? Anh bảo không. Đời cho nhiêu xài nhiêu. Vậy là đủ rồi”. Dường như, cả cuộc đời Minh Hoàng là một cuộc chơi. Vì ham vui, vì mê thích. Và đã chơi thì dấn thân, quên mình. Minh Hoàng nặng lòng với sân khấu kịch. Thương vô cùng. Hơn nửa thời gian trò chuyện, Minh Hoàng nói về sân khấu. Bởi đó là cuộc sống, là yêu thương của cuộc đời anh. Còn thì, cơm áo gạo tiền, lề thói, buộc ràng chỉ là những thứ dây nhợ mong manh, điểm tô cái chất tài tử ăn sẵn trong máu. Có cũng được, không có cũng không sao. Người như vậy, rất giàu bằng hữu. 

Vậy nên, chẳng mấy ngạc nhiên khi nghe Minh Hoàng kể, Minh Hoàng với Thương Tín, chơi với nhau cực thân. Từ ngày ất ơ theo nghề, thuở danh vọng rực rỡ cho đến lúc tuổi xế chiều. Chỉ là cố mường tượng, hai tay chơi đúng nghĩa ấy ngồi với nhau thì chuyện thú đến mức nào.

Tháng 4, Sài Gòn nắng đổ lửa, rát da. Tháng 4 năm ấy trong ký ức thằng trẻ trai hai mươi tuổi là những ngày vọng động, xáo trộn, nơm nớp lo lắng. Cái nắng như rọi chiếu số phận, xoay chuyển mình theo thời cuộc. Cứ theo dòng mà trôi, mà sống, mà trưởng thành, mà sinh con đẻ cái. Bây giờ, ngồi ôn chuyện cũ, thật không biết mình đã sống, đã đi qua những tháng ngày sau đó như thế nào. Hay tại có quá nhiều hình ảnh, nhiều câu chuyện, không chỉ riêng của mình, của gia đình mình nên chẳng biết bắt đầu từ đâu?

18 tuổi, đỗ tú tài 2, tôi đậu trường Luật, theo mong mỏi của bản thân và kỳ vọng của gia đình, trở thành một luật sư. Ba tôi hồi đó làm nghề cạo giấy ở tòa án, có lẽ vì vậy mà muốn tôi theo nghề chăng? Tôi học hăng say, song cũng mê hát hò. Nghe thằng bạn rủ, thi vô trường Quốc gia âm nhạc & Kịch nghệ, phần vì vui, phần vì nghe nó “biện luận” coi bộ có lý, nhằm trốn được 4 năm quân dịch, chứ học luật không lỡ rớt biết làm sao. Tò mò theo bạn vô trường, ngó nghiêng thấy người ta luyện thanh hãi hùng quá, mới nghĩ ngày nào mình cũng mì mí mi, mà má ma kiểu đó, chịu sao đặng. Tôi ớn ăn chạy một nước. Trời xui đất khiến, đâm tò mò cái môn kịch, vậy là thi vô. Đậu thiệt và lấy giấy tránh quân dịch bên trường kịch luôn.

Lo xa vậy chứ tôi xác định rất rõ, học kịch là học vui, học chơi còn học luật là học chính. Thành ra, tôi đi học ở trường kịch cũng tài tử lắm. Mà đúng nghĩa là trường đào tạo tài tử thiệt. Sáng, học luật ở trường, trưa nhảy qua học kịch tới chiều. Ba má tôi hồi sau nghe thằng con học song song hai trường, có ý phiền. Tại cái câu “xướng ca vô loài” vận vào ông bà cụ dữ lắm. Song, nhờ tôi học tốt cả hai bên nên ba má cũng nguôi dần. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ đó là sự sắp đặt của số phận. Một sự sắp đặt không ai có thể tiên đoán hay lường trước được.
Thời gian đó Sài Gòn căng thẳng và ngột ngạt lắm. Hệt cái không khí oi nồng không chút gió của tháng 4. Trông mỏi mắt mà không thấy đụn mây trắng nào bay qua bầu trời ngăn ngắt xanh. Mấy cành phượng đỏ bông rơi lả tả xuống mặt đường bỏng rát. Mùi nhựa đường hắt lên, xộc thẳng vào mũi, đập thẳng vào mặt, tiếc không xát được da người. Nét âu lo hằn rõ trên từng khuôn mặt. Người lớn rón rén trong từng cử động, trẻ nhỏ bặt im không dám quấy khóc. Lũ bạn tôi mắt cứ dáo dác tìm nhau. Giờ lên lớp chẳng còn tâm trí đâu tập trung vào bài giảng.

Có lẽ, ký ức của tuổi trẻ trước sự biến thiên của thời cuộc, sự thay đổi của hàng vạn con người dữ dội quá nên nó chưa bao giờ ngủ yên trong tôi. Quên làm sao được cái cảnh từng món đồ thân yêu nhất trong nhà cứ thế lần lượt đội nón ra đi. Ba không khóc, má không khóc, chỉ nhìn nhau nén tiếng thở dài thườn thượt. Đó cũng là tình cảnh chung của rất nhiều hoàn cảnh, gia đình khác. Nhà nhà ra chợ trời, người người ra chợ trời. Những món đồ quý giá nhất lần lượt dứt ruột kéo nhau ra đường. Máy hát, dĩa nhạc, từ điển, sách vở,... lăn lóc khắp các vỉa hè. Người bán nhiều, người mua ít, gương mặt héo hắt như lá non trong cái nắng khô khốc.

Mọi thứ như một tấm màn sương mù dày đặc giăng trước mặt, người ta cứ thế lầm lụi đi, lầm lụi sống. Lò dò bước trong đêm mà chẳng biết, cũng chẳng có thời gian để tự hỏi, tương lai của mình về đâu? Sẽ làm gì để sống, để thoát khỏi hoàn cảnh ngột ngạt, gạo châu củi quế đó. Cứ thấy một vệt sáng thì bám riết lấy mà đi. Điều người ta bận tâm nhất khi ấy là ngày mai có cái gì để đàn con nhóc nheo dằn bụng sống qua ngày.

Sau ngày Giải phóng, trường Luật bị bãi bỏ, khoa nhạc và kịch nghệ được tiếp quản. Bọn chúng tôi được gom lại, đào tạo theo hệ chuyển tiếp. Hai năm sau thì ra trường nhưng không bằng cấp gì cả. Rồi mỗi anh em mỗi ngả cũng có người không chịu nổi bỏ nghề hay tính chuyện đi xa. Tôi, như khao khát của rất nhiều người, được giữ lại trường làm phụ giảng. Là được tin tưởng chọn thôi chứ bản thân tôi tự thấy việc đào tạo, đứng lớp không thỏa cái chí tang bồng, vẫy vùng, nên hết thời gian thực tập, tôi xin về đoàn Cửu Long Giang, tiền thân của đoàn kịch nói Nam Bộ sau này.

Thời may, giai đoạn đó Nhà nước mình có rất nhiều chính sách ưu đãi văn nghệ sĩ nên tôi có thể đỡ đần được ba má phần nào chăm cho mấy đứa em. Cũng có nhiều ràng buộc, nhiều hoài nghi, xét nét. Biết làm sao được, trong cái không khí chung lúc ấy mà. Tôi vượt qua hết, bám nghề, lay lắt sống. Quên sao được những đêm dài hun hút, đường vắng hoe, chỉ có tiếng xe đạp lốc cốc và tiếng thở hổn hển. Xin đừng hỏi tôi, vai diễn nào tôi nhớ nhất. Cũng đừng hỏi, tôi đã hóa thân thành bao nhiêu nhân vật. Bởi, mỗi nhân vật tôi đều thương, đều sớt cho nó một phần tâm hồn mình, từ những gì tôi chứng kiến.

Cách đây độ một năm, khi đang quay Đường xuyên rừng, có một chị phụ nữ trong đoàn cán bộ xuống thăm mấy anh em đoàn phim. Cô tíu tít mừng như người quen lâu ngày gặp mặt. Cô nói với tôi rằng, ngày cô còn nhỏ, có xem tôi diễn. Nhớ mãi cái cảnh anh chiến sĩ đứng đợi người yêu dưới gốc cây gõ mà nước mắt cô rớt liên hồi… Với tôi, đó là hạnh phúc.

Tôi theo nghề, từ một cú ham vui. Rồi duyên phận đưa đẩy. Có lẽ, nghề chọn mình thật. Với tôi, đó là một nghề đáng quý và đáng trọng. Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ, sẽ làm giàu, sẽ được nổi tiếng với nghề. Có thể, nói điều này, nhiều người trẻ bây giờ không tin. Nhưng, ở thế hệ chúng tôi, nghề diễn là niềm vui, đồng thời là nhiệm vụ. Hoặc cũng có thể, những gian nan ngày ấy đã rèn cho tôi chất chiến sĩ trong tâm hồn nghệ sĩ. Hay vì, nghiệp diễn đã gắn với tôi từ những ngày tươi đẹp nhất cho đến lúc tóc lớm chớm bạc?

Điều tôi tự hào nhất là đã sống và tận hiến cả cuộc đời mình cho nghiệp diễn. Đồng thời đó cũng là điều tôi trăn trở nhất. Lũ chúng tôi đã gắng gượng, chèo chống. Nhưng, câu hỏi vẫn còn lơ lửng, bất an. Sân khấu kịch, sau rất nhiều nỗ lực cầm cự, rồi sẽ đi về đâu?

Hoàng Linh Lan
.
.