Câu chuyện thứ 13:

Chuyện của nghệ sĩ Anh Vũ

Thứ Ba, 02/04/2013, 11:00
Thấy Anh Vũ cười, cái miệng tía lia trên sân khấu kịch hoài, tôi không nghĩ là đời Anh Vũ nhiều nỗi niềm như vậy. Đọc, thấy vừa xót xa, vừa thương. Anh Vũ mắc phải chứng ung thư, vẫn cố mỉm cười mà sống, học quên mà diễn.

Diễn, để đỡ nhớ nghề, để xem những tràng pháo tay của khán giả là liều thuốc tinh thần cho mình.

Diễn, cũng là để dành dụm, xây cho ba mẹ cái nhà cao cao, mong sao ba mẹ thoát khỏi cảnh mắt mẹ buồn, trán ba nhăn mỗi lúc nước lấp xấp nhà, mỗi lúc triều cường lên.

Diễn, như là một sự giải thoát khỏi những tai ương mà anh đang mắc phải…

1. Tôi thứ năm trong gia đình, là đứa cá biệt nhất. Ham chơi, lại hay nói suốt ngày. Mỗi lần bị ba rầy, mẹ thường ôm tôi cười, nói với ba: “Miệng thằng Vũ “tép lặn tép lội” vậy đó, mà sau này coi chừng làm được chuyện lớn à”. Mẹ thương tôi lắm, biết tôi thích cải lương, mẹ cứ lén cho tiền mua vé. Hồi đó đất đai rộng rãi, đoàn hát về dựng trại hai ba hôm, diễn vài tuồng, đến khi nào vắng khách lại đi. Người ta hát bao nhiêu đêm là tôi ngồi lì ở bãi bấy nhiêu đêm.

Tuồng coi rồi, vẫn thích mua vé vào ngồi coi lại. Đến giãn tuồng cũng ít khi chịu về ngay, cứ nấn ná chờ xem sau lớp xiêm y, son phấn lộng lẫy kia, nghệ sĩ sẽ như thế nào. Hồi đó mới học lớp 1, lớp 2 mà đêm nào cũng về khuya lơ, khuya lắc. Ba rầy, ba cấm, còn mẹ lại thương, biết có đoàn về là thể nào cũng nhín chút tiền chợ cho tôi cầm đi coi hát. Mê là mê vậy, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện sau này mình sẽ gắn đời với sân khấu.

Nhà tôi ở khu Văn Thánh, giữa vùng bị ảnh hưởng triều cường nặng nề nhất. Mỗi mùa mưa Sài Gòn, có khi mở mắt ra, đã thấy nước ở đâu về lênh láng. Nhiều hôm đang nằm, nghe nước vỗ dưới tai. Uể oải ngồi dậy giật mình, thì ra nước đã suýt đến mép giường.

Tuổi thơ tôi, khắc sâu trong tâm khảm là những sáng mùa về lành lạnh, nhờ nhờ trong nắng sớm dáng ba mẹ lom khom tát nước đầu hôm. Đi học, nước ngập ít thì xắn quần lên quá gối, nước ngập nhiều thì mặc luôn quần đùi. Lội đến chỗ ráo, xin vào nhà hàng xóm thay quần dài, rồi đội cặp lên đầu, hùa theo chúng bạn, hớn hở co giò chạy đến lớp, gan bàn chân ran rát nỗi cơ hàn.

Nhà có 7 anh em, tuổi xêm xêm nhau, ba mẹ phải cố gắng lắm thì cái ăn, cái mặc, sự học của chúng tôi mới vừa đủ vuông tròn. Hầu như, không khi nào gọi là dư dả. Mà hễ cứ dành được chút tiền là ba lại nâng nền nhà để chống ngập. Nâng riết, thành ra nhà thấp lè tè, mỗi mùa nước về loang loáng mặt đường, nhìn cảnh nhà cứ buồn hiu hắt.

Thằng tôi mới bảy, tám tuổi đầu đã biết ước mơ về những điều to lớn. Mà cũng có gì to tát lắm đâu, tôi chỉ ước mình lớn thật nhanh, đi làm kiếm tiền xây lại cho ba mẹ căn nhà có nền thật cao. Để sáng sớm mùa mưa, ba thôi lom khom tát nước, khuya gà gáy ba canh, mẹ khỏi giật mình bởi nước vỗ bên tai… Vậy mà, tôi làm cái gì cũng hỏng.

Xong phổ thông tôi đi học nghề cắt tóc. Vụng về làm sao cứ cắt trúng tai người ta hoài. Lần một, lần hai không sao, nhưng đến lần ba thì tôi ế luôn khách. Mẹ biết tôi từ nhỏ đã yếu, không làm nặng được mới xin cho tôi học may. Tôi ưng theo mẹ. Khổ nỗi, chuyện nặng làm không được, chuyện nhẹ tôi làm cũng không xong. Chuyện may vá thêu thùa tỉ mỉ, tôi lại nóng nảy bộp chộp, nên tiếp tục cũng chẳng đâu vào đâu. Ba thấy vậy, liền bảo theo ba làm xây dựng. Sức yếu nên ba chỉ cho sơn cửa. Được mấy hôm thì dị ứng mùi sơn, viêm mũi cấp tính, ba lo lắng quá, cho nghỉ luôn.

20 tuổi, tôi cưới vợ. Lấy nhau được chẳng bao lâu thì trục trặc. Tôi trẻ người non dạ, chưa từng biết thế nào là cơm sôi bớt lửa. Tình cảm vợ chồng cứ thế nhạt dần rồi đứt đoạn. Cũng mau lắm, đầm ấm chưa đến được một năm mà. Đã không làm gì nên hồn nên vía, lại lâm vào cảnh đổ vỡ, đời như chẳng còn gì, tôi rơi vào bế tắc. Như hòn sỏi lỡ bị gió thổi lăn trên sườn núi, lăn chiều nào cũng là chiều rơi. Có những chiều nước ngập, ngồi chóc ngóc trên chiếc ghế cao, ngó trần nhà đã gần sát đầu mà hốt nhiên muốn khóc. Đã lâu lắm rồi tôi không còn dám nghĩ về giấc mơ ngôi nhà nền cao thiệt cao, trần cũng cao thiệt cao…

2. 22 tuổi, bạn bè rủ đi học. Tưởng học gì, ai dè bạn rủ đi học làm diễn viên sân khấu. Lên một cơn phởn chí, theo bạn đăng kí cho vui. Mà rồi đậu thiệt. Mẹ mừng lắm, nhưng mặt ba lạnh tanh, đôi mắt sâu hun hút, những nếp nhăn xô vào nhau, rối rắm. Tôi biết, ba đang lấn cấn câu “xướng ca vô loài”.

Mẹ im lặng, tôi cũng im lặng, căn nhà đã thấp như thấp hơn, thấp hơn nữa rồi chèn lấy cả 3, nghẹt thở. Và rồi cũng là mẹ, nhín nhót được vài đồng, mẹ dúi vô tay, đẩy vai tôi rồi cười cười biểu: “Đi học đi”. Tôi tần ngần xắn quần lội nước ra phố, mưa tầm tã quất rát mặt, phố cũng nhạt nhòa. Nhìn lại căn nhà thấp thấp, chắc phía đó mẹ đang tựa cửa và cười, nụ cười bao dung đầy tin cẩn. Nghĩ vậy mà hốt nhiên chực khóc. Không biết cái số dở dở dang dang còn bám rịt lấy tôi đến bao giờ.

Học hành cũng lận đận, diễn chính kịch, bi kịch mà thầy cô, bạn bè cứ ôm bụng cười rần rần. Thầy tôi, cố NSƯT Văn Thành thấy thương, liền gọi lại nói: “Vũ ơi, cái mặt của con khóc cũng như cười, mà cười cũng như mếu, thôi con thử dựng tiểu phẩm hài kịch đi, thầy cho con mượn cuốn truyện cười dân gian, về mà nghiên cứu”. Nghe thầy biểu vậy, tôi cũng cười, mà cười như mếu. Ngờ đâu, diễn hài lại đạt, rồi lọt vào mắt xanh của thầy Việt Anh. Thầy Việt Anh thuở ấy diễn hài tinh tỉnh, mặt thầy khô queo mà khán giả cứ thế rộ lên cười. Tôi theo thầy diễn hài từ đó.

Nhận được đồng catse đầu tiên, tôi mừng lắm, nhà tôi còn mừng hơn. Cái thằng miệng mồm khi nào cũng “tép lặn tép lội” của mẹ cuối cùng cũng mày mò được chút công danh. Tôi nhìn ba mẹ hứa chắc: “Con sẽ xây lại nhà, triều cường về mình đỡ cực hơn”. May mắn, khán giả thương tôi cũng nhiều, nhờ vậy mà được diễn nhiều hơn.

Tập luyện vất vả, cơm nước không đúng giơ,â tôi thường xuyên bị chứng rối loạn tiêu hóa hành hạ. Nhiều lúc, bụng lại nhói đau một cách bất thường. Nghĩ đó là bệnh hay gặp của nghề nên cứ thế tôi tặc lưỡi cho qua. Cho đến mùng 4 Tết năm 2000, khi đang dạo phố xuân bỗng nhiên bụng lại nhói đau, cơn đau ngắn, nhưng quặn lên, nghẹt thở. Tôi tấp vào bệnh viện, lòng hoang mang một nỗi gì vô định lắm.

Chiều ấy, tôi về, vẫn đi diễn bình thường. Đến mai, tranh thủ ghé bệnh viện lấy kết quả xét nghiệm. Và rồi tôi bủn rủn, rã rời, cái đầu như đông cứng lại khi bác sĩ thông báo tôi đã mắc bệnh ung thư. Là ung thư đại tràng. Tôi sợ lắm, tôi không thể chết vào lúc này, cả gia đình chỉ dựa vào tôi là trụ cột, tôi… sợ hãi lắm.

Lại thấy mình như hòn sỏi, lăn miên mải trên sườn núi, tưởng đâu sắp được dừng, nào ngờ lại tiếp tục rơi vào vực thẳm. Tay ba chạm vào vai tôi không thôi run rẩy, mẹ khóc sưng to hai con mắt, anh chị em nghèn nghẹn lặng im. Cảnh nhà tự nhiên lại buồn xơ xác. Buồn như những ngày triều cường lặng lẽ lên giữa khuya, sáng ra, nước đã xâm xấp trong mấy thùng trái cây mẹ chưa kịp bán; như khi, ba ngồi bên bậu cửa, nhìn mưa giăng giăng nhạt nhòa mặt phố, rít thuốc đến lặng người, buồn chi, buồn dữ vậy ba…

Không, tôi phải mạnh mẽ lên để sống, mẹ mới cười vì tôi chẳng được bao lâu, ba mới tự hào về tôi chẳng được bao lâu, nếu tôi nghĩ mình sẽ chết, phải chăng đã là chết đi một nửa con người.

Tôi phẫu thuật, rồi nằm lại bệnh viện Chợ Rẫy để bắt đầu hóa trị. Những ngày nằm trên giường bệnh, tôi nhớ sân khấu vô cùng. Tôi không còn sợ chết nữa, chỉ sợ mình không còn được diễn, không còn được bỏng cháy đam mê trên vuông gỗ sân khấu sáng lòa ánh đèn.

Mà nếu có chết, tôi vẫn muốn được trút hơi thở cuối cùng trên sân khấu – thánh đường của người nghệ sĩ. Ý nghĩ đó như lời hối thúc đầy ma mị, sau đợt hóa trị thứ ba, tôi lần trốn khỏi bệnh viện. Chị Hồng Vân vừa nhác thấy bóng tôi, mặt đã xanh như tàu lá chuối, cứ như tôi sắp chết trên tay chị không bằng. Mà có chết trên tay chị thì cũng đủ vui mà. Mặc cho tôi cầu xin được diễn, chị thẳng thừng thu thu vén vén, sửa soạn đưa tôi về bệnh viện.

Thấy chị cương quyết, tôi nói mà như than: “Em không ở bệnh viện 1 ngày, em không chết, chứ giờ chị mà không cho em diễn chắc em chết tại đây”. Chị khựng lại, ngùi ngùi thở hắt ra. Tối đó, tôi được một vai nhỏ trong vở Mẹ và người tình. Bao nhiêu ngày xa sân khấu, giờ đứng trong cánh gà nhìn ra mà dạ nôn nao, bồi hồi.

Ngày xưa, lần đầu nghe tiếng khán giả vỗ tay tán thưởng, xúc động như thế nào, thì giờ lòng lâng lâng thế ấy. Đang phân đoạn cao trào, chị Cát Phượng vung tay tát mạnh tên sở khanh là tôi, thì bỗng nhiên cơn đau quái ác lại ập tới. Đáng lẽ phải né theo tay, để trông như bị tát thật, nhưng tôi lại không đủ sức. Hứng trọn đòn vung tay như trời giáng của chị Phượng, cùng với cơn quặn thắt, tôi đổ gập xuống sàn. Biết tôi bệnh tình nan chữa, chị Cát Phượng thất kinh, liền thoát vai quỳ sụp xuống hét lên: “Vũ ơi, Vũ, có sao không?”.

Thấy chị bị thoát vai, tôi cố giữ bình tĩnh, thét lên: “Vũ nào, Vũ nào, bà nhớ là bà đánh tôi nha”. Chị Cát Phượng hoàn hồn, phút chốc mà mặt ráo hoảnh, hai chị em đứng dậy tiếp tục diễn. Hết vở, anh em ôm tôi khóc sướt mướt, rồi lại chùi nước mắt cười ngay: “May mà mày không sao, thằng quỷ”. Nghệ sĩ mà, vui buồn, cười khóc nhẹ tênh.

Bác sĩ bảo, tôi mà qua được 5 năm, thì cơ hội sống tiếp rất là cao. Tôi học yoga, cố gắng tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị sau phẫu thuật, cười nhiều, lạc quan, thanh thản, vậy mà cũng được mười mấy năm rồi. Đành rằng trời kêu ai nấy dạ, tôi thì không chịu dạ ngay đâu. Nhớ hồi nhỏ bị đuối nước đến 4 lần mà vẫn không chết. Chị Hồng Vân đùa bảo: “Vũ à! Sau này mày chết không phải vì bệnh tật gì hết á, mà mày sẽ chết vì cắn vào lưỡi thôi, miệng gì mà nói tía lia vậy”, rồi chị cười, rất ngộ.

Đợt cuối năm qua, tôi mới gom đủ tiền, xây căn nhà cao cao cho ba mẹ. Rồi những mùa triều cường sau đó, buồn sẽ thôi chuếnh choáng trước bậu cửa nhà tôi

Hồ Ngọc Giàu
.
.