Câu chuyện thứ 34:

Chuyện của nghệ sĩ Ánh Hoa

Thứ Năm, 10/04/2014, 15:49
1. Chưa hết tháng giêng mà trời đã hầm hập nóng. Cái quạt máy vù vù càng phả thêm hơi nóng vào người. Tôi trở mình, thao thức nằm nghe sương thi thoảng rơi lộp độp trên mái tôn. Lác đác vài tiếng chó sủa ma cuối xóm. Con Nô trong nhà hùa theo vài tiếng rồi im bặt. Phố tịch mịch như lọt thỏm vào thinh không. Nghe rõ cả tiếng thở dài của chính mình.

Hơn chục năm nay, tôi ít ngủ. Mà hình như, già rồi nên cái gì cũng ít, cũng bớt lại. Ăn ít, uống ít, đêm trở mình thao thức, gặp chuyện gì buồn lắm nước mắt cũng như sương đêm hè. Chỉ có tâm hồn thêm trĩu nặng, chỉ có ký ức xác xao như lá cuối mùa, thường xuyên rủ nhau về, không đầu không cuối…

Tôi nhớ gương mặt thanh thoát, nhớ tiếng ca dịu ngọt, trong vắt như ánh trăng đêm rằm của má. Nhớ cái dáng cao cao, tiếng ca vang khỏe của ba. Ba tôi là nghệ sĩ Thanh Danh chuyên vai kép lẳng độc; còn má là nghệ sĩ Ánh Nguyệt, đào mùi, nổi danh từ hồi hát cho đoàn Tỷ Phượng. Ba má rong ruổi kiếp gạo chợ nước sông, vì miếng cơm manh áo và cũng vì cái nghiệp hát nó hành. Cực vậy nhưng dứt không có được. Má kể, một tối đoàn đang hát ở rạp Bến Tre thì má chuyển dạ trong cánh gà, tưởng đẻ rớt tôi, may sao được mọi người đưa kịp tới nhà bảo sanh. Má nói tôi lúc nào cũng toe toe cười như một búp hoa mới nở nên má lấy đó đặt làm tên, mong đời tôi sau này yên vui, rạng rỡ.

Cũng vì “giai thoại” đó mà mọi người trong đoàn hay gọi tôi là con của gánh hát. Nói tưởng xạo chứ mấy đứa con nít sinh ra và lớn lên trên ghe gánh hát như tôi biết hát trước biết nói. Tại nghe hát từ hồi còn nằm trong bụng mà. Ấu thơ quanh quẩn cũng chỉ có tiếng đàn tiếng hát. Nghe riết thuộc hồi nào không hay. Tôi bắt phách vô nhịp ngon ơ. Một bữa đang ngồi ca nghêu ngao trên nóc ghe thì má kêu tôi, hỏi có muốn đi hát không? Nghĩ tới việc từng bước đi, từng câu hát của mình được mọi người chăm chú quan sát, lắng nghe, lòng tôi đã lâng lâng, lại còn được điểm trang, được mặc xiêm y lộng lẫy như má nữa, tôi gật đầu liền. 7 tuổi tôi được giao vai Nghi Xuân trong tuồng Phạm Công Cúc Hoa. Hồi đó còn nhỏ đâu biết gì, chỉ thấy khán giả ngồi dưới vừa thút thít, vừa liên tục lau nước mắt. Lên 12, tôi giả trai đóng Na Tra trong vở Na Tra lóc thịt. Giọng ca hơi đồng trầm ấm, mạnh mẽ vang lộng, đầy sinh khí của tôi được báo chí thời đó khen ngợi hết mực. Họ còn ưu ái gọi tôi là thần đồng.

2.Năm tôi 13 tuổi thì ba má rời Tỷ Phượng gia nhập Tân Hương Hoa của ông bầu Vân Sinh. Thật ra tên ban đầu của đoàn là Hương Hoa, có cặp Việt Hùng - Ngọc Nuôi hát ăn khách nhứt nhì Sài Gòn. Khi ông bầu tăng cường thêm Vua Xàng Xê Minh Chí và nhiều nghệ sĩ trẻ như tôi, Nam Hùng, Thanh Thanh Hoa, Hoài Dung, Hoài Mỹ thì đổi tên vậy. Để khai trương bảng hiệu mới cũng như giới thiệu lớp nghệ sĩ trẻ, chủ yếu là giọng ca của Minh Chí và tôi (nghệ sĩ Minh Chí tên thật là Lê Mộng Lang, từng là kép trẻ của sân khấu Nam Tinh với các nghệ sĩ tiền phong như Ba Thanh Loan, Kim Chưởng, Thúy Nga, Phước Trọng, Ba Vân, Năm Nở. Khoảng thời gian sau, ông chỉ thâu đĩa cho các hãng đĩa Asia, Tứ Hải, Hoành Sơn nên rất ít khán giả biết mặt ông-PV), ông bầu tổ chức buổi diễn phúc khảo tuồng Đầu xanh vương khổ hận tại rạp Nguyễn Văn Hảo. Trong tuồng, tôi thủ vai cô gái mồ côi phải chịu những hình phạt tàn nhẫn của một kẻ nhà giàu bạc ác.

Ký giả Nguyễn Ang Ca xem vở xong, cho in trên trang nhất của tờ nhật báo Lẽ sống bức hình lớn của tôi kèm mỹ danh Thần đồng Ánh Hoa - Út Trà Ôn deux (2) của Tân Hương Hoa. Ông lý giải, mỗi khi tôi ca tới chữ “hò” vô vọng cổ, cái hơi thật êm, thật buồn khiến ông có cảm giác như được nghe chính ông vua vọng cổ Út Trà Ôn ca vậy. Lời khen tặng của ông ký giả khiến dư luận thời đó xôn xao, không chỉ khán giả tò mò mà các ký giả đã coi buổi phúc khảo trước đó cũng trở lại xem. Cuối cùng thì mọi người đều thống nhất gọi tôi là Ánh Hoa – Út Trà Ôn 2 cũng như dành nhiều lời có cánh cho cặp đôi Minh Chí – Ánh Hoa. Đoàn Tân Hương Hoa đông nghẹt khán giả nhưng chẳng được bao lâu thì tan vì các nghệ sĩ trẻ tách ra lập đoàn mới, trong đó có gánh Việt Hùng – Minh Chí. Gánh này được bà Ba Khang - chị của hai nghệ sĩ trẻ Hương Sắc, Hương Huyền - xuất vốn lập ra, và rất có tiềm năng. Tiếc là, mới diễn được 2 vở Đường lên xứ Thái (soạn giả Thiếu Linh) và Người đẹp bán tơ (soạn giả Kiên Giang) thì chuyện tình cảm của tôi với anh Chí bị báo chí phanh phui rần rần. Để phản đối, các ký giả quyết định không viết giới thiệu hay phê bình cho đoàn nữa.

Nghệ sĩ Ánh Hoa và đạo diễn Trần Anh Hùng trên phim trường Mùi đu đủ xanh.

Tôi mến anh Chí từ hồi đóng Đầu xanh vương khổ hận. Thiệt tình mới đầu, tôi coi ảnh như anh lớn trong nhà. Tự dưng ca chung, diễn chung thương hồi nào hổng hay. Tôi biết ảnh đã có gia đình nên cũng e dè. Ba má tôi cũng răn đe cấm cản đủ thứ. Nhưng chuyện tình cảm biết đâu mà lần. Tội nghiệp ảnh, cưới tôi chưa được mấy ngày thì tòa lập công khai xử ảnh tội cưới trẻ vị thành niên. Tại tòa, tôi thật thà: “Tại tôi thương ảnh, ảnh cũng thương tôi, chứ có ai dụ dỗ ai đâu mà tòa bắt tội”. Mấy tháng sau, xử phúc thẩm, ông chánh án vừa thấy tôi đã kêu lên: “Bụng bầu vậy thì còn xử cái gì nữa hả trời!”. Anh Chí bị giam sáu tháng, còn tôi mang cái bầu gần sáu tháng ngày ngày ra vô khám. Lúc ảnh về, con nhỏ đã biết cười. Trở về, thâm tâm anh Chí không tin là khán giả quay lưng với ảnh nên ảnh lập gánh Minh Hùng. Hát được ít lâu thì rã. Không nản, ảnh lập tiếp gánh Minh Chí. Gánh cũng sớm tan. Khi đó, ảnh mới cay đắng nhận ra khán giả vẫn còn giận ảnh. Nhiều bữa ảnh lẩn mình vào đêm, lấy rượu đong nỗi buồn. Nhưng ảnh chưa bao giờ oán thán hay trách tôi. Bỏ mộng làm bầu, vợ chồng tôi lang bạt hết đoàn hát này đến đoàn khác, đắp đổi qua ngày.

3.Lúc còn ở đoàn Trần Hữu Trang, vợ chồng tôi cắm lương đoàn mua trả góp căn nhà nhỏ gần cầu chữ Y. Nhưng thiếu thốn đủ thứ, tôi nghỉ hát xoay ra bán cơm tấm. Một sáng anh Chí phụ tôi bê cái lò than đá. Do lớn tuổi sức yếu, ảnh thở hổn hển rồi bâng quơ hỏi: “Mai mốt mình già rồi, sao bưng bê nổi nữa hả bà?”. Tôi nghe ứa nước mắt mà giả bộ lơ: “Tới đâu hay tới đó, ông lo gì hổng biết!”.

Bữa nọ, đang lúi húi nấu cơm thì Phú Hữu tới tìm và “mai mối” tôi cho đoàn phim Người tình (đạo diễn Jean Jacques Annaud) lúc đó đang cần một diễn viên nữ có vẻ già khắc khổ và phúc hậu góp mặt trong một cảnh quay. Nhờ Tổ thương nên sau đó, tôi lại được “mai mối” đóng một vai nhỏ trong Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng ở Pháp. Hôm lên máy bay, tôi nói với anh Chí: “Ông ở nhà đừng buồn, tôi đi đóng phim, có tiền mình trả hết tiền nhà nha ông!”

Hai tháng sau tôi về, ảnh vui chưa được bao lâu thì đổ bệnh. Vỏn vẹn mười ngày ảnh mất. Cái chết ập đến gia đình tôi bao giờ cũng choáng váng, đột ngột và thảng thốt. Tôi nhớ gương mặt non nớt, xanh xao của đứa con gái lên mười với ánh nhìn trân trối ám ảnh. Nó đau năm ngày rồi đi lặng lẽ. Tôi không biết đó là bệnh gì chỉ thấy yết hầu con đột nhiên sưng to. Ăn không được, uống cũng không xong. Từng tiếng rên hắt ra đứt quãng khó nhọc. Như một cái cây đang tươi xanh tự dưng héo hắt chết dần chết mòn. Hôm ấy là 30 tết. Vậy mà, con tôi không kịp mặc chiếc áo mới nữa rồi… Tôi nhớ gương mặt trắng bệch của thằng út. Cái thằng lành tính, bảo gì cũng nghe cũng dạ. Nhà chỉ còn hai má con lủi thủi trông nhau, vậy mà, nó bỏ tôi đi ở cái tuổi đẹp nhất của đời người sau một vụ tai nạn, không kịp dặn dò, không kịp trối trăn. Con ơi…

Căn nhà bỗng dưng trống huơ trống hoác, gió mặc nhiên lùa vào rồi thông thốc thổi ra. Trước qua nhiều mất mát, không ai dám bảo mình quen nhưng người ta buộc phải mạnh mẽ hơn để sống tiếp. Tôi vẫn thấy đời tôi vui nhiều hơn buồn. Vì tôi còn có tiếng hát, có anh em bè bạn hết lòng thương yêu và Tổ thương dẫn dắt những vai diễn. Toàn vai nhỏ nhỏ thôi nhưng khuây khỏa. Từ Người đẹp Tây Đô, Xóm nước đen, Đất phương Nam, Đồng tiền xương máu,… Lâu trước buồn buồn, tôi có ghi lại mấy cái phim mình tham gia, bữa ai thấy hay mượn tôi mà không nhớ trả. Nhẩm tính cũng khoảng sáu mươi phim có lẻ, chưa kể clip ca nhạc.

Nhiều người biết chuyện gia đình, hỏi sao tôi không về ở với hai đứa con còn lại cho vui? Tôi trả lời, về phiền tụi nó chứ chi! Ngày xưa mải đi hát không lo lắng được gì cho hai đứa nó, giờ tụi nó yên bề gia thất rồi chỉ nên mừng thôi chớ đừng rầy rà. Tôi kêu mấy đứa em về ở cùng cho vui nhà vui cửa. Già như nhau nên dễ cảm thông. Giờ tôi lớn tuổi rồi, người ta cũng ngại kêu phim. Nhưng chỉ cần có ai gọi là tôi bắt xe ôm đi liền. Nếu không đi phim, tôi biết làm gì cho hết những ngày tháng còn lại của đời mình?

Hoàng Dung
.
.