Câu truyện thứ 31:

Chuyện của diễn viên Vân Trang

Thứ Sáu, 28/02/2014, 10:30
1. Con sông Bà Tồn quê tôi mùa này ăm ắp nước. Từng sóng nước dịu dàng, nhung nhớ thi nhau ập vào chân tôi như muốn rửa trôi bụi bặm, ồn ào của phố, của những nơi tôi qua. Tôi nghe đâu đó cái hương vị ngòn ngọt, mát lành phả vào da, len vào máu thịt mà chỉ sông quê mới có. Những chiếc xuồng, những chiếc ghe chất đầy hoa quả nô nức chở mùa về.

Tôi lại thấy tôi – con bé Trang đen nhẻm ngày nào, hồn nhiên cùng lũ bạn, nhảy ùm xuống sông, thi nhau bơi từ bờ bên này sang bờ bên kia; tiếng cười, tiếng reo chộn rộn cả một khúc sông, ẩn nấp trong những khoang xuồng đơn sơ, trôi ríu riu theo đám lục bình mướt rượt. Hình như, đã lâu lắm, từ ngày theo nghiệp diễn, tôi mới có dịp về soi bóng mình trên khúc sông tắm mát cả khoảng trời tuổi thơ tôi.

Má tôi kể, năm tôi lên hai, vì cả tin mà vốn liếng ba má dành dụm từ đồng lương còm cõi trôi hết ra sông ra bể. Cả căn nhà mồ hôi nước mắt của ba má cũng không giữ được. Nhìn tôi bi bô nói cười, nước mắt má thảng thốt rớt không kịp vươn trên vành mi vì sợ ba tôi buồn. Ba tôi vốn ít nói, lại càng trầm ngâm hơn. Má nói, cái dáng ngồi bất động của ba bên bậu cửa cho đến tận bây giờ, vẫn ám ảnh má. Tôi không biết tại sao trước những biến cố cuộc sống ập vào, người đàn bà thường nấu nung giải tỏa bằng nước mắt, còn đàn ông lại chọn cách ẩn giấu. Tôi chưa bao giờ ướm thử đôi vai của ba dài và rộng đến mức nào. Chỉ biết, với má, với tôi, biên độ của nó là vô hạn để má và tôi có thể tựa nương, tin tưởng, bình an.

Rời Mỹ Tho, ba má về nương nhờ nhà nội ở Cái Bè, tập làm quen với việc ruộng đồng. Ba gồng gánh cả nhà nên ai thuê gì, kêu đâu cũng làm mà vẫn thiếu trước hụt sau. Má thương ba vất vả nhưng vì tôi còn nhỏ nên chỉ quẩn quanh việc vặt ở xóm, bữa có bữa không. Sớm hiểu được hoàn cảnh gia đình nên trông tôi lúc nào cũng chững chạc hơn mấy đứa bạn đồng trang lứa. Chưa bao giờ tôi đòi hỏi hay vòi vĩnh điều gì. Ba tôi vì thế càng gắng sức thêm việc để bữa cơm có thêm con cá, cọng rau. Má tôi vì thế càng chắt chiu để tôi có thêm manh áo, tấm quần. Má tôi khéo tay lắm, quần áo tôi mặc từ nhỏ tới lớn một tay má may.

Thương ba má cần cù, cô năm tôi giúp một phần, ba đánh liều vay mượn thêm ít nữa mua chiếc xe tải cũ, buôn gạo ở chợ Bà Tồn. Ba ngược xuôi trên những chuyến xe, cả tuần mới về một lần, thành ra nhà chỉ còn hai má con thủ thỉ. Đêm nào biết ba về, tôi cũng nhấp nhỏm không yên. Bị má rầy, tôi vờ nhắm mắt, nằm im, dỏng tai ngóng tiếng xe chạy ngoài đường. Xe đổ xịt một hồi lâu mà không nghe má trở mình mở cửa, lòng tôi tràn lo âu, thầm trách chiếc xe nào trêu ngươi. Có những đêm dưới ánh đèn cầy leo lét, má kể tôi nghe về bà ngoại, về những ngày má còn con gái, về lần má gặp ba, má dạy tôi ca những bài ca má thuộc từ thời còn son rỗi, cho vơi đi nỗi sợ đêm tối, vơi đi nỗi ngóng ba về và quên đi câu hỏi con trẻ đầy nhức nhối: “Sao người ta lại cắt điện nhà mình hở má?”.

2.Hè năm tôi học lớp 7, anh họ tôi ở Sài Gòn về chơi, kể đủ chuyện ở trường nội trú, tôi mắt tròn mắt dẹt ngồi nghe rồi đâm mê tít, nằn nì má cho lên phố học. Má thảng thốt rồi gạt phắt đi. Nhưng trước quyết tâm của tôi, má biết không ngăn được “con ngựa bất kham”. Đêm trước hôm tôi lên Sài Gòn, tôi thấy ba ngồi trầm ngâm. Cái dáng mà 6 năm sau khi ba hay tôi thi vào trường Sân khấu, tôi bắt gặp một lần nữa sau câu cà rỡn: “Trời ơi, để năm chục ngàn ăn hai tô phở có sướng hơn hông?”. Đến lúc ấy, tôi mới hiểu nỗi niềm thinh lặng trong ba. Tôi rất muốn bước tới, nói với ba một điều gì đó hoặc đơn giản là nắm lấy tay ba. Nhưng, chân tôi cứ bấu chặt xuống nền nhà, cổ họng tôi nghẹn cứng. Và cũng như má, cái dáng trầm ngâm ấy khắc sâu vào tâm khảm tôi, giữ tôi đi đúng hướng, nhắc tôi cố gắng hoàn thiện từng vai diễn bằng khả năng, tránh những chiêu trò ồn ào sáo rỗng. Bởi nếu tôi nổi tiếng theo cách ấy, ba tôi sẽ buồn lắm.

Nhưng đó là khoảng thời gian sau này, còn ở thời điểm được ba má đồng ý cho lên phố học, tôi cực kỳ háo hức. Sài Gòn trong mắt một con bé nhà quê đầy lạ lẫm nhưng không sợ hãi. Tôi không biết điều gì thôi thúc mình nữa. Hay như nhiều người vẫn nói, tại tôi tuổi con ngựa nên cái số phải sống xa nhà. Riêng tôi thấy, dường như trong người mình lúc nào cũng có máu liều hết. Cái gì mới mới là thu hút tôi. Mười mấy tuổi đầu, sống xa gia đình, xa bè bạn, xa con sông ì oạp nước, ai mà không thương không nhớ. Nên, cuối tuần nào cũng vậy, học xong là tôi nhảy tót lên xe bus về nhà cho kỳ được rồi nấn ná ở với má tận sáng thứ hai. Tôi nhớ hoài cái đận má sinh em tôi, nước ngập tới đầu gối, 4 giờ sáng tôi bì bõm lội nước ra đường lớn đón xe lên học. Nước lớn quá, bước sau hụt bước trước. Cực vậy nhưng tôi chưa bao giờ khóc. Vậy mà, năm thứ nhất, bắt đầu đi phim, rồi làm MC, đi hát, lăn lóc đủ thứ nghề, mọi thứ quay cuồng theo người ta, lắm lúc tủi thân, tôi hay về khóc với má lắm! Má thương tôi, muốn theo chăm sóc mà tôi không có chịu. Ừ thì, nghề nào mà chẳng có khó khăn và vấp váp chút ít ở buổi đầu. Nhìn lại, tôi thấy mình thật may mắn. May mắn vì được thừa hưởng tình yêu sân khấu từ ngoại, từ má. May mắn vì được nghề chọn. May mắn vì được nhiều cô chú, anh em trong nghề tin tưởng, được khán giả thương yêu.

3.Tốt nghiệp trung học, tôi định học kinh tế tiếp quản công việc của ba má. Một cậu bạn cùng lớp thi vào trường Sân khấu, rủ tôi thi chung cho vui. Không nghĩ mình có khiếu, tôi từ chối, nhưng bạn nhiệt tình làm luôn hồ sơ cho tôi. Bất ngờ là tôi thi đậu, còn cậu bạn lại rớt. Ngày tôi thi năng khiếu, má tất tả ở quê lên. Má theo sát tôi như ngày trước bà ngoại theo má vậy. Má tôi mê sân khấu lắm. Hồi trẻ má từng có ý định thi vô trường Nghệ thuật sân khấu 2 nhưng ngoại sợ phận “xướng ca vô loài” nên không cho. Mà ngăn vậy thôi chớ ở quê có đoàn cải lương nào về, hay má có buổi diễn văn nghệ ở trường là ngoại đi coi không sót. Có phải, cái máu văn nghệ của ngoại, của má như dòng nước mát rượi của sông đã thấm vào tôi, tự nhiên như nhiên?

Chân ướt chân ráo vô trường, tôi và một cô bạn nhận được vai quần chúng trong phim Duyên trần thoát tục. Hai đứa nôn nao tới mức không ngủ được. Ngày quay cận kề mà anh Trực, trợ lý phim, không thông báo gì để tụi tôi chuẩn bị, kể cả địa điểm quay cũng không biết. Vừa sốt ruột, vừa giận cách làm việc của anh, tôi gọi cho anh, nói một hơi: “Anh đừng có nghĩ tụi em là sinh viên mới vô trường rồi muốn làm gì thì làm nha! Mốt anh kêu nữa, tụi em không có đi đâu. Rồi em sẽ nói cho cả trường biết luôn!” Chắc tại tôi… dữ quá nên anh nhớ, thành ra hôm thử vai phim Đam mê của chú Đinh Đức Liêm, anh gọi cho tôi hay. Cũng nhờ anh xông xáo, động viên, đèo tôi đi thử vai nên mới có một Vân Trang của ngày hôm nay. Tôi vô cùng biết ơn anh. Để đánh dấu vai diễn chính đầu tiên trong sự nghiệp, chú Liêm đã lấy tên nhân vật ghép vào tên thật làm nghệ danh cho tôi. Lúc phim lên sóng, hai bên bà con nội ngoại điện thoại nhắc nhau xem phim tôi đóng rôm rả. Những yêu thương ấy, đến tận bây giờ, vẫn nguyên sơ. Duy chỉ có ba tôi im lặng theo dõi. Mãi những phim sau, tôi mới thấy ba mỉm cười. Hôm được trao giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim lần thứ 18, tôi sung sướng vì nỗ lực của mình được ghi nhận, càng hạnh phúc hơn khi thấy nét cười an nhiên trên gương mặt ba. Với tôi, đó là món quà ý nghĩa nhất.

4.Bạn bè tôi hay quở: “Người nổi tiếng gì mà lười xuất hiện trên báo quá!”. Tôi chỉ cười cười. Được sống theo cách của mình không thú vị sao? Bây giờ nhiều người nhận ra tôi quá, có che chắn thế nào cũng bị phát hiện, nếu không tôi sẽ lại như ngày mới đi phim, trùm khẩu trang ngồi xe khách về quê, lắng nghe những thanh âm chộn rộn của cuộc sống.

Nhiều người hỏi tôi, tết nào cũng xa nhà, có buồn không? Tôi tình thiệt trả lời, ngày tết sum họp với gia đình hẳn nhiên là vui hơn. Nhưng, có lẽ do tôi sống xa gia đình từ nhỏ nên quen chăng? Hay chính bởi những giọt mồ hôi thấm ướt cái áo đã sờn của ba, những ngón tay bị kim đâm của má đã hun đúc cho tôi sức mạnh vượt mọi gian nan? Tết này – cái tết đầu tiên tôi không tất bật trên sàn diễn. Tôi ví đó là một nốt lặng giữa những khuôn nhạc. Để bồi đắp những yêu thương, để phục hồi năng lượng cho một khởi đầu, mới mẻ hơn. Vì tôi rất sợ một ngày nào đó, những yêu thương tôi đang có đột nhiên biến mất. Và vì tôi rất sợ lặp lại chính mình. Lâu lâu, tôi lại có cảm giác bứt rứt, khó chịu. Khát khao có được vai diễn mới và nỗi sợ không đủ khả năng chinh phục nó cứ xoắn chặt lấy tôi. Bình tĩnh nhìn lại, tôi nhận ra rằng chỉ cần có đủ khát vọng chiếm lĩnh điều bạn muốn, tất nhiên không phải bằng mọi giá, bạn sẽ làm được. Như con sông quê tôi quanh năm vẫn hiền hòa chảy, dẫu có lúc tắc nghẽn vì lục bình hay nhiều thứ nổi trôi nhưng rồi nước sẽ lại thông ra biển lớn.

Gió những ngày cuối tháng Chạp vương vít nhiều nỗi niềm, phảng phất mùi khói bếp cay nồng hương củi, nắng hanh vàng hong những nụ mai tơ nõn bên hiên nhà. Tôi nghe tiếng ai đó í ới gọi nhau. Tôi lại thấy tôi một chiều tháng Chạp se lạnh, chân trần chạy lên xuống, tíu tít trang hoàng nhà cửa, chờ ba má về đón một năm mới đầy an vui

Dung Hoàng
.
.